Hoa Kỳ

Chế độ độc tài của Assad ở Syria khởi sự sụp đổ toàn bộ

Hoài Mỹ/Viễn Đông Wednesday, 25/07/2012 - 08:57:26

Việc đào tẩu của nữ Đại Sứ Hariri được nhận định là tối quan trọng, bởi vì bà là cháu của Phó Tổng Thống Farouk al-Sharaa. Bà là tín đồ Hồi Giáo Sunni và xuất xứ từ thành phố Deraa, nơi cuộc nổi dậy khởi phát vào tháng 3 năm ngoái.

Hoài Mỹ/Viễn Đông

DAMASCUS - Trưa hôm qua, Thứ Tư, 25 tháng 7, một tin tức đã được xác nhận là thêm một Đại Sứ nữa của Syria vừa đào tẩu khỏi chế độ của Tổng Thống độc tài Bashar al-Assad. Theo các nguồn mà đài TV Ả Rập Al-Jazeera tiếp xúc: Đại Sứ Abdel Latif Dabbagh của Syria ở Liên Hiệp Ả Rập Emirate đã quyết định rời bỏ chế độ-Assad.
Ông cùng với người vợ, Lamia al-Hariri cũng là Đại Sứ của Syria ở Chypre, hôm qua đã đào tẩu một lượt. Thông tấn xã Reuters viết, theo một thành viên của phe đối lập thuộc Hội Đồng Quốc Gia Syria (SNC/Syrian National Council), ông bà cựu Đại Sứ này hiện tạm cư tại Qatar.
Nội trong tháng 7 này, cả thảy đã có 3 Đại Sứ của Syria rời bỏ chế độ.
Việc đào tẩu của nữ Đại Sứ Hariri được nhận định là tối quan trọng, bởi vì bà là cháu của Phó Tổng Thống Farouk al-Sharaa. Bà là tín đồ Hồi Giáo Sunni và xuất xứ từ thành phố Deraa, nơi cuộc nổi dậy khởi phát vào tháng 3 năm ngoái.

Chế độ suy yếu hơn nữa
Nadim Shehadi thuộc viện tư duy Chatham House với căn cứ ở London đã nói với thông tấn xã NTB rằng: “Chế độ đã lâm vào một giai đoạn mới với các vụ đào tẩu quan trọng. Chế độ nay càng suy yếu hơn nữa. Chế độ đã khởi sự sụp đổ toàn bộ, tuy nhiên hiện vẫn còn quá sớm để quả quyết là nó sắp chết”.
Ông Shehadi cho là quả tình vẫn khó để cấu tạo một bức ảnh rõ rệt về những gì thật sự đang xẩy ra: “Sẽ có nhiều tính toán để hưởng lợi và nhiều giả thuyết mưu toan. Vậy chúng ta phải chờ xem”.
Chuyên gia về Trung Đông, Kai Kverme tại Viện Đại Học Oslo, đồng ý là hiện còn quá sớm để xác quyết về những hậu quả: “Tuy nhiên rõ ràng đây là thời gian cam go đối với chế độ. Khi các khuôn mặt nặng ký đào tẩu thì đó là một dấu hiệu về sự họ không còn tin tưởng chế độ này có cơ may tồn tại. Sự kiện này đã gửi tín hiệu đến những người còn ở lại với chế độ, tới phe đối lập và tới người Nga”.
Nga nằm trong số những cột trụ chống đỡ mạnh mẽ nhất của chế độ Assad cùng với Iran và nhóm Hồi Giáo Shia Hizbollah ở Lebanon.
Giáo Sư Kai Kverme phát biểu tiếp: “Tạm thời chúng ta chưa thấy những cuộc đào tẩu tập thể như chúng ta đã từng chứng kiến ở Libya. Sự kiện này chưa hẳn chúng ta sẽ được thấy, nhưng trong những ngày gần đây đã có rất nhiều quân nhân đào ngũ. Và điều này có nghĩa đương nhiên là quân đội bị suy yếu”.

Tướng đào ngũ Tlas kêu gọi quân đội bất tuân lệnh chế độ
Thứ Ba, 24-07-2012, cựu Đại Tướng Manaf Tlas lần đầu tiên đưa ra lời tuyên bố chính thức kể từ sau ngày ông đào tẩu hồi đầu tháng vừa qua. Trong một chương trình phỏng vấn dành cho đài TV Al Arabiya, ông xác quyết thái độ và lập trường của ông chống lại chế độ và ông kêu gọi nhân dân Syria đoàn kết hướng về một đất nước Syria cách mạng.
Kêu gọi đoàn kết chống lại chế độ: Tướng Tlas hiện cư ngụ tại Pháp. Ông tuyên bố: “Tôi nói với quí vị với tư cách một thành viên tách biệt với quân đội Syria, một người chống lại lối hành xử phạm pháp của chế độ. Tôi nói với quí vị với tư cách một trong những người con của quê hương Syria. Các sĩ quan danh dự của Syria không chấp nhận những hành động hình sự này ở Syria. Xin cho tôi được phép phục vụ Syria sau (khi đã phục vụ cho) sự vinh quang của Assad”.
Manaf Tlas trong nhiều năm qua đã là người bạn thân tín của Assad và là yếu nhân đầu tiên thuộc vòng bên trong nhất của Assad rời bỏ hàng ngũ. Ông ở trong số rất ít tín đồ Hồi Giáo Sunni lọt được vào vòng nội bộ thân tín của Tổng Thống Bashar al-Assad và leo lên hàng tướng lãnh thượng cấp trong Lữ Đoàn Cộng Hòa do Maher, anh của Assad, chỉ huy. Mustafa, thân phụ của ông Tlas đã từng giữ chức Tổng Trưởng Quốc Phòng trong 32 năm và là một trong những cố vấn hàng đầu của Hafez al-Assad, cha của Bashar.
Cựu Đại Tướng Manaf Tlas tuy không yêu cầu trực tiếp quân nhân đào ngũ như các sĩ quan khác vẫn làm sau khi họ tẩu thoát; tuy nhiên, ông nhấn mạnh đến việc ưu tiên duy trì Syria đoàn kết. Ông tuyên bố: “Bổn phận của chúng ta ngày nay là phủ nhận chế độ này và tất cả những người khác vốn gieo rắc sự tranh chấp giữa những người Syria chúng ra”.
Không rõ động lực: Bởi vì cho tới nay Tướng Tlas mới phát biểu chính thức, do đó có những câu hỏi phải chăng động lực chính trị nào tiềm ẩn trong hành động ông trốn khỏi Syria và gia nhập phe nổi dậy hoặc bởi những mong ước nào khác khiến ông phải rời xa đất nước vốn đã tả tơi vì chiến tranh.
Theo tư tưởng gia Nadim Shehadi, có nhiều suy tính phức tạp về thái độ im lặng của ông Tlas trong nhiều tuần lễ vừa qua, “nhưng cũng khó để nói rõ về những gì đứng sau, kể cả sự khả thể trong đó có sự phù hợp với Assad”. Thêm vào đó, ông Shehadi còn diễn giải việc lên tiếng chính thức của Tướng Tlas là dấu hiệu nay ông tình nguyện làm nhà lãnh đạo cho cuộc chuyển hoán ở Syria.
Giáo Sư Kai Kverme nêu rõ việc Tướng Tlas từ chối quan hệ với Hội Đồng Quốc Gia Syria nhưng rất có thể ông nói chuyện với một vài thành phần của phe đối lập hẳn là ông muốn tạo cho mình một vị thế khi Assad có thể sụp đổ. Đáp câu hỏi “Tlas nay lên tiếng sau nhiều tuần lễ giữ im lặng; điều này có thể mang ý nghĩa là ông ta cảm thể bình yên hơn khi chế độ khởi sự sụp đổ?”, chuyên gia về Trung Đông Kai Kverme phát biểu: “Rất có thể như vậy, nhưng dù sao chúng ta cũng chẳng thể biết chắc chắn. Hôm qua ông ta đã không nói gì về điều ấy. Vả lại ông ta đã không đào tẩu nếu ông ta đã nghĩ rằng vẫn hiện hữu cơ may để chế độ ấy tồn tại”.
Như trên đã nêu, trái với các sĩ quan cao cấp Hồi Giáo Sunni đào ngũ khác kể từ ngày khởi phát cuộc nổi dậy cách nay 16 tháng, Tướng Tlas đã không kêu gọi các quân nhân khác cùng đào ngũ. Thay vào đó ông nhấn mạnh rằng sự đồng tâm quốc gia là điều quan trọng sau cuộc sụp đổ khả thể của Assad. Ông Tlas còn nêu rõ rằng ông không trách cứ bất cứ ai đã không đào ngũ.

Lực lượng chế độ Assad tấn công Aleppo và vùng ngoại ô Damascus
Thông tấn xã Reuters loan tin, vào lúc 3 giờ 15 sáng hôm qua (giờ địa phương), các lực lượng chính phủ đã tiến quân vào vùng ngoại ô al-Tel, mạn Bắc của thủ đô Damascus. Các phóng viên cho biết nhiều chung cư đã bị trúng đạn. Khoảng 100.000 cư dân định cư ở Tel. Các nhà hoạt động đối lập và cư dân ở đây kể rằng đã xẩy ra tình trạng hoảng sợ tập thể và hàng trăm gia đình đã phải chạy loạn.
Nhà hoạt động Rafe Alam tường thuật với Reuters qua điện thoại từ một ngọn núi bao phủ vùng Tel: “Phi cơ trực thăng quân sự quần thảo trên thành phố. Dân chúng bị những tiếng nổ đánh thức để rồi phải tìm lối trốn chạy. Điện và các đường dây điện thoại đều bị cắt”.
Trong suốt đêm các lực lượng Syria với xe tăng và thiết vận xa cũng tấn công vào hàng trăm toán quân kháng chiến ở Aleppo. Theo các nhà hoạt động đối lập, các toán này đã phải rút lui khỏi cao nguyên chiến thuật Jabal al-Zawiya trong tỉnh Idlib, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Aleppo.
Aleppo là thành phố lớn thứ nhì của Syria và nay nằm trong địa bàn của cuộc nội chiến.
Trong những ngày gần đây, chiến tranh đã leo thang khốc liệt ở các địa phương thuộc hai thành phố quan yếu Aleppo và Damascus. Theo thông tấn xã Reuters, các lực lượng của Tổng Thống Bashar al-Assad đã gặp phải sức chống cự mạnh mẽ của phe nổi dậy; và tình thế cho thấy dường như họ có thể đẩy lui quân kháng chiến khỏi Damascus thay vì quay hướng chú ý về Aleppo. Các cư dân kể là suốt hôm qua chiến đấu cơ trực thăng của lực lượng chế độ đã quần thảo trên thành phố và bắn hỏa tiễn xuống các khu gia cư.
Ở thành phố lịch sử này đã diễn ra những trận giao chiến giữa quân đội Syria và phe nổi dậy. Quân đội dùng súng phóng lựu và hỏa tiễn nhắm vào quân kháng chiến vốn chỉ được trang bị bằng súng trường và súng máy. Cư dân Omar từ một trong những khu vực bị tấn công đã dùng điện thoại di động để tường thuật: “Tôi nghe được ít nhất cũng 20 tiếng hỏa tiễn nổ; tôi nghĩ là họ đã đổ bộ từ các máy bay trực thăng. Họ đều bắn bằng súng liên thanh”. Ngừng một lát vì bị những tiếng nổ gây cản trở, Omar kể tiếp: “Gần như mọi người đã chậy trốn trong nỗi kinh hoàng, trong đó có cả gia đình tôi. Tôi phải ở lại để tìm cách ngăn chặn những vụ cướp bóc. Chúng tôi nghe nói bọn họ thường xuất hiện sau khi một khu vực bị tấn công”.
Ngoài ra theo tin của thông tấn xã NTB, hôm Thứ Ba, trên 30 người đã bị các lực lượng quân đội và bán quân sự của chế độ bắn chết ở một ngôi đền thờ tại một thôn quê nằm về mạn Tây-Bắc của thành phố Hama. Vụ tấn công này xẩy ra khi dân chúng đến đền thờ này để cầu nguyện.
Một nhà hoạt động chống chế độ ở Syria đã kể lại với thông tấn xã Reuters: “Quân đội và các phần tử của nhóm bán quân sự Shabbiha đã bỏ vụ vây đường lộ ở ngoại ô của Shariaa, sau đó vượt qua con đường chính mà vừa tiến vào đền thờ vừa bắn thẳng vào các tín đồ”.
15 nạn nhân trong số tử vong vẫn chưa được nhận diện. Các chi tiết về vụ tấn công vào đền thờ này cũng chưa được các nguồn độc lập xác nhận.

Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới
Thứ Tư, 25-07-2012, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đóng cửa các đồn canh ở biên giới với Syria. Theo thông tấn xã NTB, Tổng Trưởng Thương Mại của Thổ Nhĩ Kỳ, Hayati Yazici, đã tiết lộ quyết định trên với đài TV quốc gia NTV. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tiếp nhận hàng chục ngàn người di cư từ cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria trong mấy tháng nay.
Cuối tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng các biện pháp phòng thủ dọc theo biên giới với quốc gia lân bang Syria vốn đã bị chiến tranh tàn phá dữ dội. Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt các vị trí hỏa tiễn và đồn trú nhiều toán quân. Quân kháng chiến ở Syria trong tuần vừa rồi đã chiếm được quyền kiểm soát đối với 3 vị trí quan trọng nằm dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Do Thái muốn cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ

Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Do Thái cho rằng Do Thái và Thổ Nhĩ Kỳ nên sửa đổi tình trạng giữa hai nước vì lý do hoàn cảnh bất ổn ở trong vùng.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt giảm những mối quan hệ tốt đẹp trước đây với Do Thái sau khi quân đội Do Thái đã gây tử vong cho 9 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ khi vào năm 2010 những người này tìm cách tiến vào Dải Gaza với các phẩm vật cứu trợ. Thật sự thì mối quan hệ giữa hai bên cũng đã trở nên xấu vì cuộc chiến-Gaza.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn từ chối cải thiện mối quan hệ bao lâu Do Thái không chịu xin lỗi về vụ giết hại các nhà hoạt động và bồi thường cho các gia đình nạn nhân đồng thời hủy bỏ cuộc phong tỏa Dải Gaza; điều mà Do Thái cũng cương quyết tiếp tục không thuận theo.
Thứ Ba vừa rồi Thủ Tướng Netanyahu đã bầy tỏ: “Thổ Nhĩ Kỳ và Do Thái là hai quốc gia quan trọng, mạnh và ổn định trong vùng. Chúng ta phải tìm tới một phương thức tái lập mối quan hệ tốt đẹp; đây là sự ổn định quan trọng hiện nay ở vùng này”.
Ông Netanyahu không nêu lý do kế hoạch tại sao lại được đưa ra vào chính lúc này, tuy nhiên dư luận vẫn hiểu cả Do Thái lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều có biên giới chung với Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tiếp nhận hàng chục ngàn người di cư - và Do Thái lo lắng một cuộc sụp đổ ở Syria sẽ đưa tới hệ quả là vũ khí hóa học của chế độ có thể rơi vào tay tổ chức Hồi Giáo Hizbollah ở Lebanon.

Nga: “Không thể chấp nhận việc đe dọa bằng vũ khí hóa học”
Chính quyền ở Mạc Tư Khoa (Moscow) tuyên bố rằng họ đã thông báo rõ ràng với Syria về việc không thể lấy vũ khí hóa học ra mà hù dọa.
Đại Sứ của Syria ở Mạc Tư Khoa, thủ đô Nga, đã nhận được một thông báo “hết sức minh bạch” là Nga cho rằng lối đe dọa ấy không thể nào được chấp thuận. Quan điểm này đã được nêu trong một bản tuyên cáo của bộ Ngoại Giao Nga.
Đầu tuần vừa rồi Syria đã đe dọa sử dụng vũ khí hóa học nếu các quốc gia khác can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria.
Biện pháp này đã bị nhiều nước Tây Phương và Hoa Kỳ kết án nặng nề. Thứ Hai vừa rồi, Ngoại Trưởng Đức Guido Westerwelle gọi việc đe dọa ấy là “khả ố”, trong khi Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama nhắc nhở thế giới cần theo dõi những gì Assad và những người quanh ông ta thực hành. Ông Obama cảnh cáo: “Họ phải chịu mọi trách nhiệm đối với cộng đồng thế giới và Hoa Kỳ nếu họ vi phạm lỗi lầm bi thảm này là sử dụng những vũ khí (hóa học) ấy”.
Do Thái cũng đã bầy tỏ nỗi băn khoăn về hậu quả các vũ khí hóa học ấy có thể lọt vào tay nhiều nhóm loạn quân trong trường hợp chế độ ở Syria sụp đổ.
Quốc vương Abdullah của Jordan cũng lo lắng là việc Syria lưu giữ vũ khí hóa học vốn có thể rơi vào tay của al-Qaida. Nhà vua nói với đài CNN: “Theo tin tức của chúng tôi, al-Qaida đã hiện diện ở một số nơi cùa Syria, và họ đã ở đó trong một thời gian”.
Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại Giao Nga, chính phủ của Syria đã cam kết là các vũ khí này vẫn được giữ gìn kỹ lưỡng.
Thông tấn xã NTB viết, Thứ Trưởng Ngoại Giao Nga, Gennadij Gatilov hôm qua Thứ Tư đã tuyên bố: “Chúng tôi đã nhận được sự quả quyết vững chắc từ Damascus là sự an toàn bao quanh kho vũ khí là hoàn hảo”.
Thế nhưng cũng có tin là quân kháng chiến đã tấn công được nhiều căn cứ quân sự của chế độ Assad và chiếm đoạt nhiều thứ vũ khí. Quốc vương Abdullah trong buổi phỏng vấn của CNN đã bầy tỏ niềm lo sợ những hậu quả của sự leo thang trong cuộc nội chiến này vốn sẽ lan rộng khắp vùng. - (HM)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT