Thế Giới

Chê Mỹ "bất lịch sự," Duterte đưa Phi Luật Tân vào quỹ đạo của Trung Cộng

Thursday, 20/10/2016 - 11:04:44

Dường như có một khoảng cách giữa điều Duterte nói và điều mà chính phủ và các đồng minh của ông hy vọng thực hiện. Chẳng hạn, lời phát biểu của ông về Lực Lượng Đặc Biệt ở Mindanao đã nhanh chóng bị đảo ngược bởi Bộ Trưởng Quốc Phòng của ông, và sau đó bởi chính ông Duterte.

Phó Thủ Tướng Trương Cao Lệ (bên phải) và Tổng Thống Rodrigo Duterte tại Diễn Đàn Mậu Dịch và Đầu Tư tại Bắc Kinh ngày thứ Năm. (Wu Hong/ Getty Images)

 

BẮC KINH – Vào ngày thứ Tư, Tổng Thống Rodrigo Duterte nói rằng “đã đến nói lời tạm biệt” với Hoa Kỳ. Qua ngày thứ Năm, lãnh đạo của Phi Luật Tân đã chào đón Trung Quốc với những lời lẽ đầy nhiệt tình.
Trong những cuộc họp diễn ra sau mấy tháng chỉ trích Mỹ, Duterte và Chủ Tịch Tập Cận Bình gặp nhau tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, hứa hẹn sẽ chuyển từ tình trạng tranh chấp kịch liệt sang tình bằng hữu.

Khác với dự đoán của nhiều người, hai nhà lãnh đạo này đã không đạt được một thỏa thuận về Biển Đông, nhưng họ đồng ý mở những cuộc đàm phán song phương. Đây là một sự chuyển biến rõ rệt từ phía Manila đối với Bắc Kinh.

Họ cũng đã ký kết 13 thỏa thuận, củng cố những kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn, về những vấn đề như bài trừ ma túy và đánh cá, và mở đường cho việc Trung Quốc nhanh chóng đầu tư vào hạ tầng kiến trúc ở Phi Luật Tân.

Nhằm nhấn định thông điệp quay sang Trung Cộng, sau đó Duterte loan báo việc nước ông “tách khỏi” Hoa Kỳ về mặt kinh tế và quân sự, trong một bài diễn văn đọc trước các giới chức điều hành kinh doanh ở Bắc Kinh, được đám đông vỗ tay hoan nghênh.

Ông nói rằng người Mỹ là “kẻ bất lịch sự” với một “thanh quản không được điều chỉnh cho thái độ lễ phép,” theo đoạn video được quay bởi một nhà báo người Phi Luật Tân tham dự cuộc họp.

“Tôi đã tự sắp xếp lại tư thế theo dòng chảy ý thức hệ của quý vị,” Duterte nói với phía chủ nhà Trung Quốc tiếp đón ông. Trong khi đó, ông cũng gợi ý rằng ông có thể tiếp xúc với Tổng Thống Nga Vladimir Putin, cho những cuộc đàm phán về một liên minh ba chiều, theo hãng tin Reuters cho biết.

Ông Duterte nói thêm, “Có ba chúng ta chống lại thế giới: Trung Quốc, Phi Luật Tân và Nga. Đó là cách thức duy nhất.”

Những gì xảy ra hôm thứ Năm sẽ đem lại sự vui mừng cho Manila và Bắc Kinh: ông Duterte có thể trở về nhà, tiền nắm trong tay, nhận được sự ủng hộ quốc tế cho một “cuộc chiến chống ma túy” tự xưng đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng.

Trong lúc các cuộc đàm phán bắt đầu, giữa Bắc Kinh và Tổng Thống Duterte, có tin tức về một khoản tiền vay $3 tỷ Mỹ kim của Ngân Hàng Trung Quốc dành cho Manila, theo tin của Reuters.

Trong khi đó, các quan chức hàng đầu của Bắc Kinh đã bắt đầu ve vãn Phi Luật Tân, một nước chủ chốt trong kế hoạch tái lập thế thăng bằng ở Á Châu của Hoa Ky. Họ muốn các nước láng giềng, kể cả Việt Nam, thấy rằng việc chơi đẹp với Trung Quốc sẽ đem lại tưởng thưởng hậu hĩnh.

Tập Cận Bình nói, “Điều này thực sự có ý nghĩa quan trọng trong những mối quan hệ Trung Quốc-Phi Luật Tân.”

Lần này với giọng thi ca hơn là tục tằn, ông Duterte nói về một “mùa xuân” đang chớm nở trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân.

Trong những năm gần đây, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông đã đẩy Phi Luật Tân tới phía Hoa Thịnh Đốn; Manila kiện Bắc Kinh tại một tòa án quốc tế, và thực hiện các kế hoạch để cho thêm quân Mỹ trú đóng trên đất Phi Luật Tân.

Tuy nhiên, trong vòng chưa đầy bốn tháng tại chức, ông Duterte đã thay đổi đường lối đó. Khi tòa án đưa ra một lời quở trách rộng rãi về các vấn đề hàng hải của Trung Quốc, ông làm giảm bớt tầm quan trọng của phán quyết ấy, và thay vì vậy ông đề nghị đàm phán với Bắc Kinh.

Xu Liping, một chuyên gia về Trung Quốc và Đông Nam Á tại Viện Khoa Khoa Học Xã Hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói, “Tôi nghĩ rằng ông ấy đang cố gắng tìm thế thăng bằng mang lại lợi ích tốt nhất cho Phi Luật Tân.”

Thế cân bằng mới này rất quan trọng cho Hoa Kỳ. Phi Luật Tân là một cựu thuộc địa của Mỹ, và là một đồng minh quan trọng trong khu vực, nhưng những câu hỏi nay được nêu ra trong mối quan hệ ấy.
Chỉ tính riêng trong tháng Chín, ông Duterte kêu gọi rút Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ ra khỏi đảo Mindanao ở miền nam. Ông đe dọa chấm dứt những cuộc tuần tra chung với Mỹ, và thề quyết kết thúc những cuộc tập trận hàng năm. Tuy nhiên, ông đã đưa ra những lời phát biểu ấy trước khi liên lạc với các viên chức Mỹ, khiến cho các nhà ngoại giao thắc mắc những lời lẽ ấy kết thúc ở đâu và chính sách bắt đầu từ chỗ nào.

Dường như có một khoảng cách giữa điều Duterte nói và điều mà chính phủ và các đồng minh của ông hy vọng thực hiện. Chẳng hạn, lời phát biểu của ông về Lực Lượng Đặc Biệt ở Mindanao đã nhanh chóng bị đảo ngược bởi Bộ Trưởng Quốc Phòng của ông, và sau đó bởi chính ông Duterte.

Lối phát ngôn khoa trương, và việc đi lùi trở ngược lại của ông Duterte, đã ủng hộ ý tưởng cho rằng ông chỉ nhắm vào một mục đích cụ thể khi cần và có tính bốc đồng. Nhưng các nhà ngoại giao và các học giả ở Manila đã mô tả lời lẽ của ông là một kỹ thuật đàm phán tinh ranh, một cách thức để nịnh hót Trung Quốc mà chưa thật sự ly khai với Hoa Kỳ.

Một sự thay đổi đột ngột tách xa khỏi Mỹ sẽ là một điều khó được ủng hộ. Đại đa số người Phi Luật Tân, và các đồng minh của ông Duterte, đều có những quan điểm tích cực về Hoa Kỳ. Chính sách ngoại giao và cơ sở quốc phòng đã làm việc với người Mỹ trong nhiều năm, và theo một mức độ nào đó cậy dựa vào tiền bạc của Mỹ.

Trong một bức thư mới đây, cựu tổng thống Fidel Ramos, từng là người dìu dắt ông Duterte, đặt câu hỏi, “Phải chăng chúng ta đang vứt đi nhiều thập niên của việc hợp tác quân sự, trình độ khả năng chiến thuật, các thứ vũ khí tương thích, những nguồn tiếp liệu dự đoán được, và tình đồng bạn giữa lính với lính giống như vậy?”

Jay L. Batongbacal, giám đốc Viện Nghiên Cứu Các Vấn Đề Hàng Hải Và Luật Biển, thuộc trường Đại Học Phi Luật Tân, nói rằng sự lẫn lộn về những kế hoạch của ông Duterte đã khiến cho Hoa Thịnh Đốn “sốt ruột”, bởi vì phía Mỹ “không thể nhìn thấy bất kỳ thước đo đáng tin cậy nào cho chính sách ngoại giao của ông Duterte.”

Với cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Hoa Kỳ, nhiệm vụ đo đạc một phản ứng sẽ được trao lại cho chính phủ kế tiếp.

Eduardo Araral, phó khoa trưởng và phụ tá giáo sư tại Trường Chính Sách Công Cộng Lee Kwan Yew, thuộc Viện Đại Học Quốc Gia Singapore, nói rằng bà Hillary Clinton, người được đảng Dân Chủ đề cử làm ứng cử viên tổng thống, với tư cách là một kiến trúc sư của việc lập lại thế cân bằng về phía Á Châu của chính phủ Obama, sẽ cần phải đưa ra những đề nghị đàm phán có tính cách “tôn trọng và hòa giải” với ông Duterte. Nhưng bà có muốn làm như vậy hay không?

Trong khi đó, hậu quả của một chiến thắng của ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump là khó đo lường hơn. Ông Araral nói, “Ông Trump có thể thực sự thích ông Duterte.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT