Pháp Luật

Check không tiền bảo chứng: Phải làm sao?

Thursday, 26/05/2011 - 06:26:23

Ngoài việc bạn đòi số điện thoại của người viết check, và đòi xem ID có hình của họ, bạn nên lưu ý những điều sau đây khi nhận check:- ...

LS. Trần Khánh Hưng/Viễn Đông

Một trong những vấn đề mà những vị tiểu thương gia hay gặp là việc nhận check (ngân phiếu) không tiền bảo chứng. Đây có thể là một sự vô tình của người mua, hay có thể cũng là sự cố ý. Có những việc bạn có thể làm đề phòng việc này hay khi chuyện này chẳng may xảy đến cho bạn.


Ngoài việc bạn đòi số điện thoại của người viết check, và đòi xem ID có hình của họ, bạn nên lưu ý những điều sau đây khi nhận check:
- Nếu địa chỉ trên tấm check viết bằng tay, hay địa chỉ trong ID của người ký khác với địa chỉ viết trên check.
- Người ký check không có thẻ ID có hình.
- Tên của người ký check khác với tên in trên tấm check.
- Những chi tiết trên ID khác với chi tiết in trên tấm check.
- Số check viết bằng tay, bằng máy chữ hay đóng dấu.
- Nên cẩn thận hơn nếu nguời ký check ở tiểu bang khác.
- Nếu số tiền ký trên check nhiều hơn số tiền trả cho bạn.
- Nếu số check dưới 100.

* Những điều bạn nên làm nếu bạn nhận check không tiền bảo chứng
1. Liên lạc với nhà băng của người ký check: Nhà băng của bạn có thể chờ vài ngày rồi deposit check lại xem có lấy được tiền không, trước khi trả check lại cho bạn. Nếu nhà băng của bạn không làm việc này thì bạn có thể chờ vài ngày, rồi gọi điện thoại cho băng của họ xem nếu họ có tiền thì bạn có thể ra băng lấy tiền mặt ngay, nếu thuận tiện.
2. Gọi điện thoại cho người ký check: Cho họ biết check của họ bị trả lại vì không có tiền trong nhà băng. Yêu cầu họ trả tiền cho bạn bằng tiền mặt. Bạn nên cẩn thận, vì luật pháp có những giới hạn cho việc đòi nợ. Bạn nên gọi cho họ trong khoảng 8 giờ sáng đến 9 giờ tối, không nên gọi quá sớm hay quá trễ. Khi gọi điện thoại, bạn cũng không nên thảo luận về chuyện họ ký check không tiền bảo chứng với những nguời khác, vì bạn không biết họ là ai, nhất là bạn không nên nói việc này với chủ nhân hay những đồng nghiệp của họ.  
Khi gọi điện thoại cho họ, bạn nên giữ thái độ hoà nhã. Nếu đôi bên có sự cãi cọ, bạn nên ngưng cuộc điện đàm và viết thư cho họ.  
3. Viết thư cho người ký check: Trong thư bạn nên ghi rõ số tiền họ thiếu, cùng những tiền phạt hay những thiệt hại do cái check không tiền bảo chứng của họ gây ra, và cho họ cơ hội để trả tiền cho bạn. Bạn nên gửi thư bảo đảm có giấy hồi báo để làm bằng chứng sau này.  
4. Cố tình ký check không tiền bảo chứng có thể bị thưa về tội hình. Nếu bạn đã cố gắng giải quyết với người ký check mà vẫn không đòi tiền được, bạn có thể nhờ văn phòng Biện Lý (District Attorney's Office) can thiệp. Văn phòng Biện Lý của Quận Cam có chương trình giúp những người nhận check không tiền bảo chứng đòi tiền mà không tốn thù lao. Chúng tôi sẽ viết thêm chi tiết về việc này trong một số báo tới.  Bạn có thể liên lạc với văn phòng Biện Lý nơi bạn ở để biết thêm chi tiết.
5. Nhờ văn phòng đòi nợ (collection agency) đòi cho bạn.
6. Thưa người ký check không tiền bảo chứng ra tòa, và đòi thêm tiền thiệt hại.  

* Tôi có thể đòi thêm tiền gì ngoài số tiền họ ký trên check?

Ngoài số tiền họ ký trên check, bạn có thể đòi thêm tiền lời từ khi họ ký check cho đến khi bạn lấy đuợc số tiền đó, cộng thêm tiền phạt, hay tiền service charge (một trong hai).

* Tiền service charge là bao nhiêu?
Tiền service charge tối đa là 25 Mỹ kim cho lần ký check không tiền bảo chứng đầu tiên, và 35 Mỹ kim cho  mỗi check không tiền bảo chứng sau đó (do cùng người ký).  Tuy nhiên, người ký check sẽ không phải trả tiền service charge trong những trường hợp sau đây:
1. Lỗi của nhà băng: Nếu nhà băng có sự nhầm lẫn, gây ra tình trạng check bị trả lại thì người ký sẽ không bị trả tiền service charge.
2. Do sự chậm trễ của automatic deposit với những chương trình trợ cấp của chính phủ:  Người ký check sẽ không phải trả tiền service charge nếu họ có thể chứng minh được là trong băng họ thiếu tiền là vì sự chậm trễ trả tiền của tiền trợ cấp An Sinh Xã Hội hay những chương trình trợ cấp khác của chính phủ.
3. Nếu tiền service charge đã tính rồi: Người ký check sẽ không phải trả tiền service charge nếu tiền service charge tính hai lần của cùng một check. Chẳng hạn trong trường hợp người nhận check không tiền bảo chứng đã gửi thư đòi tiền, cộng thêm tiền phạt theo luật Bad Check thì nguời ký check không tiền bảo chứng không phải trả tiền service charge nữa, vì luật không cho phép đòi tiền phạt hai lần (double recovery).

* Nếu tôi gửi thư đòi tiền bằng thư bảo đảm, có giấy hồi báo, mà họ không nhận thư thì sao?
Nếu người ký check không tiền bảo chứng không chịu  nhận thư bảo đảm của bạn gửi thì bưu điện sẽ trả về cho bạn thư bạn gửi, cùng với hoá đơn. Bạn cần giữ những thứ này để chứng minh là bạn đã có liên lạc với họ. Khi ra tòa, bạn cần những bằng chứng sau đây:
1. Hóa đơn của thư bảo đảm (receipt of the certified mail), trên đó có ghi tên và địa chỉ của bạn, tên và địa chỉ người nhận, tiền stamp và lệ phí gửi thư bảo đảm.
2. Giấy hồi báo không có chữ ký của người nhận để chứng minh là bưu điện đã gửi đi mà nguời nhận từ chối không nhận.

* Nếu check bị trả lại vì người ký cancel thì sao?

Nếu có lý do chính đáng, người ký check có quyền thông báo với nhà băng của họ để ngưng trả tiền (stop payment). Trong trường hợp tranh chấp có lý do chính đáng (good faith dispute), thì sau khi tranh chấp, ngay cả khi người ký phải trả tiền, thì người nhận không được quyền đòi tiền phạt, hoặc những lệ phí khác do việc ngưng trả tiền gây ra.

* Thế nào là có lý do chính đáng?

Nếu quan tòa cho là người ký check có lý do để nghĩ là họ có quyền ngưng trả tiền, chẳng hạn trong trường hợp người ký check trả tiền nhưng không nhận được sự phục vụ theo hợp đồng, hoặc họ trả tiền cho món hàng họ mua, nhưng không nhận được hàng hóa, hay hàng hóa bị hư hỏng, không đúng với sự thương lượng giữa đôi bên. Tuy nhiên, nếu người mua ngưng trả tiền (stop payment) chỉ vì đổi ý hay không muốn trả thì không được kể là có lý do chính đáng.

* Tôi có thể nhờ người khác đứng đơn kiện cho tôi được không?
Tùy trường hợp. Nếu bạn kiện người ký check không tiền bảo chứng ở toà small claims thì bạn phải là nguời đứng đơn, tuy nhiên bạn có thể có luật sư hay người đại diện, nếu bạn kiện họ ở toà sơ thẩm hay thượng thẩm (superior, municipal court hay justice court).

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về vấn đề ký ngân phiếu không tiền bảo chứng, không phải là cố vấn luật pháp.  Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại  davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA  92683.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT