Chuyện Nước Pháp

Chiêm tinh học Tây phương (kỳ 1)

Wednesday, 04/05/2016 - 09:10:32

Hiện nay chúng ta xem báo chí có thể thấy loại tin tức này xuất hiện hàng tuần với tên tiết mục là tử vi tây phương (horoscope) rất quen thuộc với những hình ảnh tượng trưng là Xử Nữ hình cô gái trong trắng (còn gọi là cung Trinh nữ trong 12 cung hoàng đạo, Vierge), Song Ngư (Poissons) hình con cá..

Nguyễn Thị Ngọc Diễm

Chiêm tinh học (CTH) Tây phương (có thể so sánh với bộ môn Tử Vi phía Việt Nam ta, tiếng Pháp là Astrologie) được xem là toàn thể những ý tưởng truyền thống sau khi tính toán cho rằng vị trí của các hành tinh trong hệ mặt trời và các giải ngân hà trông thấy trên cao về phương hướng, ngày tháng, giờ giấc nào đó... sẽ mang lại một số tin tức đặc biệt. Điều này giúp cho người quan sát phân tích những tin tức thu lượm nói trên nhằm mục đích tiên đoán những sự kiện thông thường hay biến cố trầm trọng áp dụng cho nhân loại lẻ loi hay tập thể. Dĩ nhiên, ngày sinh được ứng dụng vào công việc tính toán sẽ là ngày dương lịch. Bộ môn “bói toán” này dựa vào kiến thức của Thiên văn học rất nhiều (Astronomie, khoa học vật lý quan sát vũ trụ trên cao). Lịch sử xuất hiện của CTH có thể đã xảy ra từ 8000 năm trước Thiên Chúa nhờ các nhà khảo cổ học khám phá ra những hình khắc trên đá (éphémérides sur stèles, ghi chép thời gian trên bia tưởng niệm...) từ ngàn xưa còn đó.

Hiện nay chúng ta xem báo chí có thể thấy loại tin tức này xuất hiện hàng tuần với tên tiết mục là tử vi tây phương (horoscope) rất quen thuộc với những hình ảnh tượng trưng là Xử Nữ hình cô gái trong trắng (còn gọi là cung Trinh nữ trong 12 cung hoàng đạo, Vierge), Song Ngư (Poissons) hình con cá... Một danh từ khác còn dùng đến là “zodiaque” (les signes du zodiaque). Danh từ zodiaque ấn định phần bầu trời trên cao mà chúng ta nhìn thấy mặt trời sáng chói và các hành tinh có màu vàng hay xanh dương tùy theo tuổi thiên văn của chúng. Từ ngàn xưa đến nay, tổ tiên phương Tây chia vùng thấy này thành 12 phần đều nhau và đặt tên cho tất cả những tinh tú nằm trong đó. Ngày Xuân phân, 21 tháng ba là ngày bắt đầu của năm Chiêm tinh tương ứng. Chúng ta còn nhớ rằng ngày xuân phân là ngày mặt trời đi qua cực điểm của đường xích đạo trong nửa phần không gian phía Nam và ngày thu phân là điều tương ứng xảy ra trong bán cầu phía Bắc. Khi có xuân phân và thu phân thì ngày và đêm dài bằng nhau (còn đông chí và hạ chí liên quan đến ngày hay đêm dài nhất). Mặt trời thay đổi quỹ đạo của nó như thế, từ Bắc bán cầu vào Nam bán cầu và ngược lại hàng năm. Sự quan sát nói trên chia vùng không gian thành 12 phần đều nhau (12 cung Hoàng đạo trùng hợp với 12 tháng trong năm) với các tên gọi theo thứ tự là: bạch dương (bélier, cừu trắng ngày sinh từ 21/03 cho đến 20/04), kim ngưu (taureau, bò vàng, 21/04 cho đến 21/05), song nam hay song nữ (gémeaux, người sinh đôi, 22/05 cho đến 21/06), cự giải (cancer, cua đồng hay cua biển 22/06 - 22/07), mãnh sư (lion, 23/07 - 22/08), xử nữ (vierge, 23/08 - 22/09), thiên bình (balance, cán cân công lý hay dùng cho nhà bếp và nhân gian 23/09 - 22/10), hổ cáp (scorpion, bò cạp 23/10 - 22/11), nhân mã (sagittaire, quái nhân lai ngựa 23/11 - 21/12), ma kết (capricorne, dê sừng cong 22/12 - 20/01), bảo bình (verseau, 21/01 - 18/02), song ngư (poissons, cá 19/02 - 20/03).


                                     12 biểu tượng trong Chiêm Tinh Học tây phương

Các chữ ghép lại thành danh từ “zodiaque” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp zodiakos (nhiều con thú làm thành vòng tròn) viết tắt của chữ zoon (zodiaion) có nghĩa là thú vật bắt nguồn từ hình ảnh các chòm sao trên bầu trời gợi ý giống con này hay con kia hoặc giống cả con người hay đồ dùng hàng ngày. Dưới đây là ý nghĩa của từng tên gọi liên quan đến bảng 12 cung hoàng đạo với tính chất chung là giờ giấc chuyển động của mặt trời. Thật ra hoàng đạo còn trái nghịch với hắc đạo theo lý luận cổ truyền nhân gian thì Mặt Trời là thấy được còn Ông Trời thì vô hình (theo Tử Vi bên ta) nên hoàng đạo là giờ tốt theo sao tốt còn giờ xấu theo sao xấu.
Bạch dương: Vào mùa Xuân, các mục đồng dân tộc xa xưa thả dê cừu ra đồng xanh tha hồ gặm cỏ.
Kim ngưu: giữa mùa xuân ấm nóng, ở vùng tiểu Á có các người chăn nuôi trâu bò to con thả chúng ra vùng đất phì nhiêu nuôi dưỡng thân xác mập mạp.

Song nam (hay song nữ ngày nay): cho rằng ngày xửa ngày xưa có 2 anh chàng (nam trọng hơn nữ) xuất thân từ 1 con rồng có 2 đầu. Lúc đó, mùa xuân vừa chấm dứt để sang hạ và con rồng ngần ngừ, do dự; nó lúng túng không biết phải làm sao giữa lúc đổi mùa cho nên mới có 2 đầu mang tính chất đi đôi với nhau mà vẫn khác nhau.

Nguyễn Thị Ngọc Diễm (còn tiếp 1 kỳ)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT