Thế Giới

Chiến đấu cơ Đài Loan nghênh chiến Trung Quốc

Wednesday, 11/01/2017 - 11:43:41

Bonnie S.Glaser, một chuyên gia quân sự ở Washington D.C., nhận xét, “Đây là màn phô diễn sức mạnh quân sự, nó có mục tiêu dọa nạt rất rõ ràng.”

Các chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan đã vội vã cất cánh sau khi chiếc hàng không mẫu hạm Trung Quốc Liaoning tiến vào Eo Biển Đài Loan, khiến bầu không khí hai quốc gia càng thêm căng thẳng. Một chiến hạm của Hải Quân Đài Loan cũng được lệnh lên đường bám sát hạm đội của Trung Quốc.
Chiếc Liaoning di chuyển hướng về phía tây bắc cùng với một số tàu chiến khác hộ tống. Vài hôm trước trong một hành động khiêu khích, Trung Quốc cho oanh tạc cơ H-6 có khả năng mang bom nguyên tử bay trong khu vực.
Bonnie S.Glaser, một chuyên gia quân sự ở Washington D.C., nhận xét, “Đây là màn phô diễn sức mạnh quân sự, nó có mục tiêu dọa nạt rất rõ ràng.”
Đài Loan cho hay họ theo dõi chặt chẽ mọi di chuyển và hành động của chiếc Liaoning và khuyên dân chúng Đài Loan đừng lo lắng gì trước hành động gây hấn của Trung Quốc. Eo Biển Đài Loan có nhiều loại tàu hàng qua lại thường xuyên. Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Liu Zhenmin nói “chiếc Liaoning có quyền đi vào vùng biển này.”

Ấn Độ tịch thu 6,000 con rùa lậu
Cảnh sát đã bắt giữ hơn 6,000 con rùa lậu nước ngọt, từ những kẻ bắt trộm rùa với ý định sẽ xuất cảng số lượng kỷ lục này ra ngoại quốc. Cảnh sát tìm thấy bọn rùa vẫn còn sống, bị nhét trong các túi chật cứng gần thành phố Amethi trong bang Uttar Pradesh và sắp được đưa sang Kolkata.
Tổng cộng số rùa bị bắt lên đến trên 4 tấn và 1 nghi can đã bị bắt giữ. Rùa nước ngọt flapshell không nằm trong danh sách bị đe dọa tuyệt chủng nhưng chúng vẫn thường hay bị bắt để đưa sang các quốc gia Đông Nam Á, nơi thịt và mai của loài rùa này được ưa chuộng.
Thịt của nó được xem là “cường dương bổ thận” và xương thì được nghiền tán ra dùng cho việc chế tạo thuốc đông y. Loài rùa này góp phần làm sạch môi sinh trong vùng châu thồ sông Hằng, vì chúng chuyên ăn thịt xác các con thú đã chết, gây ô nhiễm. Các viên chức Ấn Độ xác nhận đây là cú bắt rùa lậu với số lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Nhật Hoàng có ý định từ chức vào năm 2018
Theo lời các tờ báo địa phương trích thuật nguồn tin từ các viên chức, chính phủ Nhật Bản đang xem xét chuyện thay đổi luật lệ hầu giúp cho Nhật Hoàng Akihito thỏa mãn ý nguyện là ông muốn từ chức vào cuối năm 2018. Theo tin này thì nếu chuyện như thế xảy ra, Hoàng Thái Tử Naruhito sẽ lên ngôi Hoàng Đế vào ngày 1 tháng 1, 2019. Vào tháng 8 năm 2016, Nhật Hoàng 83 tuổi Akihito đã ngỏ ý muốn từ bỏ ngai vàng vì ông cho là tuổi tác già nua sẽ ảnh hưởng không tốt cho nhiệm vụ của một vị vua nước Nhật. Trong vòng 200 năm qua, chưa có vị Hoàng Đế nào của Nhật lại từ bỏ ngai vàng và luật hiện hành của Nhật cũng không cho phép chuyện này. Hoàng Đế Akihito lên ngôi vào năm 1989 sau khi vua cha băng hà, ông bị bệnh hoạn liên miên thời gian gần đây, từng được giải phẫu tim và còn bị ung thư tuyến tiền liệt. Hoàng Thái Tử Naruhito là con đầu lòng của ông, năm nay được 56 tuổi.

Phi không nhắc phán quyết The Haye trong hội nghị ASEAN
Trong năm nay Phi Luật Tân sẽ là chủ tọa cuộc họp hàng năm của khối ASEAN và đại diện của các siêu cường Mỹ, Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác cũng đến tham dự. Ngoại Trưởng Philippines Perfecto Yasay Jr. cho hay chính phủ Phi Luật Tân sẽ không nhắc lại phán quyết pháp lý về Biển Đông mà tòa án The Haye tuyên bố, trong kỳ họp ASEAN này.
Ông Yasay nói, “Không có tác dụng và không có ích chi cả nếu cứ nhắc lại phán quyết này trong cuộc hội họp thường niên của các thành viên trong khối ASEAN.”
Chính phủ Phi Luật Tân chỉ có ý định sẽ nêu phán quyết của tòa án The Haye ra trong các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc mà thôi. Tổng Thống Duterte khi lên chỉ huy Phi Luật Tân đã đảo ngược hoàn toàn đường lối ngoại giao, ông nói sẽ xem Trung Quốc và Nga là hai đồng minh trong tương lai của Philippines.
Các quan sát viên quốc tế cho là chính vì là chủ tọa hội nghị ASEAN nên Philippines sẽ gây áp lực đáng kể trong thông cáo chung vào cuối hội nghị và do đó chuyện lên án Bắc Kinh sẽ không hề có.

Mỹ: Hợp thức hóa cần sa dần dần được ủng hộ
Thường thì cảnh sát Hoa Kỳ đâu có mặn mà gì với chuyện ma túy hay cần sa, nhưng thời thế đang sắp thay đổi vì theo kết quả thăm dò do Viện Pew Research Center ở Hoa Kỳ đưa ra mới đây thì trong số gần 8,000 viên chức cảnh sát được hỏi ý kiến, đa số cho là cần sa nên được hợp thức hóa cho việc sử dụng của cá nhân hay trong ngành y khoa.
Theo kết quả thăm dò này, có 32% số cảnh sát được hỏi cho là cần sa nên được hợp thức hóa trong y khoa và giải trí, có 37% thì nói nó chỉ nên hợp thức hóa trong y khoa thuần túy mà thôi. Nhưng cũng có 30% cảnh sát được hỏi cho là cần sa không bao giờ nên được cho phép rộng rãi.
Có 37% số cảnh sát dưới 35 tuổi cho hay họ ủng hộ việc sử dụng cần sa như phương tiện giải trí, trong lúc số cảnh sát từ 50 đến 60 tuổi thì chỉ có 27% là ủng hộ như thế.Trong quần chúng Mỹ thì Viện Pew Center cho hay có 49% người được hỏi tỏ ra ủng hộ cần sa trong việc giải trí, 35% dùng cho y khoa và chỉ có 15% là nói không nên hợp thức hóa cần sa.

Đức: Số người tị nạn giảm mạnh
Chính phủ Đức cho hay trong toàn năm 2016, chỉ có 280,000 người xin tị nạn chính trị ở Đức, tức giảm rất mạnh cho với con số trên 600,000 người trong năm 2015. Bộ Nội Vụ Đức cho hay sở dĩ chuyện này xảy ra vì con đường di tản xuyên qua các xứ vùng Balkan đã bị dẹp và cũng do thỏa thuận về số người tị nạn mà Liên Hiệp Châu Âu đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đây một con số kỷ lục được ghi nhận là có đến gần 900,000 người đã đến Châu Âu thông qua các ngõ Balkan và Hy Lạp. Đặc biệt từ khi biết Thủ Tướng Đức Angela Merkel ra lệnh mở cửa biên giới trong một thời gian để nhận người tị nạn thì dòng người đổ đến nước Đức càng tấp nập hơn, nhất là dân Syuria chạy trốn chiến tranh.
Bộ Trưởng Nội Vụ Đức Thomas de Maiziere nói, “Chúng tôi đã thành công trong việc hạn chế bớt và kiểm soát được người di tản trong năm 2016 rồi.” Trong năm 2016 cũng có 55,000 người di tản trở về xứ và 25,000 người nữa bị trục xuất.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT