Thế Giới

Chiến đấu cơ Trung Cộng bám sát chiến hạm Mỹ gần bãi Đá Chữ Thập

Wednesday, 11/05/2016 - 07:02:33

Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh đang tiếp tục lườm nhau, thi gan trong vùng Biển Đông, xem ai sẽ là kẻ nhượng bộ trước trong vùng biển đang có sự căng thẳng ngầm này.


Một sĩ quan cao cấp Mỹ đang trình bày về hoạt động xây dựng trên bãi Đá Chữ Thập mà Trung Cộng đã chiếm tại Trường Sa. (Hình: AMTI-CSIS)

Chiến đấu cơ Trung Cộng bám sát chiến hạm Mỹ gần bãi Đá Chữ Thập

Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh đang tiếp tục lườm nhau, thi gan trong vùng Biển Đông, xem ai sẽ là kẻ nhượng bộ trước trong vùng biển đang có sự căng thẳng ngầm này.
Trong ngày thứ Ba, Bộ Quốc Phòng Mỹ đã phái một chiến hạm thực hiện một cuộc hành quân theo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Bill Urban nói rằng chiếc tàu USS William P. Lawrence đã đi bên trong vùng 12 hải lý gần bãi đá san hô gọi là Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) hiện bị Trung Cộng chiếm đóng. Hoa Kỳ nói rằng công tác của tàu chiến là để “thách thức những tuyên bố chủ quyền biển thái quá của một số bên tranh chấp ở Biển Đông.” Bộ Quốc Phòng đã không trực tiếp nhắc tới Trung Quốc trong lời tuyên bố.
Khi biết tàu chiến đang có mặt trong vùng, Trung Cộng liền điều động chiến đấu cơ bay đến để theo dõi chiến hạm Mỹ. Bắc Kinh nói rằng sự hiện diện của tàu chiến Mỹ là một hành động bất hợp pháp và đe dọa an ninh mà các chiến đấu cơ cần xuất hiện để bảo vệ những cơ sở quân sự mà Trung Cộng đã dựng lên trong vùng biển này.
Chiến hạm USS William P. Lawrence được trang bị với hỏa tiễn có thể điều khiển từ xa.
Bộ Quốc Phòng Trung Cộng cho biết họ đã gởi hai chiến đấu cơ và chiếc tàu chiến bám theo chiến hạm Hoa Kỳ, đồng thời yêu cầu chiếc tàu của Mỹ phải ra khỏi vùng biển đang có tranh chấp.
Trung Cộng nói rằng sự tuần tra của Mỹ “một lần nữa cho thấy sự việc Trung Quốc xây dựng những cơ sở phòng vệ tại quần đảo Nam Sa là hoàn toàn hợp lý và cần thiết.” Trung Cộng dùng danh từ Nam Sa để nói về quần đảo Trường Sa, nơi mà các quốc gia lân cận gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Đài Loan, Mã Lai Á và Brunei cũng đang có chủ quyền.
Trước những lời lẽ phản đối từ Bắc Kinh, phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài ông Bill Urban cho biết, “Các tuyên bố chủ quyền biển thái quá là điều không phù hợp với luật pháp quốc tế như đã được phản ánh trong Công Ước Về Luật Biển vì chúng có ý hạn chế các quyền hàng hải mà Mỹ và tất cả các nước được quyền thực hiện.”
Trung Quốc đã xây một phi đạo dài hơn 3,000 mét và các cơ sở quân sự khác trên đảo Đá Chữ Thập.
Đây là cuộc tuần tra là lần thứ ba trong vòng chưa đầy một năm do Mỹ thực hiện, và Mỹ gọi đó là cuộc hành quân vì tự do hàng hải để thách thức những tuyên bố về lãnh thổ mà Trung Quốc đang nhất quyết đưa ra đối với các đảo ở Biển Đông.
Mặc dù không có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, Hoa Kỳ nói việc các bên tranh chấp khác nhau tìm cách khẳng định tuyên bố chủ quyền của họ một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế là điều tối quan trọng đối với quyền lợi của Mỹ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT