Thế Giới

Chiến hạm Nga tập trận bắn đạn thật trên biển Nhật

Tuesday, 24/04/2018 - 07:43:08

Hạm đội Thái Bình Dương là hạm đội lâu đời nhất của Hải quân Nga, được thành lập từ năm 1731. Lực lượng này sở hữu tuần dương hạm Varyag, 5 khu trục hạm lớp Udaloy và Sovremenny, 20 tàu ngầm, trong đó gồm 14 tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa.

MOSCOW - Hạm đội Thái Bình Dương của Nga hôm thứ Ba đã điều động nhiều chiến hạm và máy bay tập trận giả định tấn công chiến hạm đối thủ trên biển Nhật Bản. "Tuần dương hạm hỏa tiễn Varyag, soái hạm của Hạm đội Thái Bình Dương, hôm thứ Ba đã phóng nhiều hỏa tiễn Bazalt vào mục tiêu mô phỏng chiến hạm đối phương trên biển Nhật Bản. Các hỏa tiễn đều được xác nhận trúng mục tiêu,” theo lời phát ngôn viên Hạm đội Nga - Thái Bình Dương Nikolai Voskresensky tuyên bố.
Ông Voskresensky cho biết, 15 tàu chiến và phương tiện hỗ trợ, cùng một số máy bay săn ngầm, cũng tham gia tập luyện vào thứ Ba. Các cuộc diễn tập bao gồm phát hiện, tấn công tàu nổi và tàu ngầm đối phương. Đây là một phần trong đợt tập trận lớn của Hải quân Nga, bắt đầu từ ngày 20 tháng 4 với sự tham gia của 30 tàu chiến và 20 chiến đấu cơ các loại.
Hạm đội Thái Bình Dương là hạm đội lâu đời nhất của Hải quân Nga, được thành lập từ năm 1731. Lực lượng này sở hữu tuần dương hạm Varyag, 5 khu trục hạm lớp Udaloy và Sovremenny, 20 tàu ngầm, trong đó gồm 14 tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa.

Ấn Độ phá âm mưu đánh bom ám sát thủ tướng
NEW DELHI – Cảnh sát Ấn Độ vừa bắt một nghi can có ý định ám sát thủ tướng nước này, sau khi hắn để lộ âm mưu trong một cuộc nói chuyện điện thoại. Mohammed Rafiq bị cảnh sát bắt hôm thứ Ba, sau khi nội dung cuộc trò chuyện về kế hoạch ám sát Thủ Tướng Narendra Modi bị lộ trên mạng xã hội. Rafiq từng ngồi tù vì thực hiện vụ đánh bom nhằm vào cựu phó Thủ Tướng Ấn Độ L.K. Advani hồi năm 1998.
"Cuộc đối thoại chủ yếu liên quan tới tài chính và phương tiện giao thông. Đột nhiên, tên khủng bố nói chúng tôi sẽ ám sát ông Modi, vì chúng tôi là người cài bom khi Advani tới thăm thành phố cách đây 20 năm,” cảnh sát bang Tamil Nadu, nơi Rafiq sinh sống, cho hay. “Các nhân viên điều tra đang đánh giá tính xác thực của cuộc nói chuyện.” Ông Advani sống sót sau vụ đánh bom tại thành phố Coimbatore, nhưng 58 dân thường đã thiệt mạng. Rafiq bị bắt và kết án, nhưng được trả tự do sau khi mãn hạn tù.

Hội nghị ASEAN sẽ tập trung vào Myanmar và biển Đông
SINGAPORE – Trong cuộc họp vào cuối tuần này, lãnh đạo các nước Đông Nam Á sẽ tập trung thảo luận về các chủ đề như chiến tranh thương mại, cuộc khủng hoảng tại Myanmar, và tình hình an ninh trên biển Đông. Tuy nhiên, nhiều khả năng cuộc họp này sẽ không đem lại tiến triển gì đáng chú ý. Hiệp hội các nước Đông Nam Á ASEAN, thành lập vào hơn nửa thế kỷ trước, từ lâu nay luôn gặp khó khăn khi đối mặt với các thách thức trong khu vực, do tổ chức này hoạt động theo tinh thần tự nguyện, và ít khi can thiệp vào vấn đề nội bộ của các thành viên.
Cuộc họp ASEAN sắp tới sẽ được chủ trì bởi Singapore, quốc gia nhỏ nhất trong 10 thành viên, nhưng cũng là nước giàu nhất và tây hóa nhiều nhất. Cuộc khủng hoảng tại Myanmar là một trong những thách thức lớn nhất đối ASEAN. Ngoại Trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nói, ASEAN sẽ tập trung tìm cách chấm dứt bạo lực và hỗ trợ nhân đạo. Tuy nhiên, mọi trách nhiệm chính trị đều thuộc về Myanmar và họ cần phải tìm ra giải pháp.
Ngoài ra, ASEAN cũng hy vọng rằng, bộ quy tắc cư xử mà tổ chức này đang đàm phán với Trung Quốc sẽ giúp làm giảm căng thẳng trên biển Đông, một trong các địa điểm có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới và là tuyến hàng hải quan trọng tại châu Á. Ngoại Trưởng Balakrishnan nói, các bước ban đầu về bộ quy tắc đã được thực hiện trong những tháng gần đây, và mọi công việc vẫn đang tiếp diễn. Singapore trước đây từng nói rằng, sẽ không thực tế nếu trông chờ bộ quy tắc ứng xử được hoàn thành trong vòng 1 năm, sau khi các cuộc đàm phán khởi sự vào cuối năm ngoái.

Nga, Trung Quốc vận động ủng hộ thỏa thuận nguyên tử Iran
GENEVA - Nga và Trung Quốc đang yêu cầu các thành viên Liên Hiệp Quốc ủng hộ một bản thông cáo, có nội dung khẳng định sự tán đồng đối với thỏa thuận nguyên tử Iran, theo một nhà ngoại giao Nga cho biết hôm thứ Ba. Đây được coi là hành động nhằm làm tăng áp lực lên Tổng Thống Donald Trump, để ông không rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận quốc tế này. Giám đốc cơ quan kiểm soát vũ khí của Nga, ông Vladimir Yermakov, lên tiếng tại một hội nghị của Liên Hiệp Quốc rằng, thỏa thuận Iran rất mong manh, và mọi ý định sửa đổi thỏa thuận này đều sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch ngăn chận vũ khí toàn cầu.
Ông Yermakov nói, Nga kêu gọi các nước không nên tiếp tục im lặng, mà nên có những hành động nghiêm túc để bảo vệ thỏa thuận nguyên tử Iran. Bản thông cáo, do Nga và Trung Quốc soạn thảo, yêu cầu các nước xác nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của họ đối với việc thi hành thỏa thuận nguyên tử Iran, và công nhận sự đóng góp của hiệp ước này đối với tình hình an ninh toàn cầu. Ông Yermakov nói, ông hy vọng sẽ có được sự ủng hộ của mọi nước lớn, bao gồm cả các đồng minh của Washington tại châu Âu.
Đại diện Nga cũng hy vọng Bắc Hàn sẽ ủng hộ bản thông cáo, và cho rằng số phận của thỏa thuận nguyên tử Iran là một yếu tố quan trọng trong các cuộc đàm phán sắp tới đối với chương trình hạt nhân Bắc Hàn. Không lâu sau bài nói chuyện của ông Yermakov, Ngoại Trưởng Nhật Taro Kono cũng lên diễn đàn và tuyên bố ủng hộ thỏa thuận Iran, cho rằng việc duy trì và thực hiện đầy đủ thỏa thuận này là điều hết sức quan trọng.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT