Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Chiều nhạc Ngàn Khơi Hành Trình Quê Mẹ chuẩn bị ra mắt khán giả Little Saigon

Friday, 09/10/2015 - 08:56:10

“Chương trình có những ca khúc nhắc nhở lại lịch sử oai hùng của dân tộc, như bài “Ải Chi Lăng” (Lưu Hữu Phước do nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Hương điều khiển), những bài hun đúc sự hào hùng của dân Việt Nam thì có “Việt Nam- Việt Nam” (Phạm Duy do nhạc trưởng Bội Cơ điều khiển) và “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” (sáng tác Nguyễn Đức Quang, do nhạc trưởng Bùi Quỳnh Giao bắt nhịp). Để nhắc đến đất nước đã cưu mang người tị nạn, Ngàn Khơi sẽ hát ca khúc “America the Beautiful” (do nhạc trưởng Bội Cơ điều khiển) với cả lời Anh và lời Việt.”

Bài BĂNG HUYỀN


 Nhạc trưởng Bội Cơ (Cơ Nguyễn) đang hướng dẫn ca đoàn Ngàn Khơi


Vang vọng hùng sử ca bằng hợp xướng, xen kẽ là vẻ đẹp mượt mà sâu lắng của những bản nhạc trữ tình Việt Nam với nhiều cung bậc khác nhau qua những tiếng hát của những ca sĩ nổi tiếng trong cộng đồng và các nhóm hát của Ngàn Khơi, tạo nên một chương trình nghệ thuật sống động, hào hùng là điều mà chiều nhạc Ngàn Khơi “Hướng Về Đất Mẹ” của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi tổ chức vào tháng 9 năm ngoái đã gây được tiếng vang, để lại những dấu ấn sâu đậm nơi người xem. Sắp tới đây, vào 4 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 15 tháng 11 năm 2015, tại Saigon Performing Arts Center, chương trình chiều nhạc Ngàn Khơi sẽ tiếp tục ra mắt các khán giả với chủ đề “Hành Trình Quê Mẹ”.

Chương trình lần này hứa hẹn sẽ cống hiến cho khán giả bữa tiệc âm nhạc đặc biệt hơn lần trước, sẽ tiếp tục mang đến những tác phẩm âm nhạc xuất sắc của tân nhạc Việt Nam, qua sự hòa điệu tuyệt vời giữa tác phẩm và người biểu diễn. Gợi nhớ lịch sử bất khuất giữ nước vẻ vang của các bậc tiền nhân, ngợi ca nét đẹp của đất mẹ và khơi lại lòng tự hào dân tộc trước những nét đẹp văn hóa để lại từ nghìn xưa của cha ông, qua phần trình diễn của ban hợp xướng Ngàn Khơi, những nhóm ca của Ngàn Khơi và những tiếng hát đơn ca tài hoa của hải ngoại: Quang Tuấn, Bích Vân, Teresa Mai, Bích Liên, Phạm Hà, Mộng Thủy. Phần hát hợp xướng sẽ được điều khiển bởi nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Hương, nhạc trưởng Bùi Quỳnh Giao (là một giọng nam tuyệt đẹp của Ngàn Khơi) và đặc biệt lần này còn có sự điều khiển của nhạc trưởng Bội Cơ (Cơ Nguyễn). Chị là một nhạc trưởng (Assistant Conductor) của dàn nhạc giao hưởng trường đại học Redlands (Redlands Symphony Orchestra) và là phó giáo sư về âm nhạc (Assistant Professor of Music) dạy tại đại học Redlands (University of Redlands).

Ban nhạc Hoàng Công Luận với cây violin Hoàng Công Luận, dương cầm thủ Quốc Vũ, cây bass Vũ Anh Tuấn và tay trống Gary Wing. Ngoài ra còn có sự cộng tác của dương cầm thủ Nguyễn Hải Hoàng. Dẫn dắt chương trình do 2 MC Lê Đình Y Sa và luật sư Nguyễn Hoàng Dũng.

 Những nét mới, lạ, đặc sắc của chương trình

Giới thiệu một số tiết mục tiêu biểu của phần hát hợp xướng và giải thích ý nghĩa tên gọi chương trình “Hành Trình quê mẹ”, bác sĩ Nguyễn Thị Nhuận (là thành viên ban tổ chức và trong ban điều hành của Ngàn Khơi), cho biết: “Khi chọn tên cho chương trình là “Hành Trình Quê Mẹ”, chúng tôi có tham vọng muốn vẽ lại lịch sử của dân mình bằng âm nhạc. Khởi đầu chương trình sẽ là một số ca khúc trong chương “Đất Mẹ” gồm Mẹ Ta, Mẹ Xinh Đẹp, Mẹ Chờ Mong, Mẹ Đón Cha Về, và Lúa Mẹ của trường ca Mẹ Việt Nam (tác giả Phạm Duy, do nhạc trưởng Bội Cơ điều khiển). Qua đến thời kỳ người Việt bỏ xứ ra đi, sẽ hát bài “Bầy Chim Bỏ Xứ” trích trong tổ khúc “Bầy Chim Bỏ Xứ” của Phạm Duy. Tổ khúc này có 2 bài là “Bầy Chim Bỏ Xứ” và “Bầy Chim Hồi Xứ”, 2 bài này hát cùng giai điệu nhưng ý nghĩa ca từ khác nhau; trong chương trình lần này, chúng tôi sẽ kết hợp 2 bài đó lại để hát. Vì khi chúng ta ra đi thì ước mong sẽ trở về để xây dựng thanh bình tự do cho đất nước mình, chứ không muốn đi luôn. Nếu đời này không được thì đời sau con cháu chúng ta sẽ thay chúng ta thực hiện ước mơ này. Cũng trong phần này Ngàn Khơi sẽ hát bài “Đàn Chim Tha Hương” (sáng tác Hồ Đăng Tín do nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Hương điều khiển), là một ca khúc được tác giả viết từ năm 1949, hồi đầu viết cho đơn ca thôi. Nhưng sau này những năm gần đây, ông đã viết lại ca khúc này để hát hợp xướng. Bài hát này có phần đơn ca của Bích Vân và ca đoàn Ngàn Khơi sẽ phụ họa. Ca khúc “Nhớ Người Thương Binh” của Phạm Duy kể chuyện về người thương binh và tấm lòng những người ở lại tri ân họ, do Hồ Đăng Tín viết hòa âm rất hay, Ngàn Khơi sẽ hát a cappella không nhạc đệm.




“Chương trình có những ca khúc nhắc nhở lại lịch sử oai hùng của dân tộc, như bài “Ải Chi Lăng” (Lưu Hữu Phước do nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Hương điều khiển), những bài hun đúc sự hào hùng của dân Việt Nam thì có “Việt Nam- Việt Nam” (Phạm Duy do nhạc trưởng Bội Cơ điều khiển) và “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” (sáng tác Nguyễn Đức Quang, do nhạc trưởng Bùi Quỳnh Giao bắt nhịp). Để nhắc đến đất nước đã cưu mang người tị nạn, Ngàn Khơi sẽ hát ca khúc “America the Beautiful” (do nhạc trưởng Bội Cơ điều khiển) với cả lời Anh và lời Việt.”

Tiết lộ thêm về tiết mục đặc biệt của chương trình, bác sĩ Nguyễn Thị Nhuận nói: “Chương trình lần này còn có 1 đoạn nhỏ trong tác phẩm rất đặc biệt thể loại “Requiem” của soạn nhạc gia P.Q.Phan (Phan Quang Phục). Tác phẩm này do Teresa Mai hát lĩnh xướng và ca đoàn Ngàn Khơi phụ họa, do nhạc trưởng Bội Cơ điều khiển. Loại nhạc này là nhạc mới, Ngàn Khơi thật vinh dự vì được tác giả viết lại cho Ngàn Khơi. Đây chỉ là một trích đoạn rất ngắn để khán giả trải nghiệm qua một chút về thể loại nhạc đặc biệt này mà qua đó ta thấy được sự thành công của người Việt trên đất Mỹ. Khi sống trong môi trường tự do, người Việt Nam có thể phát huy tối đa khả năng và đạt được thành công trên đất Mỹ. Hiện nay soạn nhạc gia P. Q. Phan là một nhà soạn nhạc nổi tiếng không chỉ tại Mỹ mà khắp thế giới. Ban hợp xướng Ngàn Khơi rất vinh dự được hát tác phẩm này. Không chỉ viết phần hát, ông còn viết phần hòa âm cho đàn piano và violin, piano sẽ do Nguyễn Hải Hoàng đàn, violin do Hoàng Công Luận đàn. Cả hai nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Hải và Hoàng Công Luận đều là những nhân tài của cộng đồng chúng ta, qua Mỹ phát triển được tài năng của họ.”

 Tác phẩm “Requiem” của soạn nhạc gia P.Q.Phan

Từ một bài phỏng vấn nhà soạn nhạc P.Q. Phan trên nhật báo Viễn Đông trước đây vào tháng 1 năm 2014, khi đó ông đang viết tác phẩm thể loại “Requiem”, xin được trích lại phần chia sẻ của ông: “Trong tác phẩm mới mà tôi đang viết, thể loại “Requiem”, có sử dụng nhiều âm nhạc Phật Giáo Việt Nam. Tôi dùng kinh Phật Việt Nam, tiếng Việt, nên tôi phải hiểu sâu về Phật A Di Đà như thế nào, mình không phải hiểu về đường lối tín ngưỡng, mà mình hiểu về đường lối xét lý. Tôi đã về Việt Nam 2 tháng, đến chùa để dự những hôm người ta tụng kinh, để hấp thụ được môi trường âm thanh và không gian và môi trường mỹ thuật của nó. Từ đó, tôi sáng chế ra một âm nhạc Phật Giáo của mình có đường lối đàng hoàng. Tôi tin nhiều vào vấn đề sáng chế mới, tôi không tin vào việc đem chuyện cũ ra làm mới. Requiem là một trong những thể nhạc, đứng hạng 3 sau Opera và Mask trong thế giới âm nhạc Tây Phương. Thể loại Requiem có thể từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Do tôi viết bằng tiếng Việt hoàn toàn, mà người hát là người bản xứ, nên tôi làm khoảng từ 30- 45 phút, vì thời gian tập hát của họ thật ngắn, nhưng thời gian tập nói tiếng Việt thì rất dài. Tôi hy vọng sau này, mình đủ người Việt Nam có năng lực âm nhạc cao, có thể mình diễn được tác phẩm này. Tôi mới bắt tay vào sáng tác thể loại này từ tháng 9 năm 2013 và đã thực hiện được hơn 60 phần trăm. Năm 2015 sẽ trình diễn.”

“Khi nói về Requiem, sẽ có nhiều người hiểu lầm. Đối với Tây Phương, Requiem là một tác phẩm ca tụng, hoặc để tưởng nhớ một người của quá khứ, hoặc quốc gia quá khứ. Nhiều khi người Việt Nam tưởng rằng nó giống như cầu siêu. Nhưng không phải là cầu siêu, nó khác nhau hoàn toàn. Cầu siêu thì chỉ tụng thôi, giọng lên giọng xuống thì tưởng là âm nhạc, nhưng không phải âm nhạc. Requiem có bài bản đàng hoàng, mới vào tụng bài gì, giữa buổi tụng bài gì, cuối buổi tụng bài gì.”

Nhạc Trưởng Bội Cơ (Cơ Nguyễn) là người sẽ điều khiển Ngàn Khơi hát tác phẩm này, chị cho biết: “Toàn bộ tác phẩm theo thể loại Requiem được nhà soạn nhạc P. Q. Phan đặt là khúc cầu nguyện cho những người Việt Nam hy sinh trong chiến tranh. Trích đoạn của tác phẩm này là một bài rất đặc biệt với Ngàn Khơi, vì Ngàn Khơi chưa bao giờ hát thể loại nhạc như thế này. Tác phẩm này với âm nhạc hoàn toàn không theo giai điệu thông thường, những ban hợp xướng chuyên nghiệp thì người ta hát nhiều thể loại này. Nhưng riêng Ngàn Khơi thì chưa bao giờ hát, đây là lần đầu tiên hát. Các thành viên Ngàn Khơi rất chịu khó học, luyện tập siêng năng, dù rất khó khăn. Tôi cũng muốn biết sự đón nhận của khán giả như thế nào khi nghe tác phẩm này. Đây là tác phẩm của một soạn nhạc gia Việt Nam có những giai điệu của Việt Nam, lời ca là dựa vào kinh A Di Đà. Thật tình thì tôi chưa bao giờ đi xem cũng như chưa bao giờ tham dự chương trình nào của cộng đồng Việt Nam dành cho khán giả Việt Nam cả, nên tôi cũng hồi hộp lắm. Thật ra khi tôi điều khiển dàn nhạc giao hưởng của Mỹ thì dễ hơn, vì tôi đã học ở đây 8 năm, chỉ huy dàn nhạc gần 10 năm, nên tôi đã biết khuôn khổ và sự đón nhận của khán giả, lần này thì tôi không biết gì cả. Lần này lạ nước lạ cái, nên tôi rất hồi hộp, rất muốn biết sự đón nhận của khán giả ra sao và sẽ học hỏi những kinh nghiệm cho bản thân.”

 Ngàn Khơi tập hát ra sao?

Nhạc trưởng Bội Cơ kể thêm: “Bài “America the Beautiful” gần như là quốc ca của Mỹ, rất dễ hát. Ngàn Khơi hát bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Lúc trong thời gian tập có một điều rất thú vị là khi chuyển sang lời Việt thì mọi người hát tình cảm hơn rất nhiều hơn là khi hát lời tiếng Anh. Tôi phải đề nghị mọi người phải hát tiếng Anh cũng tình cảm như hát tiếng Việt, có thể vì Ngàn Khơi lâu nay chuyên hát nhạc Việt, nên phần tiếng Anh chưa được quen lắm. Bài này không phải tập nhiều. Tôi rất vui là có những bài có những chỗ khó hát, nhưng mọi người rất chịu khó tập luyện. Tôi cũng dọa nạt là sẽ kiểm tra, rõ ràng là mọi người chịu khó tập thật, dù khi dọa nạt tôi cũng chỉ nghĩ dọa thôi, chắc chẳng ai tập vì bận bịu đi làm. Nhưng khi sang tuần sau thì thấy có tập, hát đúng, điều này làm cho tôi rất vui và ngạc nhiên. Vì tôi biết mọi người đều rất bận, đi làm công việc khác, đến cuối tuần là đến đây cùng tập luyện với nhau, vậy mà có nhiều người còn để ý đến những chi tiết mà đôi khi tôi bỏ qua. Tôi thấy mọi người đã đầu tư thời gian và sức lực vào chương trình này rất nhiều.”
Nhạc trưởng Bội Cơ bày tỏ: “Hát hợp xướng có những cái khó, đó là phải hát đúng cao độ, trường độ, lời rõ ràng nhưng cũng phải thể hiện được tình cảm. Hát hợp xướng khó hơn hát đơn ca ở chỗ là nhiều bè, người hát phải vững bè của mình. Ngay cả sinh viên của tôi, khi tôi dạy ở đại học, các em năm đầu mới vào, cũng đang hát bè này lẫn sang bè bên kia, hát hợp xướng khó ở chỗ đó. Năm thứ hai các em mới bắt đầu khá lên được. Tôi nhận thấy các ca viên Ngàn Khơi chia ra 2 nhóm, có một nhóm hát rất tốt, giọng tốt, kỹ thuật tốt, biết đọc cả nốt nhạc, làm tôi rất ngạc nhiên, vì họ chỉ là những ca sĩ hát nghiệp dư, việc mưu sinh là một công việc khác. Số thành viên này xấp xỉ một nửa, còn một nửa thì cũng được, đặc biệt là có lòng yêu âm nhạc. Tôi nghĩ nếu thích hát, chịu khó tập thì cũng sẽ khá thôi. Bè nam của Ngàn Khơi dù rất ít, nhưng đều là những giọng hát rất tốt, bè nữ Alto cũng được, nữ cao Soprano thì có một nửa hát rất tốt, nửa còn lại thì không tốt lắm, nhưng rất chịu khó tập luyện. Dù thời gian tôi đến giúp Ngàn Khơi tập luyện để chuẩn bị ra mắt khán giả chương trình sắp tới, chỉ khoảng 6 tháng nay thôi, nhưng tôi có cảm giác lâu lắm, vì rất gắn bó với các thành viên Ngàn Khơi. Tôi bái phục ban điều hành của hợp xướng Ngàn Khơi, vì làm bất kỳ một nhóm nghiệp dư nào cũng đều rất nhiều khó khăn, phải vừa nâng cao trình độ, vừa khuyến khích mọi người tham gia. Vậy mà những người thành lập ra Ngàn Khơi đã duy trì để nhóm hoạt động không biết mệt mỏi. Bao nhiêu khó khăn cũng đều quyết tâm vượt qua.”

Ngoài tài năng của nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Hương đã thể hiện trong tài bắt nhịp của mình những bài hợp xướng cho Ngàn Khơi trình diễn vào năm ngoái, nói về 2 người điều khiển hợp xướng là nhạc trưởng Bội Cơ và nhạc trưởng Bùi Quỳnh Giao, bác sĩ Nguyễn Thị Nhuận chia sẻ: “Nhạc trưởng Bội Cơ là người được huấn luyện chính thống của Mỹ, học nhạc từ trường nhạc nổi tiếng của Mỹ là trường Juilliard, phải là người rất giỏi mới vào học được ở trường này. Cô Bội Cơ vào hướng dẫn cho ca viên Ngàn Khơi, là người ta thấy được ngay tài của cô, sự chuyên nghiệp của cô. Ngàn Khơi rất hân hạnh được sự cộng tác của một nhạc trưởng chính thống như vậy. Còn anh Bùi Quỳnh Giao là nhạc trưởng đi học nhạc học hát rất nhiều, vững vàng về kỹ thuật, đem đến một luồng gió mới cho Ngàn Khơi, đưa ra những điểm chính cần chú ý để hát hay. Chương trình năm nay của Ngàn Khơi rất thú vị, tiến bộ vượt bậc. Chúng tôi đã tập chương trình này suốt 8 tháng qua. Các tiếng hát trong ca đoàn Ngàn Khơi đã hòa hợp tốt hơn rất nhiều. Nhờ năm nay có chị Bích Liên cũng là người đi học hát nhiều nơi, say mê hát, đã giúp huấn luyện cho bè nữ. Anh Giao thì huấn luyện cho bè nam. Chúng tôi tập hát miệt mài từ 2 giờ trưa đến 7 giờ 30 tối Chủ Nhật hằng tuần. Vậy mà các thành viên vẫn đi tập một cách thích thú, vui vẻ. Hiện nay gần giai đoạn cuối chuẩn bị ra mắt khán giả thì các nhạc trưởng chính yếu là hướng dẫn để xem điểm nào cần nhấn mạnh, chỗ nào cần diễn tả hùng mạnh, chỗ nào phải nhẹ nhàng...”

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuận bày tỏ nỗi ưu tư của mình: “Ban hợp xướng Ngàn Khơi lần này tiếp tục hát với ban nhạc chứ không hát với phần đệm của dàn nhạc giao hưởng như trước kia vì thời gian sau này, việc tổ chức khó khăn hơn. Chúng tôi xin hẹn khi nào chúng tôi xin được tiền tài trợ thì sẽ hát với dàn nhạc giao hưởng nhưng vẫn bán vé “vừa túi tiền”. Từ trước tới giờ Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi rất ít nhận được tài trợ, đa số là “tự lực cánh sinh”, chỉ có vài nhà bảo trợ nho nhỏ thôi. Những mạnh thường quân trong cộng đồng của chúng ta vẫn chưa chú ý đủ vào việc bảo trợ cho lĩnh vực văn học nghệ thuật. Có lẽ vì chúng ta xuất thân là dân nước nghèo nên nghĩ nhiều đến chuyện đóng góp cho việc sống còn về mặt vật chất thôi, chứ chưa nghĩ nhiều đến việc đóng góp cho những tổ chức văn học nghệ thuật.”

 Hát cho quê hương

Mời khán giả hãy ủng hộ chương trình “Hành Trình Quê Mẹ” của ban hợp xướng Ngàn Khơi tổ chức tại Saigon Performing Arts Center, bác sĩ Nguyễn Thị Nhuận nói: “Chương trình sẽ bắt đầu đúng giờ vào lúc 4 giờ chiều và kết thúc lúc 8 giờ tối ngày 15 tháng 11 năm 2015. Chương trình sẽ nói lên đầy đủ thông điệp mà Ngàn Khơi muốn gửi đến khán giả. Chúng tôi hát nhạc quê hương, để nhắc nhở cho mình về quê hương Việt Nam, những giai đoạn lịch sử mình đã trải qua và niềm tự hào dân tộc. Mặc dù bây giờ mình đang ở giai đoạn “trầm”, nhưng không bao giờ mình bỏ cả. Vì “trầm” rồi thì có lúc sẽ “thăng”. Mình lúc nào cũng phải nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc vì rõ ràng người Việt Nam rất tài giỏi, thông minh. Nếu soạn nhạc gia P. Q. Phan ở lại Việt Nam thì ông sẽ làm được gì? Nhờ được sống ở môi trường tự do, ông mới phát huy được tài năng của ông. Người Việt Nam đâu phải người dở, cũng không phải người xấu. Vì hoàn cảnh, chế độ hiện tại, để sống còn, người ta phải trở nên như hiện nay. Nhưng rồi trong tương lai, khi thay đổi được, thì người Việt Nam sẽ trở lại ngạo nghễ, như ca khúc “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của Nguyễn Đức Quang do Bùi Quỳnh Giao chỉ huy, sẽ là bài kết thúc đêm nhạc. Sau chương trình năm ngoái, mọi người cảm thấy quá hào hùng, phấn khởi, rất nhiều người tiếc là năm ngoái đã không tham dự được, vì vậy năm nay xin quý vị đừng bỏ lỡ nữa.”

Vé có các loại 35 mỹ kim, 50 mỹ kim, 75 Mỹ kim, vé bảo trợ là 100 và 150 mỹ kim. Vé hiện đã có bán tại Nhà sách Tú Quỳnh (531- 4284), trụ sở của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi tại số 14265 đường Brookhurst, Garden Grove CA 92843 (531- 2773)
(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT