Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Chiều nhạc thính phòng ‘Tình Hoài Hương’

Friday, 23/05/2014 - 10:41:26

Khung cảnh ấm cúng tại Hội Quán Lạc Hồng (thành phố Westminster), một sân khấu nhẹ nhàng, gần gũi nhưng vẫn mang ít nhiều nét thính phòng hoài cổ, đã đem đến cho khán giả một bầu không khí âm nhạc thật trang trọng qua chiều ca nhạc thính phòng “Tình Hòai Hương” vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 18-5-2014 tuần qua

Băng Huyền/Viễn Đông




Ban hợp ca Lạc Hồng qua ca khúc Viễn Du (Phạm Duy) để thay lời chào tạm biệt, khép lại buổi diễn


 
Giữ hồn quê nơi đất khách

Khung cảnh ấm cúng tại Hội Quán Lạc Hồng (thành phố Westminster), một sân khấu nhẹ nhàng, gần gũi nhưng vẫn mang ít nhiều nét thính phòng hoài cổ, đã đem đến cho khán giả một bầu không khí âm nhạc thật trang trọng qua chiều ca nhạc thính phòng “Tình Hòai Hương” vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 18-5-2014 tuần qua. Các nghệ sĩ và thân hữu của đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng thuộc Hội Phát Triển Văn Hóa Truyền Thống Việt Nam (nơi gìn giữ âm nhạc cổ truyền Việt Nam cho thế hệ tiếp nối suốt 25 năm qua) đã giới thiệu những bài hòa tấu dân ca 3 miền, nhạc tài tử miền Nam… qua các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, kết hợp với những bài tân nhạc đã được giáo sư- nhạc sĩ Nguyễn Châu (một trong những người sáng lập và là Giám Đốc Nghệ Thuật đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng) hòa âm lại, gieo vào cảm xúc người nghe cái tinh tế tuyệt vời của những làn điệu quê hương. Đây là chương trình ca nhạc đầu tiên của Hội quán Lạc Hồng mở đầu cho những chương trình ca nhạc dân tộc định kỳ đặc sắc sẽ gửi đến các khán giả vào Chủ Nhật mỗi hai tháng một lần.




                                               Quang cảnh buổi diễn tại Hội Quán Lạc Hồng



Buổi nhạc giàu âm sắc nhạc quê hương

Khéo thay những ngón tay thon mảnh của nghệ sĩ Băng Tâm lướt trên dây đàn tranh, nghệ sĩ Đặng Hùng đàn Bầu, giáo sư- nhạc sĩ Nguyễn Châu đàn Nguyệt, Phương Anh trống Đế và Phách, Long Nguyễn Trống Cơm. Các nghệ sĩ trên đã cùng nhau tạo nên âm thanh mê hoặc lôi cuốn chính cả người chơi lẫn người nghe vào một thế giới khác - thế giới huyền diệu của âm nhạc cổ truyền Việt Nam để mở màn cho chương trình chiều ca nhạc thính phòng Tình Hòai Hương, qua bài hòa tấu Trống Quân- Cò Lả (là 2 điệu hát thường dùng để mở đầu cho một cuộc hát Quan Họ Bắc Ninh).



                            Ngọc Quỳnh với “Thuyền viễn xứ” (Thơ: Huyền Chi, nhạc Phạm Duy)



Khán giả càng ngơ ngẩn thêm, khi dòng cảm xúc được trôi chảy, ngân nga, được khơi nguồn bởi tứ ca gồm Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Trần Thạch và Phú Hùng qua bài “Tình Hoài Hương” (Phạm Duy), tiếng hát của Lê Hồng Quang qua ca khúc Tình Ca (Phạm Duy), Trần Thanh Vân, giọng nữ chính của Hội Bắc Ninh, gửi đến người nghe bài dân ca Quan Họ Bắc Ninh “Tương Phùng Tương Ngộ”, tiếng hát Lâm Dung với “Làng Tôi” (Chung Quân), giọng ca Hoài Hạnh với “Thương Tà Áo Bay” (Thông Đạt), Ngọc Quỳnh với “Thuyền Viễn Xứ” (Thơ: Huyền Chi, nhạc Phạm Duy). Đôi tay lả lướt trên cung đàn qua phần diễn tấu đàn tranh của Liên Tâm, Phương Nghi, Phương Anh và Băng Tâm thể hiện bản nhạc tài tử “Phong Ba Đình” khiến người nghe dễ dàng buông lơi theo dòng nhạc cảm. Tiếng Tranh réo rắt không lời mà dư vị ngát đầy. Đằm thắm tiếng đàn, tiếng hát với cung bậc trầm lắng, ngũ cung hơi oán điệu Phụng Hoàng (nhạc Tài Tử miền Nam) trữ tình, sâu lắng của “Bài Ca Nhớ Xứ” (soạn giả Trần Ngọc Thạch) qua tiếng hát của Uyên Nhung và sự phụ đệm của ban Nhạc Tài Tử Lạc Hồng, gồm: Đặng Hùng đàn bầu, Ngọc Trí guitare vọng cổ, Phương Nghi và Liên Tâm đàn tranh.


 Phần diễn tấu đàn tranh của Liên Tâm, Phương Nghi, Phương Anh và Băng Tâm thể hiện bản nhạc tài tử “Phong Ba Đình”






Tam ca Tiếng Tơ Vàng với Thanh Mai, Ngọc Tuyết và Thúy Nga cùng phần minh họa y phục cổ truyền Bắc- Trung- Nam của Thiên Nga, Quỳnh Hoa, Bạch Tuyết qua một liên khúc dân ca 3 miền, với Miền Bắc duyên dáng qua “Cây Trúc Xinh”, Miền Trung thì lại ngậm ngùi, man mác qua “Lý Tình Tang”; Miền Nam thì mộc mạc, chân tình qua điệu “Lý Cây Bông”. Tam ca Tiếng Tơ Vàng đã giới thiệu cho người nghe vẻ đẹp của dân ca Bắc- Trung- Nam, mỗi miền đều mang lại những giai điệu riêng, sắc màu đa dạng, để người nghe càng yêu cái chất thơ tinh tế vô cùng của dân ca, càng nghe lại càng thấm cái ý nhị đẹp đẽ trong nội dung câu hát, cái thanh lịch nhẹ nhàng, cái tình rất nồng đượm mà không vồn vã của dân ca!

Buổi chiều nhạc thính phòng “Tình Hoài Hương” càng đậm đà phong vị dân tộc với giọng hát của “ca nương” tài tử Lam Thủy, tiếng sênh phách của chính chị điều khiển, cùng tiếng trầm đục của đàn đáy do giáo sư nhạc sĩ Nguyễn Châu, và tiếng "tom chát" của Chính Mung cầm chầu, phối hợp nhịp nhàng làm mê hoặc lòng người qua tiết mục Ca Trù thể hiện điệu hát nói bài thơ “Lại Say” (Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu). Chất giọng khỏe, trong và sang của “ca nương” Lam Thủy dìu từng lời hát như bay vào mộng. Nhạc điệu quấn quyện giữa ca từ cùng nhịp phách ở ngón tay và giọng hát của chị luyến láy, nhấn nhá từng câu chữ qua sự lấy hơi, nẩy hạt khá điêu luyện, toát lên phong thái vừa kín đáo, vừa đoan trang, không thua kém so với một “đào nương” thực thụ.


“Ca nương” tài tử Lam Thủy, giáo sư nhạc sĩ Nguyễn Châu đệm đàn Đáy và Chính Mung cầm chầu, phối hợp nhịp nhàng làm mê hoặc lòng người qua tiết mục ca Trù thể hiện điệu hát nói bài thơ “Lại Say” (Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu).



Tâm sự với người viết sau buổi diễn, “ca nương” Lam Thủy vốn là một họa sĩ, cho biết, trước năm 1975, chị đã có thời gian sinh hoạt nhạc dân tộc, nhạc dân ca trong đoàn văn nghệ sinh viên học sinh Nguồn Sống tại Sài Gòn, đến khi sang định cư tại Hoa Kỳ chị lại tiếp tục gắn bó khoảng hơn 20 năm nay với thể nhạc dân ca qua đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng. Chị bày tỏ, “Tôi thích Ca Trù lắm, nhưng tại đây không có ai dạy Ca Trù, mà tôi thích quá, tôi mua CD Ca Trù của những ca nương ở Việt Nam, họ hát hay lắm, để tự học theo, tôi còn mua sách Ca Trù về đọc, lên website để xem… rồi tự học gõ phách. Lần trình diễn này cũng là lần trình diễn lần thứ 5- 6 rồi. Ban đầu mới trình diễn, tôi cũng hồi hộp lắm, vì thể hát này không dễ hát và cũng chẳng dễ nghe, nhất là bên này, nếu muốn khuếch trương loại hình Ca Trù thật khó vô cùng. Nhưng vì quá yêu nghệ thuật này và muốn giới thiệu đến người nghe vẻ đẹp của Ca Trù, thành ra tôi cố tâm luyện tập. Cũng nhờ tôi đã có giọng hát dân ca, nên tôi đã vượt qua được phần nào những khó khăn khi học hát Ca Trù, học nghệ thuật nhấn, nhả, ém hơi lên mũi, học hát Ca Trù bằng giọng của mình một cách tự nhiên nhất… Và nhất là khi tôi cảm được ý thơ của những danh Nho xưa, tôi hát tự tin hơn. Tôi hy vọng khán giả yêu thích dân ca và nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục đến ủng hộ các chương trình của đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng. Điều đáng quý vô cùng là đoàn đã đi đúng hướng, nên đã duy trì được 25 năm qua. Càng quý hơn là các phụ huynh đã đưa con em đến học nhạc dân tộc và những người như giáo sư Nguyễn Châu… đã dạy những kiến thức, kỹ năng về âm nhạc dân tộc, tình yêu và niềm say âm nhạc dân tộc đến cho các em.”

Ban hợp ca Lạc Hồng đã gợi nhắc bao nỗi bồi hồi trong tim khán giả qua ca khúc Viễn Du (Phạm Duy) để thay lời chào tạm biệt, khép lại buổi diễn.

Nhưng chiều nhạc dường như vẫn chưa khép lại, bởi tự trong lòng mỗi khán giả, sẽ mãi còn vang vọng cùng những tự tình của người nghệ sĩ, của giây phút ấm lòng giữa nghệ sĩ và khách tri âm trong cõi tương phùng với âm nhạc quê hương. Những gì thương nhớ để lại quê nhà, như ẩn hiện đâu đó trong tiếng đàn, lời ca ấm áp, gần gũi. Khoảng cách vạn lý, gần đó, mà mơ hồ đó. Những ai chưa có duyên đến dự buổi nhạc tại Hội Quán Lạc Hồng, xin hãy đến đây thưởng thức chương trình của đoàn vào Tháng 7 sắp tới. Chương trình tháng 7 năm 2014 hoàn toàn sẽ do các em thiếu nhi và thiếu niên của đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng trình diễn, hứa hẹn nhiều độc đáo cho quý khán giả qua các tiết mục của các em. Dẫu sinh ra và lớn lên tại hải ngoại, nhưng các em vẫn biết yêu những nét đẹp của âm nhạc dân tộc Việt Nam, biết sử dụng thành thục các nhạc cụ dân tộc, hát ngọt ngào những khúc hát dân ca… để góp phần gìn giữ những di sản quý của âm nhạc quê hương mà người Việt ly hương đã mang theo trong hành trang của mình khi đến lập nghiệp tại quê người. (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT