Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Chín họa phẩm Sắc Thu

Wednesday, 25/10/2017 - 09:58:05

Chỉ trong một ngày đứng lặng trước các họa phẩm tôi thấy mình giàu rất nhiều. Giàu từ những kinh nghiệm giá trị của những mảnh đời có thật của các họa sĩ.

Sắc thu

Bài MS/HS DUY CƯỜNG

 

“Ta yêu thu vì thu quyến rũ,

Ta yêu thu vì ta được yêu em” - duy cường

 

Mùa thu luôn là chủ đề mang những ấn tưởng sâu sắc đối với người họa sĩ. Sắc màu biến chuyển trong khung cảnh trời đất làm gợi nhớ và gợi mở những suy tưởng hoài niệm tìm lại những ấn tượng tồn đọng trong ký ức. Sắc thu cũng là khung cửa mở rộng đường suy niệm và sáng tác cho các họa sĩ qua nhiều phong cách và thể loại: tả thực, ấn tượng, trừu tượng, lãng mạn, và ngay cả tâm linh.

Từ ước mơ được đến thăm thành phố Portland trong khung cảnh tiết thu, các họa sĩ đã sáng tác và thực hiện buổi triển lãm với nhiều tác phẩm ấn tượng và ý nghĩa sâu sắc. Từng tác phẩm với từng câu chuyện có thật được thể hiện một cách tài tình qua nét cọ và tone màu của các họa sĩ.

 

Màu Áo Thu của Lam Thủy

 

Chúng ta cùng bước vào khung cảnh của phòng triển lãm Sắc Thu và dừng chân trước họa phẩm cuốn hút của nữ họa sĩ Lam Thủy, một người nữ với tâm hồn thật nghệ sĩ, thật dễ thương, thật đậm nét phụ nữ Việt Nam. Chỉ trong vài giây đứng trước họa sĩ Lam Thủy bất cứ ai cũng ấn tượng ở nụ cười thật tươi và hồn nhiên của cô. Tuy ở tuổi trung niên nhưng khuôn mặt cô tươi như cô gái xuân thì. Cô yêu nghệ thuật và thả hồn vào những nét cọ thật nhẹ nhàn, mỏng manh như tơ liễu để thêu dệt hình ảnh người con gái da vàng trên khung lụa tạo nên cái nhìn của không gian ba chiều thật thần sầu và sâu nhiệm. Lối hòa màu khéo léo theo cung tầng chuyển tiếp lúc ẩn lúc hiện thể hiện thấu đáo cái tinh hoa của lối vẽ tranh lụa, là một trường phái hội họa cổ điển Việt Nam phải được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đứng trước bức họa “Màu Áo Thu” tôi không muốn rời bước vì sự cuốn hút lạ thường của người con gái trong tranh. Tôi như có thể nhìn thấy được cái linh và cảm thức được hơi thở ngọt ngào của người thiếu nữ, và tôi ngỡ như mình đang ngắm nhìn người nữ Eva trong buổi đầu sáng thế, đôi bàn tay với từng ngón tay thật đẹp. Ngay cả chỉ nhìn các ngón tay người nam có thể thấy được trái tim của người nữ. Những ngón tay này được tạo dựng và ban cho để yêu thương, để thoa dịu bao nỗi muộn phiền, và chữa lành tất cả mọi căn bệnh trong thế giới nhân loại. Từ đôi bàn tay đôi mắt tôi được mời gọi tìm đến khuôn mặt thật hoa mỹ của người nữ ngước nhẹ như đóa hoa xinh xắn mở rộng cánh cửa tâm hồn của nó khát khao chờ đợi được nhận nụ hôn ban đầu.

Từ họa phẩm này tôi được mời gọi hướng đến trước họa phẩm huyền bí ấn tượng của nữ họa sĩ Ái Lan, một nữ họa sĩ mà tôi mến phục với nhiều tác phẩm hội họa siêu đẳng. Phần lớn các họa phẩm của họa sĩ Ái Lan biểu hiện khát vọng sâu kín của linh hồn con người. Trong họa phẩm “Đất Mẹ Bao Dung” cũng vậy, Ái Lan thể hiện cái khát vọng cuối cùng của linh hồn con người là được trở về. Hình ảnh chiếc lá như một mảnh đời đã bị héo gầy tàn tạ bởi nhiều đớn đau tuyệt vọng, nó quyết định rời bỏ cây cành là rời xa cái đời tạm để theo làn gió cuối mùa trở về nguồn cội.

 

Mẹ Đất Bao Dung của Ái Lan

 

Đường nét của họa sĩ Ái Lan trên bức họa ẩn hiện sự huyền bí, những nét mờ ảo và đậm nét như diễn tả điều gì đó rất thật giữa hai thế giới vô hình và hữu hình, tâm linh và hiện thực, hư không và trường cữu. Hình ảnh khuôn mặt của một người Mẹ từ một khoảng cách xa là Cội Nguồn Sự Sống vươn cánh tay yêu thương, bàn tay dịu hiền ra hứng lấy chiếc lá đang rơi rụng như hứng một mảnh đời đã héo tàn, một đứa con bị đời vô tình hất hủi lơ lửng giữa giông gió cuộc đời khát khao tìm về nguồn cội. Bàn tay hứng lấy chiếc lá thật khéo, hứng và đón nhận theo tâm trạng lửng lơ của chiếc lá, vì Mẹ không muốn làm cho lá đau và vỡ vụng, vì lá đã quá khô héo rụng rời, vì lá quá kiệt lực và đã mất sức sống… để cuối cùng chiếc lá đã quyết định tự đặt nó vào giữa bàn tay dịu hiền đầy tình thương bao dung của Mẹ, của Đấng Tạo Hóa Cội Nguồn Sự Sống.

Và giờ đây chúng ta cùng bước thêm chỉ một bước để đến trước họa phẩm “Ánh Sáng Thu” của nữ họa sĩ Bảo Trâm. Với lối vẽ ấn tượng pha lẫn trừu tượng cùng đường cọ táo bạo và sắc màu khẳng định Bảo Trâm đặt trước mắt người xem một cái nhìn lung linh sống động của khung trời mùa thu. Thoạt nhìn không ai có thể tin được rằng người vẽ nên họa phẩm này lại từng trải một đoạn khúc thời gian tuyệt vọng và bế tắc.

Sự vô tình và bội bạc của những con thú hoang đã vây hãm đẩy đưa cái tuổi chớm xuân thì của người nữ vào tâm trạng tăm tối mịt mù khiến mùa thu năm ấy càng thêm đau đớn đến tận linh-tủy. Nhưng ngay tại giây phút đó, trong lúc đang thẩn thờ bước vào một phương trời vô định người con gái quyết định nhắm đôi mắt trần đời lại, và trong tít tắc thật lạ lùng con mắt tâm linh được mở ra giúp cô thấy được một loại ánh sáng siêu nhiên chiếu xuyên qua các tầng màu đẩy lùi bóng tối của u buồn và sự chết.

 

Ánh Sáng Thu của Bảo Trâm

 

Họa sĩ Bảo Trâm như được sống lại. Họa phẩm “Ánh Sáng Thu” là một liều thuốc bổ cho tâm hồn con người. Bảo Trâm muốn nói với chúng ta rằng: “Thu buồn hay thu hạnh phúc là ở tại lòng ta có đủ tịnh và tỉnh để cảm thức được ánh sáng thu thật đẹp. Mùa thu, nói cho đúng, thật sự là sắc màu của hy vọng chuyển tiếp từ sự sống đến sự sống.”

Ánh sáng thu của phòng triển lãm tiếp tục dìu bước chúng ta đến với họa phẩm “Cánh Hạc Ngàn Thu” của nữ họa sĩ Vy Trần. Một lần được gặp họa sĩ Vy Trần tại cuộc triển lãm nơi bờ biển Laguna, California cũng với một họa phẩm có hình ảnh của một con hạc nhỏ đặt trong bàn tay ngây thơ của một bé gái tôi thấy bị cuốn hút lạ thường. Lần này đến với cuộc triển lãm, trên mặt canvas của bức họa không chỉ là một cánh hạc mà có thật nhiều cánh hạc.

 

Cánh Hạt Ngàn Thu của Vy Trần

 

Họa sĩ Vy Trần nói, “Theo người Nhật Bản, cánh hạc biểu trưng cho niềm tin và hy vọng.” Đúng vậy, với biết bao trận động đất lớn nhỏ xảy ra trên mảnh đất Nhật hàng năm, và những cơn sóng thần ập vào bờ cuốn trôi biết bao sinh mạng thì người Nhật luôn nhìn vào ngày mai bằng niềm tin và hy vọng. Dõi theo đường cọ và sắc màu trong tranh tôi có cảm giác như mình được trở về với tuổi thơ, cái tuổi chỉ biết thương và quan tâm thật lòng, cái tâm hồn mà chính Chúa Cứu Thế JÊSUS từng nói là điều kiện để được tận hưởng sự sống Thiên Đàng. Những họa phẩm như thế này khi chiêm nghiệm tâm linh ta được khôn lớn hơn một chút, cái lớn khôn thật mà thế nhân cần có để thật sự biết quan tâm cho nhau, để cùng vượt qua cõi đời tạm, và để cùng cánh hạc của niềm tin và hy vọng bước vào sự sống vĩnh phúc bất tận.

Hòa vào khung cảnh triển lãm Sắc Thu có tác phẩm “Sắc Thu Trên Phố Cũ” của họa sĩ Lương Trường Thọ, một họa sĩ đàn anh, một nghệ sĩ không ngừng sáng tác dẫu bao nhiêu mùa thu qua. Tranh của họa sĩ Lương Trường Thọ đậm nét trừu tượng, là một cái nhìn còn rất mới lạ đối với giới thưởng lãm người Việt.

 

Sắc Thu Trên Phố Cũ của Lương Trường Thọ

 

Thật vậy, nếu không được mở lối thì người xem khó có thể đoán biết được đâu là cửa là ngõ để bước vào thấy và thưởng thức được điều mà họa sĩ thấy và thưởng thức. Nhưng nhờ họa sĩ Lương Trường Thọ bật mí có nghĩa là đặt vào bàn tay người xem chiếc chìa khóa thần diệu mà người thưởng lãm tranh trừu tượng có thể thấy được sự linh động của các mảng mầu ấm, lạnh, những khoảng tối, sáng mang một cái nhìn thú vị vào nghệ thuật.

Chính cái nét ẩn nét hiện, nét vụng và những đường nét khẳng định kích thích nhãn quang người xem nhìn sâu xa hơn những hiện thực của đời sống, để rồi ta có thể nhìn thấy điều họa sĩ Lượng Trường Thọ nhìn thấy, một ký ức thật đẹp của tuổi học trò, “một hoài niệm về quê nhà trên cao nguyên Đà-lạt, và hồi ức quá khứ trong những cụm rừng lá vàng mùa thu với những căn nhà cổ., và những cô học trò áo trắng trên lá vàng ngập đường đi.”

Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói “đời chỉ có kỷ niệm là đẹp”. Nhờ ký ức mà kỷ niệm vẫn còn đó và được lưu dấu một cách trân trọng. Ký ức là hiện tượng hãi hùng trong bộ não con người. Nếu con người, theo trường phái vô thần quan điểm “chỉ là ngẫu nhiên” thì ký ức hay kỷ niệm có nghĩa gì. Con người còn biết mình là ai và sẽ ra thế nào nếu không có ký ức. Cả cuộc đời con người không làm gì khác hơn là tích trữ kỷ niệm trong ký ức, từ những đoạn khúc thăng trầm của những mảng sáng-tối trong đời sống.

Con người được kể là giàu vì những kỷ niệm đẹp, nhất là kỷ niệm đẹp trong tình cảm giữa vợ và chồng tay trong tay từ buổi đầu mới biết yêu khi mà cả hai còn vụng về e thẹn, đến những tháng ngày cuối đời vẫn đi bên cạnh nhau và chỉ muốn bước thật chậm, cố gắng bước thật chậm để còn bên nhau thêm một chút nữa, một chút nữa, như lời thầm nguyện: “cho đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau…”

Hình ảnh này được diễn đạt thật sống động qua họa phẩm của họa sĩ Hải Chí “Thu Chia Xa”, hình ảnh một đôi vợ chồng già bước chậm rãi trên con đường mòn giữa cánh rừng mùa thu. Họ cùng hướng về ánh sáng nơi Thiên Đàng đang chờ đợi nhưng lại bước đi thật chậm, cố gắng chậm lại. Câu chuyện trên con đường mùa thu cuối đời có lẽ không phải là ước mơ được tận hưởng sự sống vĩnh phúc ở một nơi thiên đàng nào đó, nhưng là niềm nhớ thương các con các cháu.

 

Thu Chia Xa của Hải Chí

 

Họ như cứ muốn được sống ở trần gian này thêm một chút nữa để được gần gũi và chăm sóc cho các con các cháu, chỉ đơn giản có vậy. Họ cố gắng níu víu nhau chậm bước để kéo dài con đường phía trước. Họ muốn nghe từ nhau thật nhiều những kỷ niệm, họ cười và cũng ứa nước mắt xúc động vì hạnh phúc, vì một chẳng đường dài đã qua.

Tôi mê say nhìn ngắm các tác phẩm, và đặc biệt là được tâm giao với tác giả của tác phẩm. Đây thật sự là một diễm phúc lớn của đời người. Thêm một họa sĩ trong nhóm họa sĩ mà lòng tôi ái một là họa sĩ Chính Mung, một người say mê với việc sáng tác. Tranh vẽ của ông tuy với sự tương phản của màu sắc và ánh sáng mạnh và khẳng định nhưng lại tỏa ra nét bình an và sức sống lạ thường. Đây là một lối vẽ sẽ được lịch sử hội họa thế giới ghi nhận.

 

Trăng Thu Tỉnh Giấc của Chính Mung

 

Trong tác phẩm “Trăng Thu Tỉnh Giấc”, bức họa nhìn tựa như huyền thoại, với gam màu ấm lạnh đan quyện nhau. Cảnh vật tuy trong đêm, nhưng thật thanh bình. Xem tranh chúng ta có thể thấy đối với họa sĩ Chính Mung, tâm hồn con người được tạo dựng cho bình an nên khi nhìn cảnh thanh bình cái hồn con người cảm thấy vui thích. Họa phẩm phản ảnh cái hồn cái túy của người nghệ sĩ, tuy hai nhưng là một. Vì người làm công việc nghệ thuật là người cầm ngọn đuốc sáng trong tay để soi sáng dẫn đường cho thế giới nhân loại, cái tâm của người nghệ sĩ phải trong thì tác phẩm mới sáng, nhờ vậy thế giới mới có được hy vọng vượt thắng tuyệt vọng.

Nơi họa sĩ Chính Mung chúng ta thấy được cái đẹp tự tâm hồn và phong cách, vì vậy điều ông diễn đạt trong họa phẩm “Trăng Thu Tỉnh Giấc” là có thực. Chính phong cách sống của họa sĩ Chính Mung tựa như Mặt Trăng phản chiếu ánh sáng Thiên Đàng vào đời sống của những người thân và bạn hữu, như lời ông diễn đạt: “Giữa đêm khuya huyền hoặc nàng Trăng chợt tỉnh giấc, tỏa một vầng sáng tràn xuống núi rừng, màu ánh sáng lung linh như trong một giấc mơ, màu của hạnh phúc. Nàng trăng như muốn dâng tới mọi người trên thế gian một đêm thu hy vọng. Hy vọng của bình yên và hạnh phúc.”

Tôi cũng nhận được hai họa phẩm của họa sĩ Hoàng Kym cho kỳ triển lãm Sắc Thu, nhưng thật lạ là lời diễn đạt trong cả hai bức tranh lại giống nhau đến độ làm cho tôi một vị mục sư từng trong mục vụ cứu linh gần 20 năm phải lo lắng. Cả hai bức họa được vẽ theo lối ấn tượng tân thời (modern impressionism) qua hình ảnh của thiếu nữ trong tà áo dài với những cung màu sáng, nhưng họa sĩ lại diễn tả rằng “Ánh Trăng lung linh rọi chiếu mặt hồ… Người con gái buồn man mác.. trong đêm thu” - Tôi bị lẫn lộn giữa hiếu kỳ và lo lắng ở những cái chấm như thế này “…”, “..”, thật sự là những cái “…” vô tình và hờ hững của đời của người.

 

Hương Thu của Hoàng Kym

 

Họa sĩ Hoàng Kym cũng là một họa sĩ đàn anh thuộc thế hệ đi trước, một thế hệ với biết bao hoài bảo của lứa tuổi xuân xanh, lứa tuổi dâng tràn sức sống và hy vọng. Nhưng cũng là thế hệ lâm ly vào cuộc chiến tàn khốc. Và vì vậy mùa thu đối với ông có lẽ chỉ là những mùa thu đẹp trong tiềm thức hay mùa thu của một ngày mong đợi khi hòa bình thật sự đến với quê hương Việt Nam. Những tà áo dài sẽ không còn nữa những nỗi buồn man mác, nỗi buồn chiếm cả một khoảng không bao la như trải ra trong không gian vắng lặng - vắng bóng anh trở về sau trận mạc, thiếu tiếng anh thỏ thẻ bên tai em lời hứa nguyện dẫu mong manh.

Đời người sớm cảm thấy mệt mỏi, mệt mỏi như Solomon vị vua khôn ngoan nhất trong nhân loại từng than mệt, cái mệt của phù vân hư ảo sau chuỗi ngày dài tranh đua để có được tất cả mọi điều mình đinh ninh cần có để tự hào, để cho đời biết mình là vua thiên hạ. Nhưng cuối cùng khi đôi mắt đã mệt nhoài chỉ còn có thể mở he hé để thấy được chút nắng thu, ông thều thào thốt lên lời hối tiếc: “Hư không của mọi sự hư không, mọi sự đều hư không… Không có gì mới lạ dưới ánh sáng mặt trời… không có gì để khoe với Ông Trời..”

Vua Solomon có đến 700 hoàng hậu và 300 cung phi cùng với tất cả mọi sự giàu có và uy quyền mà một người bình thường không bao giờ có đủ khối óc để mơ tưởng, nhưng cuối đời khi tia sáng cuối cùng của mùa thu sắp mờ dần trước đôi mắt mệt mỏi của ông, ông như cào cào lê lết nặng nề, và dù cây hạnh ngoài kia có đang trổ bông cũng không đủ công năng để khuấy động lên trong thân thể già nua của ông ngọn lửa của dục tình, vì: ánh sáng mặt trời trong ông đã tắt, ánh trăng cũng không còn sức phản chiếu. Khi răng đã long, khi đầu đã bạc, “khi hai cánh cửa bên đường đóng lại” nghĩa là năm giác quan yếu mòn không còn đủ nhạy bén với những rung động xung quanh… “khi tiếng cối xay nhẹ dần”, là tim, gan, phèo phổi đã yếu mòn… “khi người ta thức giấc với tiếng chim hót” nghĩa là không ngủ được và không được giấc ngủ ngon vì còn vướn đọng quá nhiều những gánh nặng, những lỗi lầm, những thương tổn mà mình đã vô tình mang đến cho người mà giờ đây với cái thân già yếu mình không thể nào đủ sức trở về để bù đắp cho người… cho đời..

Tôi nhìn thấy điều này thật rõ và thật đậm trong tác phẩm “Mùa Cuối Thu” của họa sĩ tài hoa Trương Đình Uyên. Tone màu tím và vàng thật ngọt trong ánh mắt nhưng lại nhạt dần về phía sau như một mùa xuân chóng phai tàn để chỉ còn thấy cô đọng tụ chung trước mắt người xem một tia sáng yếu dần của buổi chiều cuối thu, một tia sáng vừa đủ sáng để kịp hồi ức, để kịp đón nhận và trân trọng chiếc lá vàng, cơ hội vàng cuối cùng. Dù đôi bàn tay đã héo gầy, đã cạn sức sống mà họa sĩ đã tinh ý đặt lên sắc màu tựa màu đen của cuốn chuối bị cạn dần nhựa sống, nhưng bàn tay vẫn cố gắng mở ra một cách trân trọng để đón nhận cơ hội vàng lần cuối… tuyệt tác!

 

Mùa Cuối Thu của Trương Đình Uyên

 

Tác phẩm này đoạt giải nhất trong cuộc triển lãm hội họa tại Costa Mesa Art Show, là đúng. Thời đó nếu vua Solomon gặp được tác phẩm ngay tức khắc ông sẽ nhận diện đôi bàn tay chán chường và héo gầy như màu đen của cuốn chuối là của chính ông. Và tôi cũng vậy, cũng nhận thấy cái hư không của lỗi lầm mình qua tuyệt phẩm này. Nhưng họa sĩ Trương Đình Uyên đã gợi mở một tia sáng của “mùa cuối thu” cho tất cả, và chiếc lá cuối cùng là cơ hội vàng của chính tôi và bạn.

Chỉ trong một ngày đứng lặng trước các họa phẩm tôi thấy mình giàu rất nhiều. Giàu từ những kinh nghiệm giá trị của những mảnh đời có thật của các họa sĩ. Tôi mường tượng thấy đời người nghệ sĩ tựa như một loại cây đặc biệt và cao trọng hơn tất cả các loại cây trong thiên nhiên. Đấng Tạo Hóa đã trồng các “Cây Người” là những nghệ nhân giữa thế giới nhân loại để thể hiện cái đẹp giữa thế gian xấu xa tàn tạ. Triết gia nổi tiếng người Anh, G. K. Chesterton từng nói: “Con người không phải là một cái bong bóng bay lơ lửng vào trong bầu trời, con người cũng không phải là một con chuột chũi đào bới dưới lòng đất; nhưng con người giống tựa như một cây lớn, tuy các rễ của nó được nuôi dưỡng bởi đất, nhưng các nhánh cành của nó lại vươn xa đến mức chạm vào những vì sao trong không gian vô tận.”

Con người đặc biệt vì trong cơ thể con có một điều rất mầu nhiệm là BỘ NÃO. Não cho con người khả năng cảm nhận và cảm thức. Thân thể con người được nuôi dưỡng bởi những chất vị từ thiên nhiên, và bộ não phải được nuôi dưỡng bởi tinh chất của Thiên Đàng, là cần kết nối mối quan hệ mật thiết với Đấng Chân-Thiện-Mỹ để có thể sống một cách thật-tốt-đẹp giữa thế gian. Để khi mùa thu đến, khi “cây người” phải rời xa cõi đời này, nó có thể mỉn cười và thốt lên rằng “vui thay việc tôi đã xong”.

Một người đàn ông sắp chết, trong giây phút miên man lo sợ, ông nhìn thấy Thượng Đế đang tiến đến gần ông với một cái vali trong tay. Đến trước ông, Ngài nói: “Được rồi con trai, đã đến giờ con phải đi rồi.” Người đàn ông sợ hãi đáp: “Ngay bây giờ sao Thượng Đế? Chẳng lẽ sớm như vậy sao? Con còn rất nhiều hoạch định chưa làm xong mà, thưa Ngài.” Thượng Đế nói với anh: “Ta cũng thấy tiếc về điều đó, nhưng đã đến lúc con phải rời khỏi thế giới này.”

Người đàn ông đưa mắt nhìn cái vali đang cầm trong tay Thượng Đế, hiếu kỳ hỏi: “Cái gì ở trong cái vali đó vậy, thưa Ngài?” Ngài đáp: “Là những điều thuộc về con.” “Là những điều thuộc về con? Có phải Ngài muốn nói những điều thuộc về con là: áo quần của con? Tiền bạc của con?” Thượng Đế nói: “Không phải, những thứ đó không thuộc về con, nhưng thuộc về trái đất này.” “Vậy, có phải là những kỷ niệm của con không?” “Không, những điều đó cũng không thuộc về con, chúng thuộc về thời gian.” “Vậy, đó có phải là những tài năng của con không?” “Không, những điều đó không thuộc về con, chúng thuộc về những cảnh huống đã xảy ra trong cuộc đời con.” “Vậy, có phải là bạn bè và những người thân trong gia đình con không?” Ngài đáp: “Không, người thân và bạn hữu không thuộc về con, nhưng thuộc về những con đường con đã đi qua.” “Vậy, có phải có phải những điều trong cái vali đó là vợ và các con của con không, thưa Ngài?” “Không, vợ và các con không phải thuộc về con, nhưng thuộc về trái tim.” “Vậy, điều trong cái vali đó có phải là thân xác của con không?” “Thân xác không thuộc về con, nhưng thuộc về bụi đất.” “Vậy, trong đó có phải là linh hồn của con không?” “Cũng không phải, vì linh hồn của con thuộc về Ta.” Người đàn ông bắt đầu lúng túng run rợ, ông giật cái vali từ tay Thượng Đế và vội mở ra xem. Trước sự kinh ngạc, bên trong cái vali hoàn toàn trống rỗng. Ông đứng sửng người, nước mắt tuôn rơi trên gò má, ông thốt lên: “Sao con chẳng có gì cả!” Thượng Đế nhìn ông và nói: “Đúng vậy, con chẳng sở hữu điều gì cả. Điều duy nhất mà con sở hữu là TỪNG GIÂY PHÚT SỐNG.”

TỪNG GIÂY PHÚT SỐNG LÀ ĐIỀU DUY NHẤT MÀ MỘT NGƯỜI CÓ THỂ SỞ HỮU – SỞ HỮU hay CÓ để quyết định đúng và sống đúng. Cái giá trị của từng giây phút tùy thuộc vào sự nhận thức lý do mình có hiện hữu trên cuộc đời này. Vì vậy, giá trị của đời sống không phải ở những điều mình đã tranh giành được, cũng không phải ở những điều mình cầm nắm trong tay, nhưng LÀ SỐNG ĐÚNG VỚI LÝ DO MÌNH ĐƯỢC TẠO DỰNG. Khi đã sống hết cái lý do mình được tạo dựng mùa thu cuối đời sẽ rất đẹp, êm nhẹ, và ngọt ngào.

Mục sư/Họa sĩ Duy Cường

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT