Thế Giới

Chính khách phớt lờ cử tri gốc Á, trước ngày toàn quốc ghi danh bầu cử

Vanessa White/Viễn Đông Tuesday, 18/09/2012 - 07:53:52

Bà nói thêm rằng bất cứ đảng nào làm điều ấy thì sẽ được cộng đồng dồn phiếu cho.

Cử tri và lá phiếu 2012

Vanessa White/Viễn Đông


WASHINGTON D.C. – Giữa lúc chỉ còn chưa tới 50 ngày là đến kỳ tổng tuyển cử vào ngày 6-11-2012, các ứng cử viên đảng phái tập trung đặc biệt vào chuyện làm những gì họ có thể làm được, để lôi cuốn sự ủng hộ của các cử tri. Thế nhưng trong số đó, có lẽ một số người không làm tất cả những gì họ có thể làm được.
Trong một cuộc họp báo qua Internet hôm 13-9-2012, bà Mee Moua – chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Trung Tâm Công Lý Người Mỹ Gốc Á Châu (AAJC) – nói với các đại diện giới truyền thông rằng cả đảng Dân Chủ lẫn đảng Cộng Hòa toàn quốc đều không vận động số phiếu bầu của những người Mỹ gốc Á Châu một cách hữu hiệu theo khả năng của mình. Khi đề cập đến những hình ảnh từ cả hai cuộc đại hội đảng toàn quốc năm 2012, bà Moua nói rằng vào những giờ cao điểm, chỉ có vài người Mỹ gốc Á Châu lên tiếng phát biểu, và xem ra như thể là hai đảng này đang chuyển hướng chú ý đến số phiếu của người Mỹ gốc Phi, gốc Latino và giới cử tri phụ nữ.
Bà Moua nói: “Trên phạm vi toàn quốc, người ta đang sẵn sàng bỏ lơ chúng tôi". Bà nói thêm rằng tính trên toàn quốc Hoa Kỳ thì các cử tri người Mỹ gốc Á Châu chiếm tỉ lệ ít ỏi, nên họ thường bị phớt lờ, và vì gần đây những người Mỹ gốc Á Châu nghiêng về phía đảng Dân Chủ, nên các thành viên đảng này thường có xu hướng cho rằng số phiếu bầu của người Mỹ gốc Á là một điều chắc chắn, còn đảng Cộng Hòa thì có khuynh hướng giả định rằng việc họ tiếp xúc với cử tri gốc Á là một chuyện phung phí thì giờ. Tuy nhiên, theo bà Moua nói tiếp, những ứng cử viên nào lạc vào trong lối suy nghĩ như thế đều đang làm hại cho chiến dịch vận động tranh cử của họ.
Bà nói rằng từ bây giờ cho đến ngày bầu cử, các ứng viên của cả hai đảng sẽ cần phải có những người của họ hoạt động tại chỗ, tích cực tham gia vào những cộng đồng người Mỹ gốc Á khác nhau, vốn đang phát triển nhanh. Bà nói thêm rằng bất cứ đảng nào làm điều ấy thì sẽ được cộng đồng dồn phiếu cho.

Tác động lá phiếu của người Mỹ gốc Á Châu

Bà Moua có trích dẫn lại kết quả một cuộc nghiên cứu thăm dò trong tháng 4 năm 2012 của tổ chức Lake Research Partners (LRP), được AAJC và tổ chức Phiếu Bầu Của Người Mỹ Gốc Á Châu Và Thái Bình Dương (APIA Vote) cùng phối hợp công bố, mà nhật báo Viễn Đông đã đưa tin trong tháng 5 năm 2012. Bà Moua nói rằng mặc dù những người Mỹ gốc Á Châu dồn phiếu cho Dân Chủ trong cuộc bầu cử năm 2008, nhưng vẫn có một số lượng tập trung đông đảo những người Mỹ gốc Á Châu tự xem mình như là cử tri độc lập không nghiêng về phía đảng nào cả và chỉ tập trung chú ý vào các vấn đề mà thôi. Bà Moua cho biết tiếp rằng những điều khám phá như vậy gợi ý cho thấy rằng những người Mỹ gốc Á Châu có tiềm năng để thực sự tạo ra một sức tác động bên lề trong cuộc bầu cử năm 2012, đặc biệt là ở các cấp độ địa phương. Tuy nhiên, theo dữ liệu thống kê mà Viễn Đông thu được từ Ủy Ban Vận Động Cử Tri Ghi Danh (CVRD) tại địa phương cho biết, thì các đảng tịch của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Quận Cam trong cuộc tổng tuyển cử năm 2008 có khác đi một chút so với những điều được tìm thấy trong cuộc thăm dò của LRP. Chẳng hạn, có 26 phần trăm người Mỹ gốc Việt trong quận này đã ghi danh là thành viên đảng Dân Chủ, trong khi đó có 44 phần trăm ghi danh là thành viên đảng Cộng Hòa, 3 phần trăm ghi danh thuộc một đảng khác, và 37 phần trăm không chịu cho biết mình thuộc về đảng nào.
Bà Moua nói: “Đảng Dân Chủ không nên nói rằng 'Chúng tôi có được cộng đồng ấy, còn phía Cộng Hòa đừng nên bỏ cuộc”. Bà nói, trong phần lớn của thập niên 1990, những người Mỹ gốc Á Châu thường có xu hướng dồn phiếu cho đảng Cộng Hòa, và việc chuyển hướng sang dồn phiếu cho Dân Chủ chỉ mới xảy ra vào năm 2000. “Khi người ta đầu tư vào chúng tôi, khi người ta dấn thân vào cộng đồng chúng tôi, thì chúng tôi bỏ phiếu bầu chọn”.
Trong khu vực Little Saigon, người ta thường thấy các thành viên Dân Chủ và Cộng Hòa tại địa phương của các cơ quan lập pháp tiểu bang, các giám sát viên quận hạt, và các nghị viên hội đồng thành phố, cùng nhau tham dự các dịp hội họp gặp gỡ chung, và tham gia sinh hoạt cùng với cộng đồng. Có lẽ không giống như xu hướng vừa được bà Moua đề cập, họ công nhận tiềm năng chính trị bên trong cộng đồng, chứ không xem nhẹ lòng tận tụy của cộng đồng đối với đất nước của mình, vốn được diễn tả ra một cách công khai.
Những ai trong cộng đồng chưa ghi danh bầu cử đều được khuyến khích tham gia vào Ngày Ghi Danh Cử Tri Toàn Quốc 25-9-2012. Những tổ chức cộng đồng phi đảng phái nào muốn giúp vào việc ghi tên các thành viên cộng đồng ngày hôm ấy cũng đều được khích lệ tham gia vào hơn 1.000 tổ chức trên toàn quốc Hoa Kỳ. Những nhóm này sẽ dùng ngày ấy để ghi danh các cử tri mới, cho kỳ bầu cử vào ngày 6-11-2012.
Trong cuộc họp báo qua viễn thông vào hôm 18-9-2012, do New America Media (NAM) và trung tâm Brennan Center for Justice đồng tổ chức, ông Dan McSwain, đại diện cho nhóm Voto Latino, nói với các đại diện giới truyền thông rằng mọi người đều có thể tham gia vào việc ghi danh cử tri ngày 25 tháng 9. Ông cho biết thêm rằng ông coi ngày ấy là một “ngày lễ”, vì đó là một ngày hành động, khi mọi thành phần xã hội và chính trị đều có thể tiến bước tới chuyện gióng lên tiếng nói của mình trong tháng 11 năm nay.
Để biết thêm tin tức tổng quát về Ngày Ghi Danh Cử Tri Toàn Quốc, hoặc để tham gia và tìm kiếm những nỗ lực ghi danh ở gần cộng đồng, quý độc giả có thể vào trang mạng www.nationalvoterregistrationday.org. Những tổ chức phi đảng phái nào quan tâm đến chuyện giúp đỡ ghi danh cử tri đều được khuyến khích làm việc ấy càng sớm càng tốt. - (VW)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT