Thế Giới

Chính phủ quân phiệt đòi phạt bà Yingluck gần $1 tỷ

Friday, 21/10/2016 - 10:12:31

Sau khi bị lật đổ trong năm 2014, bà Yingluck bị buộc tội sơ suất về chương trình trợ giá lúa gạo, và bây giờ bà đang chống lại các cáo buộc tại tòa án.

Cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra (giữa) đang dự một vũ điệu truyền thống của dân tộc Karen nhân dịp thăm chùa Wat Salaeng tại miền bắc Thái Lan. Trong nhiều tháng qua, bà đối phó với chính phủ do quân đội cầm đầu bằng những chuyến thăm người dân mà bà gọi là “tranh đấu bằng nụ cười.” (Getty Images)


BANGKOK - Bà Yingluck Shinawatra, cựu thủ tướng Thái Lan, cho biết rằng chính phủ quân phiệt từng lật đổ bà đã ra lệnh tịch thu tài sản và phạt bà 35 tỷ baht ($996.87 triệu Mỹ kim), vì chính phủ của bà từng thực hiện một kế hoạch trợ giá lúa gạo mà những người chỉ trích nói là làm thất thoát hàng tỷ Mỹ kim.
Chương trình trợ giá đã trả tiền cho nông dân cao hơn những mức giá thị trường, để mua lúa gạo của họ. Đó là một chính sách ưu tiên hàng đầu của chính phủ Yingluck, và giúp đưa bà lên chức vụ thủ tướng trong một cuộc tổng tuyển cử vào năm 2011.

Sau khi bị lật đổ trong năm 2014, bà Yingluck bị buộc tội sơ suất về chương trình trợ giá lúa gạo, và bây giờ bà đang chống lại các cáo buộc tại tòa án.

Hôm thứ Sáu, ở bên ngoài một tòa án tại Bangkok, bà Yingluck nói với các phóng viên rằng cách đây hai ngày bà nhận được một thông báo về lệnh tịch thu tài sản của bà.

Bà Yingluck nói, “Lệnh này là không đúng và không công bằng. Tôi sẽ dùng mọi phương cách có sẵn để chống lại lệnh này.”

Chương trình trợ giá lúa gạo là một chính sách dân túy được thiết kế bởi người anh của bà Yingluck, là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người cũng bị lật đổ trong một cuộc đảo chánh vào năm 2006.
Những người ủng hộ bà nói rằng vụ chống lại bà Yingluck là một phần của một kế hoạch quân sự, nhằm quét sạch ảnh hưởng của gia đình Shinawatra. Chính quyền quân sự phủ nhận chuyện họ nhắm riêng vào bà Yingluck.

Ngoài các trường hợp chống lại bà Yingluck và các thành viên cao cấp của nội các cũ của bà, chính phủ đang điều tra về khoảng 850 trường hợp liên quan đến chương trình lúa gạo vì nạn tham nhũng, theo phát ngôn viên chính phủ Tướng Sansern Kaewkamnerd nói với thông tấn xã Reuters.

Trong số những trường hợp này, có nhiều vụ liên quan đến những công chức cấp bậc thấp hơn và những thành viên thuộc lãnh vực tư nhân, theo ông Kaewkamnerd cho biết.

Một cố vấn của bà Yingluck, người giấu tên vì tính cách nhạy cảm của vấn đề, nói với Reuters rằng việc tịch thu tài sản được thực hiện bằng cách dùng điều 44 của bản hiến pháp tạm thời. Bản hiến pháp này trao cho ông Prayuth Chan-ocha, người cầm đầu chính phủ quân sự và cũng là thủ tướng của Thái Lan, quyền lực tuyệt đối để đưa ra bất cứ lệnh nào được coi là cần thiết, nhằm “củng cố sự đoàn kết và hòa hợp công cộng”.

Bà Yingluck có 45 ngày để kháng cáo.
Các nhà phân tích cho rằng việc tịch thu tài sản của Yingluck là một phần trong một kế hoạch của quân đội nhằm hạn chế ảnh hưởng của bà Yingluck và ông Thaksin.

Ông Thitinan Pongsudhirak, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại Học Chulalongkorn, nói với Reuters, “Đó là một phần trong tiến trình đảo chánh quân sự, nhằm dẹp bỏ hết thảy mọi thách thức từ phía ông Thaksin.”

Chính phủ quân sự nói rằng họ tổ chức cuộc đảo chánh năm 2014 để mang lại sự ổn định sau nhiều tháng bất ổn. Họ phủ nhận việc họ tổ chức đảo chánh là để hạn chế tầm ảnh hưởng của ông Thaksin, gia đình ông, và các đồng minh chính trị của ông.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT