Tiêu Thụ

Chọn kính đeo mắt

Friday, 20/01/2017 - 06:53:45

Về chất liệu làm tròng, ngày xưa người ta dùng thủy tinh, tức là glass (từ đó phát sinh ra chữ “eyeglasses” để chỉ cặp kính đeo mắt). Nhưng kính thủy tinh thì nặng nề và dễ vỡ, nên bây giờ đa số người ta dùng kính nhựa (plastic).

Bài ERIC TRẦN

Không giống như ngày xưa chỉ có cái màn ảnh TV, bây giờ rất nhiều loại màn ảnh, như Computer, điện thoại Smart Phones … làm hao tổn rất nhiều thị lực của chúng ta. Chẳng lạ gì khi số người đeo kính càng lúc càng nhiều, bất kể ở hạng tuổi nào, dù cao niên, thanh thiếu niên hay cả những đứa bé mới có 3,4 tuổi. Vì thế, nhu cầu chọn kính, tìm kính …. không phải chỉ giới hạn trong một ít số “trí thức nặng ký,” mà là sự cần thiết của một thành phần tiêu thụ càng lúc càng trở nên đông đảo hơn.

                                                                Chọn gọng kính nào đây?

Toa kính

Trước khi tìm được đôi kính thích hợp, chúng ta phải đi bác sĩ chuyên khoa về mắt để lấy toa, tức là để được đo thị lực. Trong lúc khám mắt, bạn nhớ nói với bác sĩ đo cả độ PD và ghi rõ số đo này trên toa kính. Sở dĩ bệnh nhân cần nhắc về độ PD là vì, có bác sĩ không đương nhiên làm điều ấy, và nếu làm, họ sẽ lấy thêm tiền.

Vậy độ PD là gì? Độ PD (pupillary distance) là khoảng cách giữa hai tâm điểm của con ngươi mắt. Nếu đeo kính hai tròng, bạn cần có hai độ PD.

Với toa kính có đầy đủ chi tiết về đôi mắt, bạn mới có thể đi cắt kính. Không nhất thiết phải mua kính ở văn phòng bác sĩ, bạn có thể đi những chỗ khác với sự chọn lựa rộng rãi hơn và giá cả rẻ hơn.

Cựu thống đốc Alaska, bà Sarah Palin, làm cho kiểu gọng kính không riềm (rimless frames) trở nên nổi tiếng một thời.

Dưới góc độ người tiêu thụ, chúng ta nên hiểu qua về đẳng cấp của các chuyên viên phục vụ con mắt. Người bình dân có thể gọi chung là bác sĩ nhãn khoa, nhưng thực ra có ba bậc khác biệt:

- Ophthalmologist: Là bác sĩ y khoa (medical doctor) chuyên khám và chữa các bệnh về mắt, các triệu chứng liên quan tới mắt, kể cả mắt kém. Có khả năng giải phẫu mắt.

- Optometrist: Không là một bác sĩ y khoa, nhưng vẫn được gọi là bác sĩ mắt (doctor of optometry). Đối với đại chúng bình dân, chúng ta chỉ cần phân biệt một cách đơn sơ rằng, bác sĩ này chỉ đo thị lực để biết chúng ta là cận thị, viễn thị, hoặc loạn thị….

Sau khi đo thị lực, bác sĩ sẽ cấp toa (prescription) ghi rõ loại kính nào phải sử dụng, với mức độ thị lực là bao nhiêu…

- Optician: Có thể gọi là chuyên viên cắt kính. Người này nhận toa của bác sĩ rồi làm kính.
Mặc dầu đẳng cấp của các vị này có khác nhau, nhưng trong phạm vi bài này, chúng tôi xin gọi chung là bác sĩ.

Chọn gọng kính (frames)

Có toa rồi, bạn phải chọn kính, bao gồm gọng kính và tròng kính. Văn phòng bác sĩ thường có bán gọng kính, vậy bạn có thể khởi sự ngay ở đây để xem sở thích của mình ra sao. Nếu ưng ý một kiểu nào đó, bạn nhớ ghi nhận hiệu kính, kiểu kính, kích thước và giá cả. Bạn không nhất thiết phải mua kính ở đây. Thị trường ngày nay cung ứng rất nhiều chọn lựa như Walmart, Costco, Sam Club, Amazon.com.

Cần lưu ý rằng, cặp gọng mà bạn thích phải phù hợp với loại tròng (lenses) mà bạn mang. Thí dụ: Dù thích cặp gọng kính không riềm bao quanh tròng (Rimless Frames), bạn cũng không thể chọn kiểu gọng này được nếu mắt bạn cần đến tròng kính dầy. Hoặc, nếu cần kính đa tròng (multifocal) để vừa nhìn xa nhìn gần, có lẽ bạn không nên chọn loại gọng mà riềm quá hẹp. Về việc chọn gọng cho phù hợp với nhu cầu của tròng, bạn có thể tham khảo ngay với bác sĩ.

Chọn tròng kính (lenses)

Chọn gọng kính đa phần là vì lý do thẩm mỹ. Nhưng chọn tròng kính thì phức tạp hơn nhiều. Đây mới là giai đoạn quyết định về việc con mắt bạn có thoải mái, dễ chịu không. Theo thống kê của Consumer Reports, mức trung bình mà người dân Mỹ phải bỏ thêm ra để mua kính sau phần chi trả của bảo hiểm là $275, phần lớn số đó là vì tròng chứ không phải vì gọng.

Về chất liệu làm tròng, ngày xưa người ta dùng thủy tinh, tức là glass (từ đó phát sinh ra chữ “eyeglasses” để chỉ cặp kính đeo mắt). Nhưng kính thủy tinh thì nặng nề và dễ vỡ, nên bây giờ đa số người ta dùng kính nhựa (plastic).

Nếu đeo kính môt tròng, sự chọn lựa sẽ dễ dàng hơn. Nhưng nếu đeo kính đa tròng (multifocal), ban sẽ được cung ứng rất nhiều chọn lựa, mà nếu không hiểu qua về đặc điểm của từng mục, bạn sẽ cảm thấy nhức đầu, thay vì cảm thấy thoải mái vì được cơ hội chọn lựa. Chẳng hạn, bạn sẽ được hỏi về tròng Progressives, High-Index, Trivex, hoặc High-definition. Mỗi thứ đều có sự ích lợi riêng của nó, rất xứng đáng đồng tiền bát gạo. Nhưng chỉ nghe những từ ngữ này lạo xạo trong tai thôi cũng đủ “xỉu,” nói chi tới việc suy nghĩ mà chọn lựa. Vậy, xin hẹn gặp lại các bạn trong bài viết vào tuần tới.
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT