Mẹo Vặt

Chọn lựa thế nào: NON-GMO hay ORGANIC?

Tuesday, 20/06/2017 - 07:17:31

Nuôi trồng GMO là thế nào, NON-GMO thế nào, ORGANIC thế nào, và INORGANIC thế nào? Đó là chuyện của nhà nông, của chủ trại, và Hằng đề nghị chúng ta chưa cần bận tâm tới việc ấy trong lúc này làm gì.

Bài VŨ HẰNG

Khi vào chợ, chắc hẳn các bạn đã từng thắc mắc về những nhãn hiệu ghi trên rau, quả, cá, thịt. Lúc đầu có vẻ lạ mắt nhưng càng lúc càng trở nên phổ thông hơn. Những nhãn hiệu được nói tới nhiều nhất hiện nay là “non-GMO” và “Organic,” bên cạnh đó chúng ta lại thấy những sản phẩm khác không ghi dấu gì cả. Vậy, chúng ta phải hiểu thế nào về những chữ này?


Chọn lựa thế nào đây nhỉ? Khó nghĩ quá!

NON-GMO và ORGANIC

Ý nghĩa đầu tiên là những sản phẩm có nhãn hiệu “non-GMO” hoặc “Organic” được nuôi trồng theo những phương thức lành mạnh, đòi hỏi nhiều công sức hơn nơi nhà sản xuất. Trong khi đó, những sản phẩm không dán nhãn hiệu như trên thì được hiểu rằng, chúng là GMO (trái với Non-GMO), hoặc là INORGANIC (trái với Organic).


Nghe nói là hàng NON-GMO mới lành mạnh

Nuôi trồng GMO là thế nào, NON-GMO thế nào, ORGANIC thế nào, và INORGANIC thế nào? Đó là chuyện của nhà nông, của chủ trại, và Hằng đề nghị chúng ta chưa cần bận tâm tới việc ấy trong lúc này làm gì. Chúng ta chỉ cần biết một điều thực tế, đó là những sản phẩm có dấu NON-GMO hoặc ORGANIC thường đắt hơn những sản phẩm không được ghi dấu như vậy, hoặc ghi ngược lại.

Oái oăm thay, những sản phẩm có nhãn hiệu tuy đắt hơn mà trông lại không ngon bằng những sản phẩm cùng loại không ghi dấu. Nhưng các thầy cô chuyên về dinh dưỡng lại khuyên: Nếu túi tiền cho phép, bạn nên chọn những thứ gì có ghi NON-GMO hoặc “ORGANIC”để có được những thực phẩm lành mạnh cho gia đình

NON-GMO? Hay ORGANIC?

Như vậy, ranh giới giữa GMO và NON-GMO đã rõ ràng; Và, sự phân biệt giữa ORGANIC và INORGANIC cũng rõ ràng như vậy. Vấn đề đặt ra bây giờ không phải là thuyết phục giới nội trợ về ưu điểm của NON-GMO so với GMO, hoặc ORGANIC so với INORGANIC nữa.


Nhưng NON-GMO thì nhỏ, thua xa những thứ kia

Nhưng ngay cả khi bạn không so đo gì về giá cả và tuyệt đối tin vào lời khuyên của các thầy cô chăng nữa, bạn vẫn cảm thấy khó xử khi gặp trường hợp thế này: Hai vỉ trứng có nhãn hiệu, một vỉ ghi “NON-GMO” và vỉ kia đề “ORGANIC,” cũng là thứ nhãn hiệu được ưa chuộng, thì bạn nên chọn thứ nào? Đây không phải là một thí dụ do Hằng tưởng tượng ra nhé, mà là thí nghiệm do một đài phát thanh lớn trên nước Mỹ đã thực hiện như sau:

Phóng viên Dan Charles của đài NPR (National Public Radio) đã đến trước một ngôi chợ Whole Foods Market ở Washington D.C. để làm thí nghiệm: Hai tay cầm hai vỉ trứng, một ghi NON-GMO và một ghi ORGANIC, ông hỏi những người đang từ trong chợ bước ra, xem họ chọn thứ nào?

Kết quả là đa số giới nội trợ đều chọn vỉ trứng NON-GMO vì nó rẻ hơn… 50 xu!
Lý luận chung trong đầu mọi người là: Nếu cả hai thứ đều tốt, tại sao không chọn thứ rẻ hơn? Thực tế thì cả triệu người dân Mỹ cũng đều chọn lựa như vậy.

Theo thống kê của giới quan sát thị trường, sản phẩm có nhãn hiệu NON-GMO đã gia tăng đáng kể trong một vài năm qua. Cô Megan Westgate, giám đốc điều hành chương trình cổ động NON-GMO tại đài phát thanh nói trên, cho biết, số lượng sản phẩm NON-GMO bán ra đã đạt được 16 tỷ vào năm 2016, so với tổng số 7 tỷ vào hai năm trước đó. Sản phẩm mang nhãn hiệu ORGANIC cũng tăng, nhưng không nhanh bằng NON-GMO.
Vậy ý kiến của giới chuyên môn trong vấn đề này như thế nào? So sánh giữa NON-GMO và ORGANIC, thứ nào tốt hơn? Tại sao ORGANIC lại đắt hơn?

Ông Allen Williams, một chủ trại tại Cerro Gordo, thuộc tiểu bang Illinois, đã giúp chúng ta hiểu sự khác biệt một cách thực tế. Ngay trên trang trại của mình, ông Williams cho trồng hoa màu theo ba lối: Organic, Non-GMO, và GMO.

- Trên khu vực Organic, hoa màu chỉ được bón bằng phân gà, chứ không dùng phân hóa học. Còn nhặt cỏ thì ông mướn các cháu học sinh đến nhặt cỏ bằng tay, chứ không dùng thuốc diệt cỏ.

- Trên khu vực Non-GMO và GMO, ông cũng trồng những thứ hoa màu như vậy, nhưng cho bón phân hóa học và diệt cỏ bằng thuốc sát trùng. Chỉ có điều khác biệt là, ở khu vực NON-GMO, ông dùng những loại hạt giống nguyên thủy, trong khi ở khu vực GMO, ông gieo loại hạt đã được biến đổi di truyền (genetically modified) để có được những sản phẩm lớn hơn, đẹp mắt hơn.

Như vậy, qua sự quan sát trực tiếp, chúng ta có thể dễ dàng hiểu được tại sao sản phẩm Organic lại đắt. Bởi vì, chúng được nuôi trồng một cách công phu hơn theo những cách thức mà không mấy trại chủ muốn áp dụng.

Còn về giá trị thì sao? Gạt ra ngoài sản phẩm GMO là thứ dùng hạt giống đã bị biến đổi di truyền, có thể tác hại tiềm tàng vào cơ thể người tiêu thụ, chúng ta cũng có thể đánh giá dễ dàng giữa hai loại còn lại:
- Organic là sản phẩm hoàn toàn hữu cơ, hay nói một cách khác, hoàn toàn thiên nhiên, không có phân hóa học, mà ngay cả hóa chất diệt cỏ cũng không.

- NON-GMO tuy là sản phẩm từ hạt giống nguyên thủy, nhưng cũng vẫn có thể được nuôi trồng bằng phân hóa học, và phần nào ô nhiễm từ thuốc diệt cỏ.
Vậy bây giờ, nếu gặp ông nhà báo Dan Charles với hai tay hai vỉ trứng, bạn biết chọn thứ nào rồi chứ: Organic phải không? Hằng cũng làm như vậy nữa.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT