Đời Sống Việt

Chồng Già Vợ Trẻ... Chuyện Tình Đêm 30

Wednesday, 25/02/2015 - 10:53:25

“Thư Gửi Bạn Già Nhân Ngày St Valentine” nhưng suy đi nghĩ lại, chúng ta chẳng khuyên nhau được điều gì hệ trọng vì tình yêu có sức mạnh cộng với tuổi già cấp bách và thời gian sum họp là cứu cánh nên “ván” đã vội vàng tìm cách đóng “thuyền” rồi... Hồ sơ nhập tịch đang xúc tiến để tương lai, nàng sẽ theo bạn sang Pháp chung sống cuộc đời còn lại.

Cao Đắc Vinh
(Để tặng những bạn già của tôi còn vướng nợ yêu đương vào lúc cuối đời...)

Tôi có ông bạn già, tuổi đời đã hơn “thất thập”. Bạn tôi ly dị bà vợ đầm đã lâu, hai người đều thuộc thành phần ưu tú trong xã hội Pháp trước khi hưu trí. Con cái đỗ đạt, sớm thành gia thất nên ngày nay các cháu nội ngoại trưởng thành ở Âu châu đang tiếp nối sự thành công là niềm an ủi và hãnh diện lớn cho tuổi già của bạn tôi.
Ly dị, chia tay, tranh chấp... phải vùi sâu ân tình, lấp cả những ngày hoa mộng để buộc tội nhau trước quan tòa cùng hai bên luật sư là những tình huống ô nhục khi vợ chồng bất hòa trong quá khứ! Dĩ vãng sân hận ấy chập chờn như cơn ác mộng, ngày nào còn nhớ đến, ngày ấy còn khổ tâm. Như chim trúng đạn bị trọng thương thấy mây xám chuyển động sợ hãi chẳng dám bay, như kẻ say sóng nhìn bến đời mất phương hướng nên mái chèo lơ lửng trên sông nhưng rồi sau cơn mưa, bầu trời ảm đạm bất định đó bỗng lại sáng... tìm về cái cố định đã bất thường!
Chỉ vì tuy đau thương tột cùng, dù muốn hay không thuyền tình vẫn lững lờ trôi trên dòng đời về một bến khác. Với tình yêu, cánh đàn ông lơ lửng chứ không lửng lơ, lững lờ mà không hững hờ. Tình lỡ bến này, tình đậu bến kia... cảnh đời phù vân ấy mãi mãi ở bên kiếp người. Sớm mai thức dậy, hồn nửa tỉnh nửa mê giữa khung trời tranh tối tranh sáng, bước ra vườn ta ngắt một bông hồng còn đọng ướt sương đêm rồi mang vào nhà, say mê ngắm hoa trong bình pha lê thì bao kinh nghiệm tình trường sẽ quên hết và nếu thêm dại mất khôn, cũng chẳng có cái dại nào giống cái dại nào! Tình yêu lại hồi sinh... mạnh hơn, bất chấp mọi nghịch cảnh dù chồng già vợ trẻ hay bến đục bến trong.
Mỗi độ Tết đến, cây xanh đâm chồi nẩy lộc... Tình yêu cũng nẩy mầm như đóa hoa xuân, rộn ràng tỏ tình với ngày St Valentine. Đặc biệt năm nay, vào dịp lễ tình yêu tôi nhận được thư bạn từ quê nhà báo tin sẽ lập gia đình với một phụ nữ trẻ rồi cùng nhau về Pháp. Tựa đề đầu tiên tôi đặt cho bài viết này là: “Thư Gửi Bạn Già Nhân Ngày St Valentine” nhưng suy đi nghĩ lại, chúng ta chẳng khuyên nhau được điều gì hệ trọng vì tình yêu có sức mạnh cộng với tuổi già cấp bách và thời gian sum họp là cứu cánh nên “ván” đã vội vàng tìm cách đóng “thuyền” rồi... Hồ sơ nhập tịch đang xúc tiến để tương lai, nàng sẽ theo bạn sang Pháp chung sống cuộc đời còn lại.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh cô đơn nơi xứ người và hiện tượng chồng già ở nước ngoài về quê hương cưới vợ trẻ ngày nay trở thành phong trào nhưng đa số khi đã ở ngoại quốc, cô vợ trẻ lại bỏ ông chồng già mà trong số các lý do, tài chánh thường là yếu điểm nên tôi đổi tựa đề thành một câu hỏi, có lẽ thiết thực hơn đối với nhiều người: “Chồng Già Vợ Trẻ Là Tiên... Huyền Tiền?”. Một lời bàn dựa theo những mối tình có tuổi đời bất cân xứng sẽ là “Tiên”, “Tiền” hay cả “Tiên lẫn Tiền”? Ở thế kỷ 21, nếu ta để chữ “yêu” lên bàn cân thì vai trò của tình và tiền ngang ngửa. Cặp bài trùng này là hai yếu tố tạo ra cả hạnh phúc lẫn khổ đau trong đời sống lứa đôi. Riêng hoàn cảnh chồng già vợ trẻ khó khăn hơn... Đành rằng phải có tiền mới dễ cảm hóa được tình nhưng để tình không dứt áo ra đi lại là một nghệ thuật có điều kiện.
Nói lên sự thật thường sống sượng nên chữ nghĩa diễn tả cũng khiếm nhã giống như cái tựa đề ở trên nên tôi chọn và bằng lòng với một tiêu đề lãng mạn cho dễ nhận ra cái nghịch cảnh: “Có Mùa Thu Nào Yêu Được Một Mùa Xuân?”. Qua câu hỏi tiêu cực này, ông chồng già hoàn toàn thụ động nhưng nếu đổi danh từ thành chủ từ: “Có Mùa Xuân Nào Yêu Được Một Mùa Thu?” tư tưởng lại tích cực với ý nghĩ tự nguyện dành sự chủ động cho người vợ trẻ... Tuy nhiên, cuộc tình nào cũng phải đến từ hai phía nên chủ từ và danh từ trước sau đều đúng cả mặc dù “bài bản” để chiếm hữu và duy trì mối tình có những điều khoản khác biệt. Hai chữ “hy vọng” là câu trả lời tích cực cho những “mối tình già trẻ” này bởi mọi sự ở đời đều tương đối.
Trở về với chuyện của bạn tôi... Sau bao năm làm việc rồi hưu trí, “Mùa thu” sống cô quạnh ở một thành phố miền Bắc nhiều gió và biển lạnh... Mai đây, mỗi sáng thức dậy bạn sẽ có “Mùa xuân”, hình ảnh người vợ trẻ cùng tản bộ lên đồi xuống biển, chia sẻ tâm tình giữ cho tuổi già thêm lạc quan. Thế nhưng niềm vui nào cũng sẵn nỗi buồn theo sau, tuổi chàng “thất thập”, tuổi nàng chia đôi nên khó khăn sẽ nằm giữa mối tình ở cả hai chiều không gian và thời gian. Sau chuyến thăm quê, chàng như Lưu, Nguyễn lạc tới Đào nguyên, gặp cô nàng dâng cả đào tiên lẫn khúc nghê thường nên mê mẩn đã quên mất đường về. Âu lo về cái không gian lý tưởng đó chính là câu hỏi về thời gian... Liệu chàng và nàng sẽ hạnh phúc ở chốn Thiên Thai ấy được mấy mùa xuân thu?
Thư bạn kể rằng: “gSau mấy tháng chung sống, sắp phải chia tay với cô bạn trẻ... lòng cảm thấy bịn rịn. Lúc trước vẫn tự hỏi thì nay đã yêu thật rồi! Bây giờ tính chuyện kết hôn lại thấy mình như người đứng cạnh bờ vực thẩm. Biết có làm hại mình hay hại cô ấy không?”. Lá thư ngắn dự đoán con đường tình tương lai có sẵn chông gai, không may có thể lại là ngõ cụt nhưng đừng lo “vực thẳm” vì tuổi già, chúng ta sẽ nhận ra nó rất sớm khi nhắm mắt lìa đời. Đây có thể là một quyết định quan trọng cuối cùng trong đời. Cứ suy nghĩ kỹ nhận định của Samuel Johnson với tâm trạng sáng suốt: “Marriage has many pains but celibacy has no pleasures” thì ta hiểu ngay cái lẽ hơn thiệt. Tôi không giữ vai trò cố vấn tâm lý bởi con người hồi xuân đang yêu có những luồng sóng ngầm xoáy chìm mọi thứ đến gần... Hơn nữa, bạn lại nhiều kiến thức, đầy đủ bản lãnh và từng trải để biết thế nào là hạnh phúc đau thương do đó tôi chỉ muốn đóng góp quan điểm văn chương thực tiễn của mình qua mối tình so le tuổi tác này mà thôi.
Chúng ta thử đọc V.F. Calverton, một người Mỹ trí thức viết về tình yêu ở đàn ông: “Men love because they are afraid of themselves, afraid of the loneliness that lives in them and need someone in whom they can lose themselves as smoke loses itself in the sky”; phái nam sợ cô đơn, luôn cần người tình để cùng say đắm như làn khói tan vào thinh không. Nhiều lời trích dẫn rất thích hợp với cảnh “chồng già vợ trẻ” chẳng hạn Proust: “L'amour, c'est l'espace et le temps rendus sensible au coeur”; khi không gian hòa vào thời gian, tất cả ba “thì” quá khứ, hiện tại, vị lai sẽ chỉ là một và tình yêu do đó suy ra bất phân tuổi tác... Rồi “Love Story”: “Love means not ever having to say you're sorry”; đừng bao giờ nói câu nuối tiếc khi đã yêu hoặc St Exupery: “Love does not consist of gazing at each other but in looking outward together in the same direction”; yêu không phải nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng. Thực tế, “chồng già vợ trẻ” là hai cảnh đời khác biệt nên họ khó có chung một lối sống hay hướng nhìn ngoại trừ chuyện tình dục tạm thời sung mãn... Vậy hướng nào là hướng của đôi ta? Hướng anh lá rụng mùa thu, hướng em hoa nở mùa xuân... Nếu vì nợ nần từ kiếp trước mà vợ chồng gặp nhau thì cái duyên này là một bằng chứng hy hữu. Làm sao hai nhân vật ấy đạt cái “một hướng” để tâm đầu ý hợp khi một người tiến đến tuổi trăm năm thì tóc người kia mới bắt đầu bạc? Một vấn đề tâm lý... “cho và nhận” cùng với lòng trắc ẩn hy vọng sẽ mang lại hạnh phúc nhưng những đức tính đó khó thấy ở mọi người nên cũng không bảo đảm.
Tuổi già của chúng ta đang đi lùi về quá khứ để người già trở thành con trẻ. Tôi nhớ đến St Exupery, lúc 6 tuổi, cậu vẽ hình ảnh một con trăn nuốt trọn một con voi đang nằm tiêu hóa con mồi. Cậu mang tác phẩm ra khoe người lớn. Xem xong, họ bảo cậu đã vẽ “chiếc mũ” chẳng có quái gì đặc biệt! Giận quá, cậu vẽ thêm con voi nằm trong bụng con trăn thì họ lại chê vớ vẩn, khuyên cậu bỏ vẽ để làm chuyện khác ích lợi và thiết thực hơn! Thế là từ đó cậu nản chí, tránh xa không bàn chuyện hội họa với họ nữa...
Trên đường phố một ngày gần đây, dân Pháp tình cờ thấy bạn đi bên cạnh người vợ trẻ. Họ sẽ nghĩ ông bố đang dạo chơi với cô con gái... một hình ảnh thông thường “chẳng có quái gì đặc biệt”! Bạn lên tiếng phủ định chẳng phải cha con mà là “chồng đi bên vợ” tức thì họ sẽ ngạc nhiên, dị nghị và đánh giá bạn với nhiều thành kiến. Ấy là hoàn cảnh gia đình tương lai của bạn giữa xã hội Pháp nơi bạn đang sinh sống.
Nói đến St Exupery thì sẽ không quên “Le Petit Prince” (Hoàng tử bé), cuốn truyện ngụ ngôn thiếu nhi dành cho người lớn đọc. Hoàng tử bé có người yêu là một bông hồng sống ở một tinh cầu bé tí xa xôi. Một hôm, cậu từ giã bông hồng để chu du vũ trụ và thăm trái đất. Nơi đây, cậu gặp một con cáo và rủ cáo làm bạn với mình nhưng cáo tâm sự: “Đời nhạt nhẽo... Tớ săn gà, người săn tớ! Chỉ khi nào cậu cảm hóa tớ thì chúng ta mới hiểu nhau mà làm bạn. Lúc đó, tớ sẽ không nhìn cậu giống những người thợ săn mà ngược lại khi bị cậu cảm hóa... Cánh đồng lúa mì chẳng hứng thú gì với tớ cả nhưng mầu vàng lúa mì vì giống mầu tóc cậu nên tớ nhớ cậu và sẽ yêu cả... tiếng gió reo trong lúa mì. Sở dĩ cậu yêu tha thiết bông hồng vì cậu đã chăm sóc và tưới bón nó hàng ngày, cậu đã bị nó cảm hóa! Tớ chỉ biết khuyên cậu hãy sớm trở về tinh cầu với bông hồng và tìm kiếm trong đó ý nghĩa của cuộc đời mình”.
Đến đây, tôi tưởng tượng mẩu đối thoại này cũng là của bạn với cô vợ tương lai “gái một con trông mòn con mắt”. Con cáo này thông minh nói nhiều lời chí lý, tôi viết riêng một câu mà tôi thích nhất ra đây: “Những cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy nên người ta chỉ nhìn ra thật rõ ràng bằng trái tim”. Lời khuyên này cũng là điều tôi muốn nói... Nghĩ rằng một mình bạn biết được con tim mình đang “nhìn thấy” những gì khác lạ? Có điều người ta thường bảo: “khôn như cáo già... dại như gà non”. Trái tim hiểu những “cái cốt yếu” như “cáo” có phải “bông hồng” và “gà” là “tiền” hay không? Cáo đã nói “tớ cần gà” vì thế sử dụng sao cho khéo để “cảm hóa” nó lâu dài... Còn bạn dưới mắt tôi, chính là ông Hoàng tử bé.
Viết đến đây, tôi lại muốn thay đổi cái tựa đề bài viết vì cần có chút “kịch tính” đi sát với câu chuyện này chẳng hạn: “Chồng Già Vợ Trẻ... Chuyện Tình Đêm 30”. Tại sao lại Đêm 30? Đêm 30... vì đêm muộn ấy có sẵn những đặc điểm: Người ta hồi hộp sắp bước sang năm mới cùng nghĩa với một cuộc đời mới. Những kẻ yêu nhau hớn hở vì là đêm giao thừa cận Tết Nguyên Đán vui xuân... “Anh đến thăm em đêm 30, còn đêm nào vui bằng đêm 30, xin (những) chiếc lá vàng (tuổi) làm bằng chứng yêu em”. Sau cùng, tôi nhớ Kiều: “Ai tri âm đó mặn mà với ai” để tặng người bạn tri âm câu nói của Khalil Gibran, thi sĩ người Liban vì biết nó sẽ làm lòng bạn nở hoa: “Life without love is like a tree without blossom and fruit” cho dù trái xanh trên cây đã cuối mùa rồi mà vẫn đậu cành chưa chín...

02/20/2015

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT