Sức Khỏe

Chóng mặt và rối loạn tiền đình

Friday, 14/12/2018 - 08:47:38

Các nguyên nhân ít gặp hơn của BPPV bao gồm các bệnh của tai trong hoặc, hiếm khi, tổn thương xảy ra trong khi giải phẫu tai hoặc trong khi đặt lưng ở một vị trí quá lâu, chẳng hạn như trên ghế nha sĩ. BPPV cũng đã được liên kết với chứng đau nửa đầu migraine.


Tai trong và "Mê Cung Tiền Đình" (Hình: Blausen.com staff)


BS Nguyễn Thị Nhuận

Chóng mặt (dizziness) không phải là một bệnh mà đúng ra chỉ là một triệu chứng khá thông thường khiến cho người bệnh phải đi khám bệnh, mặc dù nó ít khi gây ra nguy hiểm chết người. Chóng mặt là chữ dùng để mô tả một số cảm giác như cảm thấy muốn xỉu, đầu nhẹ bưng, yếu ớt hoặc không đứng vững. Khi có cảm giác chính mình hoặc môi trường xung quanh đang quay hoặc di chuyển thì được gọi là chứng chóng mặt quay cuồng (vertigo). Như vậy, tiếng Mỹ có 2 chữ để nói về chóng mặt là diziiness và vertigo, nhưng người mình thì dịch cả 2 chữ là chóng mặt.
Những cơn choáng váng thường xuyên hoặc chóng mặt liên tục có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của người bệnh. Điều trị chóng mặt phụ thuộc vào nguyên nhân và triệu chứng. Điều trị thường hiệu quả, nhưng bệnh thường tái phát.


Vestibular Labyrinth (Mê Cung Tiền Đình) nằm ở tai trong

Triệu chứng
Những người bị chóng mặt có thể mô tả nó như sau:
Cảm giác thấy mọi vật chuyển động hoặc quay tròn (vertigo)
Cảm thấy đầu nhẹ bưng hoặc cảm thấy muốn xỉu
Mất ổn định hoặc mất thăng bằng
Cảm giác bồng bềnh, lơ lửng hoặc nặng đầu
Những cảm giác này có thể được bắt đầu hoặc trở nên tồi tệ hơn khi bệnh nhân đi bộ, đứng lên hoặc di chuyển đầu. Chóng mặt có thể đi kèm với cảm giác buồn nôn đột ngột hoặc nghiêm trọng đến mức bệnh nhân cần phải ngồi hoặc nằm xuống. Cơn chóng mặt có thể kéo dài vài giây hoặc vài ngày và có thể tái diễn.
Khi nào nên đi khám bệnh
Nói chung, nên đi khám bệnh nếu cơn chóng mặt hay quay cuồng của bạn tái phát, đột ngột, nghiêm trọng, hoặc kéo dài và không giải thích được.
Tìm chăm sóc y tế khẩn cấp nếu bạn có một cơn chóng mặt mới, cơn chóng mặt nặng hoặc chóng mặt cùng với một hay nhiều triệu chứng sau đây:
Nhức đầu đột ngột, dữ dội
Đau ngực
Khó thở
Tê hoặc liệt tay hoặc chân
Ngất xỉu
Nhìn thấy hai hình
Nhịp tim nhanh hoặc không đều
Nhầm lẫn hoặc nói không rõ
Loạng choạng hoặc đi lại khó khăn
Nôn liên tục
Động kinh
Thính giác thay đổi đột ngột
Mặt tê hoặc yếu
Trong khi chờ đợi, nên:
- Di chuyển chậm rãi. Khi đứng lên hay nằm xuống nên di chuyển chậm.
- Uống nhiều nước
- Tránh uống cà phê hay hút thuốc vì những thứ này làm máu chảy chậm lại khiến triệu chứng nặng thêm.

Nguyên nhân
Chóng mặt có nhiều nguyên nhân, gồm bệnh của tai trong (inner ear), say tàu xe và tác dụng của thuốc. Đôi khi nó gây ra bởi một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như tuần hoàn kém, nhiễm trùng hoặc chấn thương. Cách bệnh nhân cảm thấy chóng mặt và trường hợp gây ra triệu chứng sẽ cho manh mối tìm nguyên nhân. Thời gian chóng mặt kéo dài bao lâu và những triệu chứng khác kèm theo cũng có thể giúp xác định nguyên nhân.
1.Các vấn đề của tai trong (inner ear) gây chóng mặt
Cảm giác thăng bằng của chúng ta là do sự kết hợp các cảm giác từ những phần khác nhau của hệ thống cảm giác của bạn. Chúng bao gồm:

Mắt, giúp xác định vị trí của cơ thể bạn trong không gian và cách nó di chuyển
Các dây thần kinh cảm giác, gửi thông điệp đến não về các chuyển động và vị trí của cơ thể
Tai trong, nơi chứa các cảm biến giúp phát hiện trọng lực và chuyển động qua lại.
Chóng mặt quay cuồng (vertigo) là do bệnh nhân có cảm giác sai lầm rằng môi trường xung quanh đang quay hoặc di chuyển. Với các rối loạn tai trong, não của bệnh nhân nhận được tín hiệu từ tai trong không phù hợp với những gì mắt và dây thần kinh cảm giác đang nhận được. Vertigo là kết quả khi bộ não đang hoạt động để hiểu rõ sự sai lạc này.

Bệnh chóng mặt vị trí lành tính (Benign Paroxysmal Positional Vertigo). Tình trạng này gây ra cảm giác mãnh liệt và ngắn gọn nhưng sai lầm rằng bạn đang quay hoặc di chuyển. Cơn chóng mặt này được gây ra bởi việc chuyển động đầu nhanh, chẳng hạn như khi bạn xoay người trên giường, ngồi dậy hoặc bị một cú đánh vào đầu. BPPV là nguyên nhân thường nhất của chứng chóng mặt vertigo.

Nhiễm trùng. Dây thần kinh tiền đình (vestibular) bị nhiễm siêu vi, gọi là chứng viêm dây thần kinh tiền đình, có thể gây ra chóng mặt dữ dội, liên tục. Nếu bạn cũng bị mất thính lực đột ngột, bạn có thể bị chứng viêm mê cung tiền đình (labyrinthritis).

Bệnh Meniere's. Bệnh này liên quan đến sự tích tụ quá nhiều chất lỏng trong tai trong của bạn, thường biểu hiện bằng các cơn chóng mặt đột ngột kéo dài đến vài giờ. Bạn cũng có thể bị mất thính lực lúc nhiều lúc ít, ù tai và cảm giác tai bị tắc.

Nhức đầu migraine. Những người bị chứng đau nửa đầu này có thể bị chóng mặt vertigo hoặc các loại chóng mặt khác ngay cả khi họ không bị đau đầu nặng. Các cơn chóng mặt như vậy có thể kéo dài vài phút đến vài giờ và có thể liên quan đến cơn đau đầu. Bệnh nhân có thể bị nhạy ánh sáng và tiếng ồn.
2. Vấn đề lưu thông máu gây chóng mặt

Bạn có thể cảm thấy chóng mặt, ngất xỉu hoặc mất thăng bằng nếu tim bạn không bơm đủ máu lên não. Nguyên nhân bao gồm:

Giảm huyết áp. Huyết áp tâm thu - con số cao hơn trong số đo huyết áp của bạn - giảm nhanh có thể dẫn đến tình trạng đầu bị nhẹ bưng hoặc cảm giác ngất xỉu. Nó có thể xảy ra sau khi ngồi dậy hoặc đứng lên quá nhanh. Tình trạng này còn được gọi là hạ huyết áp thế đứng (orthostatic hypotension).
Lưu thông máu kém. Các tình trạng như bệnh cơ tim, đột quị tim, rối loạn nhịp tim và cơn thiếu máu não thoáng qua (Transient Ischemic Attack) có thể gây chóng mặt. Và việc giảm thể tích máu có thể gây ra giảm lưu lượng máu đến não hoặc tai trong của bạn.

3. Nguyên nhân khác của chóng mặt
Bệnh thần kinh. Một số rối loạn thần kinh - như bệnh Parkinson và bệnh đa xơ cứng - có thể dẫn đến mất thăng bằng dần dần.

Thuốc. Chóng mặt có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc - chẳng hạn như thuốc chống động kinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau và thuốc an thần. Đặc biệt, thuốc hạ huyết áp có thể gây ngất xỉu nếu chúng làm giảm huyết áp quá nhiều.

Bệnh lo âu. Một số chứng rối loạn lo âu có thể gây ra chóng mặt hoặc cảm giác muốn xỉu. Chúng bao gồm các cơn hoảng loạn và nỗi sợ phải rời khỏi nhà hoặc ở trong một không gian rộng (agoraphobia).
Mức chất sắt trong máu thấp (thiếu máu). Có thể đi kèm với các triệu chứng thiếu máu khác như mệt mỏi, yếu ớt và da xanh nhợt.

Lượng đường trong máu thấp. Tình trạng này thường xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường đang sử dụng insulin. Chóng mặt có thể đi kèm với toát mồ hôi và lo lắng.
Quá nóng và mất nước. Nếu bạn hoạt động trong thời tiết nóng hoặc nếu bạn không uống đủ chất lỏng, bạn có thể cảm thấy chóng mặt vì quá nóng (tăng thân nhiệt) hoặc do mất nước, nhất là khi bạn đang dùng một số loại thuốc tim.

Các yếu tố rủi ro
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị chóng mặt bao gồm:
Tuổi tác. Người lớn tuổi dễ mắc các bệnh gây chóng mặt, đặc biệt là cảm giác mất cân bằng. Họ cũng thường hay dùng các loại thuốc có thể gây chóng mặt.
Một cơn chóng mặt trước đây. Nếu bạn đã từng bị chóng mặt trước đây, bạn có nhiều khả năng bị chóng mặt trong tương lai.

Biến chứng

Chóng mặt có thể làm tăng nguy cơ té ngã và làm bạn bị thương. Bị chóng mặt trong khi lái xe hoặc vận hành máy móc nặng có thể làm tăng khả năng xảy ra tai nạn. Bạn cũng có thể gặp hậu quả lâu dài nếu tình trạng sức khỏe gây ra chóng mặt không được điều trị.
*Rối loạn tiền đình là gì?
Định bệnh "Rối Loạn Tiền Đình" thường được nghe khi bệnh nhân đi khám bệnh vì bị chóng mặt. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được từ ngữ này, nhất là không biết cái "tiền đình" này ở đâu, có to bằng cái tiền đình của cung vua, hay Tòa Bạch Cung không. Theo đúng nghĩa, "rối loạn tiền đình" là chữ dịch từ câu tiếng Mỹ "vestibular disorder". Và "vestibular disorder" có thể là nguyên nhân gây chứng "chóng mặt vị trí lành tính" tức Benign Paroxysmal Positional Vertigo đã nói sơ qua ở trên.
Bệnh chóng mặt vị trí lành tính (BPPV) là một trong những nguyên nhân gây chóng mặt thông thường nhất: bệnh nhân đột nhiên có cảm giác là mình đang quay hoặc bên trong đầu mình đang quay cuồng. Bệnh này gây ra các cơn chóng mặt từ nhẹ đến rất nặng. Bệnh chóng mặt vị trí lành tính thường gây nên do sự thay đổi vị trí của đầu. Điều này có thể xảy ra khi bạn ngẩng đầu lên hoặc xuống, khi bạn nằm xuống hoặc khi bạn lật người hoặc ngồi dậy trên giường. Mặc dù làm bệnh nhân khó chịu, chứng này hiếm khi gây bệnh nặng ngoài chuyện nó lcó thể làm bệnh nhân té ngã, bị thương tích.
Triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng BPPV có thể bao gồm:
Chóng mặt
Cảm giác rằng bạn hoặc môi trường xung quanh đang quay hoặc di chuyển (vertigo)
Mất thăng bằng hoặc không đứng vững
Buồn nôn
Nôn
Các triệu chứng của BPPV có thể xảy ra rồi hết, thường kéo dài dưới một phút. Các cơn chóng mặt có thể biến mất trong một thời gian và sau đó tái phát.
Các hoạt động mang lại triệu chứng của BPPV có thể khác nhau tùy theo từng người, nhưng hầu như luôn được thực hiện bởi sự thay đổi vị trí của đầu. Một số người cũng cảm thấy mất thăng bằng khi đứng hoặc đi bộ.
Chuyển động mắt nhịp nhàng bất thường (chứng giật nhãn cầu nystagmus) thường đi kèm với các triệu chứng của chứng chóng mặt vị trí lành tính.

Khi nào nên đi khám bác sĩ

Cũng giống như các chứng chóng mặt khác, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ nếu bị những cơn chóng mặt tái phát, đột ngột, nghiêm trọng, hoặc kéo dài và không giải thích được.
Tìm kiếm sự chăm sóc khẩn cấp
Mặc dù việc chóng mặt ít khi báo hiệu một căn bệnh nghiêm trọng, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bị chóng mặt cùng với bất kỳ điều nào sau đây:
Con nhức đầu mới, khác biệt hoặc nặng khác thường
Sốt
Nhìn thấy hai hình hoặc mất thị lực
Mất thính lực
Khó nói
Chân hoặc tay yếu
Mất ý thức
Ngã hoặc khó đi
Tê hoặc ngứa ran
Các dấu hiệu và triệu chứng trên có thể báo hiệu một vấn đề nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân

BPPV thường không có nguyên nhân rõ rệt. BPPV có thể xảy ra sau một cú đánh từ nhẹ đến nghiêm trọng vào đầu bạn.
Các nguyên nhân ít gặp hơn của BPPV bao gồm các bệnh của tai trong hoặc, hiếm khi, tổn thương xảy ra trong khi giải phẫu tai hoặc trong khi đặt lưng ở một vị trí quá lâu, chẳng hạn như trên ghế nha sĩ. BPPV cũng đã được liên kết với chứng đau nửa đầu migraine.

Rối loạn tiền đình

Tiền đình (vestibule) nằm phía bên trong tai, là một cơ quan nhỏ còn gọi là mê cung tiền đình (vestibular labyrinth). Nó bao gồm ba cấu trúc hình nửa vòng tròn (semicircular canals=kênh bán nguyệt) chứa chất lỏng và các cảm biến giống như lông mịn, theo dõi vị trí xoay của đầu bạn. Các cấu trúc khác trong tai của bạn theo dõi chuyển động của đầu - lên và xuống, phải và trái, qua lại - và vị trí của đầu bạn liên quan đến trọng lực. Những cơ quan tai này chứa các thủy tinh thể (crystals) khiến bạn nhạy cảm với trọng lực.
Vì lý do nào đó, những tinh thể này có thể bị rơi ra và rớt vào một trong những kênh bán nguyệt thành những nhóm hạt canalith particles - nhất là khi bạn đang nằm. Điều này làm cho kênh bán nguyệt trở nên nhạy cảm với những thay đổi vị trí đầu mà bình thường nó không có phản ứng, khiến bạn cảm thấy chóng mặt. Đây chính là "rối loạn tiền đình" (xem hình).

Các yếu tố rủi ro

BPPV thường xảy ra ở những người từ 50 tuổi trở lên, nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. BPPV cũng xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Chấn thương đầu hoặc bất kỳ rối loạn nào khác của các cơ quan thăng bằng của tai bạn có thể khiến bạn dễ mắc bệnh BPPV hơn.

Biến chứng
Mặc dù chứng chóng mặt vị trí lành tính (BPPV) khiến bệnh nhân không thoải mái, nhưng nó hiếm khi gây ra các biến chứng. Chóng mặt của BPPV có thể khiến bạn không đứng vững và dễ bị té ngã hơn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT