Gỡ Rối Tơ Lòng

Chồng tôi thích nói chuyện với con nít

Friday, 01/12/2017 - 09:03:09

Tôi biết chồng tôi quý con nít lắm. Thỉnh thoảng, chúng tôi ngồi ôn lại chuyện cũ, tiếc nuối thời xa xưa khi bọn trẻ trò chuyện cởi mở với người lớn. Tôi thấy mọi chuyện thay đổi nhiều quá.

Cô Ba thân mến,

Tôi có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với chồng tôi. Chúng tôi lấy nhau hơn 20 năm và hai đứa con của chúng tôi vẫn thích ở nhà với cha mẹ. Chúng có cuộc sống khá tự lập. Tuy nhiên từ lúc chúng còn nhỏ, chồng tôi rất gắn bó với chúng, ổng thường dạy chúng chơi banh và thường tham gia một số hoạt động với chúng.
Thỉnh thoảng vợ chồng tôi đi bộ quanh xóm, tình cờ nhìn thấy bọn trẻ hàng xóm đang chơi banh trong sân nhà chúng, hoặc đang đạp xe loanh quanh. Nếu chúng lễ phép chào hỏi, tôi mỉm cười đáp lại thật nhanh, "Chào cháu," hoặc "Chiếc xe đẹp quá" rồi tiếp tục đi. Nhưng chồng tôi lại khác. Ổng dừng lại, trò chuyện với chúng, hỏi han và lắng nghe chúng kể chuyện. Nhiều lần tôi nói với ổng đừng làm vậy nữa, dù bọn trẻ cũng thích nói chuyện với ổng lắm. Tôi chỉ sợ rằng một người mẹ có tính "quá bảo vệ con," đứng trong nhà nhìn ra, thấy một ông già xồn xồn đang nói chuyện với đứa trẻ, điều đó sẽ không hay chút nào.
Tôi biết chồng tôi quý con nít lắm. Thỉnh thoảng, chúng tôi ngồi ôn lại chuyện cũ, tiếc nuối thời xa xưa khi bọn trẻ trò chuyện cởi mở với người lớn. Tôi thấy mọi chuyện thay đổi nhiều quá. Bất cứ người mẹ nào thấy con mình đứng nói chuyện với một người lạ, cũng liền gọi 911 ngay. Rất may là mỗi lần ổng ra khỏi nhà, tôi đều kè kè đi theo ổng. Nếu tôi không có mặt ở đó, chắc ổng sẽ bị hiểu lầm là "quấy rối tình dục trẻ em."
Thưa Cô Ba, cô có đồng ý với tôi rằng người lớn (đặc biệt là mấy ông xồn xồn) cần phải thận trọng hơn, ý tứ hơn, khi tìm cách nói chuyện với mấy đứa nhỏ mà không có cha mẹ đứng canh chừng không? Xin cô vui lòng trả lời để tôi đưa bài báo này cho ổng coi, thì ổng mới tin. Chân thành cảm ơn Cô Ba.

Chồng buồn khi biết vợ cũ mắc bệnh ung thư, làm bà vợ mới chưa biết tính sao. (Getty Images)

 

Cô Ba trả lời:
Thân chào chị L. ở thành phố Austin. Câu trả lời của tôi trước câu hỏi của chị là Đồng Ý. Rất tiếc là tôi phải đồng ý với chị rằng đây là nỗi lo mới của thời đại. Mọi người đều lo sợ tình trạng trẻ con bị "lạm dụng tình dục," do đó mấy ông xồn xồn nên thận trọng khi xáp lại gần trẻ vị thành niên.
Thành thực mà nói, sự sợ hãi đó nhiều khi vượt quá mức cần thiết. Trẻ con bây giờ khôn ngoan lắm, chúng biết phân biệt người nào có ý định hại chúng và người nào chỉ muốn thân thiện với chúng. Tuy nhiên tôi hoan nghênh việc chị luôn đứng bên cạnh chồng khi ổng giao tiếp với đám trẻ. Không chỉ hoan nghênh mà tôi còn cho rằng đó là sự cần thiết.

*
Chồng tôi lo lắng khi biết vợ cũ mắc bệnh ung thư
Cô thân mến,
Tôi lập gia đình được năm năm, và tôi là "tập hai" của chồng tôi. Dù ảnh lớn tuổi và không đẹp trai, nhưng ảnh chính là người đàn ông trong mơ, và chúng tôi có một cuộc hôn nhân rất đẹp. Gần đây, chúng tôi biết rằng vợ cũ của ảnh - người vợ đầu của cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm, và họ có hai đứa con - được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, và sự phát hiện này tương đối trễ. Vì vậy, tính mạng của chị ta đang gặp nguy hiểm.
Thưa Cô Ba, tôi chưa bao giờ đặt câu hỏi về tình yêu của chồng hoặc sự tận tụy mà ảnh dành cho tôi. Tôi biết ảnh yêu tôi tuyệt đối. Điều khiến tôi giật mình là phản ứng của ảnh trước thông tin trên. Họ từng có mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" và theo tôi biết, họ cãi nhau như "chó với mèo."
Nhưng không hiểu sao ảnh lại buồn khủng khiếp về điều này. Tôi không biết mình phải đối phó với bầu không khí "tang gia bối rối" như thế nào. Tôi không muốn tỏ ra vô cảm với vợ cũ của ảnh, nhưng những gì mà ảnh thể hiện quá rõ khiến tôi bị tổn thương. Tôi biết chị ta là mẹ hai đứa con của ảnh, nhưng họ ly dị gần chục năm nay rồi mà. Xin Cô Ba giải thích, giúp tôi hiểu được chuyện gì đang xảy ra với ảnh.

Cô Ba trả lời
Vì không biết rõ chồng em, nên tôi chỉ có thể đưa ra vài dự đoán trước "nỗi buồn khủng khiếp" của chồng em.
Dù ảnh và vợ cũ đã ly dị gần chục năm nay, ý tưởng về cái chết của một người thân, từng đầu ắp tay gối trong 20 năm của quá khứ, có lẽ khiến ảnh bị sốc. Thiên hạ thường cho rằng chỉ có "con người ta" bị ung thư, chứ "con mình" trong nhà không bị căn bệnh này.
Hoặc ảnh cảm thấy tội lỗi vì là nguyên nhân của việc ly dị chăng? Hay là việc vợ cũ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư khiến ảnh lo sợ, nghĩ rằng một ngày nào đó, ảnh cũng sẽ như thế?
Tôi hy vọng vài lời dự đoán này giúp em có cái nhìn sâu sắc hơn, vì em sẽ phải kiên nhẫn với ảnh cho tới khi mọi chuyện được giải quyết.

*
Tức giận vì chị họ của bạn trai thiếu trách nhiệm
Cô Ba thân mến,
Dù chưa cưới, bạn trai cháu (Tiến) và cháu có hai đứa con với nhau: một đứa một tuổi và một đứa hai tuổi. Năm nay chúng cháu quyết định đi chơi xa trong ba ngày, và nhờ dì của Tiến chăm nom. Nhưng dì của Tiến bận, vì vậy chúng cháu nhờ Linh là chị họ của Tiến tới giúp.
Tính tình của Linh dịu dàng, mềm mỏng, nên chúng cháu yên tâm giao hai đứa trẻ cho Linh. Chúng cháu trả cho Linh $150 trong ba ngày cuối tuần. Chỉ đi vắng ba ngày nhưng chúng cháu chuẩn bị thức ăn đầy đủ cho Linh, thậm chí mua cả một khay bánh bèo mà một khay bún xào mà Linh rất thích, cho vào tủ lạnh để Linh ăn dần. Chúng cháu biết Linh gặp khó khăn và chồng Linh bị mất việc. Chúng cháu cũng giải thích với Linh thói quen của hai đứa trẻ.
Sau một tuần, chúng cháu trở về thì bị Linh mắng như té nước vào mặt, nào là nói đi vắng chỉ ba ngày, nhưng mất biệt một tuần lễ. Chúng cháu giải thích lý do về trễ vì gặp một số tình huống không thể kiểm soát được, nhưng Linh không nghe và bỏ ra về.
Chúng cháu để ý thấy Linh ít đụng tới thức ăn chúng cháu mua cho Linh, cũng như nhiều gói thức ăn mà chúng cháu mua cho bọn trẻ vẫn không được Linh mở ra. Gói tã cũng không mở ra. Quần áo dơ của bọn trẻ khai mùi nước đái. Sáng hôm sau, khi Tiến dọn điểm tâm cho chúng, đứa bé hai tuổi ăn gấp đôi thường ngày.
Chúng cháu không hiểu tại sao Linh thay đổi thái độ, thiếu trách nhiệm và phớt lờ bọn trẻ. Thường ngày Linh tỏ ra rất quý mến chúng. Tiến tức giận nhưng không biết phải nói thế nào. Còn cháu chỉ muốn nói với Linh đừng bao giờ đặt chân tới nhà cháu nữa. Theo Cô Ba, cháu làm như vậy có đúng không?

Cô Ba trả lời:
Cháu thân mến, tôi không trách khi cháu và bạn trai của cháu giận dữ với Linh, cho rằng Linh thiếu trách nhiệm. Nhưng tôi nghĩ việc cháu muốn cấm cửa Linh cũng không giúp cháu có được câu trả lời. Chắc chắn phải có lý do nào đó nên hai đứa nhỏ của cháu mới bị bỏ bê như vậy.
Tôi muốn cháu bình tĩnh, quan sát kỹ hai đứa nhỏ trước khi đưa ra quyết định. Nếu chúng bình thường, xem như sức khỏe vẫn tốt. Nếu chúng bị bỏ đói thật sự, cháu cần phải thông báo với cơ quan bảo vệ sức khỏe trẻ em, để họ kiểm tra tổng quát tình trạng của hai đứa nhỏ.

*
Cha mẹ già không có tiền dưỡng lão
Cô Ba thân mến,
Cha mẹ tôi đều ngoài 80 tuổi, là cái tuổi "cái chết tới không biết lúc nào." Hiện tại, ông bà cụ vẫn còn minh mẫn, tuy nhiên họ lại không quan tâm tới tương lai, cũng không nhờ một cố vấn về tài chính giúp đưa ra những quyết định đúng đắn. Cha có đi làm nên có lương hưu. Mẹ chỉ làm nội trợ, công việc của bà là đi chợ nấu ăn ngày hai bữa, hưởng ké lương hưu của cha. Tài sản cha mẹ không có gì, ngoài ngôi nhà nhỏ mà họ đang ở.
Rất nhiều lần mẹ yêu cầu tôi ghi tên của bà vào di chúc của chúng tôi, vì bà lo sợ nếu cha tôi mất, bà sẽ không được ai nuôi dưỡng. Vụ này quá ngược đời, tôi chưa từng nghe bao giờ. Vì cha mẹ tôi không có kế hoạch nghỉ hưu nên tôi không nghĩ mình phải có trách nhiệm nuôi dưỡng ông bà cụ, dù họ đang ở tuổi ngoài 80. Tôi có nên nhờ cố vấn tài chính của tôi tới giúp họ không, thưa Cô Ba?

Cô Ba trả lời:
Chị thân mến, sau khi đọc thư của chị, ý nghĩ đầu tiên của tôi giống chị y chang, "vụ này quá ngược đời đây." Ý tưởng đưa tên mẹ chị vào di chúc của chị nghe không thực tế, vì chuyện lá vàng rụng trước lá xanh là lẽ thường tình. Lần sau, nếu nghe mẹ chị nhắc tới di chúc nữa, chị nên nói với bà cụ rằng nếu ông cụ mất trước, bà cụ cứ việc bán nhà nhà để có tiền xài. Còn nếu bà cụ mất trước, ông cụ sẽ toàn quyền thực hiện điều đó để nhẹ gánh tài chính của cá nhân ông.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT