Chuyện Nước Pháp

Chủ đề hoà tấu: Steve Reich, dòng nhạc mới trình diễn bởi 18 nhạc sĩ

Wednesday, 16/04/2014 - 10:39:58

Màn ca hát độc nhất kéo dài khoảng 1 giờ trên nguyên tắc là một công trình nhạc sáng tạo năm 1976 của nhạc sư Steve Reich, người Hoa Kỳ, sinh quán tại Nữu Ước. Đây là một dòng nhạc thuộc trường phái cổ điển. Trường phái nhạc cổ điển phân biệt với giới bình dân do nhạc được chép lại rất tỉ mỉ



Nữ nhạc sĩ dương cầm Trà Mi Nguyễn và các đồng nghiệp.
 
Màn ca hát độc nhất kéo dài khoảng 1 giờ trên nguyên tắc là một công trình nhạc sáng tạo năm 1976 của nhạc sư Steve Reich, người Hoa Kỳ, sinh quán tại Nữu Ước. Đây là một dòng nhạc thuộc trường phái cổ điển. Trường phái nhạc cổ điển phân biệt với giới bình dân do nhạc được chép lại rất tỉ mỉ dưới danh nghĩa "Tài sản thẩm mỹ" nhằm mục đích diễn tả một căn cước quốc gia bị áp đặt hay chiến thắng huy hoàng. Khi nghe nhạc, thính giả sành điệu có thể nhận biết ngay tác giả là người xứ nào.

Nhạc cổ điển còn có tầm quan trọng trong phần nhạc vừa chủ đề vừa kéo dài liên tục trong các cuốn phim đại vĩ tuyến tuyệt diệu thu hút hàng triệu khán giả. Họ thường viết lấy các tác phẩm để được trình diễn trong những buổi hoà nhạc cho công chúng thuởng lãm ; khi họ mất đi, những công trình này vẫn còn được tiếp tục trình diễn mãi. Công chúng cũng xem nhạc cổ điển có tính chất thông thái do cấu tạo rắc rối, cầu kỳ, kéo dài hàng giờ, tác giả đều tốt nghiệp Học Viện chính thống dài hơi, dàn nhạc vĩ đại ... ; tuy nhiên nhờ những loại nhạc như Blue, jazz xuất hiện sau này làm nhạc cổ điển cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều. Đó là nét đặc sắc của Steve Reich khi ông sáng tác bản "Âm nhạc cho 18 nhạc sĩ" dựa trên ảnh hưởng nhạc dân tộc đảo Bali (thuộc xứ Indonésie).

Theo ông cho biết, tác phẩm mới mẻ ở 3 điểm sau: con số nhạc sĩ chơi nhạc cụ là 18 vị gồm 4 dương cầm, 4 giọng hát nữ, 1 vĩ cầm, 1 đại hồ cầm, hai vị chơi kèn nhẹ (Clarinette), 3 dàn trống đục (Marimba), 2 dàn gõ thanh nhạc (Xylophones) và 1 dàn gõ kim nhạc (Métallophone thuộc loại Vibraphone không gắn máy móc). Tất cả các nhạc khí đều có âm thanh vang dội tự nhiên trong không gian trình diễn (acoustique) trừ máy khuếch âm (microphone) cho giọng hát và vài nhạc cụ nào cần đến.

Về nhịp điệu, có hai nhịp chính căn bản khác nhau được chơi cùng lúc. Tiết tấu đầu tiên do 4 dương cầm và 6 dàn nhạc gõ cùng giữ nhịp đều đặn xuyên không gian. Tiết tấu thứ nhì là hơi thở người, giọng hát và nhạc khí gió (kèn). Trường canh dài ngắn thế nào tùy theo hơi thở người có thể giữ lâu mau thành nhịp điệu, tựa như các làn sóng vỗ liên tục vào ghềnh đá dương cầm và dàn gõ tạo nên.

Về cấu trúc, sườn nền là một chuỗi 11 ắc-co (hợp-âm) chơi lúc đầu bài và lập lại vào lúc cuối. Tất cả nhạc khí và tiếng hát chơi những nốt nhạc theo nhịp của từng hợp-âm trong vòng hai hơi thở rồi thay đổi từ từ qua hợp-âm thứ nhì cứ thế cho đến hết vòng quay 11 cái thì trở lại từ đầu. Cứ mỗi 5 phút là diễn biến của dương cầm và dàn trống đục chơi ắc-co đầu tiên tạo thành một đoạn nhỏ để bắt qua một đoạn nhỏ khác với ắc-co thứ nhì ... ; cứ thế mà tiếp tục cho trọn bài.

Danh từ nhà nghề gọi đó là "Cantus firmus" chỉ định một thứ điệp khúc sẵn có dùng làm điểm tựa bắt đầu cho sự hoà tấu của các nhạc khí dựa trên các dòng nhạc viết riêng cho chúng vào cuộc. Một mẩu nhỏ nhạc điệu (Mélodie) có thể được lập đi lập lại nhưng lồng vào trong đó là hợp-âm và tiết tấu thay đổi từng chập qua 2 hay 4 ắc-co làm người nghe nhận thấy sự thay đổi có mặt trong điệu nhạc. Mỗi khi có sự thay đổi như vậy, nhạc gõ dùng sợi kim loại (Métallophone) báo hiệu để sẽ qua trường canh thứ nhì. Điều này thường gặp trong nhạc dân gian Bali và Châu Phi.

Đáp lại thành kiến cho rằng loại nhạc "tối thiểu" (Musique Minimaliste: loại nhạc lập đi lập lại có vẻ đơn giản) và vũ điệu hiện đại gây chán chường và khép kín trong không gian của nó thì đây: thật đáng ngạc nhiên cho màn trình diễn này ! Khán giả sẽ thay đổi ý kiến và có thể bị cuốn hút theo để cùng xuống các bậc thang dẫn đến sân khấu và hoà tan vào dòng người đang từ tốn đi những bước đi Thiền Hành (La Marche Méditative).

Thật vậy, khoảng chừng 10 phút sau khi dòng nhạc đã trổi lên với tiếng nhạc gõ đều đều lập đi lập lại cùng một điệp khúc rộn rã - từ trên cao thính đường, người nghe không khỏi nghĩ đến điệu nhạc của dân thiểu số cao nguyên Việt Nam với dàn nhạc cụ gõ nhịp - thì khán thính giả từ từ bước xuống và từng người một nhẹ nhàng đi lên bục gỗ. Trước đó, những bàn tay và cánh tay đã vẫy múa nhịp nhàng tại chỗ giữa đám đông người ngồi theo nhịp nhạc thúc đẩy. Đoàn múa đã bố trí cho vũ công ngồi chung với khán thính giả và họ dần dần vào cuộc. Điều thật lạ: nhịp đập của nhạc cụ gõ rất linh động tuy đều đều (vào khoảng trăm nhịp một phút trở lên) và khá nhanh nhưng cử động của vũ sinh lại nhẹ nhàng, êm ái, cách lắc lư thân hình mềm dẻo.

Dưới khán đài, những vũ sinh chuyên nghiệp trong đoàn và người xem có hứng thú đứng lên hoặc ngồi tại chỗ múa may đôi tay hay lắc lư thân hình với những cử động thật đơn sơ nhưng đẹp mắt. Những cử động cùng lúc của nhiều người tạo nên làn sóng nhẹ dâng lên, lúc chậm lúc mau, lúc giựt mạnh như chụp lấy món đồ trước mặt... nhưng thật đều đều theo nhịp gõ của nhạc và cứ thế mà lan truyền đến đám đông tham dự.

Đặc biệt trước khi Thiền xuất hiện, giai đoạn nhạc gõ bỗng trở nên dồn dập hơn, đèn pha 6 ngọn đủ màu chiếu rọi chấp chới trên trần phòng và sân khấu rồi có lúc xuyên qua phòng để các vũ điệu thêm vào tư thế rung mạnh khắp cơ thể với đôi tay đôi chân bị kích động vẫn qua các cử chỉ đơn giản nhất đưa qua đưa lại.

Thế rồi nhạc dịu đi, trầm trầm như cũ cho "Thiền hành" bắt đầu: thính chúng từ từ bước xuống đi vòng lên sân khấu thật êm ái, thật dịu dàng. Những người ngồi trên bao lơn hai bên phòng và khoảng nửa trên cao không tham dự ngẩn ngơ ngắm nhìn và thấy tâm hồn cũng lắng đọng bình yên theo từng bước chân tuyệt diệu trong tiếng nhạc gõ nhịp đều như mưa rơi réo rắt và nguồn âm thanh phong phú bao vây tất cả. Họ đi vòng quanh sân khấu, thật êm, thật nhẹ, thật nhiều tua mà như không thấy cử động đang xảy ra: chỉ là một dòng nước đang miên man chảy đều trong đôi tay thời gian đưa lên ấp ủ tâm linh hoà ái của những ai có mặt tại chỗ vào giờ phút này!

Sau khi dòng người từ từ đi xuống và tan ra, đến phiên những nhạc sĩ thay phiên nhau ... nằm xuống nghỉ ngơi từng người một thật yên lặng ngay trên mặt gỗ của sân khấu. Họ làm việc đó cùng lúc với nhóm vũ sinh còn tụ họp số ít trên sân khấu. Cử chỉ êm ái, bước đi thật nhẹ, gương mặt bình thản (được ngắm nhìn qua cặp ống dòm tí hon của khán giả ngồi trên cao) cho đến khi từ từ đổi qua tư thế nằm ... ; hồn nhiên và rất thật đến độ làm say mê người theo dõi bên dưới !

Rồi sao đây? A, vị chủ đạo dòng nhạc vừa gõ xong nhịp cuối cùng lúc với hai nhạc sĩ dàn gõ sắp xếp đối diện nhau. Tiếng nhạc dịu đi, chậm lại, chậm lại ... thật chậm, nhỏ dần, sắp tắt ; thính giả lặng yên chờ đợi, hụt hẫng nhưng đã biết điều gì đang tới. Thế là sau khi các nhạc sĩ dương cầm, ca sĩ, kèn, đàn dây, các vũ sinh đã nằm yên ... các nhạc sĩ cuối cùng im tiếng gõ (họ là dàn nhạc chính giữ phách) và cũng từ từ bước vào tư thế "Thiền Nằm" trong sự tĩnh lặng đến lạ kỳ không một tiếng động.

Khán thính giả vỡ oà lên trong những tràng pháo tay rầm rộ kèm theo tiếng huýt sáo miệng vang trời ! Họ hoàn toàn bị chinh phục bởi "Phép lạ của Thiền trong Âm Nhạc" để chấm dứt bài ! Cứ thế, họ vỗ tay thật lớn, thật mạnh trong khi các "Thiền sư" đã ngồi dậy và cùng nhau quàng tay đến chào thính giả. Đáp lại thịnh tình, các nhạc sĩ trở vào vị trí và chơi thêm ba phút một đoạn nhạc êm tai rồi ngừng hẳn. Khán giả vỗ tay vang dội mãi như còn tiếc nuối và muốn khen ngợi hoài cho đến khi có người đứng dậy ra về. Thế là một ngày cuối tuần quá đẹp đã đi vào ký ức thế nhân.

Đêm nhạc thành công với khán giả chật rạp sẽ được mời đi tiếp tục trình diễn khắp nơi trên nước Pháp trong chương trình hoạch định của nhóm nhạc sĩ trẻ điều hành (khoảng 30 tuổi) sau đây:

- Rémi Durupt: sinh quán tại miền Đông Pháp, tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia ngành Nhạc Gõ (Percussion) Thuỵ Sĩ. Rémi có phong thái đặc sắc khi cầm hai chiếc đũa thần cho nhạc cụ nói lên thay mình. Nhạc gõ gồm hai loại nhạc cụ: một cho âm thanh trầm bỗng cố định êm tai và hai là nhạc cụ phụ thuộc để tô vẻ thêm màu sắc âm thanh. Khán giả trung thành từng chứng kiến Rémi chơi dàn trống thông thường (cho nhạc vàng, nhạc thính phòng) thật điêu luyện vào dịp hãn hữu cuối chương trình để chiều chuộng tâm lý ưa thích của số đông quần chúng.

- Laurent Durupt: anh ruột của Rémi, một nhạc sĩ dương cầm có tiếng (tốt nghiệp tại Paris) hay trình diễn, dạy học tại thủ đô và vào các Khoá hè trong Đại Nhạc Hội Nancyphonie. Nhạc sĩ này đã được tuyển chọn vào Villa Médicis (thủ đô Rome, Ý) thuộc Viện Hàn Lâm Pháp từ thế kỷ thứ 19 để trau dồi nghề nghiệp và sáng tác thoải mái trong thời hạn 1 năm hiện giờ.

Hai anh em nhà Durupt có quê cha đất tổ ở vùng núi (Les Vosges, đông Pháp) là nơi đã sinh ra nhạc sĩ lừng danh Frédéric Chopin.

- Trà Mi Nguyễn, một nữ nhạc sĩ dương cầm sinh tại Pháp, tốt nghiệp Thuỵ Sĩ và hiện nay cư ngụ tại thủ đô Paris với nhiều thành tích vinh danh người Việt tha hương nơi xứ Pháp. Trà Mi có lần triển lãm ảnh chụp nghệ thuật ở thủ đô và cũng là một nhà thơ hiện đại từng kết hợp thơ và nhạc thế giới trong vài lần tổ chức.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT