Đạo và Đời

Chúa đã sống lại thật

Wednesday, 30/03/2016 - 07:25:22

Hôm nay mừng lễ Chúa Phục sinh, mỗi người Kitô hữu cũng phải là những nhân chứng cho việc Chúa sống lại.

Lm Trần Văn Kiểm

Tôi đã thấy nấm mồ của Chúa Kitô. Người đã sống lại và đã ra khỏi mồ. Người đang sống vinh quang. Tôi đã thấy Chiên Con cứu chuộc đoàn chiên. Chúa Kitô đã hòa giải tội nhân với Chúa Cha. Tôi đã thấy sống chết giao tranh cùng nhau trong cuộc đấu kỳ diệu và tướng lãnh sự sống đã chết nhưng Người đã sống lại để thống trị: Đây là Lời Hoan Ca Phục Sinh được Giáo Hội đặt vào môi miệng của Bà Maria, người đã chạy ra ngôi mộ của Chúa đã sống lại, và đã tường thuật mọi sự việc khi bà chạy về gặp các môn đệ của Ngài.
Ngày hôm nay chúng ta long trọng mừng lễ Chúa Phục Sinh. Sự Phục Sinh là điểm khởi đầu của niềm tin Kitô giáo. Bởi vì nếu Chúa Giêsu đã không sống lại và tiếp tục an nghỉ ngàn thu trong ngôi mộ mà Ngài đã được mai táng thì đức tin của chúng ta không có ý nghĩa gì và Tin Mừng chỉ là một sự dối trá. Chính vì vậy mà trong thư gửi tín hữu thành Côrintô, Thánh Phaolô đã viết rằng nếu Chúa Kitô không sống lại thì tất cả chỉ là xảo trá, lừa đảo, và chúng ta là những kẻ đáng thương hại nhất (1 Cr 15:12-20). Nhưng Tin Mừng đó đã được chứng minh bằng các nhân chứng là các Thánh Tông Đồ và những người phụ nữ đã chạy ra ngoài mộ vào buổi sáng Phục Sinh. Khi muốn tìm hiểu một sự thật, chúng ta dùng nhiều cách thức: hoặc chính chúng ta chứng kiến, hoặc qua các chứng nhân, hoặc qua hậu quả mà nó để lại. Không ai nhìn thấy Chúa sống lại đi ra từ mộ, nhưng các nhân chứng nhìn thấy Chúa sau khi Ngài sống lại. Chúng ta nhờ những chứng nhân này, và hậu quả của sự kiện Chúa sống lại trên con người họ, và những lời Kinh Thánh, để rồi chúng ta tin rằng “Chúa đã sống lại thật.” Tất cả các Thánh Tông Đồ đã làm chứng cho việc Chúa Phục Sinh bằng lời nói, bằng hành động và không sợ bất cứ một áp lực hay một đe dọa nào dù là vất vả, đòn vọt, tù ngục và cuối cùng tất cả đã sẵn sàng chịu chết vì Chúa Giêsu Phục Sinh. Lịch sử đã ghi lại rằng tất cả các ngài đã chịu tử đạo, kể cả Phaolô, chỉ có một nhân chứng không bị tử đạo nhưng chết trong tuổi già đó là Thánh Gioan Tông Đồ.

Hôm nay mừng lễ Chúa Phục sinh, mỗi người Kitô hữu cũng phải là những nhân chứng cho việc Chúa sống lại. Những người nhát gan, quê mùa, sợ hãi như các Thánh Tông Đồ, sau khi Chúa đã về trời và sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ngài đã đi rao giảng Tin Mừng và chẳng biết sợ hãi là gì nữa. Trong suốt hai ngàn năm qua, từ lúc Chúa sống lại cho tới ngày hôm nay, cũng có những người Ki tô hữu như vậy. Họ sẵn sàng làm chứng cho sự Phục Sinh của Chúa bằng một đời sống thánh thiện, can đảm, phục vụ và hy sinh. Những tấm gương đó không ở đâu xa và có thể tìm thấy chung quanh chúng ta, ngay trong các giáo xứ, cộng đoàn và trong mỗi gia đình. Họ làm chứng cho Chúa đã sống lại và hướng tới vinh quang Phục Sinh với niềm xác tín như Thánh Phao lô đã viết “Tôi nghĩ rằng, những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải trên chúng ta” (Rm 8, 18); hoặc sách Khải huyền: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau đớn nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21, 4).

Lm Trần Văn Kiểm

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT