Phóng Sự

Chùa Duy Pháp chuẩn bị mở khóa tu Ma ha Ca Diếp, dùng pháp nhãn tạng để gieo duyên với Phật tử (kỳ 1)

Sunday, 11/09/2016 - 10:34:16

“Có thêm một khác biệt, thiền theo pháp Nhãn tạng, chỉ chú trọng có một chữ Nghi thôi. Nghi rồi thì đến Ngộ. Nếu Ngộ được thì là Ngộ, còn không Ngộ được thì là Nghi. Cho nên, Thiền tông gọi là Tổ sư thiền với 4 chữ từ nghi đến ngộ.

Bài BĂNG HUYỀN

Đối với những người con của Phật, sống trong niềm tin tôn giáo, có thời gian được tham Thiền, học giáo lý nhà Phật trong các khóa tu là điều mà hầu như mọi Phật tử đều mong muốn thực hành. Dự khóa tu là một hoạt động bổ ích đối với người Phật tử, là cơ hội để quý Phật tử được trau dồi Phật pháp, an dưỡng thân tâm sau những tháng ngày quay cuồng trong cuộc sống, là thời gian để gột sạch tâm mình khỏi những bụi trần bấy lâu bị che mờ bởi tham sân si, mất đi bản tính thanh tịnh vốn có.

Thượng Tọa Thích Trung Duệ, trụ trì chùa Duy Pháp, là trưởng ban tổ chức khóa tu Ma Ha Ca Diếp. (Hình cung cấp)



Dự khóa tu, một người có thời gian thực tập đời sống tâm linh theo lời Phật dạy, giúp mang lại niềm vui cho mình và người xung quanh, hoàn thiện bản thân mình và tập cách sống sao cho có ý nghĩa, làm những điều có ích để trả ơn Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng).

Hiểu được điều này, cộng với tâm nguyện Hoằng pháp lợi sinh, dùng Pháp Phật gieo duyên với Phật tử, chùa Duy Pháp do Thượng Tọa Thích Trung Duệ làm trụ trì, sắp tới đây sẽ mở khóa tu mang tên “Ma Ha Ca Diếp” vào hai ngày thứ Bảy, Chủ Nhật ngày 24, 25 tháng 9, 2016, thời gian mỗi ngày từ 9AM đến 4 PM, tại Hội trường Việt Báo, 14841 Moran St., Westminster, CA 923683 cho các quý Phật tử gần xa ghi danh tu học miễn phí. Liên lạc ghi danh: (714) 622 9307, (714) 988 8883. Email: chuaduyphap@gmail.com.

Những khác biệt của khóa tu Ma Ha Ca Diếp

Giải thích về tên gọi và những khác biệt của khóa tu “Ma ha Ca Diếp” so với nhiều khóa tu khác được tổ chức trong cộng đồng, Thượng tọa Thích Trung Duệ giữ vai trò trưởng ban tổ chức của khóa tu, cho biết, “Sở dĩ tên gọi của khóa tu này là Ma Ha Ca Diếp, vì ít Phật tử biết đến Ngài Ca Diếp, mà Ca Diếp lại là một trong mười đại đệ tử của đức Phật, được mệnh danh là đầu đà đệ nhất, người đã được đức Phật vời tới chia một nửa tòa sen cho ngồi bên cạnh mà Ngài không dám nhận cái vinh dự ấy. Phật pháp còn là do ngài Ca Diếp đã gìn giữ để trao truyền. Ma Ha Ca Diếp là vị Tổ Sư Thiền tông đầu tiên được đức Phật truyền y bát, nối truyền giáo pháp, nên cũng gọi Ngài là vị Tổ sư thứ nhất của Thiền tông, là người giữ vai trò đặc biệt nối tiếp chánh pháp của Phật, nhiếp giữ đại pháp cho đến hơn trăm tuổi, không hề buông lơi một bước. Khi nói đến Ma Ha Ca Diếp, người ta thường nhắc đến pháp Nhãn tạng, thầy muốn dùng pháp Nhãn tạng để gieo duyên với Phật tử trong khóa tu này.”

Theo Thượng tọa Thích Trung Duệ, khóa tu Ma Ha Ca Diếp có những khác biệt so với những khóa tu khác, đầu tiên là khác biệt trên pháp hành, thứ hai là khác biệt trên ý nghĩa pháp hành. “Thường thì những khóa tu khác được tổ chức mang tên Pháp hội Dược Sư, Pháp hội Địa Tạng, Pháp Hội Lương Hoàng Sám, vẫn có phần tu học, nhưng nhiều nhất vẫn là chú trọng phần tụng kinh cầu nguyện, mang tính cách sở cầu (cầu nguyện, sám hối...) nhiều hơn là thực hành tu học.

“Còn khóa tu Ma Ha Ca Diếp chú trọng thực hành và Phật tử sẽ nghe các quý thầy giảng Pháp nhiều hơn là Pháp sự (tụng kinh, cầu nguyện). Thầy sẽ giữ vai trò chính trong việc giới thiệu Pháp Nhãn tạng cho Phật tử tu, đồng thời đảm nhận phần dạy thực hành cách tu pháp Nhãn Tạng này cho Phật tử.”
Vì muốn tạo mọi điều kiện cho các Phật tử gieo duyên với Phật pháp, nên tinh thần tu học của khóa tu Ma Ha Ca Diếp sẽ rất nhẹ nhàng, không nặng về hình thức. Khóa tu mặc dù chỉ gói gọn trong hai ngày nhưng sẽ thật ấm áp và chan hòa trong tinh thần lục hòa. Có thể sẽ có nhiều người mới đến tham dự khóa tu lần đầu nhưng họ sẽ không cảm thấy lạc lõng khi bước vào môi trường không người quen biết.
Về nội dung các bài thuyết giảng và người thuyết giảng, vốn là phần linh hồn của khóa tu, sẽ do các quý thầy (khoảng 5 10 quý thầy) đều có bằng đại học hoặc bằng tiến sĩ về Phật học giảng dạy. Nội dung các bài giảng đều bám sát chủ đề của khóa tu.

Không ai để bụng rỗng mà ngồi học, ngồi thiền được. Vì vậy ăn và uống cũng là phần quan trọng để bảo đảm đủ dinh dưỡng, vệ sinh an tòan thực phẩm, bảo đảm sức khỏe của các Phật tử và quý thầy sẽ do Phật tử của chùa Duy Pháp và đích thân thầy trụ trì của chùa sẽ nấu để cung cấp bữa ăn cho quý thầy và quý Phật tử đến tu học.

Thượng tọa Thích Trung Duệ giới thiệu, “Ngày tu học là từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, ban tổ chức sẽ sắp xếp thời gian cho sinh động, vừa trang nghiêm, vừa có sinh khí, vừa có lợi ích tu tập. Sắp xếp cho quý thầy trợ duyên cho khóa tu này vừa giảng pháp, vừa tu thiền. Thay vì buổi giảng pháp của quý thầy dài 1 tiếng, quý thầy giảng pháp chỉ 20 phút với một đề tài chính, rồi dành thêm 10 phút để quý Phật tử hỏi quý thầy, sau đó thực hành cách tu, cách ngồi thiền, kinh hành (đi chậm đọc kinh), sẽ có hô thiền, xen kẽ nhau, nghe giảng pháp và thực hành tu học sẽ được thực hiện suốt hai ngày trong khóa tu rất sinh động và trang nghiêm.

“Qúy Phật tử sẽ ngồi thiền trên ghế, khóa tu sẽ dạy cho Phật tử cách tham thiền, sẽ phát cho các Phật tử hương bảng để Phật tử đi tuần hương, tập cho Phật tử cách nhiếp tâm. Khóa tu có hướng dẫn cách ngồi thiền nhưng sẽ không chú trọng dạy nhiều về cách ngồi thiền, mà quan trọng nhất của khóa tu này là chỉ cho Phật tử cách tu thiền như thế nào. Đặc biệt là quý thầy sẽ cùng ở với Phật tử trong thời gian tu tập suốt, chứ không giảng xong rồi đi, mà sẽ có mặt tại nơi tổ chức tu tập hai ngày khóa tu để trả lời những thắc mắc về bài giảng cho các Phật tử.”

Ma Ha Ca Diếp và pháp Nhãn Tạng của Phật

Theo sử sách về Phật giáo cho biết “Ma Ha Ca Diếp (Mahakasyapa) sanh ở nước Ma Kiệt Đà, dòng Bà La Môn, một chủng tộc có quyền thế ở Ấn Độ. Phụ thân Ngài là Ẩm Trạch, mẫu thân là Hương Chi. Do công đức thếp tượng trong một đời trước, thân Ngài được chói sáng sắc vàng, làm mờ các sắc khác, nên gọi là Ẩm Quang. Gia đình Ngài rất giàu, nhưng Ngài không tham những sự sung sướng về vật chất dục vọng. Bị ép lập gia đình với một người đàn bà đẹp ở thành Tỳ Xá Lỵ.. Ngài rất sung sướng được thấy vợ Ngài cũng đồng một niệm ly dục như Ngài, và hai người chung sống nhưng thân tâm vẫn thanh tịnh.
“Sau hơn 12 năm, cả hai người đều đi tu. Ngài Ma Ha Ca Diếp thọ giáo làm đệ tử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài tu theo hạnh đầu đà. Lúc già yếu, Ngài không những không thối chuyển mà còn siêng tu bội phần hơn. Đức Phật tán thán khích lệ rằng: Có hạnh đầu đà, pháp ta mới trường tồn (Đầu đà nghĩa là phải rũ sự tham trước ba món: ăn, mặc, ngủ). Ngài được tôn xưng là Đầu đà đệ nhứt, thường đứng hầu bên tay trái Đức Phật. Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Ngài hội họp tăng chúng, gồm những vị đại đức thông hiểu kinh luật, tại nước Ma Kiệt Đà, thành Vương Xá, núi Kỳ Xà Quật để kết tập kinh, luật, luận. Hội nghị nầy là lần kết tập đầu tiên. Ngài là vị Tổ sư thứ nhất được Đức Phật truyền y bát, cầm đầu Tăng chúng và truyền bá giáo pháp. Ngài lại tượng trưng cho hạnh ly dục hoàn toàn của đạo Phật.
Cũng theo sử sách Phật giáo kể rằng “Trên núi Linh Thứu ngày nọ, trước một cử toạ gồm 1,250 Tì kheo, thay vì thuyết pháp thoại như mọi ngày Đức Phật chỉ đưa lên một cành hoa sen. Tăng chúng đưa mắt ngơ ngẩn nhìn nhau. Trong bầu không khí thinh lặng phân vân, mọi người bỗng thấy trên môi Đức Phật nở một nụ cười. Ngài mỉm cười vì có một người trong tăng chúng vừa mỉm cười với ngài và với đóa hoa ấy. Người đó là Ca Diếp, kẻ duy nhất mỉm cười và được Đức Phật cười lại. Đức Phật liền tuyên bố với các thầy tì kheo: Ta có chính pháp vô thượng trao cho Ma ha Ca Diếp. Ca Diếp là chỗ nương tựa lớn cho các thầy tì kheo, cũng như Như Lai là chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh. Từ câu nói này, chư vị Thiền sư tiền bối đã diễn đạt thành: Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, truyền ngoài giáo pháp, nay trao cho Ca Diếp.

“Chỉ có ông Ma Ha Ca Diếp nhận ra được chánh pháp nhãn tạng Niết bàn diệu tâm, đây là pháp môn mầu nhiệm mà Như Lai dạy nơi thế giới này. Ma Ha Ca Diếp là vị Tổ thứ nhất Thiền tông tại Ấn Độ. Sau đó Tổ Ma Ha Ca Diếp truyền cho Nhị Tổ A Nan, đến Tổ thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma thì Ngài qua Trung Hoa truyền pháp nên được coi là Tổ thứ nhất Thiền Tông Trung Hoa. Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền y bát cho đến Tổ Huệ Năng, là tổ thứ sáu tại Trung Hoa. Việc truyền y, bát tới tổ Huệ Năng thì chấm dứt.

“Sau đó Thiền Tông chia thành năm phái: Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn, Quy Ngưỡng và Vân Môn. Mỗi phái đều có phương tiện cơ xảo riêng để khế hợp với từng cơ duyên của đệ tử. Tùy mỗi đương cơ mà chư Tổ, hoặc nói, hoặc không nói, hoặc dùng gậy đánh hay dùng tiếng la, tiếng hét. Giống như lương y tuỳ bệnh cho thuốc, chư Tổ cũng tùy cách phá chấp cho đệ tử. Tuy khác nhau ở cơ xảo nhưng sự ngộ chẳng khác. Lâm Tế và Tào Động là hai phái Thiền Tổ Sư còn tồn tại truyền qua Việt Nam, Cao Ly, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

“Ở Việt Nam, theo sử liệu, Thiền Tông được du nhập vào năm 580 vào thời vua Lý Phật Tử nhưng đến thời đại nhà Trần mới cực thịnh. Tổ Sư thiền Việt Nam đã thất truyền trên hai trăm năm. Đến năm 1977, thiền sư Hòa Thượng Thích Duy Lực là đời thứ 89 (kể từ Tổ Ca Diếp) chuyên tu Tổ sư thiền, đã hoằng dương Tổ Sư thiền và tổ chức Thiền thất đầu tiên tại Việt Nam. Vì phục hưng Thiền này, mà thiền sư Hòa Thượng Thích Duy Lực không ngại gian lao khai thị người tham học suốt 22 năm. Năm 1988 Hòa Thượng Duy Lực đến Hoa Kỳ lập Thiền đường Từ An và hoằng pháp nơi đây, còn đi thuyết pháp Thiền tông trên thế giới, như các nước Canada, Đài Loan, Úc, Việt Nam, cuối năm 1999 ngài viên tịch tại Hoa Kỳ.”
Thượng Tọa Trung Duệ cho biết từ những năm đầu thập niên 1980 khi còn ở trong nước, thượng tọa đã nghe các băng giảng pháp của Hòa Thượng Thích Duy Lực, khi đó có một người bạn tu cho thượng tọa quyển sách Trung Phong Pháp Ngữ , đọc xong thượng tọa thấy hay quá, nên chuyển sang phát tâm tu thiền, tham thiền. Mãi đến thập niên 1990 thượng tọa mới có duyên gặp được Hòa Thượng Duy Lực và cầu pháp với Ngài khi Ngài từ Mỹ về lại Việt Nam hoằng pháp, thượng tọa có thời gian ở cùng nơi trú xứ với Hòa Thượng Duy Lực tại Vũng Tàu khoảng hai tuần trước khi hòa thượng về lại Mỹ một thời gian Ngài viên tịch.

Sự khác biệt của thiền theo pháp Nhãn tạng và các thiền khác trong tông phái của đạo Phật

Trong tất cả các tông phái của đạo Phật, tông phái nào cũng có tu Thiền, xét về nội dung và ý nghĩa thì hoàn toàn giống nhau, chỉ có khác nhau về phương pháp hay nói đúng hơn là hình thức tổ chức tu Thiền.
Thượng Tọa Trung Duệ giải thích, “Bởi vì Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, đây chỉ là con số ước lượng tượng trưng trên cái khổ của chúng sanh, nhưng mà nhân con số nào ra con số đó, đến nay vẫn chưa rõ. Những người tu tùy theo pháp môn mà mình tin nhận, thọ trì, đều có thể thực hành thiền định theo những cách khác nhau. Thứ nhất là tham thiền (Tổ sư thiền, hay thiền tông), thứ nhì niệm Phật (người tu theo phái Tịnh độ tông có thể lấy việc niệm Phật làm phương tiện thiền định), thứ ba trì chú (phái Mật tông lấy việc trì chú để thiền định) thứ tư là thiền quán tưởng.

“Nói về khác biệt, thì có nhiều khác biệt. Ba thiền kia có thể giống nhau, dùng ý thức phân biệt, suy tưởng để tu. Nhưng chỉ có mỗi tham thiền, tức là pháp Nhãn tạng lại không dùng ý thức quán tưởng.
“Nếu phân tích kỹ ra thì có sự khác biệt nhiều lắm, thầy chỉ đơn cử một điều về hai mặt của bộ não chúng ta, một mặt là bộ não biết, một mặt là bộ não không biết. Thiền tông dùng bộ mặt không biết của bộ não để tu, còn tất cả các pháp môn của thiền Phật giáo dùng bộ mặt biết của bộ não để tu.
“Cho nên mặt không biết của bộ não sẽ tu nhanh hơn, còn mặt biết phải chạy theo duyên, nên mình nhiếp tâm rất khó, cần phải trãi qua một thời gian dài mình mới đạt được.

“Có thêm một khác biệt, thiền theo pháp Nhãn tạng, chỉ chú trọng có một chữ Nghi thôi. Nghi rồi thì đến Ngộ. Nếu Ngộ được thì là Ngộ, còn không Ngộ được thì là Nghi. Cho nên, Thiền tông gọi là Tổ sư thiền với 4 chữ từ nghi đến ngộ.

“Nghi là nhân, ngộ là quả; có nghi mới có ngộ, nên nói bất nghi bất ngộ; nghi nhỏ ngộ nhỏ, nên nói tiểu nghi tiểu ngộ; nghi lớn ngộ lớn, nên nói đại nghi đại ngộ. Muốn ngộ phải có nghi, nếu không có nghi thì không được ngộ; không những pháp xuất thế gian có nghi có ngộ, mà pháp thế gian cũng vậy.
“Như nhà khoa học Newton thấy trái táo từ trên cây rớt xuống đất, ông nghi tại sao không rơi lại lên trời. Từ đó, ông nghiên cứu phát minh được hấp dẫn lực của vạn vật. Phát minh của nhà khoa học cũng do nghi mới ngộ, nhưng cái nghi của nhà khoa học gọi là hồ nghi. Cái nghi của Thiền tông gọi là chánh nghi.
“Hồ nghi là phải qua bộ óc nghiên cứu tìm hiểu được ngộ. Còn chánh nghi không qua bộ óc nghiên cứu tìm hiểu mà giữ nghi tình, cuối cùng nghi tình bùng vỡ thì ngộ. Vì vậy, gọi là phương pháp tự ngộ.
“Còn ba cách thiền kia, thì dùng cái biết để tu, mình biết rồi thì mình quán tưởng. Quán tưởng rồi thì đạt được. Tất cả các pháp môn trên đều đi tới kết quả là đạt được đẳng giác Bồ Tát.”
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT