Đạo và Đời

Chúa Giêsu biến hình

Wednesday, 04/03/2020 - 07:29:38

Sự kiện Chúa Giêsu biến hình là một biến cố Thiên Chúa mạc khải chính mình. Biến cố này hé mở cho chúng ta thấy được phần nào bản thể đích thực của Chúa Giêsu


Tranh vẽ câu chuyện Chúa Giêsu biến hình với sự hiện diện của Môsê và Tiên Tri Êlia, trước mặt các tông đồ Phêrô, Gioan, và Giacôbê.



Bài LM PHẠM NGỌC HÙNG

Sự kiện Chúa Giêsu biến hình là một biến cố Thiên Chúa mạc khải chính mình. Biến cố này hé mở cho chúng ta thấy được phần nào bản thể đích thực của Chúa Giêsu, và những cảm nhận của các tông đồ cùng hiện diện với Chúa ngày hôm đó. Những chi tiết trong biến cố này được lồng trong khung cảnh văn hóa và niềm tin của người Do Thái.
Trước hết là địa điểm Chúa biến hình. Núi là nơi người Do Thái tin rằng Thiên Chúa thường gặp gỡ con người, chẳng hạn như trong câu chuyện Thiên Chúa trao Mười Giới Luật của Ngài cho Môsê trên núi Sinai. Người Hy Lạp ngày xưa cũng tin rằng các thần linh thường hay gặp gỡ người phàm ở trên những ngọn núi cao. Do đó bối cảnh Chúa Giêsu biến hình trên núi xác định Ngài là Thiên Chúa, và nơi đó trong ánh sáng chan hòa từ đám mây bao phủ ngọn núi, các tông đồ nghe được tiếng nói của Thiên Chúa Cha: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người.”

Bài Tin Mừng kể lại rằng Chúa Giêsu “biến hình” trước mặt các tông đồ của Ngài là Phêrô, Gioan, và Giacôbê. Thực ra động từ “biến hình” trong bản văn Việt ngữ và “transfigure” trong bản văn Anh ngữ không nói lên đúng ý nghĩa của sự kiện đã xảy ra bởi vì “biến hình” hay “transfigure” chỉ nói lên sự thay đổi bên ngoài là hình dạng, nhưng sự kiện thực sự đã xảy ra là Chúa Giêsu biến đổi bản thể, chứ không phải chỉ có hình ảnh bên ngoài, và chữ Hy Lạp “metemorphothe” đã mô tả chính xác điều đó. Chúa biến đổi trong giây lát để minh chứng cho nhân loại (Phêrô, Gioan, và Giacôbê) Ngài thực sự là Thiên Chúa. Bản thể của Ngài chiếu sáng như mặt trời, và ngay cả áo của Ngài cũng trở nên sáng láng như tuyết vì do ánh sáng siêu phàm đang tỏa ra. Xác phàm con người không có được bản thể như vậy. Sự biến đổi của Chúa nhắc đến câu chuyện Môsê đàm đạo với Thiên Chúa trên núi 40 ngày. Diện mạo của ông cũng chiếu sáng đến nỗi mắt người phàm không thể trực tiếp nhìn vào ông. Do đó ông đã phải lấy khăn che mặt để nói chuyện với dân chúng (Xh 34:35).

Một điểm khác nữa trong câu chuyện Chúa biến hình đó là sự hiện diện của Môsê và Tiên Tri Êlia. Hai vị này là hai biểu tượng lớn của lề luật và truyền thống của người Do Thái. Mặc dù bài Tin Mừng không cho biết hai vị đàm đạo với Chúa Giêsu về vấn đề gì, nhưng một số nhà thần học cho rằng sự có mặt của các vị là để xác nhận uy quyền và tính xác thực của giáo huấn Chúa Giêsu giảng dạy. Đó là lý do có tiếng Chúa Cha phán, “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người.” Một mặt Thiên Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu đích thực là Con Thiên Chúa, và mặt khác giáo huấn của Ngài là chân lý dẫn đưa đến ơn cứu độ.
Riêng các tông đồ, các ông vừa vui mừng, vừa kinh hãi. Các ông vui mừng vì được tận mắt chiêm ngưỡng cảnh tượng thiên đàng, có Chúa Giêsu uy nghi sáng láng. Nên Phêrô muốn dựng lều ngay để có thể ở trên núi lâu dài. Mặt khác, các ông kinh hãi vì những gì mắt thấy tai nghe vượt lên trên sức tưởng tượng của con người, nhưng Chúa Giêsu đã kịp trấn an các ông, “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ.” Chúa Giêsu đã trở lại bản thể và hình dạng cũ, trước khi biến hình. Sau sự kiện biến hình, Chúa Giêsu đi thẳng về Giêrusalem để chịu những khổ hình đã được sắp sẵn cho Ngài.

Hàng năm Mùa Chay về chuẩn bị tâm hồn chúng ta để suy gẫm những nhục hình Chúa gánh chịu, và bài Tin Mừng hôm nay muốn cho chúng ta hiểu Chúa Giêsu thực sự là Con Thiên Chúa, vâng phục Thiên Chúa Cha để chuộc tội cho chúng ta. Ngài mang thân xác con người, nhưng bản thể đích thực của Ngài là Thiên Chúa, sáng láng như mặt trời chiếu soi rạng rỡ, và Ngài muốn chúng ta được thông phần trong ánh sáng chan hòa đó. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ không còn kinh hãi như các tông đồ nữa bởi vì chúng ta đã tin theo Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài là chân lý của cuộc sống như Thiên Chúa Cha đã truyền dạy.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT