Đạo và Đời

Chúa Giêsu kiện toàn lề luật

Wednesday, 12/02/2020 - 07:30:11

Trong cuộc đời truyền giáo của Chúa Giêsu, Ngài thường bị tố cáo là không tuân giữ lề luật.


Tranh khảm Chúa Giêsu tại Thánh Đường Monreale, Sicily, Ý. (Getty Images)


Bài LM PHẠM NGỌC HÙNG

Trong cuộc đời truyền giáo của Chúa Giêsu, Ngài thường bị tố cáo là không tuân giữ lề luật. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài xác định rằng lời tố cáo đó hoàn toàn sai sự thật. Ngài đến không phải để hủy bỏ lề luật nhưng là để kiện toàn. Lề luật chỉ có một, nhưng cách hiểu lề luật thì đã bị các luật sĩ và Biệt Phái cắt nghĩa sai lạc, nên Ngài muốn giảng giải lại hầu mọi người hiểu biết lề luật cách chính xác hơn.
​Trước hết là luật giết người. Luật Môsê dạy rằng ai giết người sẽ bị luận phạt nơi tòa án. Chúa Giêsu không những không phủ nhận điều này, nhưng Ngài còn thận trọng hơn, răn dạy rằng phải ngăn ngừa tội, ngay từ khi có mầm mống gây ra hành độnggiết người, đó là giận dữ và sỉ nhục người khác. Theo Chúa Giêsu, chỉ cần phẫn nộ với người khác đã thành tội và có thể bị trừng phạt nơi tòa án. Còn những ai sỉ nhục người và nguyền rủa nhau là ngốc, là khùng, người đó sẽ bị vạ hỏa ngục. Vậy muốn tránh hành động giết người, Chúa dạy là phải chữa từ mầm mống của nó chữa đi. Không nên để cơn phẫn nộ hoành hành, và cũng không được phép kích động sự giận dữ của người khác bằng cách gọi họ là ngốc, là khùng.

​Theo ý Chúa, con người cần phải sống hòa thuận với nhau. Nếu nhận ra đang có mối bất hòa với ai, điều cần làm ngay đó là tìm cách hòa giải, ngay cả khi người khác làm mất lòng mình. Ngài minh họa rõ ràng rằng, nếu ai đó đang chuẩn bị dâng của lễ nơi đền thờ mà chợt nhớ ra có người bất bình với mình, tốt hơn hết là đi làm hòa trước khi dâng của lễ lên Thiên Chúa. Theo lẽ thường tình, người nào gây ra mối bất hòa, người đó có trách nhiệm hòa giải. Tuy nhiên giáo huấn của Chúa dạy chúng ta sống cao thượng hơn. Người không có lỗi cũng có trách nhiệm hòa giải với người đã xúc phạm đến mình. Chúa không dạy chúng ta sống công bằng, nhưng Ngài dạy chúng ta sống cao thượng. Đó chính là cách ngăn ngừa được những xáo trộn trong xã hội.
​Sang đến luật hôn nhân. Chúa tiếp tục dùng nguyên tắc ngăn ngừa để giảng dạy dân chúng, chữa trị ngay mầm mống của tội. Nếu muốn tránh được tội ngoại tình, trước hết phải tránh những ánh mắt đầy dục vọng vì chúng không những là tội lỗi mà còn là mầm mống gây ra những tội lỗi nghiêm trọng hơn. Để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc ngăn ngừa tội, Ngài đã dùng đến những thành ngữ của người Do Thái thời bấy giờ. Thà rằng vào nước trời với thân xác tàn phế, còn hơn lành lặn mà phải chịu phạt dưới hỏa ngục.

​Sau cùng là luật chớ thề gian. Người ta phải thề vì lời nói của họ không đủ uy tín để thuyết phục người khác, nên họ phải mượn danh Thiên Chúa để làm chứng cho họ. Người Do Thái ngày xưa cho phép thề, nhưng cấm không được thề gian và buộc phải giữ trọn lời thề của mình. Riêng Chúa Giêsu, Ngài cấm hẳn, không được thề dưới bất cứ hình thức nào. Không những không được lấy danh Thiên Chúa, mà còn không được lấy trời, đất, thành Giêrusalem, hay ngay cả đầu của mình mà thề, vì “ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được.”
Ngài chủ trương con người sống với nhau phải thành thật, “Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra.” Một lần nữa Chúa muốn nhấn mạnh đến việc ngăn ngừa tội lỗi. Ngài không muốn ai trong chúng ta bị trừng phạt vì tội của mình, nhưng Ngài muốn chúng ta phải tránh tội để khỏi bị trừng phạt.
​Không ai muốn hủy bỏ lề luật mà lại giảng giải cặn kẽ về tầm quan trọng của việc ngăn ngừa tội. Chúa muốn tuân giữ lề luật, và giúp chúng ta kiện toàn lề luật, để không vì luật mà chúng ta sau này bị kết án.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT