Đạo và Đời

Chúa Giêsu Phục Sinh kiện toàn lời Kinh Thánh

Thursday, 15/04/2021 - 07:29:39

​Sau khi hai môn đệ trên đường Emmau đã nhận ra Chúa Giêsu lúc Ngài đồng bàn và bẻ bánh trong bữa ăn tối, các ông vội vã trở về Giêrusalem để báo tin cho các môn đệ khác.


Tranh tựa đề “Đường Đến Emmaus” (The Road to Emmaus) được họa sĩ Robert Zund vẽ năm 1877 minh họa câu chuyện Chúa Giêsu trò chuyện với hai môn đệ.


Bài LM VINCENTÊ PHẠM NGỌC HÙNG

​Sau khi hai môn đệ trên đường Emmau đã nhận ra Chúa Giêsu lúc Ngài đồng bàn và bẻ bánh trong bữa ăn tối, các ông vội vã trở về Giêrusalem để báo tin cho các môn đệ khác. Đang khi họ nói chuyện với nhau, Chúa Giêsu hiện ra và phán, “Bình an cho các con.” Thấy họ sợ hãi vì tưởng Ngài là một bóng ma, Ngài vội trấn an, “Thầy đây đừng sợ.” Họ vẫn chưa tin, nên Ngài đưa tay chân của Ngài bằng xương bằng thịt cho họ xem, và Ngài đã ăn trước mặt họ.

Một lần nữa Chúa Giêsu muốn xác định Ngài không phải là một bóng ma, nhưng là Thiên Chúa vinh hiển trở về với họ sau cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá. Sau đó Ngài dùng Kinh Thánh để mở lòng trí họ, bảo với họ rằng những gì được ghi chép về Ngài trong Sách Thánh, nay đã được ứng nghiệm. Hai chủ đề chính trong bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta cùng suy tư, đó là, Chúa Giêsu là ai? Và chúng ta cần phải làm gì để có thể nhận ra được Đức Kitô đã thực sự sống lại?

​Chúa Giêsu và Cựu Ước có một mối tương quan không thể tách rời bởi vì Ngài là trung tâm điểm của mọi sự kiện được ghi chép lại. Một vài hình ảnh tiêu biểu mà Sách Thánh thường mô tả, đó là người tôi trung của Thiên Chúa, Đấng Messiah dân Chúa hằng trông đợi, và là chiên con vô tội được hiến tế để giao hòa con người với Thiên Chúa. Trong mầu nhiệm nhập thể, Chúa Giêsu là một con người của lịch sử, hiện hữu trong xã hội người Do Thái, để ứng nghiệm những hình bóng trong Cựu Ước đã nói về Ngài.

​Trong cuộc đời truyền giáo, Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ đi theo Ngài để học hỏi và để sau này thay Ngài cai quản Hội Thánh và loan truyền Tin Mừng Phục Sinh. Do vậy các ông đã nhận ra Chúa khi Ngài hiện ra với các ông, đặc biệt khi Chúa bẻ bánh. Mắt họ đã mở ra và lòng dạ họ đã cháy bừng khi đàm đạo với Ngài. Từ đó trở đi, nghi thức bẻ bánh đã trở thành một phần không thể thiếu được trong đời sống của Giáo Hội. Do vậy, nơi nào có người Công Giáo, thì nơi đó có cử hành Thánh Lễ bởi vì trong Bí Tích Thánh Thể, họ nhận ra Chúa đang hiện diện với họ.

​Để gặp gỡ Thiên Chúa Phục Sinh trong nghi thức bẻ bánh và lời của Sách Thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta cần phải có một tâm hồn rộng mở và khát khao Chúa. Tâm hồn chúng ta cần phải được thường xuyên thanh luyện trong tình yêu của Thiên Chúa, một tấm lòng đã được trọn vẹn biến đổi để tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Chúng ta không thể tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, nhưng tâm hồn lại xa cách Ngài. Một trong những việc làm sẽ giúp cho sự kết hợp với Chúa Giêsu được mật thiết hơn, đó là tuân giữ những giới luật Ngài truyền dạy, đặc biệt là giới luật yêu thương. Trong cuộc đời truyền giáo, Chúa Giêsu chưa một lần từ chối bất cứ ai tìm đến Ngài để xin cứu chữa. Từ quan lớn trong triều đình cho đến những người cùng đinh trong xã hội đềuđược Chúa đoái thương khi kêu xin với Ngài. Bài học yêu thương này sẽ là thách đố cho nhiều người chúng ta, và là bài học chúng ta không thể bỏ qua được.

​Sau khi đã cảm nhận được Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình, chúng ta noi gương đám đông dân chúng trong bài đọc một hôm nay, ăn năn hối cải và thay đổi cuộc đời cho phù hợp với niềm hy vọng vào sự sống đời đời. Chúng ta cũng có thể noi gương những tín hữu trong bài đọc hai, đó là tuân giữ những giới luật Chúa truyền dạy và tránh xa tội lỗi. Sau cùng, chúng ta cũng có thể học hỏi nơi các môn đệ của Chúa, sống và loan truyền Tin Mừng Phục Sinh.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT