Người Việt Khắp Nơi

Chùa Hương Tích tổ chức lễ Rằm Thượng Nguyên

Wednesday, 15/02/2017 - 06:57:22

Ngoài ra, lễ tưởng niệm Biến Cố Tết Mậu Thân (1968) và nạn nhân chiến tranh Việt Nam sẽ được một số Phật tử và Ban Hộ Trì Tam Bảo Phật Quang tổ chức vào trưa Chủ Nhật, 19 tháng 2, bắt đầu lúc 1:30 đến sau 3 giờ chiều.

Bài THANH PHONG

SANTA ANA - Ngày Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017 nhằm ngày Rằm tháng Giêng âm lịch năm Đinh Dậu, chùa Hương Tích ở địa chỉ 4821 W.5th Street, Santa Ana, CA 92704 do Ni Sư Thích Nữ Minh Từ làm Viện Chủ đã tổ chức lễ cúng Thượng Ngươn, còn gọi là Thượng Nguyên tức Rằm Tháng Giêng âm lịch.

Ni sư Thích Nữ Minh Từ, Viện Chủ chùa Hương Tích, chủ sự lễ cúng Rằm Thượng Nguyên trước chánh điện chùa Hương Tích. (Thanh Phong/Viễn Đông)


Trước khi cử hành lễ cúng Rằm, Hòa Thượng Phương Trượng Thích Nhật Minh, nguyên Viện Chủ của chùa, đã giúp các Phật tử hiểu rõ ý nghĩa của ngày Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên mà nhiều Phật tử, nhất là giới trẻ chưa hiểu gì về những ngày này trong phong tục tập quán cúng bái của Phật Giáo.

Trước một số tín đồ ngồi trang nghiêm tại chánh điện chăm chú lắng nghe, Hòa Thượng chào thăm mọi người và cho biết, bất cứ quốc gia nào cũng có những phong tục, tập quán riêng. Ngay ở các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, mỗi tỉnh cũng có những phong tục riêng, thí dụ ở Bắc Ninh có phong tục “chém lợn,” hay ở Thanh Hóa có phong tục đập đầu trâu. Những phong tục này dã man, tàn nhẫn quá, nên chúng ta phải cân nhắc, phong tục, tập quán nào tốt đẹp thì nên giữ, phong tục nào xấu, thoái hóa quá thì nên bỏ đi.


Hòa Thượng Phương Trượng Thích Nhật Minh chia sẻ về ý nghĩa ngày Rằm Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên. (Thanh Phong/ Viễn Đông)



Mới đây, Hòa Thượng có dịp sang Bhutan, Thầy thấy đất nước đó rất thanh bình, cuộc sống của người dân thật tốt đẹp là vì Vua của xứ Bhutan ra lệnh cho cả nước cấm sát sinh. Hòa Thượng đi khắp nước Bhutan không thấy gia đình nào nuôi gà, vịt hay heo, chỉ có một số con bò đi lang thang. Cỏ thì rất nhiều, xanh mướt mà nó không ăn nhiều, giống như nó đang “diet,” thành ra nhìn con bò nào thân hình nó cũng gọn gàng, thon đẹp như người dân Bhutan. Hòa Thượng hỏi các Phật tử: Cả một đất nước mà không sát sanh thì quý vị thấy làm sao? Thật là tốt đẹp vô cùng! Những người hướng dẫn viên du lịch họ rất rành về giáo lý đạo Phật, họ vừa hướng dẫn mình đi thăm nơi này nơi kia, vừa nói cho mình biết về thuyết vô thường, cuộc đời này đâu có gì tồn tại đâu nên cái gì chúng ta cho là tốt đẹp thì hãy cố giữ lấy, còn những gì xấu xa hãy mạnh dạn gạt bỏ đi.
Trở lại ngày Thượng Nguyên, Hòa Thượng nói, “Sau khi ăn Tết rồi thì Rằm Tháng Giêng là lễ lớn thứ hai người ta gọi là Thượng Ngươn hay Thượng Nguyên. Ngày này người ta đi lễ chùa hay nhà thờ hoặc nơi nào người ta tin tưởng, họ đến rất đông để cầu nguyện cũng như hôm nay chúng ta đến đây đề cầu nguyện cho gia đình, cho mình có sức khỏe, và chắc chắn quý vị cũng không quên cầu cho ông bà, cha mẹ hay người thân của mình đã qua đời để được siêu thoát. Đó là việc làm tốt cần duy trì.

“Hồi xưa ở Việt Nam, ngày Rằm Tháng Giêng được coi là rất quan trọng. Ca dao Việt Nam có câu Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng ba rượu chè. Nhưng người Phật tử tốt lành không ăn chơi, không cờ bạc rượu chè mà đến chùa cầu nguyện cho ông bà, tổ tiên và những người thân yêu đã ra đi.

“Thứ nhì là Ngày Rằm Trung Nguyên. Tức là Rằm Tháng Bảy, ngày Xá Tội Vong Nhân, là ngày chúng ta trả hiếu cho ông bà, cha mẹ. Chúng ta đến chùa hay nhà thờ cầu nguyện cho thân nhân của mình. Nước Mỹ cũng có ngày trả hiếu là ngày Fathers day, ngày Motherday. Mỗi quốc gia, mỗi nơi có những phong tục trả hiếu khác nhau. Đối với Phật tử Việt Nam, ngày Rằm tháng Bảy vô cùng quan trọng.

“Còn Rằm cuối cùng là Rằm Tháng Mười gọi là Hạ Nguyên. Ngày xưa, các Phật tử cũng chú trọng nhiều đến ngày này để đến chùa cầu nguyện, tạ ơn vì những gì tốt đẹp đã xảy đến cho mình trong năm; nhưng bây giờ dần dần mai một đi, người ta chỉ còn chú trọng đến ngày Rằm Tháng Giêng và Rằm Tháng Bảy mà thôi.”
Sau khi giải thích về ba ngày Rằm, HT Thích Nhật Minh kết luận, “Thực ra, ba ngày Rằm đó là gì? Đó là những ngày chúng ta thực thi Tứ Đại Ân: Ơn Cha Mẹ, Ơn Tổ Quốc, Ơn Thầy Tổ và Ơn Tam Bảo. Hôm nay chúng ta đang thực hiện Ơn Cha Mẹ. Ai cũng có cha mẹ, không có cha mẹ làm sao có mình, và công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ cao như trời, rộng như biển nên chúng ta phải báo đền ơn cha mẹ.


Ni sư Thích Nữ Minh Từ, Viện Chủ chùa Hương Tích, chủ sự lễ cúng Rằm Thượng Nguyên trước chánh điện chùa Hương Tích. (Thanh Phong/Viễn Đông)

“Ơn thứ nhì là ơn Tổ Quốc cũng rất quan trọng. Nếu tổ quốc không được tốt đẹp, không chăm sóc đời sống cho dân thì làm sao mình có mặt nơi đây để được tự do cầu nguyện? Mặc dầu chúng ta chọn Hoa Kỳ là quê hương thứ hai nhưng nguồn gốc của chúng ta vẫn là Việt Nam, chắc chắn chúng ta vẫn nhớ tổ quốc của chúng ta, nhưng tổ quốc chúng ta hiện nay đang trên đà có thể bị Trung cộng đô hộ, vì thế, khi chúng ta đang hưởng tự do, sống hạnh phúc trên quê hương thứ hai thì nhớ đừng quên tổ quốc Việt Nam của mình. Nếu chúng ta được người Hán trao cho một chức vụ gì, làm vua, làm chúa gì chúng ta cũng không có vui đâu. Ngày xưa Trần Bình Trọng đã từng tuyên bố Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc. Chỉ khi nào đất nước được độc lập, có tự do, dân chủ thì người dân mới thực sự hạnh phúc. Nếu chúng ta không khéo, đất nước chúng ta sẽ bị đô hộ nay mai.”

Cuối bài chia sẻ, Hòa Thượng nhắc nhở quý Phật tử: Hôm nay quý vị đến đây cầu nguyện, đôi khi chúng ta cứ nghĩ mình cầu nguyện cho mình là đủ rồi. Chúng ta cần phải cầu nguyện cho đất nước này và nhất là cho thế giới được an bình, chúng sanh được an lạc. Đó mới là mục đích, ý nghĩa của ngày Rằm Thượng Nguyên. Chúng ta cũng đừng quên các chiến sĩ, hãy cầu nguyện cho họ vì họ chính là những người đóng góp xương máu để bảo vệ cho chúng ta được an lành ngồi đây tận hưởng. Ở Việt Nam hiện nay nhiều người rất thờ ơ, chỉ biết ăn nhậu, chơi bời phóng đãng mà quên đi những ngày sắp tới sẽ phải chịu cảnh mất nước, mất quê hương như người Mông Cổ, người Duy Ngô Nhĩ ... thì đau khổ vô cùng. Một khi đã làm dân nô lệ thì dù có lễ lạc gì, có ăn thứ gì đi nữa cũng không ngon, không vui mà nó đắng vô cùng!”

Sau bài chia sẻ của Hòa Thượng Phương Trượng Thích Nhật Minh, Ni Sư Thích Nữ Minh Từ, Viện Chủ chùa Hương Tích ra trước bàn thờ, thắp hương và chủ sự lễ cúng Rằm Thượng Ngươn cùng một số Chư Tăng, Ni. Các Phật tử trong bộ y phục màu lam cung kính chắp tay cùng tụng niệm với Ni Sư Viện Chủ. Tiếng cầu kinh hòa trong tiếng chuông, tiếng mõ quyện vào làn hương khói bay tỏa khắp chánh điện, và chắc chắn trong những lời cầu nguyện, Phật tử sẽ không quên lời nhắc nhở của Hòa Thượng Thích Nhật Minh “Không chỉ cầu nguyện cho mình, mà phải cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, cho Tổ Quốc Việt Nam sớm thoát khỏi họa ngoại xâm từ phương Bắc, và cho quê hương thứ hai này được bình an để chúng ta được sống trong an bình và hạnh phúc.”

Ngoài lễ Rằm Thượng Nguyên, chùa Hương Tích sẽ tổ chức Lễ Thất Khu Dược Sư vào hai ngày thứ Bảy, Chủ Nhật, 18 và 19 tháng 2, từ 9 giờ sáng mỗi ngày. Sẽ có tụng kinh Dược Sư, xướng tên Phật tử cúng đèn Dược Sư cầu an tại chùa.

Ngoài ra, lễ tưởng niệm Biến Cố Tết Mậu Thân (1968) và nạn nhân chiến tranh Việt Nam sẽ được một số Phật tử và Ban Hộ Trì Tam Bảo Phật Quang tổ chức vào trưa Chủ Nhật, 19 tháng 2, bắt đầu lúc 1:30 đến sau 3 giờ chiều.

Chùa Hương Tích là ngôi chùa lâu năm thứ hai xuất hiện tại Nam California sau chùa Trúc Lâm Yên Tử. Chùa Hương Tích cũng là ngôi chùa có tôn tượng gần 20 vị Bồ Tát được chạm trổ bằng đá hoa cương từ Việt Nam, với một nghệ thuật rất tinh xảo. Mỗi tượng cao hơn người thật được đứng trên bệ cao trước mặt tiền và xung quanh sân chùa. Dưới mỗi tôn tượng có khắc lịch sử của mỗi vị. Cần liên lạc về chùa Hương Tích, xin gọi: (714) 554-7837.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT