Đạo và Đời

Chúa Nhật IV Phục Sinh: Cửa chuồng chiên

Wednesday, 07/05/2014 - 09:54:51

Mở đầu Tin Mừng Chúa nhật IV, Mùa Phục Sinh, năm A, Chúa Giêsu đã xác định: “Ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên.” Và Chúa Giêsu nói thêm: “Ta là cửa chuồng chiên.

LM. Trịnh Ngọc Danh

Mở đầu Tin Mừng Chúa nhật IV, Mùa Phục Sinh, năm A, Chúa Giêsu đã xác định: “Ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên.” Và Chúa Giêsu nói thêm: “Ta là cửa chuồng chiên. Ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân.” Tại sao Chúa ví mình là Cửa chuồng chiên? Ai không qua cửa ấy mà vào, là trộm cướp. Ai qua cửa mà vào, thì được cứu rỗi, tìm được của nuôi thân.

Cửa chuồng chiên là cửa dành cho người chăn chiên và chiên ra vào. Chỉ có người chăn chiên đích thực mới được người giữ cửa mở cho ra vào. Chiên nghe theo tiếng người ấy. Người chăn chiên gọi đích danh từng con chiên và dẫn ra. Người chăn chiên đi trước và đàn chiên theo sau, vì chúng quen tiếng người chăn chiên, và trốn chạy khi nghe tiếng người lạ.

Cửa chuồng chiên ấy là Adam mới, là Chúa Giêsu Kitô đã xuống thế gian mang thân phận yếu hèn của con người, đã giang hai tay trên cây Thánh giá, đã chết đối với tội lỗi, đã phục sinh, và nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. “Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống.” Để trở nên công chính, để được người chăn chiên dẫn qua cửa chuồng chiên, chúng ta cũng phải đóng đinh con người cũ do tội lỗi thống trị, để không còn làm nô lệ tội lỗi nữa,

Cửa chuồng chiên ấy là Bí Tích Thanh Tẩy mà chúng ta đã đón nhận để trở thành con Thiên Chúa, như trong thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phao lô đã viết: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Chúa Giêsu Kitô, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.”

Cửa chuồng chiên ấy là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Cũng như Thánh Phaolô viết trong thư thứ 1 gửi tín hữu Rôma, chúng ta cũng tin chắc rằng: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”

Cửa chuồng chiên ấy là Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô. Con chiên không có Thần Khí, không được làm con Thiên Chúa, không thuộc về Chúa Kitô, không thể đi qua cửa chuồng chiên. “Ai sống theo tính xác thịt, thì hưóng về những gì thuộc tính xác thịt; còn ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí.”

Cửa chuồng chiên ấy là Tin Mừng cứu độ. Người chăn chiên biết từng con chiên và ngược lại, từng con chiên biết người chăn chiên. Làm sao để biết chủ chăn của mình? Qua Kinh Thánh, nhất là Tin Mừng, chúng ta biết người chăn chiên ấy; và chúng ta sẽ biết rõ người chăn chiên ấy hơn khi chúng ta biết sống gần gũi và thân mật hơn với các chiên khác trong cùng đàn chiên.

Cửa chuồng chiên ấy là cửa công chính, cửa lòng tin, là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Chúng ta được “ Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô nhờ ân huệ của Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc được thực hiện trong Chúa Giêsu Kitô.”

Cửa chuồng chiên ấy là Hội Thánh Chúa. Khi dùng dụ ngôn này và tự cho mình là chuồng chiên, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng cánh cửa ấy luôn mở rộng, đón mời hết mọi người. Không qua cánh cửa Giáo Hội, là chúng ta không thuộc đàn chiên của Chúa, không được Người bảo vệ, chở che; và như thế là làm mồi ngon cho kẻ trộm hay sói rừng. Đàn chiên con và chiên mẹ đã được Chúa giao phó cho Thánh Phêrô cai quản.

Xét theo tính cách làm chiên, là Kitô hữu, chúng ta phải có những nhiệm vụ và hưởng được những đặc ân như sau :

- Được người chăn chiên biết đến, được gọi đích danh từng con chiên một, được nuôi dưỡng nơi bàn Tiệc Thánh Thể. Chúa Giêsu Tử Nạn - Phục Sinh là nguồn cứu độ cho toàn thể nhân loại, cho từng con người. Người muốn chăn dắt, gìn giữ, nuôi sống từng người một. Chúng ta sẽ phải làm gì để dáp lại Lòng Thương Xót vô bờ ấy? Chúng ta đã biết gì về người chăn chiên nhân hậu ấy?

- Được người chăn chiên gọi đích danh; nhưng chúng ta có đáp lại lời kêu gọi ấy không? hay đáp lại ở mức độ nào? Bổn phận của chúng ta là biết tiếng gọi của chủ chăn. Chỉ một tiếng thôi là tiếng Giêsu. Không có tiếng nào khác để chiên nghe theo mà được yên ổn, an vui, sống mạnh và sống hạnh phúc.

- Được chủ chăn bảo vệ. Chúng ta tin tưởng rằng Chúa Giêsu đã lấy mạng sống mình để bảovệ, để cứu thoát chúng ta khỏi tội lỗi, khỏi cái chết hủy diệt để đưa chúng ta vào sự sống Phục sinh vĩnh cửu. Chúng ta có chịu để cho Chúa bảo vệ hay lại đi tìm những chỗ dựa khác như tiền tài, danh vọng, quyền lực, tiện nghi vật chất...? Chúng ta có vểnh tai mà nghe tiếng chủ chăn gọi để chạy đến với Người liền hay thích nghe theo tiếng gọi của xác thịt, của tội lỗi? Thích lang thang phiêu du vào những cuộc mạo hiểm trần gian tuy vẫn biết sói rừng đang rình rập, kẻ trộm là tội lỗi, xác thịt, ý riêng, ghen ghét đang gài bẫy?

- Biết phân biệt tiếng người lạ, tiếng người chăn thuê với tiếng đích thực của người chủ chăn. Với người chăn thuê, họ sẽ chạy trốn khi sói rừng xuất hiện, mặc cho đàn chiên tản mác. Họ không thí mạng sống vì đàn chiên, vì đàn chiên không thuộc về họ.

- Biết sống liên kết với các chiên khác. Chúng ta có thái độ nào khi cùng các chiên khác đang gặm cỏ trên đồng? Đố kỵ hay thân thiện? Nhường nhịn chia sẻ hay ganh ghét tranh phần? Thương yêu hay hận thù? Tiếp đón, giúp đỡ hay làm ngơ bỏ mặc? Cộng tác hay dửng dưng? Đối thoại hay khép kín?

Lạy Chúa, xin cho chúng con an tâm làm bổn phận Chúa đã giao phó, vì Chúa luôn ở bên chúng con để đáp ứng cho chúng con mọi nhu cầu khác. Xin biến đổi chúng con để từ nay chi biết lắng nghe tiếng Chúa kêu gọi, dù có mãi mê gặm cỏ đâu đâu, cũng biết chạy về ngay với Chủ Chăn của mình,

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT