Đạo và Đời

Chúa Trời Ba Ngôi

Wednesday, 19/06/2019 - 03:59:33

Ai đã mạc khải cho chúng ta biết về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi? Câu trả lời rất rõ ràng của Giáo Hội đó là chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, đã mạc khải cho chúng ta biết về mầu nhiệm này: Có một Thiên Chúa


Thiên Chúa Ba Ngôi tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa loài người. (Getty Images)


Bài LM TRẦN VĂN KIỂM

Ai đã mạc khải cho chúng ta biết về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi? Câu trả lời rất rõ ràng của Giáo Hội đó là chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, đã mạc khải cho chúng ta biết về mầu nhiệm này: Có một Thiên Chúa mà Ngài có Ba Ngôi, Ngôi Thứ Nhất là Cha, Ngôi Thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần.
Trong Kinh Thánh chúng ta gặp rất nhiều bản văn trong đó nói đầy đủ về Thiên Chúa Ba Ngôi, thí dụ như bài Phúc Âm ngày hôm nay nói về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hoặc có những câu Kinh Thánh nói rất rõ về Chúa Ba Ngôi như câu sau đây trích ra từ Phúc Âm thánh Matthêu khi Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ sứ mạng rao giảng và làm phép rửa: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Hoặc một hình ảnh nữa của Thiên Chúa Ba Ngôi có thể tìm thấy khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan: Sau khi Ngài chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, rồi từ trời có tiếng nói: “Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.”
Tiếng nói từ trời, chim bồ câu và Chúa Giêsu, là ba hình ảnh rất sống động về Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong thơ của các thánh Tông Đồ cũng có rất nhiều câu nói về Chúa Ba Ngôi, đặc biệt câu của Thánh Phaolô, thường được các linh mục dùng làm câu chào khi bắt đầu thánh lễ: “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.”

Nhìn vào lịch sử ơn cứu độ, chúng ta dễ dàng nhận ra chiều kích của Thiên Chúa Ba Ngôi và đã có những phân tích như thế này: Cựu Ước là thời của Chúa Cha, thời rao giảng Tin Mừng cho tới hết biến cố thương khó, chịu chết, sống lại và lên trời là thời của Chúa Con và thời hiện tại của Giáo Hội là thời của Chúa Thánh Thần. Suy nghĩ theo cách thức đó thì chúng ta cứ tưởng tượng như mỗi Ngôi Thiên Chúa làm theo công việc đã được phân định cho từng Ngôi. Rồi trong kinh Tín Kính chúng ta tuyên xưng: Chúa Cha là Đấng sáng tạo, Chúa Con là Đấng cứu độ và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá, lại giống như mỗi Ngôi vị có một chức vụ khác nhau. Các nhà thần học đã nói rằng cách thức suy nghĩ như thế này, đó là suy nghĩ theo kiểu thần học phân công: Mỗi Ngôi Thiên Chúa có một công việc khác nhau.

Nhưng hãy nhớ điều này: chỉ có một Chúa mà Ngài có Ba Ngôi, và Ba Ngôi đó không thể tách biệt, cho nên công việc của Chúa Cha cũng là công việc của Chúa Con và Chúa Thánh Thần; công việc của Chúa Con cũng là công việc của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần… Như thế khi Chúa Cha tạo dựng thì Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng tham dự vào sự tạo dựng; khi Chúa Con cứu chuộc thì Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cũng tham dự vào sự cứu chuộc; khi Chúa Thánh Thần thánh hóa thì Chúa Cha và Chúa Con cũng tham dự vào sự thánh hóa.
Như vậy chúng ta được Thiên Chúa Ba Ngôi tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa. Ơn sự sống, ơn cứu chuộc và ơn thánh hóa tuôn trao xuống mọi người tín hữu vì tình yêu vô cùng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế Chúa Giêsu đã không vô lý khi dạy rằng: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mc 12, 30).

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT