Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Chuẩn bị ra mắt chương trình ca nhạc kịch "Quê Hương Nhìn Lại" tại quận Cam

Saturday, 11/07/2015 - 12:36:26

Vốn là nhóm nhạc hát dân ca, nhóm Bách Việt đã chọn hình trống đồng Đông Sơn làm biểu tượng cho nhóm, mỗi thành viên đều có thể vừa hát vừa sử dụng điêu luyện các nhạc cụ dân tộc như đàn cò, đàn tranh, đàn kìm, đàn bầu, đàn tỳ bà, sáo... để đệm hát và hòa tấu.

Bài BĂNG HUYỀN
Hình do bác sĩ Đào Duy Anh cung cấp


                                       Nghệ sĩ Hồng Vân trong nhóm tam ca Đông Phương


Cách nay 45 năm, tại Sài Gòn có một nhóm nhạc mang tên Bách Việt do bác sĩ Đào Duy Anh sáng lập. Ông là tác giả ca khúc mang âm hưởng dân ca “Ta Về Ta Tắm Ao Ta” đã trúng giải thưởng văn học nghệ thuật Sài Gòn vào năm 1971. Các thành viên của nhóm Bách Việt ngày đầu mới thành lập đều là những sinh viên Y khoa, Nha khoa, Dược khoa, Kỹ sư công chánh, đồng thời họ cũng là sinh viên học nhạc tại trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn (họ học thêm vào buổi tối).
Vốn là nhóm nhạc hát dân ca, nhóm Bách Việt đã chọn hình trống đồng Đông Sơn làm biểu tượng cho nhóm, mỗi thành viên đều có thể vừa hát vừa sử dụng điêu luyện các nhạc cụ dân tộc như đàn cò, đàn tranh, đàn kìm, đàn bầu, đàn tỳ bà, sáo... để đệm hát và hòa tấu. Nét riêng biệt này đã giúp Bách Việt tạo được uy tín của mình trong thị trường âm nhạc thuở ấy, đem lại luồng sinh khí mới, cho khán giả một cái nhìn mới, một cảm nhận mới về âm nhạc Việt Nam. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa cổ truyền và hiện đại từ phong cách, tác phẩm cho đến âm thanh, nhạc cụ... khi trình diễn.
Để kỷ niệm 45 năm thành lập ban nhạc Bách Việt, vào Thứ Bảy, ngày 25-7-2015 sắp tới, tại rạp Saigon Performing Arts Center (địa chỉ 16149 Brookhurst St., Fountain Valley, CA 92708) với hai suất 3 giờ chiều và 7 giờ 30 tối, sẽ diễn ra chương trình ca nhạc kịch đặc sắc, độc đáo với tên gọi “Quê Hương Nhìn Lại” do Dao Music Foundation tổ chức. Với sự tham dự của một số thành viên cũ của nhóm Bách Việt như bác sĩ Đào Duy Anh, ca sĩ Ngọc Yến, Ngọc Điệp, Trần Bộ. Cùng những nghệ sĩ khách mời đặc biệt của chương trình gồm có nhóm tam ca Đông Phương (Tuyết Hằng, Thu Hà, Hồng Vân) năm xưa, lần đầu tiên sẽ hội ngộ lại trên sân khấu sau bao năm xa cách; nghệ sĩ Hương Lan, ca sĩ Tâm Đoan, Ngọc Hạ, Nguyên Khang, nhóm hài Việt Hương- Hoài Tâm. Điều khiển chương trình MC Thanh Tùng và Ngân Hà.

 Mục đích của chương trình
Chia sẻ về mục đích của chương trình, bác sĩ Đào Duy Anh đồng thời cũng là người sáng lập của Dao Music Foundation, một tổ chức bất vụ lợi được thành lập vào năm 2014, cho biết: “Ngoài mục đích kỷ niệm 45 năm thành lập ban nhạc Bách Việt, chương trình “Quê Hương Nhìn Lại” còn là dịp để gây quỹ giúp xây chùa Phước Hậu, vốn là một chùa nhỏ của thầy Thích Thanh Quang ngay tại tiểu bang Kentucky, đang cần tiền để xây lại nơi mới khang trang hơn cho đồng bào đến sinh hoạt phật pháp. Nhân chương trình này tôi cũng sẽ ra mắt 2 CD mới nhất của mình là “Quê Hương nhìn lại” (những ca khúc do Đào Duy Anh sáng tác) và “Tiếng vọng xưa” (Gồm những bản nhạc xưa của các nhạc sư Bắc- Trung - Nam đã sáng tác, được biểu diễn lại). Chương trình này là lần ra mắt đầu tiên của Dao Music Foundation. Mục đích của Dao Music Foundation do tôi lập ra là để giúp các nghệ sĩ nghèo tại Việt Nam, giúp xây chùa, xây nhà thờ ở bên này. Ngoài ra, sau chương trình, tôi sẽ nhận dạy đàn tranh cho học viên vào cuối tuần tại nơi tôi sống (tiểu bang Kentucky), tôi sẽ đến dạy tại chùa hoặc nhà thờ và học viên tùy hỉ đóng góp tiền học lại cho chùa hoặc nhà thờ. Bây giờ tôi cũng lớn tuổi rồi, nên vợ chồng tôi chỉ có tâm nguyện đóng góp tâm sức của mình để làm từ thiện cả hai phương diện y khoa và âm nhạc.”


                            Bìa CD “Quê Hương Nhìn Lại” với hình ảnh chân dung bác sĩ Đào Duy Anh

 
Nét hay, lạ, đặc sắc của chương trình

Chương trình ca nhạc kịch “Quê Hương Nhìn Lại” hứa hẹn sẽ đem đến cho khán giả những trải nghiệm thú vị, sẽ tái hiện một không gian văn hóa độc đáo, dẫn dắt khán giả vào cuộc viễn du với những âm sắc, giai điệu và tiết tấu trầm bổng, sâu lắng, du dương... của nhiều thể loại âm nhạc Việt Nam. Đặc biệt những tác phẩm mang âm hưởng dân gian và nhạc thính phòng sẽ được phối lại theo phong cách mới lạ, kết hợp giữa các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, đàn T'rưng... do các thành viên của nhóm nhạc Bách Việt vừa đàn vừa hát, hòa cùng với các nhạc cụ hiện đại phương Tây do ban nhạc The Brother Band đảm nhận; Âm thanh, ánh sáng do Việt Anh Premier Productions phụ trách.
Tiết lộ về những tiết mục đặc sắc trong chương trình “Quê Hương nhìn lại”, bác sĩ Đào Duy Anh cho biết: “Chương trình sẽ dài hơn 3 tiếng, nhóm tam ca Đông Phương sẽ hát lại những ca khúc dân ca 3 miền và nghệ sĩ Hồng Vân sẽ có thêm phần ngâm thơ.
“Các thành viên của nhóm Bách Việt và các ca sĩ Hương Lan, Ngọc Hạ, Nguyên Khang, Tâm Đoan sẽ trình diễn những ca khúc do tôi sáng tác như “Dòng sông Bách Việt”, “Ta về ta tắm ao ta”, “Quê hương nhìn lại”, “Sài Gòn mưa cuối mùa”, “Đêm nghe tiếng đàn bầu”, “Nỗi buồn Xuân Tự”, “Mùa gặt mới” mang âm hưởng Tây Nguyên và những sáng tác của Trần Phi Sơn “Nuôi con biết lòng cha mẹ”, “Thân Cò”, của Nguyễn Phước Kiệt “Cơn gió thoảng” (cả hai đều là thành viên của nhóm Bách Việt trước đây).
Ngoài những sáng tác của 3 tác giả của nhóm Bách Việt, các ca sĩ sẽ hát thêm một số ca khúc của các nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cao Văn Lầu, Nguyễn Cường... vân vân...”
Chương trình còn có phần hài kịch do nghệ sĩ Việt Hương và Hoài Tâm diễn, chắc chắn sẽ rất hài hước, vui nhộn nhưng ẩn chứa thông điệp sống sâu sắc, xoay quanh chủ đề “Quê hương nhìn lại”. Vì “tôi ở xa nhìn về Việt Nam, thấy người giàu thì quá giàu, nhưng người nghèo thì nghèo quá, còn rất nhiều người buôn gánh bán bưng, những em bé mồ côi đi bán vé số, thấy tội quá. Qua chương trình tôi chỉ muốn nói lên nỗi buồn của người xa quê hương khi về lại chứng kiến sự cách biệt giàu, nghèo quá xa tại Việt Nam hiện nay, vì vậy tôi đã đề nghị nghệ sĩ Việt Hương- Hoài Tâm hãy viết kịch bản mới xoay quanh chủ đề này.”, bác sĩ Đào Duy Anh bày tỏ.

Bác sĩ Đào Duy Anh cho biết cách nay 2 năm ông có về Việt Nam và ghé thăm ngôi trường mà ông từng học trước đây, trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, “nhưng nay trường đã bị đổi tên, tôi tìm những anh em cũ, thì nay họ không còn dạy ở đây nữa, họ chỉ dạy tư để kiếm sống. Tôi có gặp lại những anh em cũ của nhóm Bách Việt và nhân chuyến đi đó tôi đã sáng tác thêm vài bài hát mới, sau đó thực hiện cd “Quê hương nhìn lại” và “Tiếng vọng xưa”. Cả 2 CD này sẽ được phát hành trong buổi nhạc sắp tới, tiền thu được sẽ góp vào quỹ xây chùa Phước Hậu.”

 Sự ra đời và những thăng trầm của nhóm nhạc Bách Việt
Kể về cơ duyên sáng lập ra nhóm nhạc Bách Việt cùng những thăng trầm thay đổi các thành viên của nhóm, bác sĩ Đào Duy Anh tâm sự: “Năm 1971, nhờ ca khúc “Ta về ta tắm ao ta” do tôi sáng tác trúng giải văn học nghệ thuật, có tiền thưởng, nên tôi cùng vài bạn hữu lập ra ban nhạc Bách Việt. Cũng vì thời đó ban nhạc The Beatles bên Anh nổi tiếng quá, chúng tôi cũng quyết tâm lập ra ban nhạc 5 người giống như The Beatles, nhưng của Việt Nam, chơi nhạc cụ và hát những ca khúc âm hưởng dân ca hòa âm mới. Thành viên buổi đầu có 5 người, gồm bác sĩ Trần Phi Sơn, kỹ sư- nhạc sĩ Nguyễn Phước Kiệt, nha sĩ Võ Châu, Tôn Nữ Lệ Ba và tôi. Trong đó có tôi và anh Trần Phi Sơn, Nguyễn Phước Kiệt là có thể sáng tác nhạc. Hồi đầu chúng tôi ra mắt trong hội sinh viên Việt Nam trước, rồi dần dà nổi tiếng, nên được ca sĩ Khánh Ly mời diễn ở quán Cây Tre của chị, và ca sĩ Ngọc Chánh mời về diễn ở phòng trà Queen Bee vào cuối tuần, biểu diễn tại đại nhạc hội trẻ ở Thảo Cầm Viên, nhóm từng thu hình trên truyền hình Việt Nam trước 1975. Nhóm có diễn trong Biệt đoàn Văn Nghệ Trung Ương, khi đó chúng tôi có tăng cường thêm anh Nguyễn Đình Nghĩa (sáo thần Nguyễn Đình Nghĩa), nhạc sĩ Y Vũ (tác giả ca khúc “Tôi đưa em sang sông”), để đi diễn những chương trình đặc biệt do Biệt đoàn Văn Nghệ Trung Ương tổ chức, diễn cho lính và các quân nhân VNCH xem. Năm 1973 một số thành viên cũ không còn gắn bó với Bách Việt nữa, khi đó nhóm Bách Việt vẫn còn có tôi và thêm một vài thành viên mới là Trần Bộ, Ngọc Yến... Sau 1975, nhóm Bách Việt lại được lập lại ở trong nước với các thành viên gồm ca sĩ Ngọc Yến, Trần Bộ, Ngọc Điệp, Diệu Đức, Bạch Lý, Đình Văn, Nhất Sinh, Hữu Luân, Văn Thảo, Ngọc Thảo cũng đã tạo được nhiều tiếng vang trong nước.”
Bác sĩ Đào Duy Anh tốt nghiệp Đại Học Y Khoa vào năm 1974, với cấp bậc trung úy quân y, phục vụ trong quân y VNCH được 1 năm, xảy ra biến cố tháng 4 năm 1975, ông đã di tản qua Mỹ. Bác sĩ Đào Duy Anh kể: “Lúc mới qua Mỹ, tôi sống tại Seattle, tiểu bang Washington và đã được mời dạy âm nhạc Việt Nam tại đại học University of Washington tại Seattle khoảng 1 năm. Sau đó tôi ngừng, để tiếp tục học lại Y Khoa 7 năm và học thêm về chuyên khoa Pulmonary and Critical care tại University of Louisville, Kentucky.”
Dù là một bác sĩ tận tụy với bệnh nhân, nhưng duyên nợ của bác sĩ Đào Duy Anh với âm nhạc Việt Nam rất sâu nặng, ông cho biết: “Năm 1978, tôi đã tổ chức một chương trình đại nhạc hội Quốc Tế tại Seattle, tôi có mời La Thoại Tân, Túy Hồng, Hoàng Oanh, Carol Kim, Xuân Phát, Thu Vân... và mời những nghệ sĩ của cộng đồng Á Châu tại Seattle như Nhật, Tàu, Thái Lan; Pháp, Mỹ... Chương trình lần đó khán giả tham dự có Việt Nam, người Mỹ và cộng đồng sắc dân thiểu số tại đây.
“Khi đó tôi có lập lại ban nhạc Bách Việt bên này, có 2 học trò người Mỹ là Allan Swensson, Sandy Bradley, tôi dạy họ đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị. Cả ba chúng tôi vừa đàn vừa hát những bài dân ca Việt Nam và dân ca của Mỹ. Sau chương trình này, tôi không thực hiện tiếp chương trình nào nữa, vì bận quay lại với việc học. Đến năm 1985, sau khi gia đình anh “sáo thần” Nguyễn Đình Nghĩa qua định cư tại Mỹ, tôi và các thành viên trong gia đình anh Nguyễn Đình Nghĩa thường đi trình diễn tại các trường đại học, giới thiệu nhạc Việt Nam của mình.
“Lúc đó gia đình anh sống ở tiểu bang Virginia, còn tôi sống ở tiểu bang Kentucky, cuối tuần chúng tôi thực hiện những show nhạc phục vụ cộng đồng Việt Nam, nhưng thường đi diễn trong các đại học để giới thiệu nét đẹp của âm nhạc dân tộc Việt Nam cho cộng đồng Mỹ nhiều hơn. Đa số là độc tấu, trình tấu những nhạc cụ Việt Nam. Sở trường của tôi khi học tại trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn là đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh. Khi diễn với anh Nghĩa, tôi có học thêm từ anh đàn T'rưng. Nhưng từ khi anh mất (ngày 22 tháng 12 năm 2005), buồn quá, tôi không biểu diễn chương trình nào nữa mãi cho đến lần này.”

Bác sĩ Đào Duy Anh bày tỏ ưu tư vì hiện nay sự ủng hộ của đồng hương với chương trình ca nhạc kịch “Quê Hương Nhìn Lại” vẫn còn rất khiêm tốn, số vé bán ra vẫn còn chậm quá, ông rất mong khán giả hãy đến ủng hộ chương trình thật đông, để các nghệ sĩ có niềm vui được cống hiến tài năng của mình đến với các khán giả, và để chương trình gây quỹ xây chùa Phước Hậu được thành công.
Ngoài ra, ông nhờ nhật báo Viễn Đông chuyển lời cám ơn đến các bạn hữu tại California đã giúp đỡ ông rất nhiều cho buổi diễn sắp tới, gồm có vợ chồng bác sĩ Lê Minh Đức, vợ chồng bác sĩ Phan Mỹ Dung, vợ chồng bác sĩ Phan Văn Hiển, và chị Mai Khanh, đã giúp ông dàn dựng các tiết mục, và “tôi xin cám ơn các nghệ sĩ nhận lời tham gia chương trình, đặc biệt tôi rất cám ơn đồng bào tại California đã ủng hộ chương trình. Rất mong quý vị hãy đến ủng hộ chương trình thật đông.”
Giá vé: Super VIP: 150 mỹ kim, VIP 100 mỹ kim; 75 mỹ kim, 55 mỹ kim và 35 mỹ kim.
Vé bán tại:
1) BOLSA TICKET
Địa Chỉ:15361 Brookhurst St, Wesminster CA 92683

Tel:(714)-418-2498
2) Nhà Sách TÚ QUỲNH
Địa Chỉ: 9581 Bolsa Ave, Westminster CA 92683

Tel: (714)-531-4284
3) Ban tổ chức (Bác sĩ ĐÀO DUY ANH): Tel: (270)-872-3768
Ngoài ra quý vị nào muốn ủng hộ giúp gây quỹ để xây chùa Phước Hậu, xin gửi check về địa chỉ chùa Phước Hậu: The Buddhist Association Phuoc Hau
8504-8510 Old Third Street Rd
Louisville ,KY 40272
Tỳ Kheo Thich Thanh Quang

(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT