Sức Khỏe

Chứng thuyên tắc phổi (pulmonary embolism)

Friday, 23/02/2018 - 08:21:11

Cục máu đông tĩnh mạch là một tình trạng nghiêm trọng vì nó có thể tách khỏi thành tĩnh mạch, đi theo dòng máu đến nhiều nơi và ngưng trong phổi, ngăn chặn máu chảy, gây ra chứng thuyên tắc phổi (pulmonary embolism).

BS Nguyễn Thị Nhuận

Tài danh quần vợt Serena Williams sanh một em bé gái kháu khỉnh cách đây vài tháng. Và sau khi sanh, cô đã bị một biến chứng nguy hiểm: bị tắc phổi vì một cục máu đông trong mạch máu chạy lên vùng phổi (pulmonary embolism). May mắn thay, cô được chữa trị kịp thời khi cô nhận ra được triệu chứng bệnh này vì đã từng bị cục máu đông trước đây.

Cục máu đông tĩnh mạch (DVT hay deep vein thrombosis) xảy ra khi có một cục máu đông thành hình trong một hoặc nhiều tĩnh mạch sâu trong cơ thể, thường là ở chân. Cục máu đông tĩnh mạch có thể gây ra đau chân hoặc sưng, nhưng cũng có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

Cục máu đông tĩnh mạch thành hình khi nạn nhân bị một số bệnh. Nó cũng có thể xảy ra nếu nạn nhân không di chuyển trong một thời gian dài, chẳng hạn như sau khi giải phẫu, sau một tai nạn, hoặc khi bị nằm một chỗ nơi bệnh viện hoặc viện dưỡng lão.

Cục máu đông tĩnh mạch là một tình trạng nghiêm trọng vì nó có thể tách khỏi thành tĩnh mạch, đi theo dòng máu đến nhiều nơi và ngưng trong phổi, ngăn chặn máu chảy, gây ra chứng thuyên tắc phổi (pulmonary embolism).

Triệu chứng:
- Sưng chân nơi có cục máu đông. Hiếm khi, có thể sưng ở cả hai chân.
- Đau ở chân. Cơn đau thường bắt đầu ở bắp chân, cảm thấy như bị chuột rút hoặc đau nhức.
DVT đôi khi có thể xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng nào đáng chú ý.

Khi nào nên đi khám bác sĩ

- Nếu có các triệu chứng của DVT như trên, nên gọi bác sĩ để được hướng dẫn.
- Nếu có triệu chứng của chứng thuyên tắc phổi - một biến chứng đe dọa tính mạng – nên đến phòng cấp cứu ngay lập tức.

Các dấu hiệu của chứng thuyên tắc phổi gồm có:
- Khó thở đột ngột không có nguyên nhân
- Đau ngực hoặc khó chịu, tăng lên khi nạn nhân hít một hơi thật sâu hoặc khi ho
- Cảm thấy đầu nhẹ hoặc chóng mặt, hoặc ngất xỉu
- Mạch nhanh
- Ho ra máu

Cục máu đông có thể gây ra bởi bất cứ tình trạng nào ngăn chặn máu lưu thông hay đông một cách bình thường.
Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ cục máu đông tĩnh mạch và nạn nhân càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì càng dễ bị. Các yếu tố nguy cơ cho DVT bao gồm:
- Thừa hưởng di truyền một rối loạn đông máu. Một số người bị di truyền một chứng rối loạn làm cho máu của họ đông dễ dàng hơn. Bệnh di truyền này có thể không gây ra vấn đề trừ khi kết hợp với một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ khác.
- Nằm lâu trong giường, chẳng hạn như nằm bệnh viện thời gian dài, hoặc tê liệt. Khi hai chân không cử động trong một thời gian dài, bắp thịt chân không co thắt để giúp máu lưu thông, gây ra tăng nguy cơ đông máu.
- Chấn thương hoặc giải phẫu. Tổn thương tĩnh mạch hoặc giải phẫu có thể làm tăng nguy cơ đông máu.
- Mang thai. Mang thai làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở khung xương chậu và chân. Phụ nữ có rối loạn đông máu di truyền đặc biệt nguy hiểm. Các nguy cơ đông máu trong lúc mang thai có thể vẫn tiếp tục cho đến sáu tuần sau khi sinh.
- Thuốc ngừa thai hoặc hormone, có thể làm tăng khả năngbị DVT.
- Cân quá tải hoặc béo phì, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở khung xương chậu và chân của bạn.
- Hút thuốc, ảnh hưởng đến việc đông máu và lưu thông, có thể làm tăng nguy cơ bị DVT.
- Ung thư. Một số dạng ung thư tăng lượng vài chất trong máu gây ra máu đóng cục. Một số hình thức điều trị ung thư cũng tăng nguy cơ đông máu.
- Suy tim. Những người bị suy tim có nguy cơ bị DVT và thuyên tắc phổi. Chức năng của tim và phổi những bệnh nhân này đã bị hạn chế nên, các triệu chứng gây ra bởi ngay cả một thuyên tắc phổi nhỏ cũng dễ thấy hơn hơn.
- Bệnh viêm đường ruột chẳng hạn như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng, làm tăng nguy cơ bị DVT.
- Bệnh sử cá nhân hoặc gia đình bị DVT hay thuyên tắc phổi (Pulmonary Embolism hay PE). Nếu bạn hoặc ai đó trong gia đình bạn đã có DVT hoặc PE, bạn có nhiều nguy cơ bị DVT.
- Lứa tuổi. Người trên 60 tuổi tăng nguy cơ bị DVT, mặc dù nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
- Ngồi lâu, chẳng hạn như khi lái xe hoặc trên phi cơ. Khi đôi chân bất động một thời gian dài, bắp thịt chân không co thắt để giúp máu lưu thông. Cục máu đông có thể thành hình trong chân.

Thuyên tắc phổi (PE)
Một biến chứng liên quan đến DVT là thuyên tắc phổi (Pulmonary Embolism hay PE).
PE xảy ra khi một mạch máu trong phổi bị tắc nghẽn bởi một cục máu đông đi đến phổi từ một phần khác của cơ thể, thường là chân.
Thuyên tắc phổi có thể gây tử vong. Vì vậy, cần biết các dấu hiệu và triệu chứng của thuyên tắc phổi để tìm kiếm chăm sóc y tế ngay nếu chúng xảy ra. Các dấu hiệu và triệu chứng của thuyên tắc phổi bao gồm:
- Khó thở đột ngột không có nguyên nhân
- Đau ngực hoặc khó chịu, tăng lên khi nạn nhân hít một hơi thật sâu hoặc khi ho
- Cảm thấy đầu nhẹ hoặc chóng mặt, hoặc ngất xỉu
- Mạch nhanh
- Ho ra máu

Hội chứng postphlebitic
Một biến chứng thường thấy có thể xảy ra sau DVT là một tình trạng gọi là hội chứng postphlebitic, còn gọi là hội chứng postthrombotic, là tập hợp một số dấu hiệu và triệu chứng, bao gồm:
- Sưng chân (phù)
- Đau chân
- Đổi màu da
- Lở loét trên da
Hội chứng này là do tổn thương tĩnh mạch từ các cục máu đông, làm giảm lưu lượng máu trong các khu vực bị ảnh hưởng. Các triệu chứng của hội chứng postphlebitic có thể không xảy ra cho đến một vài năm sau DVT.

Phòng ngừa
Để ngăn ngừa DVT, nên theo một số biện pháp phòng ngừa sau đây:
- Uống thuốc đúng theo hướng dẫn. Nếu cần giải phẫu, có thể bạn sẽ được làm loãng máu trong khi đang ở trong bệnh viện. Bác sĩ cũng có thể cho uống thuốc aspirin hoặc các thuốc khác để giúp ngăn ngừa cục máu đông trong một thời gian sau khi giải phẫu.
- Tránh ngồi yên. Nếu mới trải qua giải phẫu hoặc cần nghỉ trên giường vì các lý do khác, cố gắng để di chuyển càng sớm càng tốt. Nếu đã ngồi trong một thời gian, cố gắng không tréo chân vì điều này có thể hạn chế lưu thông máu. Nếu đang đi du lịch một khoảng xa bằng xe hơi, nên dừng lại mỗi giờ và xuống đi bộ xung quanh.
- Nếu bạn đang ở trên máy bay, cố gắng đứng lên hoặc đi bộ thường xuyên. Nếu bạn không thể làm điều đó, ít nhất là cố gắng tập thể dục chân. Hãy thử nâng gót chân lên và hạ xuống trong khi vẫn giữ các ngón chân trên sàn nhà; sau đó nâng ngón chân của bạn lên trong khi giữ gót chân trên sàn nhà.
- Thay đổi lối sống. Giảm cân và bỏ hút thuốc. Béo phì và hút thuốc làm tăng nguy cơ DVT.
- Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục làm giảm nguy cơ DVT, đặc biệt quan trọng đối với những người phải ngồi nhiều hay thường xuyên đi du lịch

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT