Người Việt Khắp Nơi

Chứng trầm cảm là gì, không là gì đối với cộng đồng Việt Nam

Sunday, 04/12/2011 - 10:46:32

Mặc dù bà Lan hầu như bị mất hết mọi thứ, khi bà di tản vào năm 1975, rời nước ra đi cùng với gia đình, chỉ mang theo bộ đồ đang mặc và một số Mỹ kim để dành được, bà không cảm thấy bị trầm cảm do sự mất mát, và thay vì vậy bà chỉ tập trung vào tương lai.

Vanessa White/Viễn Đông

QUẬN CAM, California – Bà Nguyễn Lan nhớ chuyện mình bị trầm cảm khi bà bị trượt trong kỳ thi lấy bằng hành nghề y khoa trong năm 1979.
Sau khi Sài Gòn bị cưỡng chiếm, tức là ngày cuối cùng của chiến tranh tại Việt Nam, bà đã sang tị nạn ở Melbourne, Úc Đại Lợi. Khi Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam, cộng sản Bắc Việt chiếm lấy miền Nam được Mỹ ủng hộ, khiến cho người Việt Nam bắt đầu làm những chuyến di cư hàng loạt.
Mặc dù bà Lan hầu như bị mất hết mọi thứ, khi bà di tản vào năm 1975, rời nước ra đi cùng với gia đình, chỉ mang theo bộ đồ đang mặc và một số Mỹ kim để dành được, bà không cảm thấy bị trầm cảm do sự mất mát, và thay vì vậy bà chỉ tập trung vào tương lai.
Tuy nhiên, chuyện hỏng thi lấy bằng y khoa khi còn ở Melbourne lại làm cho bà mắc chứng trầm cảm, vì thi trượt có nghĩa là một tương lai bất trắc cho bà. Bà Lan mô tả giai đoạn ấy rất là khó khăn, mặc dù điều cần thiết là bà phải tiếp tục làm việc.
Bà có ba người con cần phải chăm sóc trong khi bà vẫn phải học thi y khoa, và bà không có thời giờ dành cho chính mình hoặc cho người nào khác nữa. May thay, bạn bè của bà nhận ra được nhu cầu của bà và họ đã nâng đỡ bà, bằng cách cho thấy rằng họ hiểu chuyện và có mặt để giúp đỡ.
Bà Lan vượt qua được chứng trầm cảm và nói rằng bà không cảm thấy bị trầm cảm từ năm 1979. Bà di cư sang Mỹ vào năm 1981, lấy được văn bằng y khoa, và sẵn sàng tận dụng những cơ hội bao la mà đất nước mới của bà đem lại.


Một họa phẩm từ trại tị nạn Hồng Kông với chú thích “Màu xanh duy nhất trong trại cấm”, nay thuộc bộ sưu tập của Thư Khố Đông Nam Á, Thư Viện Langson, đại học UC Irvine - tranh do Vincent Thái chụp lại.


Phương thức sống còn”

Sống ở Hoa Kỳ sau khi bị những chấn thương và mất mát tại Việt Nam, nhiều người Mỹ gốc Việt hầu hết đều tập trung vào những nhu cầu vật chất căn bản của mình, và ít chú ý đến tình trạng sức khỏe cảm xúc của họ, theo Tiến Sĩ Xuyến Đông-Matsuda cho biết. Bà là Trưởng Dịch Vụ I của Bệnh Viện API Ngoại Trú về Sức Khỏe Tâm Thần Thành Niên, của Các Dịch Vụ Sức Khỏe Ứng Xử trực thuộc Cơ Quan Chăm Sóc Y Tế Quận Cam. Có một khuynh hướng bên trong cộng đồng là phải biết chấp nhận gian khổ và biểu lộ tính cách linh động uyển chuyển, khiến cho những người trong cộng đồng chôn giấu những nỗi sầu muộn của họ bên dưới những công việc vất vả hàng ngày.
Bà Lan nói với nhật báo Viễn Đông: “Tỉ lệ trầm cảm trong cộng đồng Việt Nam là rất cao, tất cả là do tình trạng không an ninh của chuyện di cư và thích nghi vào một nền văn hóa mới”. Bà nói thêm rằng bà đã trải qua những nỗi khốn khó như vậy, trong việc thích nghi vào cuộc sống tại Hoa Kỳ.
Bà nói tiếp rằng, mặc dù bà không còn bị trầm cảm nữa, chồng bà lại đang mắc chứng bệnh này và che giấu đi, hoặc không cảm thấy sự trầm cảm của mình khi ông làm việc. Thế nhưng khi ông về nhà, ông trở nên giận dữ và không vui một cách không thể nào kiềm chế được. Bà Lan cho biết chồng bà bị trầm cảm như là hậu quả từ chứng Rối Loạn Căng Thẳng Thần Kinh Hậu Chấn Thương (PTSD), vì ông gặp phải chấn thương tâm lý trầm trọng vì chuyện Sài Gòn thất thủ. Bà Lan nói: “Ông ấy bị trầm cảm, nhưng không đến nỗi không đi làm việc được”.
Việc chồng bà che giấu chứng bệnh trầm cảm là điều thường thấy nơi những người Mỹ gốc Việt, trong số đó có nhiều người cũng giấu đi chứng bệnh này vì cảm thấy xấu hổ.

Những quan điểm truyền thống chung quanh trầm cảm
Theo một bản phúc trình Đánh Giá Nhu Cầu Y Tế Quận Cam năm 2010, mang tựa đề “Một cái nhìn về y tế trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt của Quận Cam”, thì có sự phủ nhận và định kiến không tốt chung quanh những vấn đề sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như chứng trầm cảm, trong văn hóa Việt Nam.
Vẫn là một niềm tin văn hóa tại Việt Nam, những vấn đề sức khỏe tâm thần thường được xem là có liên quan tới những khuyết điểm di truyền trong dòng dõi gia đình, hoặc một hình thức nguyền rủa hay là trừng phạt nào đó vì những lỗi lầm gì đó trong quá khứ.
Những người có những vấn đề sức khỏe tâm thần được điều trị như thể là họ không có phẩm giá, và bị dán những nhãn hiệu như là “điên” hoặc “khùng”. Họ nhận được rất ít sự giúp đỡ cho những vấn đề sức khỏe tâm thần của họ, vì họ thường được điều trị một cách yếu kém trong những cơ sở y tế bị hạn chế cung cấp những dịch vụ mà họ cần.
Là một phần của nền văn hóa Việt Nam, những vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn nằm trong khuôn khổ của gia đình co cụm với nhau, bị che giấu khỏi cộng đồng lớn rộng hơn, và ảnh hưởng đến mọi người trong gia đình.
Tiến Sĩ Xuyến Đông nói rằng một sự liên quan như vậy có thể tạo ra căng thẳng bên trong gia đình. Chỉ sau khi vấn đề sức khỏe tâm thần không thể được giải quyết ở nhà, thì những người trong gia đình thường tìm tới các dịch vụ sức khỏe tâm thần.
Đến thời điểm ấy, các chuyên viên về sức khỏe tâm thần gặp phải sự kháng cự của những người trong gia đình, vì họ lấy làm bi quan về những kết quả của cuộc điều trị.


Ý tưởng để suy gẫm
Người trong cộng đồng định nghĩa như thế nào về trầm cảm? Đó có phải là một chứng bệnh nặng hoặc một mối quan ngại nghiêm trọng bên trong cộng đồng hay không?

Vanessa White viết bài này như là một phần trong chương trình MetLife Foundation Journalists in Aging Fellowship, được lập ra bởi tổ chức New America Media và hội Gerontological Society of America (GSA – Hội Lão Niên Học Hoa Kỳ).

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT