Hôm Nay Ăn Gì

Chuối ba hương quyện đường nâu

Monday, 18/01/2021 - 08:28:47

Nói tới chuối ba hương, chắc chắn ở Mỹ không thiếu, và ở Việt Nam cũng không thiếu.


(Tom/ Viễn Đông)

 

Bài TOM

Nói tới chuối ba hương, chắc chắn ở Mỹ không thiếu, và ở Việt Nam cũng không thiếu. Nhưng, có một thế hệ trải qua một thời kỳ mà trái chuối ba hương trở thành ký ức buồn, thậm chí thành một vết thương với không ít tuổi thơ, có lẽ chỉ có ở Việt Nam. Tôi là một trong những người mang vết thương tuổi thơ có tên chuối ba hương.

Và người ta nói rằng cái gì càng gây đau thì càng trở nên đẹp và lung linh, hình như cái này cũng đúng với tôi nốt, nhất là món chuối ba hương quyện đường nâu, một món có vẻ hiếm hoi trên danh mục ẩm thực, kỳ thực, đây mới là món đáng nói khi nhắc tới chuối ba hương.

Nói tới món ăn, tự dưng lại nhắc chuyện buồn, chuyện vết thương! Nhưng, nói là vết thương thì nghe trầm trọng quá, mà nói không phải vết thương tuổi thơ thì e cũng không đúng. Hồi đó, những năm 1980, bà ngoại tôi không có ruộng để làm, vì ruộng bị tịch thu do thành phần “cựu địa chủ,” việc mua sắm thức ăn trong gia đình chủ yếu nhờ vào con gà, con heo, vườn chuối, đồng lương dạy học èo ọp của mẹ tôi và thi thoảng, khổ quá thì ngoại lén lút ra thành phố Đà Nẵng, bán một chỉ vàng để mua thêm chút thịt, lon sữa, vài lạng cà phê rang xay trong chợ Cồn.

Vườn chuối là nguồn để mua gạo, nhưng cũng vì tiền mua gạo trông vào vườn chuối nên có tháng phải đi bán vàng mua gạo. Bởi hồi đó chuối ba hương được nhà nước thu mua để xuất khẩu sang Liên Xô, mọi thứ đều phải bán trực tiếp cho nhà nước và đợi tới ngày họ phát tiền chứ không phải bán là có tiền ngay, (riêng chuối ba hương, nhà nước không thể xuống tận các vườn để thu mua nên để các lái buôn mua về bán lại cho họ).

Vườn của bà tôi tháng nào cũng có ít nhất là sáu, bảy buồng chuối được bán ra, thời đó, đất tốt, cộng thêm chuyện trông chờ vào vườn chuối nên người ta bón phân, cho ăn bánh dầu, NPK, chuối ra buồng nào buồng nấy mập cui, sây trái, cân cả bốn chục ký, năm chục ký, có buồng lên cả trăm ký. Mỗi ký chuối đổi được nửa ký gạo, cứ như vậy mà qui ra, cũng đủ gạo để ăn.

Ban đầu người ta đến chặt chuối già, sau này, người ta chấp nhận tăng giá để trả tiền tương đương với một buồng chuối già nhưng lại chặt chuối non, chuối còn các cạnh muối, nghĩa là nó chỉ có thể dùng để xào, nấu canh chuối xanh chứ không thể nào chín. Sau này tìm hiểu, tôi mới biết đó là giai đoạn Việt Nam nhập chuối sang Liên Xô để trừ một khoản nợ với khối SEV.

Và chuối già kể từ lúc chặt đưa lên tàu cho đến lúc nhập vào Liên Xô thì đã chín thối, có khi phải chở thẳng ra bãi rác, vậy là nhà xuất khẩu Việt Nam sáng tạo ra cái vụ chuối xanh, để tàu lênh đênh trên biển khi sang tới Liên Xô thì nó vừa chín héo. Đương nhiên, phía Liên Xô vẫn phải nhận vì nó đã lên tàu của họ. Nhưng nhận xong thì mang đi đổ chứ không phân phối được.

Cái thời tưởng rằng người ta thật thà, chơn chất và nghèo khổ, thảm thương, chẳng mấy ai ranh ma. Nhưng kỳ thực, đó là cái thời đáng sợ nhất của đất nước, dường như người ta sống không còn tính người, đấu tố, lật mặt nhau đầy rẫy trong những buổi họp an ninh định kỳ của xóm (16 âm lịch hằng tháng), cái thời mà nhà này ăn con gà, nhà kia có thể đi tố vì “trong lúc người ta xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa, tại sao lại sống xa hoa, ăn gà?”

Thời đó, từ ông đội trưởng đội sản xuất đến bất kỳ ông cán bộ hợp tác xã nào cũng đầy quyền uy. Tôi nhớ như in ông Bốn L., một cán bộ thôn, tới nhà tôi mua buồng chuối ba hương, buồng lớn nhất trong vườn, bà lắc đầu không bán vì buồng chuối này ngày nào đi học về tôi cũng ra ngồi ngóng, bà bảo để lại cho đến lúc chín, dành cho tôi. Còn tôi xin bà để buồng chuối lại vì thích buồng chuối một phần mà thích tổ chim chích chòe đen có mấy con chim con hả miệng chờ mẹ đút mồi đến mười phần.

Có khi cả một buổi dài tôi ngồi nhìn chim mẹ, chim bố bay đi tha mồi rồi lại về đút mồi. Mỗi khi chim bố mẹ bay đi thì bọn chim non im thin thít, thế mà khi chim mẹ vừa về tới vườn chuối chứ chưa tới tổ thì chúng kêu ỏm tỏi, dường như chúng hiểu được mối nguy khi bố mẹ không gần chúng, lúc ấy tôi nghĩ vậy. Và tôi, trước khi đi học luôn dặn ngoại nhớ đừng bán buồng chuối, ngoại cười, gật đầu.

Thế nhưng một bữa tôi đi học về, chạy ra thăm tổ chim thì hỡi ôi, cái cây chuối ba hương có buồng chuối to, đầy mẩy trái và trong kẽ giữa các nải chuối, ở nải thứ tư từ trên xuống có một tổ chim nho nhỏ, có tiếng chim con kêu chim chíp và có chim mẹ đi tha mồi về mớm cho con… của tôi đã bị chặt tận gốc.

Tôi khóc tức tưởi. Bà cũng buồn, bà giải thích với tôi là bà mới chạy xuống nhà ông Bốn L., bà đã cự với ông ta, bà hù dọa đi tố cáo ông ta ăn trộm chuối nhưng ông ta đã nói với bà rằng hoặc là bà nhận tiền, hoặc là vác buồng chuối về chứ ông không phải người chặt chuối, ai đó đã chặt và mang bỏ vào sân nhà ông, ông nhìn là biết chuối của bà nên chấp nhận trả tiền, vậy thôi.

Tôi tức tưởi vì bà không chịu đi báo công an. Nhưng giờ hiểu ra, tôi biết bà lúc đó còn buồn hơn cả tôi, vì bà có gào kêu đi nữa thì cái lý thuyết “bắt được tay, day được cánh, thì đánh được người” của cán bộ thời đó, một khi họ bảo rằng họ không chặt mà có ai đó mang bỏ vào sân của họ thì người dân khó mà kiện tụng để lấy được công bằng. May lắm là họ chịu trả tiền cái buồng chuối đó, coi như họ cũng nhân đạo lắm lắm…!

Như để bù cho nỗi buồn của tôi, mấy ngày sau, bà bẻ một trái chuối chín trong chum (ngày xưa người ta ủ chuối chín bằng cách cắt ra từng nải, để cho ráo mủ, rửa sạch và đợi ráo nước thì cho vào chum, trong chum có bỏ lá chuối khô, rơm, khi sắp chuối đều vào trong chum, để các nải chuối nằm chồng lên nhau nhưng không được làm tổn hại nải bên dưới, sau đó đốt mấy cây nhang, cắm vào cái cùi của nải chuối trên cùng rồi đậy nắp chum lại. Chừng ba ngày sau thì cuối chín, rất ngon, thơm, vỏ chuối khi chín vàng có nốt tàn nhang…) và xắt nhỏ thành từng miếng tròn, sắp đều trên dĩa, sau đó bà cho một ít đường nâu, tức đường đã thắng tới, màu nâu cánh gián, hơi dẻo, có bỏ chút gừng… lên trên dĩa chuối, tôi nhớ là chừng một muỗng canh đường rồi bà bảo tôi ăn.


(Tom/ Viễn Đông)

Tôi lắc đầu, nói rằng chuối đã ngọt, lại cho thêm đường vào thì ăn làm sao được, bà ngoại cười, nói rằng nó rất ngon và nó giúp người bị khản tiếng (do khóc) như tôi sẽ lấy lại giọng nói nhanh chóng. Mặc cho bà nói gì, tôi cũng ngồi lì ra đó, cho đến lúc bà để dĩa chuối trên bàn, bỏ ra vườn, tôi bắt đầu thấy bụng cồn cào và thử một miếng. Ô lạ thay, cái vị ngọt của chuối quyện với vị ngọt của đường nâu khiến cho tôi có cảm giác hình như có một dòng nước mát đang chảy xuống thanh quản, đọng lại đó một chút. Tôi tiếp tục ăn và quên mất mình đang làm mình làm mẩy với bà. Một lúc sau, tôi thử tằng hắng giọng và thấy bình thường, tôi thử hát một bài thì mới biết mình đã hoàn toàn hết khản giọng.

Bà đứng nhìn tôi hát từ lâu nhưng tôi không biết, cho đến lúc giật mình vì cảm giác có ai đó đang nhìn mình thì mới nhớ rằng bà đã đứng ngay chỗ góc cửa bếp và đường ra vườn nhìn tôi khá lâu. Lúc đó, tôi chỉ biết cười, và bà cũng cười, nét cười của bà lưu lại trong tôi rõ mồn một cho đến hôm nay, và cả cái nghèo, cái cửa không có cửa, cái bếp bằng tre, phên trát đất bùn, chụm ông kiềng… Mọi thứ in đậm trong tôi, như một kỉ niệm, như một vết thương tuổi thơ.

Tình cờ sáng nay chàng trai lớn nhà tôi bị khản tiếng, bà xã tôi lại làm món chuối chan đường nâu cho chàng ăn, tự dưng mọi kỷ niệm ùa về. Có một chút bùi ngùi xúc động vì mừng rằng thời của con tôi không phải trả giá bằng cả nước mắt vì một buồng chuối, một tổ chim như cha của chàng, và chắc chắn rằng trong vị ngọt dĩa chuối đường nâu mà mẹ đã chăm cho chàng, sẽ không có vết thương như dĩa chuối của tôi… Nhưng thôi, thời gian là phép màu, nó giúp cho mọi thứ trở nên lung linh và nguyên sơ, như dĩa chuối chan đường nâu của tôi lúc nhỏ và dĩa chuối chan đường nâu của chàng sáng nay!

Xin cầu chúc quí vị vui vẻ, mạnh khỏe, và nhớ ăn món này, vì món chuối ba hương chan đường nâu ăn rất thú vị, không gây nguy hiểm cho người có lượng đường trong máu cao. Chúc quí vị ngon miệng và ấm áp!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT