Văn Nghệ

Chương trình "Góp Lá Mùa Xuân" giúp trẻ em mồ côi và khuyết tật trường Hướng Dương

Friday, 19/05/2017 - 08:25:43

Anh cho biết hiện giờ lo cho các em học hành để theo con đường học vấn là đủ đuối sức rồi, anh chưa đủ thời gian và chưa đủ người để mở thêm trường nghề, xây thêm vài phòng để máy móc để dạy cho những em thích làm hơn thích học. “Đây là mong ước trong tương lai của Vinh.”

Bài BĂNG HUYỀN

Vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật sắp tới, ngày 28 tháng 5, chương trình nhạc thính phòng “Góp Lá Mùa Xuân” sẽ được Hội Fortitude Educational Foundation tổ chức để gây quỹ cho Trung Tâm Bảo Trợ và Nuôi Dưỡng Trẻ Mồ Côi và Khuyết Tật Hướng Dương, tỉnh Bình Dương, Việt Nam.


Poster chương trình “Góp Lá Mùa Xuân” (Hình cung cấp)


Đây là trường do nhạc sĩ Thế Vinh sáng lập, là một trung tâm bảo trợ xã hội nuôi ăn, ở, dạy văn hóa và nhân cách hoàn toàn miễn phí cho các em từ lớp 6 cho đến khi tốt nghiệp đại học. Các em được vào học tại đây là những em khuyết tật, mồ côi cha mẹ hoặc trẻ bình thường, có sức học rất tốt nhưng gia đình quá khó khăn.
Đến xem chương trình “Góp Lá Mùa Xuân”, khán giả sẽ được gặp gỡ ba nghệ sĩ khuyết tật đến từ Việt Nam, ca sĩ Thủy Tiên, ca sĩ Phương Dung và nhạc sĩ Thế Vinh.


Địa chỉ gửi đóng góp cho trường Hướng Dương (Hình cung cấp)

Với thiên tư nghệ thuật và sự khổ luyện của bản thân, mỗi nghệ sĩ này suốt bao năm qua đã truyền cảm hứng yêu đời cho đông đảo khán giả mộ điệu gần xa, qua những cống hiến tài năng nghệ thuật của mình. Họ tự tin để bước ra hòa nhập với cộng đồng, cùng xuất hiện bên cạnh những ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp. 


Ca sĩ Thủy Tiên, bị khuyết tật ở miệng từ nhỏ, làm biến dạng vành môi, bị nói ngọng, không rõ lời, nhưng Thủy Tiên đã tập nói và tập hát, để rồi giọng hát của Thủy Tiên da diết, trong veo, tròn trịa được cất lên từ khuôn miệng không được bình thường, làm thổn thức bao trái tim người nghe khi Thủy Tiên gửi đến người nghe vẻ đẹp của giọng hát giàu cảm xúc qua những ca khúc Trịnh Công Sơn.

Ca sĩ Phương Dung với vẻ mong manh như cánh hạc trên đôi nạng gỗ khi ngân nga tiếng hát thật thanh thoát và sâu lắng vô ngần, Phương Dung là ca sĩ đa năng, hát được nhiều thể loại, từ dân ca, nhạc trữ tình, nhạc ngoại dịch lời Việt.


Các em học sinh trước cổng trường Hướng Dương (Hình cung cấp)

Và nhạc sĩ Thế Vinh, bị cụt mất một tay, chỉ còn cánh tay trái, nhưng anh lại có khả năng độc diễn cùng lúc hai nhạc cụ guitare và harmonica với sự hòa điệu hết sức độc đáo, khiến mọi người như say, như đắm, như lạc vào thế giới mộng mị huyền ảo bởi âm thanh huyền diệu từ tài nghệ của anh. 


Chương trình còn có những tiếng hát của các ca sĩ địa phương gồm Kim Thoa, Kim Yến, Nguyễn Đức Cường, Minh Đức. Với phần nhạc đệm của nhạc sĩ Khương Nguyễn (keyboard), Quốc Võ (guitar), Phong Lê (guitar). Điều khiển chương trình: Phạm Anh Trâm.

Về ý nghĩa tên gọi của chương trình và thông điệp gửi đến khán giả, nhạc sĩ Thế Vinh cho biết, “Chị Việt Ly là người đã gieo duyên, mời Vinh qua đây vào năm ngoái và năm nay, chị đặt tên “Góp Lá Mùa Xuân” ý muốn chương trình nhận được sự đóng góp tình cảm của mọi người để làm nên một mùa xuân cho các em thiếu may mắn ở Việt Nam. Chủ đề đêm nhạc thông qua tên gọi của chương trình cũng đã nói lên được tấm lòng của bà con ở hải ngoại luôn nghĩ đến những trẻ em có hoàn cảnh thiếu may mắn tại quê nhà.”

Anh nói, “Việt Nam là một nước còn nghèo, nên các em khuyết tật, mồ côi không có điều kiện chăm sóc tốt từ chính phủ. Do đó có nhiều tổ chức được lập ra để giúp cho cuộc đời của các em có tương lai tốt hơn. Vinh nghĩ với tình cảm của khán giả dành cho các em nhỏ mà Vinh đang nuôi dưỡng bên Việt Nam, thì sẽ có nhiều bà con cô bác tới với chương trình Góp Lá Mùa Xuân. Thứ nhất là vì bà con có tấm lòng, thứ hai là bà con đến để thưởng thức chương trình văn nghệ giá trị do các anh chị em nghệ sĩ gửi tặng bà con.”

Nhắc lại những tình cảm của đồng hương tại Hoa Kỳ đã dành cho mình qua những lần sang đây trình diễn, nhạc sĩ Thế Vinh kể, “Vinh rất bất ngờ, ngoài những người ở xa cách 7, 8 tiếng đồng hồ đến gặp Vinh để xem chương trình và ủng hộ, thì có những bà con cô bác, nhất là những bác già cả, nghe về chương trình, nghe giới thiệu trường Hướng Dương qua tivi, các bác vì lớn tuổi không đến dự buổi nhạc được, điện thoại nói Vinh hãy bằng mọi giá đến nhà gặp để bác gửi tiền giúp đỡ.

“Có những bác bận không đến xem chương trình được, như năm ngoái tại Houston, hai bác điện thoại nói Vinh tối nay hãy cho 2 bác gặp, Vinh hẹn 10 giờ tối, hai bác chạy xe ra gặp Vinh để gửi tiền tặng cho trường Hướng Dương. Cũng có một cô ở Houston, cô cho tiền mà sợ mình không đến nhận, giống như là cô sợ không có cơ hội để được cho nữa, cứ hối Vinh đến gặp cô để nhận. Còn ở quận Cam, vào năm ngoái, sau khi chương trình diễn xong rồi, có cô biết được trường của Vinh, cô đạp xe đạp cũng khoảng 4, 5 cây số đến nhà người bạn, đưa tiền và nhờ bạn gửi về cho Vinh.

“Những điều này làm Vinh rất cảm động trước tấm lòng của bà con, Vinh cũng muốn đem tiếng đàn của mình gửi đến bà con như món quà tặng lại cho bà con cô bác.”

Nhạc sĩ Thế Vinh kể, buổi đầu anh nghĩ rằng mình chơi nhạc chỉ để khuây khỏa nỗi buồn của cuộc đời mình thôi, nhưng may mắn là được gặp các cô chú, các anh chị dìu dắt anh đến với con đường âm nhạc và khán giả. Từ đó khán giả càng quý mến anh hơn. Chính từ yêu mến đó lại giúp anh có điều kiện giúp cho các em khuyết tật, mồ côi. Với anh, âm nhạc giờ đây còn là một cầu nối giữa những tấm lòng của bà con cô bác để gửi đến các trẻ em mồ côi, khuyết tật đang được giúp đỡ tại trường Hướng Dương.

Về tâm nguyện lập ra trung tâm Hướng Dương, anh tâm sự, “Vinh từng mồ côi ba lúc 4 tuổi, má mất lúc 7 tuổi, và mất cánh tay bắt đầu năm lên 9 tuổi, Vinh cảm nhận được những khó khăn và những nỗi buồn của trẻ em phải chịu hoàn cảnh mồ côi, khuyết tật. Nên khi Vinh lớn lên, có được cuộc sống tương đối ổn định thì Vinh muốn làm gì đó giúp những em có hoàn cảnh như mình ngày trước và thế là liều mạng lập ra Hướng Dương.”


Nhạc sĩ Thế Vinh dạy toán cho các em tại Hướng Dương. Anh đã tốt nghiệp Đại Học Kinh Tế tại Sài Gòn, trước khi lập ra Hướng Dương, anh từng đi dạy kèm các môn Toán, Lý, Hóa cho học trò luyện thi đại học và có nhiều học trò đậu cao (Hình cung cấp)

Sáng lập trường Hướng Dương
Nhạc sĩ Thế Vinh kể, “Từ năm 2008 Vinh đã có ý định, đến năm 2009 quyết định làm. Lúc đầu cũng chỉ nghĩ là Vinh sẽ dựng nhà lá nuôi được 5- 7 em gì đó trong khả năng của mình. Nhưng may mắn là khi Vinh đem chuyện đó nói với bạn bè thì bạn bè đã giúp đỡ. Đặc biệt là có anh Tri Phạm, là người Mỹ gốc Việt, khi đó anh làm tổng giám đốc ngân hàng Deutsche Bank tại Việt Nam. Trong một lần cô Trịnh Vĩnh Trinh (em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) mời Vinh đến dự tiệc, Vinh đã gặp anh Tri tại buổi tiệc.”

Lúc bấy giờ anh Vinh đang viết dự án lập Hướng Dương, anh đã đưa cho anh Tri Phạm xem, anh Tri hiểu được tấm lòng của anh Vinh nên đã trao đổi với ngân hàng Deutsche Bank, sau đó lên phương án giúp đỡ dự án và là nguồn tài chính quan trọng giai đoạn đầu, giúp xây ngôi trường Hướng Dương tương đối khang trang, có nơi cho nhiều em vào để ăn ở, học hành.

Sở dĩ anh chọn Bình Dương là nơi mở Hướng Dương vì bấy giờ anh về Bình Dương dạy học ba năm, ban đầu chỉ mở lớp dạy kèm như ông giáo làng, sau đó trường cấp 3 tại Bình Dương nhận anh về dạy tại trường.
Anh chia sẻ, “Khi ấy Vinh dạy kèm cho học trò nghèo không lấy tiền, Vinh cho lại thêm 500 ngàn để em đó có gạo ăn và quyết tâm để học. Vì Vinh muốn các em phải học tới nơi tới chốn, chứ không chỉ học nửa đường, nên phải bảo đảm được cuộc sống tối thiểu. Còn những em con nhà bình thường thì đóng tiền học để Vinh sinh sống.

Trong đó có hai con của anh chị (anh Tâm và chị Loan) là chủ đất của trường Hướng Dương hiện nay. Thời điểm đó Vinh nói với hai em là thầy muốn mở trường, hai em có biết chổ nào cho mướn đất không thì giới thiệu cho thầy. Lúc đầu Vinh cũng chỉ nghĩ là mướn thôi, mà không biết 2 em về nói với ba má sao đó, anh Tâm chị Loan cho Vinh mượn miếng đất dài hạn luôn, muốn làm trường bao lâu thì làm, khi nào không làm trường nữa thì trả lại thôi. Giống như cho luôn vậy đó. Có những duyên đời mà Vinh nghĩ ơn trên đã sắp xếp sẵn hết rồi.”


Nhạc sĩ Thế Vinh tại trường Hướng Dương (Hình cung cấp)

Anh cho biết có một chuyện rất buồn đã xảy ra, từ năm ngoái đến năm nay, có 10 em đã rời khỏi Hướng Dương, một số em đã không đủ ý chí để đi chung con đường của Hướng Dương nữa, còn một số em thì xa nhà chịu không nổi, đòi về. Nên hiện nay trung tâm Hướng Dương chỉ còn 104 em, số em đậu đại học công lập có 69 em và sinh viên đậu cao đẳng có 8 em, đi du học ở Nhật là 31 em, du học ở Mỹ một em và Úc một em. Sở dĩ các em đi Nhật du học đông, vì “bên đó có những công ty, những tổ chức thường mời Vinh qua biểu diễn hằng năm, Vinh có liên hệ được các công ty đó, họ bảo lãnh cho các em trường Hướng Dương qua học, người ta sẽ cho việc làm thêm có lương hằng tháng để sinh hoạt đủ điều kiện tối thiểu cho các em học hết tiếng Nhật và học đại học tại Nhật, được cho học phí, cho nhà ở. Còn Mỹ, thì Vinh cũng muốn đưa nhiều em qua, nhưng bên Mỹ không cho làm thêm, mà vậy thì rất khó đủ điều kiện để Hướng Dương lo cho các em qua Mỹ học. Còn ở Úc thuận lợi là cho đi làm thêm mỗi tuần 20 giờ, những bạn của Vinh bên Úc tạo điều kiện thuận lợi về giờ giấc cho các em phù hợp với chuyện vừa học vừa làm. Muốn đậu được học bổng qua Nhật, Mỹ, Úc du học thì các em của Hướng Dương cũng như những sinh viên khác tại Việt Nam, phải có học bạ xuất sắc, đậu được những đại học lớn tại Việt Nam, ngoại ngữ cũng phải đủ TOEFL hoặc IELTS.”

Những thuận lợi và khó khăn khi dìu dắt các em tại Hướng Dương
Nói về bí quyết của mình, ngoài việc dạy kèm, giúp các em luyện thi, “Hè đến là Vinh cho các em đi làm công nhân để kiếm tiền từ lao động tay chân, để các em thấy công việc nặng nhọc như thế nào, từ đó các em mới cố gắng học. Để thấy nếu học hành cao, làm công việc sử dụng chất xám, các em sẽ có lương cao hơn và công việc đỡ nặng nhọc hơn làm công việc tay chân. Bên cạnh đó cũng phải thúc ép, khuyên răn cũng có hoặc nghiêm khắc cũng có. Thuận lợi là Vinh là người trong cuộc, nên Vinh la mấy em, mấy em không tự ái, và ngay cả những em khuyết tật thì Vinh la, các em cũng không tự ái, thứ hai nữa là Vinh có tình cảm thật sự với các em, nên tụi nhỏ quý Vinh và đa số nghe theo, sợ làm Vinh buồn nên phải cố gắng.”

Nhưng anh cũng có không ít khó khăn, “thứ nhất là thiếu người quản lý trường, những khi Vinh đi như thế này thì ở trường, các thầy cô khác không có đủ kinh nghiệm để nói với các em như khi có Vinh ở trường. Đang thiếu giáo viên dạy sinh ngữ trong trường, thiếu giáo viên dạy môn Sinh và những môn khác để các em trau dồi năng khiếu của mình.”

Anh cho biết ngoài anh ra, trung tâm còn có thêm 4 giáo viên đều được trả lương, tùy theo từng hoàn cảnh của mỗi người, có thầy cô cho lại trường lương, có thầy cô cho lại một phần. Đi chợ và mua vật dụng là chị chủ đất lo giùm. Còn nấu ăn, sửa chữa bàn ghế, giường tủ trong trường hay xây dựng trong trường là do thầy trò cùng làm. Có phân công theo lịch mỗi ngày, ai làm công việc gì rất kỹ…

Về việc tuyển chọn các em đưa vào Hướng Dương ăn, học, anh Vinh kể: “Ban đầu không biết tiền bạc như thế nào nên Vinh chỉ nhận các em đang học cấp 3 nhưng phải có khả năng học tốt, để luyện cho các em thi đại học. Sau 2 năm đầu thấy ổn định thì mới nhận thêm các em đang học cấp 2. Bắt đầu từ năm ngoái nhận các em từ cấp 1. Phần lớn học trò của Hướng Dương là mồ côi, một phần là những em khuyết tật tay chân, một số em khiếm thị. Khi đi tuyển các em cấp 3 về trường, Vinh chú trọng về học lực và đạo đức rất kỹ, còn các em cấp 2 và cấp 1 không quan tâm chuyện đó nữa, vì Vinh nghĩ rằng mình sẽ còn thời gian để hướng dẫn các em. Thậm chí có những em Vinh biết là quậy phá, có những em đã bỏ học, nhưng mà Vinh vẫn kéo về trường để giúp các em tiếp tục đi học. Trong số 10 em rời Hướng Dương năm rồi, đại đa số mà Vinh biết trước đây đã từng nghỉ học, chán học và Vinh đã cố gắng níu kéo xem có thay đổi được hay không. Trong số đó có em đã thay đổi được và tiếp tục con đường với Hướng Dương, nhưng có em không theo nổi, dùng dằng một thời gian rất lâu, cũng vài tháng, nửa muốn đi, nửa muốn ở, nhiều khi ở lại nhưng em vẫn lặp lại những chuyện quấy hoài, chẳng hạn trốn học đi chơi game, thì bị Vinh đánh đòn. Mỗi lần như vậy Vinh hỏi là muốn ở hay muốn về, thì lại nói là muốn ở. Nhưng cuối cùng có em đến gặp Vinh nói “thầy cho con về, con không theo con đường này nổi. Xin phép thầy cho con đi làm kiếm sống, sau này cho phép về thăm lại trường, lúc nào có xây trường, làm gì nhiều thì hãy cho con về phụ.”

Nhạc sĩ Thế Vinh bày tỏ, “Điều an ủi cho Vinh là những em dù không thể tiếp tục con đường mà Hướng Dương đề ra, các em phải rời Hướng Dương ra đi, nhưng với tư tưởng, thái độ nhìn nhận cuộc sống cũng đã khác. Vinh không giúp các em đi hết con đường như Vinh mong muốn, nhưng mà ít ra các em cũng đã trưởng thành theo hướng tốt hơn.”

Anh cho biết hiện giờ lo cho các em học hành để theo con đường học vấn là đủ đuối sức rồi, anh chưa đủ thời gian và chưa đủ người để mở thêm trường nghề, xây thêm vài phòng để máy móc để dạy cho những em thích làm hơn thích học. “Đây là mong ước trong tương lai của Vinh.”

Tri ân tấm lòng của các nhà hảo tâm
Nhạc sĩ Thế Vinh tâm sự, “Một mình Vinh làm thì chỉ nuôi chừng vài em thôi, nhưng bây giờ Hướng Dương nhận được những tấm lòng của mọi người, nên 104 em được nuôi dưỡng và đã tiến dần đến đích rồi. Vinh hy vọng với ơn đó thì càng nhiều em được giúp đỡ hơn, và để thay đổi một cộng đồng. Nhất là thay đổi suy nghĩ về người khuyết tật, giúp các em khuyết tật ăn học, chọn ngành nghề phù hợp khả năng để sau này ra tự sống bằng sức lực của mình, đó là cách tìm niềm vui đích thực, vì mình thấy mình còn hữu ích. Vinh và Thủy Tiên, Phương Dung rất mong được gặp gỡ bà con trong chương trình Góp Lá Mùa Xuân.”

Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 28 tháng 5,

tại Hội Trường Nhật Báo Người Việt, 14771 Moran St, Westminster, CA 92683.
Xin gọi cho Việt Ly (619-609-8624), Phương Anh (858-231-1647), Hưng Đỗ (714-598-5282) để nhận thiệp mời miễn phí. Đến xem chương trình, quý muốn đóng góp bao nhiêu thì tùy lòng hảo tâm.
Mọi đóng góp cho trường Hướng Dương, xin gửi check Fortitude Educational Foundation. P.O. Box 357 San Marcos, CA 92079. Memo: Hướng Dương.

PayPal: xin nhớ để: Hướng Dương. https://www.paypal.com/cgi-bin/webscr?cmd=_s-xclick&hosted_button_id=ZUNBYFKA4M6QJ

Trung Tâm Bảo Trợ và Nuôi Dưỡng Trẻ Mồ Côi và Khuyết Tật Hướng Dương nằm ở địa chỉ 572 – tổ 18B – khu phố 2, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
(bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT