Đạo và Đời

Chuyện cây táo hoang

Wednesday, 31/05/2017 - 07:37:40

Cả bọn chắc cũng đã đầy cả chục bịch rồi mà trên cây vẫn còn chi chít trái. Có người đề nghị là nên cởi áo khoát ra để làm bọc đựng và tha hồ hái thêm nữa. Các cô, các chị thì luôn miệng kêu, “Nhiều quá, thích quá đi thôi.”

Bài GIA HIẾU

Tham dự khóa tu ba tháng an cư kiết hạ (3 months rain retreat ) với chư Sư người Úc và một số cư sĩ ở một tu viện trên núi là một cố gắng vô cùng của chúng tôi, … thu lượm được những gì sau ba tháng an cư ấy? Có thể chia sẻ cho nhau được không?

Thưa, được chứ, nhưng chuyện ấy hơi dài… và cần thời gian tĩnh lặng để có thể ôn lại những gì thu lượm được…, còn bây giờ thì xin chia sẻ ngay cùng các bạn một bài học khá thấm thía cho chúng tôi vào ngày mãn khóa ba tháng an cư.


Cả bọn hái cả chục bịch rồi mà trên cây vẫn còn chi chít trái. Có người đề nghị là nên cởi áo khoát ra để làm bọc đựng và tha hồ hái thêm nữa. (Getty Images)

Nghe Sư trụ trì cho biết, hôm nay là ngày mãn hạ, chiều nay Sư sẽ cho các phật tử được tham dự buổi đi hái táo (Apple) mọc hoang ở trong rừng. Ôi, còn gì thích thú cho bằng, suốt cả ba tháng qua, nội bất xuất, ngoại bất nhập, chỉ biết quanh quẩn trong phạm vi của tu viện, mặc dù khu rừng của tu viện cũng rất thênh thang, rộng đến 150 acres, nhưng được đi ra ngoài để tham gia hái táo rừng, thì ai mà chẳng thích. Cơm trưa và dọn dẹp vừa xong, ông Brian được giao nhiệm vụ lái xe đưa chúng tôi đi vào khu rừng gần đây hái táo, thế là cả bọn cư sĩ Phật tử chúng tôi đều nao nức chuẩn bị bao ni lông cho nhiều để mà đựng... táo.

Xe dừng lại ở môt cụm rừng, chúng tôi được dẫn đi len qua một khoảng đồi thưa và… đây rồi, một cây táo mọc hoang, tự tại trong khu rừng này bao lâu rồi chúng tôi không rỏ, nhưng chao ôi đẹp quá, cây trổ quả chi chít chằng chịt trái, từng chùm trái chín đỏ, vàng ươm, cả bọn chúng tôi trầm trồ chiêm ngưỡng và… sực tỉnh ngay là “HÁI.”

Vâng, tha hồ hái, trái chín nhiều quá, táo vô chủ, táo mọc hoang mà, không hái cũng uổng. Thế là một bịch đầy, hai bịch đầy và ba bịch đầy lút luôn… và lại chạy vội ra xe để lấy thêm bịch mà đựng, nhiều quá, không biết hái làm sao cho hết đây.

Cả bọn chắc cũng đã đầy cả chục bịch rồi mà trên cây vẫn còn chi chít trái. Có người đề nghị là nên cởi áo khoát ra để làm bọc đựng và tha hồ hái thêm nữa. Các cô, các chị thì luôn miệng kêu, “Nhiều quá, thích quá đi thôi.”

Nhưng bỗng dưng cụt hứng vì ông Brian đột nhiên lên tiếng.
“Enough! – đủ rồi, đừng hái nữa.”
“Why ? – tại sao vậy chứ? Còn sớm mà, trái chín còn đầy cả cây mà. Chúng tôi vẫn có thể hái nhiều thêm nữa mà. Không hái thì trái sẽ rụng và phí thôi. Táo mọc hoang và có dịp mà không hái thì uổng lắm.”
Vân vân và vân vân.

Ông Brian đã mỉm cười một cách nhẹ nhàng và nói, “Vâng, đây là cây táo mọc hoang, không có ai là chủ nhân của cây táo này cả, chúng ta có thể hái, nhưng chỉ nên hái vừa đủ thôi.”
“Tại sao không được hái nhiều thêm?”

“Vì hái đủ rồi mà vẫn muốn hái thêm là tham, là phạm vào những điều mà chúng ta đã phát nguyện phải đoạn trừ.”

“Nhưng, táo chín đầy cây mà không hái thì rất phí phạm, vả lại, chúng ta có thể hái về và biếu cho những người khác thì chẳng phải là tốt hơn sao?”

“Vâng, phần hái vừa đủ ấy, vẫn có thể biếu cho nhiều người, mỗi người một ít là vui rồi. Sư bảo chúng tôi đưa quý vị đi hái táo cho vui chứ không phải là đi thu hoạch cho nhiều đâu! Phần táo chín còn lại trên cây, chúng ta nên để lại cho những người khác, họ cũng sẽ rất thích được đi hái táo rừng như chúng ta hôm nay, chúng ta không phải là người duy nhất biết cây táo hoang này, và cũng không phải là người đầu tiên đến đây trong mùa táo này để hái, những người đến đây trước chúng ta, nếu mà họ hái cho sạch hết, thì giờ đây đâu còn trái nào cho chúng ta có được một buổi chiều vui như hôm nay?”

“Nhưng ai cũng chừa lại như vậy rồi không hái thì phí quá, bằng chứng là có rất nhiều trái chín đã bị chim chóc cắn phá, một số rụng đầy dưới mặt đất, bị các loài thú vật nào đó gặm nhắm, ôi, thật là uổng phí hết sức.”

Ông Brian, vẫn với nụ cười hiền hòa, ngước mắt nhìn lên những chùm trái chín đỏ trên cây và hướng ánh mắt đầy thân thiện nhìn chúng tôi với cả niềm cảm thông và nói, “Không có phí phạm gì đâu, ngoài việc chừa lại cho những người khác đến sau chúng ta còn có trái để hái và thưởng thức cái ngon, cái ngọt của táo rừng, họ còn có trái chín trên cành để ngắm và trầm trồ thích thú như chúng ta hôm nay.

“Bên cạnh ấy, chúng ta cũng nên nhường phần cho các loài sinh vật ở quanh đây nữa chứ, các loài chim, loài thú, quanh đây, chúng cũng biết cây táo này không có chủ, và rất thích đến đây để ăn mà không sợ bị đánh bắt. Trái trên cành bị cắn dở là do chim ăn, trái rụng dưới đất bị gặm loang lổ là do các loài thú khác không leo cây được. Chúng ta biết đủ và dừng lại, thì chúng ta đã san sẻ niềm vui cho những người đến sau và tôn trọng sự sống của các loài sinh vật khác quanh đây. Vậy thì các bạn đồng ý và happy vì đã đủ rồi chứ nhỉ!”
Mô Phật, thật là xấu hổ, qua ba tháng tu tập, nghe pháp, ngồi thiền… vậy mà mới xả giới mãn hạ sáng nay thì tham lam, ích kỷ xét lại vẫn còn nguyên.

Qua câu chuyện đi hái táo rừng hôm nay, chúng ta mới thấy rõ hơn, những bài học thực tế đối diện trong cuộc sống luôn là những bài học sống động nhất, đánh thức được những mê lầm, vọng chấp đã khằn sâu trong nếp sống, trong tập nghiệp lâu đời của chúng ta.

Ông Brian, một người Úc, ông ta mới học Phật gần đây thôi sao mà ông ta tự tại thế nhỉ?
Còn mình, học Phật có lẽ phải trước ông ta lâu rồi, vậy sao lại phải ngỡ ngàng với câu chuyện “Đi hái táo rừng” hôm nay?

Ừ mà có lẽ tại mình xuất thân từ một xứ sở nghèo khổ, nên thấy cái gì ăn được, dùng được, cũng tiếc và cũng muốn gom góp cho thật đầy mà quên đi là phải biết nhường phần cho người khác và cho những loài chim muôn cầm thú chung quanh, chúng cũng cần thực phẩm để sống, và chúng ta cũng cần phải biết tôn trọng sự sống ở quanh ta.

Xin cám ơn Sư trụ trì đã cho chúng con được tham dự ba tháng an cư, và xin cám ơn Sư đã tạo chút duyên lành cho chúng con được học thêm một bài học nhớ đời qua chuyện đi hái táo rừng hôm nay.
Cám ơn Brian, nhờ ông mà chúng tôi đã được đánh thức lương tri về lòng tham lam, ích kỷ và quá bỏn xẻn với từ tâm của chính mình.

Cám ơn cây táo mọc hoang, nhờ có “bạn” mà chúng tôi có được một bài học tuyệt vời, một niềm vui tỏa rộng và để có một câu chuyện, một bài học không quên được trong đời.
(Trích từ trang Liên Phật Hội, https://lienphathoi.org)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT