Phóng Sự

Chuyện của bà Mến Vũ (kỳ 1)

Sunday, 29/11/2015 - 11:01:46

Bà Mến bảo cuộc sống của bà những năm đầu sau khi kết hôn trôi qua rất bình lặng. Các bạn bè khuyên bà đi học nghề đánh máy hoặc những nghề làm trong văn phòng.

Chúng tôi rất vất vả, có rất ít giờ cho nhau, nhưng tôi vẫn ủng hộ niềm đam mê ca hát của anh

Bài BĂNG HUYỀN

Những khán giả đã từng thưởng thức đêm nhạc ra mắt CD “Hương Xưa” giới thiệu tiếng hát của ca sĩ Vũ Anh (tên thật là Vũ Trọng Thanh, cựu sĩ quan phục vụ nhiều năm trong Binh Chủng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, là trưởng ban văn nghệ Hải Quân VNCH), diễn ra vào ngày Quân Lực VNCH năm 2015, tại The Alexandra Nechita center for Art, Quận Cam. Họ đã vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi chứng kiến sự nhớ nhớ quên quên của ca sĩ Vũ Anh lúc giới thiệu tên ca khúc, luôn được con gái “nhắc tuồng” và có tờ giấy để dưới chân ông.

Bà Mến Vũ cùng ca sĩ Vũ Anh và 2 con chụp lưu niệm với mẹ của bà Mến Vũ.



Nhưng khi ông hát, ca từ trơn tru tuôn chảy thuộc nằm lòng, ông đắm chìm trong lời ca, “sống” trong âm nhạc và thăng hoa thật sự. Dù đã ngoài 70 tuổi, đã trải qua sáu lần giải phẫu trên đầu vì đứt mạch máu não, nhưng giọng Tenor sáng, dày, đẹp, có màu sắc riêng của ca sĩ Vũ Anh vẫn tuyệt diệu vô cùng. Đây là chương trình văn nghệ đặc sắc của gia đình tổ chức, ngoài phần đơn ca, Vũ Anh còn song ca với con gái út, Chistine Thùy Hương (là ca sĩ trẻ của trung tâm Asia) và phần đệm dương cầm, hòa âm tuyệt vời của con trai lớn Daniel Vũ, cùng với một số ca sĩ khách mời.

Ngay trong đêm nhạc, trước khi trình bày ca khúc để kết thúc chương trình, ca sĩ Vũ Anh đã rất chân thành khi gửi lời cám ơn đến người bạn đời của ông, người mẹ tận tụy của Daniel Vũ và Christine Thùy Hương, bà Vũ Thị Mến. Theo ca sĩ Vũ Anh, nếu không có hiền thê của ông thì chương trình đã không thể thành hình và được khán giả ủng hộ rất đông, gần như không còn ghế trống trong khán phòng có khoảng 700 chỗ ngồi.

Bà là người đảm nhận phần quảng bá chương trình, liên lạc với các cơ quan truyền thông trong cộng đồng để giới thiệu chương trình đến với các khán giả gần xa, bôn ba khắp nơi từ nhà sách đến tiệm ăn trong cộng đồng để gửi những tấm flyer để mọi người biết đến chương trình.

Là người chăm chút cho chồng con mọi việc để họ yên tâm luyện tập, cống hiến cho khán giả tài năng độc đáo của mình trong đêm nhạc. Ngay với con trai Daniel Vũ thay mặt em gái cũng đã viết lời cảm ơn gửi đến mẹ mình trong bìa CD Hương Xưa do anh thực hiện lưu giữ tiếng hát của bố.

Anh viết: “…Tôi cũng muốn cảm ơn mẹ Vũ Thị Mến, còn được biết đến dưới tên gọi SuperMom, vì những lao nhọc nuôi dưỡng em tôi và tôi, cho chúng tôi ăn học, và hun đúc chúng tôi để có được ngày hôm nay.”

Những người thân trong gia đình nội ngoại hai bên và những bạn bè thân thiết của ca sĩ Vũ Anh đều biết rằng Daniel Vũ không hề khen nịnh mẹ mình, khi gọi bà là SuperMom. Bà thật đúng là như vậy của hai con.

Vì suốt hơn 24 năm qua, bà đã thay chồng gánh vác mọi việc từ trong ra ngoài. Dù là người đàn ông trụ cột trong gia đình nhưng từ năm 1991 đến nay, ca sĩ Vũ Anh do bệnh tật đã không còn đi làm, nên mọi lo toan “cơm áo gạo tiền” đều đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của bà.

Vất vả nuôi hai con ăn học và chăm sóc chồng, nhưng bà vẫn không phiền hà, mà luôn giữ tròn trách nhiệm vợ hiền, người con hiếu thảo, người mẹ tuyệt vời của các con mình và chưa bao giờ mất đi sự lạc quan, niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Bài viết này xin gửi đến độc giả câu chuyện về lòng thủy chung, và nghị lực phi thường của người phụ nữ đã hết lòng vì gia đình của mình, với ước mong qua những lời chia sẻ của nhân vật chính trong câu chuyện, ít nhiều cũng giúp được những người vợ, người mẹ có hoàn cảnh giống như bà Vũ Thị Mến sẽ vơi đi những buồn phiền lo lắng, và có thêm nghị lực đối diện với những nghịch cảnh trong cuộc đời.

Thời thiếu nữ và những vất vả đầu đời

Với vẻ ngoài ưa nhìn qua gương mặt thanh thoát, dịu dàng, vẫn còn lưu dấu lại nét đẹp thời thiếu nữ, khuôn miệng tươi tắn, nụ cười rạng rỡ, giọng nói mềm mại, toát lên vẻ điềm đạm và phúc hậu, là những điều mà bà Vũ Thị Mến dễ dàng tạo thiện cảm cho người đối diện khi tiếp xúc với bà.
Mở đầu câu chuyện đời mình, bà kể, “Tôi tên thật là Nguyễn Thị Mến, tôi được sinh trưởng và lớn lên trong một gia đình Công giáo. Thầy mẹ tôi có tất cả là 12 người con, 7 trai và 5 gái, người em gái kế tôi Chúa đã cất về với Chúa lúc em mới được hai tuần.

“Vào năm Mậu Thân, khi đó cả nhà tôi sống trong khu chung cư Ấn Quang, Việt Cộng đã mở các cuộc tấn công vào đô thành Saigon - Chợ Lớn và các tỉnh lỵ miền Nam, chung cư Ấn Quang đã bị cháy rụi, anh chị em chúng tôi mỗi người chỉ có hai bộ quần áo mang theo. Gia đình chúng tôi đã tị nạn ở dưới hầm nhà thờ xứ Bắc Hà một năm cho đến khi khu chung cư xây xong chúng tôi mới có nhà về ở.

“Hai năm sau cùng lớp đệ tam và đệ nhị tôi là nữ sinh trường Gia Long (học ban đêm), trong thời gian đi học thì mẹ tôi cho tôi đi học may, và sau khi thi tú tài xong tôi đã mở một tiệm may nhỏ cùng chung với một cô bạn, tiệm được mở ở trong nhà tôi thuộc chung cư Ấn Quang. Tôi không nhớ thời gian bao lâu thầy mẹ tôi mua thêm một căn nhà ở chung cư Ấn Quang, và căn nhà này đã được hai người anh của tôi rất khéo tay sứa chữa và mở một quán Cafe Nhạc lấy tên là Cafe Phượng.

“Ban ngày tôi mở tiệm may, may âu phục và áo dài, chiều đến tôi trông coi quán cafe, đảm nhận phần thu tiền và nhận oder của khách. Quán cafe thật đắt hàng, chúng tôi phải mướn thêm một người bán phụ, mẹ tôi, chị gái, em trai, em gái, cả nhà phải phụ giúp trong công việc này.

“Tôi đã được mắt thấy tai nghe và học hỏi rất nhiều trong công việc hằng ngày, tôi rất lấy làm hãnh diện cho chính mình, và cám ơn thượng đế đã ban cho tôi sự nhanh nhẹn, khôn ngoan , biết cách đương đầu với hoàn cảnh khó khăn, biết suy nghĩ và tính toán giữ phẩm giá của một người con gái đứng đắn với rất nhiều ong bướm vây quanh lúc bấy giờ.

“Năm 1975, vì thầy tôi là nhân viên sở Mỹ (DAO) nên chúng tôi đã rời Sài Gòn một tuần trước ngày 30 tháng tư, gồm có 9 anh chị em và Thầy Mẹ tôi, một người chị cả và một anh lớn phải ở lại vì trên 21 tuổi và đã có gia đình, đến năm 1991 thì Thầy Mẹ tôi đã bảo lãnh được hai gia đình anh chị lớn sang Mỹ tất cả là 15 người được đoàn tụ.”

Sống vì người khác

Nhắc lại quãng thời gian đầu khi cả gia đình phải làm lại từ đầu nơi quê hương mới, bà Mến không khỏi bồi hồi kể, “Năm 1975 khi tôi vừa tròn 20 tuổi, ngoài người anh trai, tôi được trở thành người con gái lớn trong nhà khi cả gia đình qua Mỹ, dưới tôi là hai cô em gái, năm em trai. Chúng tôi đi từ Việt Nam đến Phi Luật Tân, ở trên đảo Guam rồi đến Fort Chaffee, sau đó đinh cư tại New Orleans. Gia đình tôi được cơ quan USCC bảo trợ, và chúng tôi sống ở trại Marrero King Town. Ở khu này có khoảng 30 gia đình Việt Nam sống, có cả người Mỹ đen nữa. Lúc đó họ cho chúng tôi căn nhà bốn phòng, căn nhà chúng tôi ở là trung tâm điểm. Anh tôi khéo tay, nên đã sửa lại garage làm chổ để trở thành nơi cử hành thánh lễ cho người Việt tại đây vào cuối tuần.

“Trong thời gian cư ngụ tại đây tôi có đi làm ở một hãng may, nhưng tôi rất say xe, ngày nào đi làm cũng ói, cuối cùng tôi nghỉ làm hãng may, nhận may tại nhà. Tôi may áo dài, may Âu phục và Việt phục, may áo sơ mi và quần tây cho các ông, tôi có rất đông khách. Khi đặt may phải tháng sau mới lấy đồ được. Đắt đến nỗi tôi phải mướn người đơm nút áo và lên gấu quần để kịp giao đồ cho khách.

“Lúc bấy giờ do không hiểu luật, nên nhiều gia đình Việt Nam tại đây đã mở quán ăn ngay tại nhà của mình còn khách hàng là cư dân người Việt sống trong trại Marrero King Town.

“Anh trai tôi khéo tay đóng bàn ghế rồi mở quán cafe nhạc ngay tại phòng khách của gia đình, chúng tôi có bán cà phê phin, nước chanh, và bán thêm bún măng, bún bò Huế, chỉ bán vào chiều thứ sáu và hai ngày thứ Bảy, Chủ Nhật, người ta đến ăn đông lắm, món gì cũng chỉ có một Mỹ kim.”

Bà Mến kể tiếp, “Có một kỷ niệm mà tôi còn nhớ, có một bà sơ tên là Vân Lam, ở bên Texas đã đến nhà tôi và xin Thầy Mẹ cho tôi đi tu, tôi rất thích nhưng trong tâm trí tôi nãy ra một ý nghĩ đã làm cản trở việc đi tu. Tôi nghĩ, Mình là con gái lớn ở bên này, là cánh tay mặt của thầy mẹ, nếu đi tu thì ai lo chăm sóc cho đàn em bảy đứa,và rồi ý đình đi tu không thành.”

Vốn là người có nhan sắc, lại đảm đang, hiền dịu, nên thời son sắc bà Nguyễn Thị Mến được rất nhiều chàng trai ngắm nghé, trồng cây si. Nhưng cuối cùng bà đã đồng ý kết hôn với ca sĩ Vũ Anh vì thấy ông đạo đức, nói năng lịch sự, tính tình điềm đạm.

Kể lại mối duyên vợ chồng với ca sĩ Vũ Anh, mỉm cười hiền lành, bà Mến nói, “Nơi tôi cư ngụ có một anh tên là Kiều Văn Tập có nghệ danh là Dũng Trân khi đi hát. Anh chính là ông mai của vợ chồng tôi. Lần đó anh đã tổ chức một Show nhạc rất lớn tại đây và mời anh Vũ Anh hợp tác, có ca sỹ Mai Hương, Hoàng Oanh, Bùi Thiện và một số ca sỹ khác tôi không nhớ tên tham gia. Anh Dũng Trân kéo anh Vũ Anh (lúc đó đang sống tại Florida) qua để hát show nhạc rồi ổn định đời sống tại đây.

“Tôi còn nhớ lần đầu tiên anh Vũ Anh đến nhà tôi vào một buổi cuối tuần, tôi thoáng nhìn anh thì trong đầu tôi nghĩ ngay người gì mà lùn xịt thế thôi. Sau đó tôi biết anh đang cư ngụ ở nhà anh Dũng Trân gần nhà tôi, anh đã được nhận làm thư ký cho một văn phòng của USCC dưới sự điều hợp của Linh mục Nguyễn Đức Việt Châu, để giúp cho những người tỵ nạn Việt Nam mới sang Mỹ ổn định đời sống tại đây.
“Mối tình của tôi với Vũ Anh rất đơn sơ, chúng tôi cũng ít đi chơi với nhau. Hầu như ngày nào anh cũng giả vờ gọi điện đến nhà tôi xin số điện thoại của mọi người, và tôi dần nhận thấy ở nơi anh có một vài điểm mà tôi thích là nói năng lịch sự, đứng đắn. Có những bữa cơm trưa anh đến ăn cơm với mẹ tôi và tôi. Tôi không biết tại sao anh lại ra ăn cơm trưa thường xuyên tại nhà tôi, mẹ tôi mời anh hay anh giả vờ kiếm chuyện ra ăn trưa để ngắm nhìn tôi chăng?

“Rồi một ngày đẹp trời anh đã to gan nói chuyện với mẹ tôi, là xin cưới tôi làm vợ, mẹ tôi nói lại tôi và tỏ ý bà rất bằng lòng người con rể này, nên tôi đã vâng lời mẹ, đồng ý làm vợ anh. Khi chúng tôi đã bằng lòng đi đến hôn nhân, thì cũng là lúc đại gia đình của tôi quyết định chuyển sang sống tại Nam California vào đầu năm 1977, và chúng tôi đã tổ chức đám cưới vào tháng 9 năm 1977 tại Nam California. Lúc đó tôi mới 22 tuổi, còn anh Vũ Anh thì lớn hơn tôi 13 tuổi.”

Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang

Bà Mến bảo cuộc sống của bà những năm đầu sau khi kết hôn trôi qua rất bình lặng. Các bạn bè khuyên bà đi học nghề đánh máy hoặc những nghề làm trong văn phòng.

“Tôi đã ghi tên học nghề và học Anh văn tại trường Valley vocational school ở thành phố La Puente, tôi học typing, key punch, accounting, xong khoá học tôi đi làm nghề data entry, và sinh con trai đầu, cháu Daniel Vũ năm 1979, khi có cậu con trai thì tôi về chung sống với thầy mẹ và các em. Đến năm 1981 có cháu gái Chistine Thùy Hương thì vợ chồng tôi dọn ra ở riêng. Anh Vũ Anh thì rất ham học, ngay từ năm 1977 khi mới sang Cali, anh đã học trường ITT để ra làm technican điện tử, nhưng nghiệp ca hát có từ trong tim, nên Vũ Anh lại ghi tên đi học nhạc ở Santa Ana College và sau đó chuyển lên Cal State Fullerton.

“Chúng tôi rất vất vả, có rất ít giờ cho nhau, nhưng tôi vẫn ủng hộ niềm đam mê ca hát của anh. Mỗi ngày tôi đóng cho Vũ Anh một thùng đồ ăn, sáng sớm anh đi học, 3 giờ về chạy thẳng ra sở làm, 12 giờ đêm mới về nhà. Còn tối cuối tuần anh còn có thêm nghề đi làm MC cho đám cưới để có thêm chút thu nhập cho gia đình, hoặc vào thư viện học bài. Vì anh Vũ Anh quá bận nên mọi chuyện trong gia đình tôi phải lo chăm sóc hai con và đi làm. Chủ Nhật thì tôi cùng chồng đi lễ, anh giúp trong ca đoàn, còn tôi dạy Việt ngữ ở cộng đoàn tại nhà thờ gần nơi gia đình sống (thành phố Orange) và cho hai con đi học Việt ngữ tại đây luôn.”

Thay chồng gánh vác gia đình

Cuộc sống của vợ chồng bà Mến sẽ thực sự viên mãn nếu như bệnh tật quái ác không bủa vây, đe dọa mạng sống của chồng bà và rồi biết bao biến cố khác lại đến để thử thách sức chịu đựng của người đàn bà bé nhỏ.

Bồi hồi nhớ lại, giọng chùng xuống vì xúc động, bà kể, “Vào một buổi tối thứ Bảy ngày 23-2-1991, anh Vũ Anh đi làm MC cho một đám cưới, khoảng 8 giờ 30 tối, tôi nhận được một cú điện thoại, nói anh Vũ Anh đang ở trong nhà thương Fountain Valley, tôi vội vã đến nhà thương, lúc đó anh Vũ Anh vẫn còn tỉnh táo, anh nói là đầu anh đau lắm, sau đó anh ngất đi. Chồng tôi bị bể mạch máu trong đầu, bác sĩ nói những người bị bệnh này 75% chết ngay, 25% cứu sống, 5% có cơ hội trở lại bình thường, đa số mà có sống thì cũng tàn phế. Năm đó anh Vũ Anh đã phải trải qua ba ca giải phẩu ở trong bệnh viện UCI và nhà thương Fountain Valley. Anh ở trong hai nhà thương ba tháng, rồi được chuyển về nhà thương Saint Jude để tập luyện như một đứa bé 7 tuổi ở đây suốt 6 tháng, đến cuối tháng 11 năm 1991 mới về lại với gia đình.

“Khi anh bị cấp cứu vào tối Chủ Nhật thì hôm sau vì quá lo lắng cho chồng không biết sống chết ra sao, tôi đã bị khủng hoảng phải vào cấp cứu trong nhà thương, vì tôi vốn có tiền sử bị hở van tim. Lúc đó Chúa đã lấy đi hết sự khôn ngoan của tôi rồi. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện thôi và có gọi điện cho Cha Mai Khải Hoàn đến xức dầu cho anh, cùng sự hiệp thông cầu nguyện của người thân trong gia đình tôi và bạn bè…

“Khi tôi đi làm, lúc đó tôi đang làm tại hãng máy bay, công việc không phải suy nghĩ nhiều, chỉ đánh máy thôi, nhưng vì quá lo lắng cho sức khỏe của chồng không biết có vượt qua được không, đi làm mà tôi cứ khóc suốt, không có tâm trí làm việc, nên phải xin nghỉ làm một tháng để vào nhà thương chăm sóc anh.”

“Cuối năm 1991, gia đình của anh bên Việt Nam do anh bảo lãnh đã sang Mỹ đoàn tụ. Khi đó anh đã xuất viện về lại nhà, may mắn là anh dần dần trở lại bình thường, nhưng giờ đây anh không thể đi làm được nữa, vì vậy tôi phải đi làm để lo cho gia đình và nuôi bảy người trong gia đình anh sang ở chung trong nhà chúng tôi. Sau một năm thì mọi người ra riêng.”

Bà kể vì kinh tế gia đình chỉ do một mình bà cáng đáng, nên lúc nào bà cũng làm một lúc hai việc để kiếm tiền lo cho gia đình và mua bảo hiểm sức khỏe. Hồi đầu thì làm nhân viên đánh máy tại hãng máy bay từ sáng đến 3 giờ chiều ra, bà lại lái xe đến làm ở hãng UPS (một tuần làm khoảng 20 giờ) đến tối mới về. Đến năm 1994 bà được nhận vào làm tại nha lộ vận DMV tại thành phố Santa Ana, lúc đó bà chỉ mới được nhận làm bán thời gian, dù nhận làm luôn thứ 7 nhưng chỉ được 35 giờ một tuần, nên bà vẫn tiếp tục giữ công việc bên hãng máy bay 40 giờ một tuần, để mua được bảo hiểm sức khỏe cho chồng con.

Mãi đến năm 1996, khi DMV nhận bà làm toàn thời gian thì lúc đó bà mới nghỉ hẳn bên hãng máy bay.
Bà nói thi đậu được vào DMV cũng là một ơn may mà Chúa giúp cho bà. Vì ngày thi vào DMV là hồi năm 1991, cũng là ngày mà chồng bà đang nằm trong nhà thương giành giật sự sống. Lúc đó bà đâu có tâm trí đâu mà thi, cũng may bài thi chỉ là phần trắc nghiệm, bà chỉ khoanh tròn thôi. Kết quả cho biết bà vừa đủ điểm đậu. Nhưng thời điểm đó DMV chỉ tổ chức thi tuyển chứ chưa nhận nhân viên mới. Mãi đến năm 1994 bà mới được nhận.

“Khi tôi được nhận vào làm tại DMV, họ gởi tôi đi học việc hai tuần, khi về ngồi làm ở window, họ ngồi bên cạnh mình và giúp thêm một tuần, rồi mình tự bơi một mình với khách hàng. Lúc đó tôi vừa làm mà vừa đọc kinh Kính Mừng trong đầu vì sợ quá, vì đây là công việc đầu tiên phải nói chuyện với đủ mọi lớp người bằng tiếng Anh 100%. Dù bao nhiêu năm tôi đã làm nghề data entry, nhưng nơi tôi làm phần lớn là người Việt, tôi đánh máy tiếng Anh, nhưng miệng nói tiếng Việt. Tiếng Anh của tôi không giỏi, vì DMV ở Santa Ana nơi tôi làm người Mễ chiếm 70% thế là tôi lại Broken English, tôi nói một chút tiếng Spanish và tiếng Anh lai Việt Nam. Cũng may cho tôi hồi đầu đi làm ở DMV, có những chị đồng nghiệp người Việt rất tốt, giúp tôi tận tình.

“Bản thân tôi biết mình không giỏi, chưa có kinh nghiệm, nên chịu khó học hỏi, những gì không biết thì hỏi các chị rồi ghi lại vô giấy, khi gặp lại trường hợp đó, thì đa biết mà nói lại với khách.”
(Còn tiếp)
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT