Phóng Sự

Chuyện của cựu quân nhân VNCH, giáo sư Anh văn Trần Khánh (kỳ cuối)

Sunday, 20/03/2016 - 10:32:53

Kể về cuộc sống nghỉ hưu hiện nay và những niềm vui của ông, giáo sư Trần Khánh khoe: “Mỹ họ có câu: The good time for you to retire is when you are still able to have a good time, thời gian tốt đẹp cho bạn để về hưu là khi nào bạn vẫn còn có sức lực hưởng được một thời gian tốt đẹp. Mặc dầu, tôi yêu nghề dạy học, theo ý câu của Đức Khổng Tử:

Bài BĂNG HUYỀN

Vui buồn với nghề giáo

Ông Trần Khánh trong lớp 12 cuối cùng của niên khóa 2010-2011, môn Văn Chương Anh và Âu Châu.

Là một thầy giáo có 36 năm kinh nghiệm dạy học ở Hoa Kỳ (từ 1975-2011), giáo sư Trần Khánh đã trải qua nhiều Học Khu khác nhau ở hai tiểu bang Oregon (1975-1978) và California (1978-2011), nhận xét về sự khác biệt giữa học sinh Mỹ, và học sinh bên Việt Nam (mà giáo sư Trần Khánh chỉ dùng cái mốc: học sinh Việt Nam trước 1975), ông cho biết, “Học sinh Mỹ rất tự tin, tự lập, tự làm, và coi người thầy dạy chỉ là facilitator, (người hướng dẫn và giúp đỡ, chứ không phải dạy hay nhồi sọ), nên các em coi thầy ngang hàng như bạn, không khúm núm, sợ sệt, như các em học sinh Việt Nam, thấm nhuần đạo lý Thánh Hiền, Khổng Mạnh, được khuyên răn Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, cái gì Đức Khổng Tử nói là đúng hết, không được cãi lại, hay có ý kiến, ý cò, nên coi thầy, cô là nhất!

“Bởi vậy, có cái hay, mà cũng có cái dở, trong tâm thái đối xử với thầy cô, của học sinh Mỹ và học sinh Việt Nam.”

Giáo sư Trần Khánh nói dí dỏm, “Không như học sinh Việt Nam hằng tâm niệm, và mang ơn: Không thầy đố mày làm nên, đối với các học sinh Mỹ (đa số, nhưng tôi không vơ đũa cả nắm): Không thầy đố mày làm nên/ Làm nên rồi, quên thầy luôn!"

Bản thân giáo sư Trần Khánh hiểu rõ trách nhiệm nghề nghiệp mà mình gánh trên vai. Nghề dạy học là một công việc hết sức công phu. Người giáo viên làm chủ bục giảng nhưng không phải là “ông vua, bà chúa” của bục giảng. Họ phải chịu trách nhiệm với từng câu nói, từng nhận định của mình trước học trò.

Vì vậy, để có một bài giảng hay, giàu sức thuyết phục, người giáo viên nào cũng phải đổ mồ hôi cho từng trang giáo án. Đòi hỏi người giáo viên phải có khả năng truyền đạt giỏi, có phong cách, óc khôi hài và quan trọng bậc nhất là một sức khỏe tinh thần tốt. Vì trong một ngày làm công việc dạy dỗ (vừa “dạy” và phải vừa “dỗ” để thuyết phục học sinh tập trung học tập), người giáo viên có thể trải qua một chu kỳ tâm lý đi từ thái cực này qua thái cực khác. Từ bực dọc, thất vọng, thỏa mãn, giận dữ, vui mừng, chán chường, sợ hãi, mệt mỏi, cảm giác mình bất toàn, mất kiên nhẫn đến sự biết ơn và đền trả của học sinh.

Chia sẻ về tình cảm mà các học trò dành cho ông suốt bao năm tại Trường George Washington High School, là ngôi trường ông xem là nơi đất lành chim đậu ông đã gắn bó suốt 33 năm (từ năm 1978 đến khi nghỉ hưu ngày 28 tháng 8 năm 2011), giáo sư Trần Khánh bày tỏ, “Tôi được đa số học trò thương mến, vì cách đối xử tôn trọng học trò, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ cho mấy em, tạo cho các em self-esteem (lòng tự trọng, tự tin vào khả năng mình), đặc biệt là phải rất kiên nhẫn, không to tiếng, luôn luôn cố gắng nhỏ nhẹ với mấy em, thưởng phạt công minh.

“Tuy nhiên, nhân vô thập toàn, tôi cũng bị xì bánh xe hai lần, và bị viết bậy, gạch bậy trên bàn Mr. Tran is a fag! (Ông Trần là người đồng tính luyến ái!)” Ông kể, “Trong thời gian dạy học, tôi từng gặp chuyện nếu không cư xử khéo thì không biết chuyện gì xảy ra. Các học trò Mỹ vốn rất phóng khoáng, có lẽ vì nể phục tôi, nên đã tống tình tôi, nếu tôi lơ mơ bị dính vào là khổ. Một lần tôi nhận được thư của một em nữ sinh thổ lộ yêu thương tôi, tôi tá hỏa tam tinh khi đó suy nghĩ dữ lắm, nếu tôi không trả lời thư cho em đó, có thể em sẽ vu cáo tôi, còn nếu trả lời thì biết trả lời làm sao.

“Vì vậy tôi nghĩ ra kế, khi gặp em đó trong lớp học, tôi có hỏi em hôm qua em có gửi thư cho thầy, nhưng thầy bận rộn quá, không biết thầy để lá thơ đó đâu mất rồi, bây giờ em ngồi bàn viết lại cho thầy đi, thầy sẽ giải quyết ngay. Cô học trò đó nghe vậy, bèn ngoay ngoảy bỏ đi.

“Về sau tôi có nghe người bạn tôi kể, ông dạy ở một trường trung học tại San Diego, ông cũng bị trường hợp như tôi, bị nữ học trò viết thư tống tình, ông đã bị treo giò một năm trời, sau khi nhà trường điều tra ông không có chuyện gì với cô học trò đó, ông mới được trở lại dạy học. Nhưng sau vụ đó, ông sợ quá, ông chuyển nghề khác luôn.”

Giáo sư Trần Khánh cho biết song song với giấy phép hành nghề Dạy Môn Anh Văn Suốt Đời (Teaching Credential in English - For Life) ngày 18/7/1985, ông còn có giấy phép Dạy Học cho Các Đại Học Cộng Đồng trong Học Khu Đại Học Cộng Đồng San Francisco- Môn: English as a Second Language (The California Community Colleges - Certificate of Qualifications For Teachers Of Classes For Adults - Issued: September 25, 1980 - Valid for life).

Vì vậy ngoài công việc dạy học trong trường trung học George Washington High School vào ban ngày, buổi tối ông còn đi dạy ESL tại các Đại Học Cộng Đồng trong Học Khu Đại Học Cộng Đồng San Francisco. Nói về công việc làm thêm này, ông tâm sự, “Việc dạy học ban đêm của tôi, ba tiếng mỗi đêm (từ 6 giờ tối đến 9 giờ tối ), bốn đêm mỗi tuần (từ thứ Hai đến thứ Năm) kéo dài từ năm 1984 đến lúc nghỉ hưu là năm 2011. Sau khi nợ đèn sách của tôi đã trả, và job ban ngày đã ổn định, hai job ban ngày, ban đêm này, đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều, về tâm thái và sức khỏe của tôi!

“Nếu ban ngày, tôi phải hò hét đám học trò trung học (mỗi giáo viên phải dạy 5 lớp mỗi ngày, mỗi lớp dài 55 phút) đang ở tuổi nổi loạn, mà nhà văn Duyên Anh gọi là bầy thú trước bảng đen, thì ban đêm, tôi được thay đổi không khí, ngồi phè cánh nhạn, nhậu cà phê, nhâm nhi cheesecake, và đọc báo sau khi đã giảng bài xong, và chờ học trò người lớn làm xong bài tập!

“Có lẽ vì vậy, mà tôi tuy được bạn bè ái ngại, về cái tính tham công tiếc việc, cày ngày không đủ, tranh thủ cày đêm, mà trong suốt 36 năm dạy học ở Mỹ, tôi chưa hề cảm thấy bị burnout! (suy nhược).”

Phần thưởng tinh thần

Trong suốt thời gian đi dạy của mình, giáo sư Trần Khánh đã nhận được các bằng tưởng lục khen thưởng từ cấp thành phố (City and County of San Francisco), do Ông Thị Trưởng còn tại chức Edwin M. Lee ký, cấp tiểu bang Thượng Viện và Hạ Viện Quốc Hội California (State Of California Senate and California Legislature Assembly) và cấp Quốc Hội Liên bang "Certificate of Special Congressional Recognition" là do các vị hiệu trưởng đề nghị, căn cứ vào Bản Hiệu Trưởng cho điểm giáo viên (hai năm một lần, cho giáo sư đã được vô chính ngạch (Tenured Teacher Evaluation), và sáu tháng hay mỗi năm một lần, cho các giáo sư chưa được vô ngạch (Probationary Teachers).

Nói về những phần thưởng tinh thần này, giáo sư Trần Khánh tâm sự, “Tôi vốn gốc nhà binh, nên luôn luôn răm rắp tuân lệnh của thượng cấp: thi hành trước, khiếu nại sau, có thể vì vậy, mà được mấy vị hiệu trưởng thương, luôn luôn cho "Excellent! Outstanding! Exceeds Standards" trong suốt 36 năm "bán cháo phổi, hay gõ đầu trẻ," ở Xứ Mỹ Cờ Hoa này.”

Nhìn lại quãng đời đã qua của mình, điều ông hài lòng là con cháu đã khôn lớn "không thành công, cũng đã thành nhân." Điều ông không hài lòng là “(đành chịu vậy thôi) con cái tôi bận rộn với cuộc sống cơm áo, nên ít có thời gian, cha con điện thoại trò chuyện với nhau. Nhưng không sao, chỉ nói vậy thôi, chứ tôi thông cảm, không dám trách chúng, vì dù sao chúng cũng thương cha già, thường xuyên upgrade, nâng cấp thiết bị đồ chơi iPhones, iPads cho tôi ngậm, như những babies ngậm pacifiers (núm vú giả) để khỏi buồn, khỏi khóc!”

Ông hài hước bảo, “Tôi bản tính ham vui, nên khi trải nghiệm hay đọc được cái gì, hay điều gì vui vui, thì tôi ghi nhớ, rồi khi gặp dịp, tức cảnh sinh tình, hay nói chuyện, viết lách, bác lẩy ra, và chêm vào, làm quà cho câu chuyện. Tôi thấy quá may mắn, ở cái tuổi 7 bó lẻ 8 que, già cóc đế đại vương, sắp xuống lỗ ngủ với giun với dế này, mà tôi, không bị lâm vào cái cảnh bất hạnh, như Thi Hào Vũ Hoàng Chương than van: Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ / Một đôi người u uất nỗi chơ vơ.

“Tôi tự coi là "đã sinh đúng thế kỷ," để thừa hưởng cái thời đại, kỷ nguyên máy điện toán, thế giới ảo Virtual reality, Internet, với iPhones, iPads... này, nên Lão Ông này, không bị u uất nỗi chơ vơ, vì suốt ngày bận rộn lướt mạng, lượm lặt được biết bao chuyện vui, chuyện cười, để tôi luyện và lưu trữ, trong kho tàng văn chương hài hước mà mình yêu thích.

“Tôi "chôm" được, bài thơ sau đây "trên mạng," diễn tả đúng sở thích của bác, xin được chia sẻ:
 
Ngày xưa đi một ngày đàng,
Thì ta học được một sàng cái khôn.
Ngày nay lướt mạng thả hồn,
Là ta hốt cả máng khôn đem về!
Thời buổi tiến bộ hiện nay,
Gõ trên bàn phiếm biết ngay nhiều điều,
Cho dù xa cách bao nhiêu,
Yahoo, Facebook... quá siêu kéo gần,
Liên lạc, trao đổi chuyện cần,
Vài giây nối mạng, chẳng cần đi đâu,
Lúc trước chờ đợi quá lâu,
Ngày nay tích tắc ảnh màu hiện ra...
 
LM NgXQuang, Niềm Vui Của Tuổi Già

Kể về cuộc sống nghỉ hưu hiện nay và những niềm vui của ông, giáo sư Trần Khánh khoe: “Mỹ họ có câu: The good time for you to retire is when you are still able to have a good time, thời gian tốt đẹp cho bạn để về hưu là khi nào bạn vẫn còn có sức lực hưởng được một thời gian tốt đẹp. Mặc dầu, tôi yêu nghề dạy học, theo ý câu của Đức Khổng Tử:

"If you do what you love, and love what you do,
you'll never work a day in your life."
(Nếu ta làm cái gì mà ta thích, và thích những gì mà ta làm, coi như ta không phải bị đi làm lấy một ngày trong đời ta.)

“Tôi say mê và miệt mài dạy học, từ lúc 23 tuổi, năm 1961-1975, ở Việt Nam, đến 73 tuổi, từ 1975 đến 2011, ở Mỹ, 50 năm trôi qua hồi nào, mà mình không biết. Hạnh phúc là ở chỗ đó!

Cái điều may mắn là, ở cái tuổi hưởng hưu, mà người Mỹ gọi là Golden Years, những "Năm Tháng Của Tuổi Vàng," tôi vẫn còn, nhờ ơn Trời-Phật-Chúa phù độ, được khỏe mạnh.

“Hàng ngày, nếu tôi không có việc làm, tôi đạp xe đạp độ 10 miles, cả đi cả về từ nhà, ra quán cà phê Noah's New York Bagels, để đọc báo chí và vọc iPhone, iPad, các con mua cho, từ 10 giờ sáng, đến 3, 4 giờ chiều.
“Lương hưu giáo chức, thì không nhiều, nhưng đủ "Cơm ngày ba bữa, áo lành đủ thay. Thỉnh thoảng, các con, bạn bè rủ đi du lịch Âu Châu, Mỹ Châu, Á Châu, Las Vegas, cuộc đời quá sướng chẳng lo gì, chỉ lo già.

“Hạnh phúc nhất, là già bằng này tuổi đời rồi, mà mình chứng tỏ còn "hữu dụng, chưa bị phế thải," khi thỉnh thoảng được con cháu nhờ, làm chuyện này chuyện nọ, trong khả năng kiến thức chuyên môn, chưa bị cùn mòn mai một.

“Ngoài ra, tôi còn được con trai của tôi, em thứ hai của Mộng Lan, giới thiệu cho tôi làm thông dịch viên, cho vài hãng thông dịch, nên tôi được gọi "on call," túc trực bằng điện thoại, đi thông dịch cho phòng mạch bác sĩ, bệnh viện, nhà trường, văn phòng luật sư, tòa án, nhà tù. Mỗi tháng, tôi được gọi đi làm, độ khoảng 3, 4 lần, nếu đắt hàng.”

Ông nói, “Khi làm công việc thông dịch viên, tôi rất vui, vì được tiếp xúc với cộng đồng Việt Nam để nói chuyện, cảm động nhất là tôi gặp lại những bạn bè hay người thân giờ họ già yếu, tôi giúp thông dịch cho họ để làm giấy tờ vô viện dưỡng lão, đi bệnh viện, hoặc làm thông dịch ở tòa án.”

Đối với giáo sư Trần Khánh, là một người thuộc thế hệ thứ nhất đến tị nạn tại Hoa Kỳ, từ chính những đóng góp của ông trong nghề giáo tại quê hương mới này, ông cho rằng, “Đây chỉ là những đóng góp khiêm nhượng của một người tị nạn tầm thường, cho xã hội và đất nước Hoa Kỳ, đã vì lý tưởng tự do, cưu mang chúng ta, để chuộc lỗi phần nào đã làm Việt Nam Cộng Hòa mất nước về tay Cộng Sản.”

Để kết thúc câu chuyện tâm tình của mình, giáo sư Trần Khánh bày tỏ nỗi ưu tư và ước mong của mình, “Với giới trẻ Việt Nam ta, nhất là các em thuộc lớp second generation, sinh đẻ bên Mỹ, hay ở ngoại quốc, tôi mong muốn các em, theo như câu nói: A person who knows two languages is worth two persons. (Một người mà biết hai ngôn ngữ thì giá trị như hai người.)

“Có nghĩa là, chúng ta là người Việt Nam, chúng ta phải biết gốc gác, cội nguồn - roots của chúng ta, và tiếng mẹ đẻ của chúng ta, như nhà giáo Bùi Văn Bảo từng ưu tư: Chỉ sợ đàn con quên tiếng Việt / Đừng lo lũ trẻ kém Ăng Lê.

“Hay mấy câu thơ mộc mạc sau đây, nhắc ta cái cội nguồn đó: Có ông bà mới có ta / Ông Bà là gốc, Mẹ Cha là cành / Thân ta như thể lá xanh / Nhờ gốc vun bón, nhờ cành chở che."
(bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT