Người Việt Khắp Nơi

Chuyện của sinh viên học tiếng Việt tại đại học

Băng Huyền/Viễn Đông Sunday, 25/03/2012 - 06:58:23

... hầu hết đều tự nguyện ghi danh học để viết và nói thông thạo tiếng Việt hơn, để tìm hiểu về văn hóa Việt, để có thể trò chuyện thoải mái hơn với ông, bà, ba mẹ, hoặc giúp cho chính bản thân họ là những bác sĩ, dược sĩ… trong tương lai...

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 13)

Băng Huyền/Viễn Đông


Nếu so với những học sinh gốc Việt học tiếng Việt cuối tuần tại những trung tâm độc lập, các chùa, các nhà thờ… nhiều phần là bị ba mẹ ép buộc đi học để giữ gìn ngôn ngữ “mẹ đẻ”, thì những sinh viên học tiếng Việt tại các trường thuộc hệ thống đại học UC, Cal State, đại học cộng đồng mà người viết có cơ hội trò chuyện, hầu hết đều tự nguyện ghi danh học để viết và nói thông thạo tiếng Việt hơn, để tìm hiểu về văn hóa Việt, để có thể trò chuyện thoải mái hơn với ông, bà, ba mẹ, hoặc giúp cho chính bản thân họ là những bác sĩ, dược sĩ… trong tương lai có cơ hội phục vụ trong cộng đồng người Việt.


Hội Chợ Tết do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam California tổ chức, trong đó hàng năm có kỳ thi Hoa Khôi Liên Trường, là dịp để các bạn nữ sinh viên khoe tài. Trong hình là năm thí sinh vào chung kết cuộc thi Hoa Khôi Liên Trường 2012; Lâm Bích Nhi May (sinh viên đang theo học lớp tiếng Việt ở UCLA) là thí sinh mang số 18, bìa phải, hàng trước - ảnh: Vincent Thái/Viễn Đông

Qua những câu chuyện của các sinh viên sinh ra hoặc đến Hoa Kỳ từ nhỏ, người viết nhận thấy các bạn đều có những khó khăn về phát âm và ngữ vựng, cũng như những trở ngại trong việc học văn chương Việt Nam. Tuy nhiên, các sinh viên này khi theo học đều xác định tiếng Việt là mục tiêu và mối quan tâm của họ, nên họ luôn luôn cố gắng chịu khó học hỏi với quyết tâm cao.
Những ghi nhận từ một số sinh viên học tiếng Việt tại vài trường đại học mà bài viết này đề cập đến chưa thể là một thống kê đầy đủ về tâm tư và nguyện vọng về việc gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa Việt của sinh viên gốc Việt tại Hoa Kỳ. Nhưng thông qua những câu chuyện các bạn trẻ này, phần nào đã cho thấy họ luôn luôn ý thức trong việc khẳng định xuất xứ về nguồn cội của mình. Dù trọng trách mà họ phải đảm nhận trên xứ người thật quá nặng nề, vừa phải hội nhập với văn hóa bản địa - quê hương mà họ được sinh ra [hoặc là nơi họ lớn lên từ nhỏ] và trưởng thành, vừa phải gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt để không bị “mất gốc”.
Qua những câu chuyện với những sinh viên này, người viết dễ dàng nhận thấy niềm tự hào trong các bạn trẻ khi họ khẳng định và quyết tâm giữ gìn tiếng Việt cho mình để truyền tiếp cho thế hệ con cháu của họ sau này, bởi vì họ biết tiếng Việt chính là cội rễ, là cầu nối giữa những con người Việt với nhau, là “cuống rốn” nối mình với văn hóa của quê cha đất tổ. Vì mất tiếng nói là mất dân tộc tính, bởi tiếng nói đâu chỉ đơn thuần là ngôn ngữ, đó là cả cách ăn ở, ứng xử, là những cảm xúc, nghĩ suy qua bao đời kết tụ. Ý thức này có được không thể một sớm một chiều, mà đã được phụ huynh kiên trì truyền lại, giữ gìn cho con ngay từ thưở nhỏ. Vì rõ ràng những bậc cha mẹ có nguồn gốc từ Việt Nam [sinh ra và lớn lên tại đó nhiều năm trời] thì cái gốc không dễ gì mất đi [chỉ trừ một số ngoại lệ muốn chối bỏ gốc rễ của mình, hòa tan thật nhanh vào đời sống mới]. Trong khi đó, đối với các bạn trẻ Việt Nam sinh ra tại hải ngoại [hoặc ở Việt Nam chỉ được vài năm và thời gian trưởng thành ở hải ngoại nhiều năm] chắc chắn cái ngọn sẽ nhiều hơn cái gốc. Vì thế hiện tượng bị “mất gốc” không phải là chuyện khó xảy ra, nếu trong một gia đình, các phụ huynh không truyền được hạt giống tinh thần, đạo đức, vốn là những di sản quý giá của tổ tiên trong hành trang ít ỏi của người tỵ nan Việt Nam mang theo được khi chạy thoát ra hải ngoại kể từ biến cố đau thương 30 tháng 4 năm 1975.

Gia đình là nơi dưỡng nuôi nguồn cội và những câu chuyện kể của các sinh viên
Với sinh viên Emily Tạ đang theo học ngành sinh vật học năm thứ hai tại trường University of California, Los Angeles (UCLA), dù học chuyên ngành này không cần lấy ngoại ngữ, nhưng bạn muốn hiểu rõ hơn ngôn ngữ và văn hóa mẹ đẻ. Đặc biệt là khi trò chuyện với bố mẹ, nhất là với bố, bạn gặp nhiều khó khăn hơn chị và em trai của mình, do ba bạn không nói tiếng Anh nhiều. Vì vậy bạn chỉ hỏi được bố vài câu thông thường, còn khi muốn nói nhiều hơn, tâm sự với bố nhiều hơn nữa, thì bạn không nói được. Do đó, đây là cơ hội cuối cùng để bạn học thêm tiếng Việt trước khi tốt nghiệp. Chính nhờ vốn liếng học Việt ngữ từ khi 6 tuổi tại nhà thờ Westminster đến hết lớp 6 tại đây (khoảng 12- 13 tuổi) và ở nhà bố mẹ bắt nói tiếng Việt, đã giúp bạn được vào học ngay lớp cao cấp tại UCLA.
Emily cho biết rất thích thú chương trình học và sách giáo khoa Ngôn Ngữ và Văn Hóa (Quyên Di soạn), bạn học được nhiều câu ca dao, tục ngữ, những câu chuyện cổ tích, câu chuyện về văn hóa Việt Nam rất bổ ích. Những câu chuyện này giúp bạn nhớ lại quê hương, nơi bạn rời xa khi mới 3 tuổi, và chưa có cơ hội nào thăm lại Việt Nam. Emily nói: “Nhờ những câu chuyện mà thầy chia sẻ trên lớp cho chúng em biết lịch sử của ngôn ngữ và văn hóa Việt, nên càng học em càng thích. Em nghĩ, văn hóa của Việt Nam mình vốn rất hay rồi, phải có những thầy cô truyền dạy lại những điều hay đó thật thuyết phục như thầy Quyên Di đã dạy cho chúng em hiểu, thì chúng em mới biết quý”.
Emily Tạ nói rằng hồi học năm thứ nhất, bạn ít về thăm bố mẹ, phần nhiều thường nói chuyện trên điện thoại, nhưng năm nay, bạn về thăm nhà thường hơn, nói chuyện với bố mẹ nhiều hơn về những gì được học trên trường và hỏi thêm bố mẹ những gì chưa rõ, bạn nói: “Bố mẹ em rất vui, khi thấy em càng gần gũi với bố mẹ nhiều hơn nhờ lớp học tiếng Việt trên trường”.
Còn sinh viên Angeli Phan, sanh ra tại Mỹ và đang học chuyên ngành về chính sách y tế công cộng tại University of California, Irvine (UCI), đã được ba má cho đi học tiếng Việt cuối tuần lúc nhỏ được khoảng 5 năm, đến khi lên đại học, thấy có lớp tiếng Việt, nên bạn ghi danh học, vì bạn thấy tiếng Việt của mình vẫn yếu quá và còn vì: “Bên Mỹ này, em chỉ có ba mẹ và anh trai, người thân của ba mẹ hầu hết sống tại Việt Nam. Nơi em sống cũng không có người Việt, phần lớn người Mexico, vì vậy, em rất sợ quên tiếng Việt. Em có nói chuyện trên điện thoại với bà ngoại (đang sống tại Việt Nam), bà em vui lắm khi thấy em nói được tiếng Việt với bà. Nhưng em thấy tiếng Việt mình chưa giỏi lắm, vì vậy quyết định học thêm để nói giỏi hơn. Em cũng biết rằng ba mẹ đã hy sinh nhiều để em có cuộc sống tốt hơn tại Mỹ, được học hành đầy đủ, vì vậy em cố gắng học tiếng Việt để không quên cội nguồn của mình”.
Hiện nay, Angeli Phan đang học mùa thứ hai lớp tiếng Việt nhập môn với Tiến Sĩ Trần Chấn Trí. Bạn cho biết sau thời gian học tại UCI, nhờ nghe thầy giảng về Việt Nam và học những bài học giúp bạn càng thêm yêu văn hóa và tiếng Việt nhiều hơn, giúp bạn viết dễ dàng hơn, nói và nghe cũng giỏi hơn. Vì sách học Chào Bạn! An Introduction to Vietnamese do TS. Trần Chấn Trí và TS. Trần Minh Tâm cùng soạn chung có giải thích những chữ Việt khó bằng tiếng Anh, nên bạn thấy học không khó lắm. Tuy nhiên, sách không có CD kèm theo để bạn nghe thêm nên bạn nghĩ nếu có CD nữa thì sẽ hay hơn. Theo bạn, nhiều khi những bạn nào vì nhà xa, phải ở ký túc xá, sau giờ học, không có ba mẹ ở cạnh để giúp, sẽ không biết đọc chữ đó ra sao, học sẽ khó khăn hơn.
Riêng sinh viên Marie Trương sinh tại Mỹ, đang học ngành sinh vật học tại trường UCI, học mùa thứ hai của lớp tiếng Việt nhập môn tại đây cho biết: “Lúc nhỏ em có học tiếng Việt và giáo lý 6 năm trong hội Thiếu Nhi Thánh Thể tại nhà thờ St. George, thành phố Ontario, nơi gia đình em sống. Em học lớp tiếng Việt tại UCI vì em là con gái lớn nhất trong gia đình, em muốn nói và viết tiếng Việt giỏi để bố mẹ vui, và làm gương cho 3 người em của em, nhất là em thấy em là người Việt mà em không giỏi tiếng Việt thì rất thiệt thòi. Khi học tiếng Việt và hiểu về văn hóa Việt, em thấy văn hóa người Việt rất hay, dạy phải lễ phép, vâng lời cha mẹ, ông bà… Em thấy gia đình em sống rất hòa thuận thương yêu nhau. Văn hóa Mỹ thì tự do quá, theo em nó rất nguy hiểm, nếu con cái không nghe lời bố mẹ, chỉ làm theo ý thích của bản thân, đi chơi nhiều, có khi có nhầm bạn xấu rất dễ theo bạn xấu đó. Nếu sau này em lập gia đình, em sẽ dạy con mình như cách bố mẹ đã dạy cho chị em em và chắc chắn em sẽ cho con em học tiếng Việt để học được văn hóa của người Việt”. Bạn cho biết, học trên lớp, bạn được cơ hội nói và đọc nhiều, nghe những bài giảng rất bổ ích do thầy Trí dạy, phân biệt những chữ dùng tại địa phương miền Nam miền Bắc, học nhiều câu tục ngữ, ca dao rất hay, giúp bạn viết và nói thành thạo hơn trước rất nhiều.
Với sinh viên Diệp Ngọc Hoa sanh ra tại Mỹ, rời gia đình từ San Jose đến học tại đại học UCLA để trở thành bác sĩ gia đình, bạn cho biết từ nhỏ đã được học tiếng Việt từ mẫu giáo đến lớp 5 vào dịp cuối tuần. Bạn có 2 năm học tiếng Việt tại trường đại học Evergreen Valley College. Hiện nay, Diệp Ngọc Hoa đang học mùa thứ ba lớp cao cấp tiếng Việt với thầy Quyên Di, dù học các môn chuyên ngành rất nhiều mà còn học lớp tiếng Việt cao cấp thì rất khó khăn cho bạn, nhưng bạn rất thích vì ngôn ngữ tiếng Việt rất hay, nhiều chữ Việt không thể dịch ra tiếng Anh được, vì tiếng Anh khó mà diễn tả được những ý nghĩ sâu xa của tiếng Việt. Khi học văn chương Việt Nam, những bài ca dao bạn thấy khó hiểu những nghĩa bóng của bài học, nên sau giờ học bạn đến hỏi thêm thầy, rồi về xem lại, tra từ điển. Bạn cho biết thích học ca dao, tục ngữ, “vì qua đó hiểu được văn hóa Việt Nam, đất nước Việt Nam nơi mà ba má em sống trước năm 1975. Nay nếu em về lại chắc sẽ không tìm thấy những điều mà thầy giảng và những điều mà ba má hay kể cho em nghe về quê hương mà ba má em đã rời lâu rồi”.
Diệp Ngọc Hoa tâm sự: “Em thấy văn hóa Việt rất độc đáo, không chỉ có áo dài, phở, chả giò… mà còn có ca dao, tục ngữ, có những nghi thức đón Tết đầu năm thật hay. Em nhớ gia đình em thường dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ trước Tết Nguyên Đán, trong Tết thì không quét nhà, gia đình có cúng giao thừa, chị em em được nhận bao lì xì, chúc Tết bà ngoại và ba mẹ, được đi hội chợ Tết trong cộng đồng tại San Jose.
“Ba má có kể cho em nghe khi vượt biên qua Mỹ vất vả ra sao, đi trên thuyền không có nước uống, đồ ăn…Như má em cùng bà ngoại và dì của em vượt biên khi má mới 7 tuổi. Còn ba em thì vượt biên qua Mỹ lúc 17-18 tuổi, lúc đầu không biết tiếng Anh, nhưng rồi cố gắng học và trở thành kỹ sư, và khi kết hôn với má em, đã chăm lo cho mấy chị em em cuộc sống sung túc. So với ba em thì tiếng Việt của má em không giỏi bằng, khi má em ngoài 20 tuổi, dọn về sống gần cộng đồng Việt Nam, tự học tiếng Việt lại. Má luôn luôn khuyên chị em em giữ tiếng Việt, vì có thời gian má em quên tiếng Việt, nên má sợ tụi em không biết tiếng Việt”.
Còn sinh viên Kenny Dương (tên Việt Nam là Dương Viết Vĩnh Khoa) đến Mỹ tháng 12 năm 1993 theo chương trình H.O của ba (vốn là đại úy phi công quân lực VNCH) khi bạn tròn 8 tuổi. Hiện nay, bạn đang học năm cuối ngành sinh vật học tại California State University, Fullerton (CSUF), là một quân nhân trừ bị của quân đội Hoa Kỳ. Kenny Dương cho biết vì đã học xong lớp 3 tại Việt Nam, nên đến Mỹ bạn không học tiếng Việt cuối tuần, tuy nhiên sau thời gian dài không sử dụng tiếng Việt thường xuyên, bạn đã quên gần hết, nói rất khó khăn. Vì vậy bạn đã ghi danh học lớp tiếng Việt tại trường. Hiện nay công việc cuối tuần của bạn là làm nhân viên an ninh tại Westminster Mall nên bạn cũng muốn giỏi tiếng Việt để giúp đỡ thông dịch cho đồng hương, do trước đó nói tiếng Việt không rành, nên khi thông dịch cho đồng hương, nhiều người không hiểu bạn muốn nói gì.
Cũng nhờ học hai mùa tiếng Việt (khoảng 120 giờ học) bạn thấy mình nói tiếng Việt rành hơn. Bạn cho biết thích học trong sách những câu tục ngữ, qua đó học được những kinh nghiệm của dân gian rất hay, và cả những câu chuyện lịch sử của từ tiếng Việt có gốc Hán Việt…
Kenny Dương nói: “Khi em đã giỏi tiếng Việt hơn trước rồi, em muốn có cơ hội sẽ nói chuyện với ba nhiều hơn, và cố tìm hiểu về ba nhiều hơn. Trước đây do bị rào cản ngôn ngữ, em và ba ít trò chuyện với nhau, em nghĩ chắc ba em buồn lắm. Hiện nay, vì em vẫn bận học và đi làm dịp cuối tuần, nên cũng chưa có dịp nói chuyện nhiều với ba. Từ khi mẹ mất (khi em học trung học) ba em trở nên cô độc hơn, chị sinh đôi của em gần ba hơn, vì cuối tuần chị không đi làm, thường chở ba đi đây đó và chị cũng giỏi tiếng Việt hơn em, do chị có bạn người Việt nhiều hơn em. Khi em học tiếng Việt trong trường, hiểu hơn về văn hóa Việt, em càng muốn trò chuyện với ba nhiều hơn”.
Riêng sinh viên Lâm Bích Nhi May, sanh tại San Francisco, từng học giáo lý Việt ngữ từ 5 tuổi đến 13 tuổi ở nhà thờ vào Thứ Bảy hằng tuần. Bạn rời San Jose để theo học tại UCLA năm thứ ba ngành xã hội học và đang học lớp cao cấp tiếng Việt mùa học thứ hai tại trường.
Lâm Bích Nhi May từng được chọn làm một trong năm thí sinh của vòng chung kết cuộc thi Hoa Khôi Liên Trường 2012 vừa qua, bạn đã chọn câu ca dao từ bài học trên lớp, “Nuôi con chẳng quản chi thân. Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn” để nói lên những gì bạn cảm nhận trong tình mẫu tử. Do được chuẩn bị trước và tập luyện nên bạn phát biểu rất lưu loát.
Lâm Bích Nhi May kể: “Trong phần thi câu hỏi cuối cùng để chọn các thí sinh đoạt giải, vì không biết câu hỏi lúc cuối sẽ là câu hỏi gì, cho nên dù em biết nói tiếng Việt, nhưng em không đủ can đảm để trả lời trước hằng trăm người bằng tiếng Việt, nên em chọn trả lời bằng tiếng Anh. Em rất tiếc, vì từ 100 bạn ban đầu ghi danh thi, em đã vào được top 20, và rồi top 5, vậy mà đến vòng thi cuối, em vẫn không đủ tự tin để trả lời bằng tiếng Việt. Nhưng em biết trong lòng mình là em biết nói tiếng Việt, rất yêu thích ngôn ngữ và văn hóa Việt, luôn luôn ý thức giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ cho mình. Dù với ban giám khảo, em chỉ vào được top 5, nhưng với gia đình, em đã đem lại niềm vui cho ba mẹ, vì họ biết em rất yêu quý tiếng Việt và văn hóa Việt. Chính sau thất bại này, giúp em siêng năng tập nói tiếng Việt nhiều hơn, để có can đảm nói tiếng Việt nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn”.
Lâm Bích Nhi May nói thêm: “Em nghĩ, khi xưa ông bà, ba mẹ em ở Việt Nam cũng không có cơ hội học được văn hóa Việt và hiểu được cặn kẽ vẻ đẹp của văn hóa và ngôn ngữ Việt như em đang được học với thầy Quyên Di hiện nay. Nếu gia đình em không qua bên này, chưa chắc em có cơ hội được học hỏi những điều hay như em đang học. Khi còn ở Việt Nam, ông bà, ba mẹ em là người buôn bán, mưu sinh rất vất vả, cơ hội học hành không nhiều.
“Em thấy lớp tiếng Việt cao cấp tại UCLA khó hơn hồi em học Việt ngữ tại nhà thờ cuối tuần. Lúc trước học, em không cần viết những bài văn, còn khi học trong UCLA, em phải viết những bài văn dài mà em chưa bao giờ viết hết, nên gặp khó khăn. Trong lớp em học, có nhiều bạn viết giỏi, nhưng không nói giỏi, có nhiều bạn nói giỏi nhưng không viết giỏi, có bạn thì cả hai viết và nói đều không giỏi, nhưng nghe hiểu khá, trong lớp tất cả đều giúp cho nhau viết những bài văn để học hỏi thêm cho bản thân mình”.
Lâm Bích Nhi May tâm sự: “Đối với em chưa bao giờ qua Việt Nam, khi nghe những câu chuyện mà thầy Quyên Di kể trên lớp về quê hương Việt Nam trước 1975, tình làng nghĩa xóm, cảnh đẹp quê hương… làm em thích thú vô cùng, giúp em hình dung được đời sống của bà cố của em, của ông bà ngoại và bố mẹ em, cho em những hình ảnh về quê hương mà chưa bao giờ em qua để thấy hết. Và em biết là bây giờ em có thăm lại Việt Nam, thì những gì em nhìn thấy cũng khác hẳn cuộc sống hồi xưa của ông bà và bố mẹ em, khác hẳn những câu chuyện mà thầy Quyên Di kể trên lớp, đó chỉ còn là tài liệu cũ mà thôi, nên nó quý giá lắm. Khi em được học những bài thơ có nghĩa từ chữ nôm, chữ Hán thầy giảng những ý nghĩa sâu xa của bài thơ, em càng thích thú hơn. Nếu không học lớp này, có lẽ em sẽ không bao giờ biết được những vẻ đẹp và sâu sắc của văn chương và văn hóa Việt Nam”. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT