Gỡ Rối Tơ Lòng

Chuyện dài mẹ chồng, nàng dâu

Friday, 08/08/2014 - 11:00:03

Khi cháu lấy chồng ai cũng nghĩ rằng - ngay cả cháu nữa - cháu đã trúng số độc đắc vì có một bà mẹ chồng hết sẩy. Mẹ chồng cháu và cháu trở thành một đôi bạn thân, hợp nhau về mọi phương diện và nhất là về môn shopping. Ai ngờ, trông vậy mà không phải vậy bác ạ. Thật là nhầm to.

Chuyện dài mẹ chồng, nàng dâu

Thư của Jennifer, Texas

Khi cháu lấy chồng ai cũng nghĩ rằng - ngay cả cháu nữa - cháu đã trúng số độc đắc vì có một bà mẹ chồng hết sẩy. Mẹ chồng cháu và cháu trở thành một đôi bạn thân, hợp nhau về mọi phương diện và nhất là về môn shopping. Ai ngờ, trông vậy mà không phải vậy bác ạ. Thật là nhầm to. Càng biết bà nhiều hơn lại càng thấy bà giả dối dễ sợ. Lá mặt, lá trái khó mà lường được. Bây giờ, 5 năm sau, làm con dâu, làm bạn với bà, cháu không thể nào chịu nổi cái tính thâm độc của bà. Bà ác mồm, ác miệng nói xấu tất cả mọi người. Đối với bà, ai cũng là con này con nọ, mụ này, mụ kia, đủ các thứ tội, chỉ có một mình bà là tốt lành. Chuyện này nữa mới khủng khiếp. Khi đám cưới xong, bà cho cháu một cuốn sách nấu ăn do chính tay bà làm, rất công phu, tỉ mỉ, gồm tất cả những món ăn mà chồng cháu thích, do chính tay bà nấu. bà chép lại những công thức, đủ cả cân lượng, cách nấu và hình ảnh, do chính tay bà làm lấy. Bà ghi trên trang đầu: Tặng con dâu cưng, để cho con trai mẹ khỏi phải nhớ những bữa cơm của mẹ. Cháu cảm động rụng rời, giữ cuốn sách còn hơn tính mạng. Trong đó có chừng vài ba chục món ăn thường ngày. Từ từ cháu đem cuốn sách ra thực hành. Món nào cháu nấu xong, không nhạt thì cũng chua, cay, mặn chát. Cháu thử đi thử lại nhiều lần, lần nào cũng vậy, cũng hỏng bét. Cháu xin nói rõ với bác là cháu là người cũng đã từng biết nấu ăn do mẹ cháu dạy và cháu thích học nấu ăn. Cháu là đồ đệ trung thành của các đài TV dạy nấu ăn, ta cũng như Mỹ. Sau khi nấu hỏng mấy lần cháu nghiên cứu lại những công thức trong sách nấu ăn của bà mẹ chồng yêu quí thì thấy, món nào cũng có một vài gia vị không cần thiết hay là quá nhiều một vài thứ. Từ đấy cháu mới nhìn thấy dã tâm của bà. Bà muốn cho chồng cháu chê những thức ăn cháu nấu mà phải chạy về kêu cứu với mẹ. Cháu nói cho chồng cháu nghe, anh ấy không hề ngạc nhiên mà nói rằng đó là tính bà ấy như thế đấy. Anh ta rất ngạc nhiên khi thấy bà ấy tử tể với cháu. Anh ấy đã có ý nghi rồi, nhưng không lẽ anh ấy lại nó xấu mẹ mình cho vợ mới cưới nghe. Anh ấy nói rằng anh ấy đã cố gắng chịu đựng bà mẹ cho tới ngày lấy vợ để được ra riêng. Bây giờ chúng cháu thật không muốn tiếp bà ở trong nhà chúng cháu nữa nhưng mà làm như thế có được không hả bác? Nhất là cháu sắp sinh đứa con đầu lòng, cháu thật không muốn nó bị tiêm nhiễm cái tính độc địa của bà ấy. Chúng cháu đã tính dọn đi tiểu bang khác để khỏi phải liên lạc với bà.

Bà Ba Phải trả lời:

Bác nghe cháu kể chuyện mà cũng ngạc nhiên quá đỗi. Bác biết rằng mẹ chồng nàng dâu là hay có chuyện lắm, nhưng thông thường thì ngày nay, ở xứ này, nàng dâu không tốt với mẹ chồng nhiều hơn. Mà cho dù mẹ chồng có không ưa con dâu thì cũng chẳng ai giăng bẫy, tính toán, tỉ mỉ, công trình như bà mẹ chồng cháu. May mà chồng cháu là người hiểu biết, anh ta biết tính mẹ cho nên cháu không gặp cảnh khó khăn, gãy đổ gia đình vì bà mẹ chồng thâm độc. Nếu chồng cháu lại bênh mẹ thì bác e rằng gia đình cháu khó có thể bình yên. Bác nghĩ cháu chưa cần phải nghĩ đến cách dọn đi xa để tránh mặt bà ấy. Hiện giờ công việc làm ăn khó khăn, làm sao hai vợ chồng cùng đổi việc một lúc được, nhưng bác cũng đồng ý với cháu là không nên để con cháu gần bà. Rất có thể bà sẽ đầu độc đứa nhỏ bằng những mưu sâu kế độc của bà để biến nó thành một người độc ác giống bà. Bác nghĩ rằng cháu hãy từ từ tránh những cuộc gặp gỡ thân huân với bà. Cháu có thể để cho bà biết là cháu đã đọc được ý tưởng xấu xa của bà trong vụ cuốn sách dạy nấu ăn. Cháu chỉ việc đưa trả bà cuốn sách bà nói rằng không hiểu tại sao cháu nấu món nào cũng hỏng, chồng cháu không ăn được cho nên anh ấy bảo trả lại sách cho mẹ, để mẹ kiểm soát lại xem có chỗ nào sai lầm không, và cứ nấu ăn theo kiểu của cháu, chồng cháu ăn lại thấy ngon hơn. Rồi mỗi lần bà rủ cháu đi chơi, đi shopping thì cháu từ chối là bận không đi được, hay là có bầu mệt không đi. Bà hẹn sang nhà cháu thì cháu nói rằng bận không tiếp bà được hẹn ngày khác. Từ từ bà sẽ hiểu ra. Một người thâm độc như bà sẽ hiểu là cháu đã biết. Chưa cần tới biện pháp dọn đi xa.

Sống Chết có Số.

Thư của bà Thanh, Cali

Thưa bác cháu năm nay đã 52 tuổi rồi, cháu góa chồng đã hơn 10 năm nay, không có con. Cháu không tính đi thêm bước nữa nhưng mà gần đây cháu gặp anh này ở trong nhà thờ. Cháu hay làm việc thiện nguyện trong nhà thờ và anh ấy cũng vậy. Anh làm về kỹ thuật, còn cháu thì lo dạy giáo lý. Chúng cháu rất hợp nhau và cháu rất quí anh vì anh rất tốt và giúp đỡ cháu những việc hư hỏng trong nhà cháu khi cháu không làm được. Anh ấy cũng đã có một đời vợ. Chị ấy không phải là người công giáo cho nên khi cưới không có làm lễ hôn phối trong nhà thờ. Ở với nhau được 15 năm, có đứa con 13 tuổi thì chị ấy đòi ly hôn, chia của, chị ấy giữ con. Bây giờ chị ấy dọn đi một tiểu bang khác, cắt luôn liên lạc không cho anh ấy biết địa chỉ để liên lạc với con. Năm nay anh ấy đã 60 tuổi.Anh ấy sức khỏe không được tốt. Anh ấy đã phải mổ tim một lần, làm một lúc 4 cái by pass. Hiện nay chúng cháu đang nghĩ đến chuyện chính thức hóa bằng hôn nhân để có thể ở với nhau và chăm sóc cho nhau. Nhất là lúc này anh ấy cần có người chăm sóc tận tình. Cháu nói với mẹ cháu thì mẹ cháu gạt đi. Mẹ cháu đã nhìn thấy cảnh cháu nuôi người chồng trước của cháu đau ốm hơn 10 năm mới chết. Anh ấy bị cancer phổi, cháu nuôi anh ta trong những năm cuối cùng vất vả vô cùng nên mẹ cháu sợ cháu lại phải nuôi chồng ốm thêm một lần nữa. Nhưng mà cháu thấy, khi mình yêu thương ai thì có chia sẻ sự sống chết với người đó cũng không có gì đáng phàn nàn và dễ sợ cả. Cháu nghĩ anh này đau tim thì có chết cũng dễ dàng và không đau đớn như chết về bệnh cancer. Cháu sẵn sàng nuôi chồng ốm một lần nữa. Bác là người ngoài cuộc, sẽ sáng suốt hơn, xin cho cháu một lời khuyên.

Bà Ba Phải trả lời:

Theo một khía cạnh nào đấy, lời khuyên của mẹ cháu không phải là vô căn cứ. Cháu đã bị một lần nuôi người ốm một thời gian lâu dài cho nên mẹ cháu muốn tránh cho cháu đi lại con đường chông gai ấy một lần thứ hai, nhưng quyết định vẫn là ở cháu. Cháu lý luận như thế thì bác thấy chẳng còn chỗ nào cho mẹ cháu đưa ra lời khuyên này một lần nữa được. Tuy nhiên người ta sống chết có số cháu ạ. Có nhiều người bệnh tật hà rầm mà không chết, có người thì đang khỏe mạnh lại bị tai nạn, chết không kịp trối trăn. Nếu cháu tin ở số mệnh và tin ở y khoa, cháu cứ tiến tới. Ngày nay rất nhiều người bị làm bypass mà vẫn sống khỏe mạnh. Nếu ông bạn của cháu sống một cuộc sống lành mạnh về thể chất và tinh thần, ông sẽ có thể sống lâu, sống mạnh khỏe và nhất là khi có người thương yêu tận tình chăm sóc. Vì thế, nếu cháu đã sẵn sàng chấp nhận những gì có thể xảy ra, bác nghĩ cháu nên tiến tới, và chắc chắn với một người tử tế, tốt lành như ông, cháu sẽ có những ngày hạnh phúc trong tương lai. Bác thành thật chúc cháu nhiều may mắn.

Đúng Phép Lịch Sự

Thư của ông Thừa, Texas

Tôi là một người đàn ông độc thân, năm nay cũng đã bộn tuổi rồi. Tôi mới dọn về khu xóm này. Tôi muốn tỏ ra lịch sự với hàng xóm, vì khi tôi dọn nhà đến họ giúp đỡ tôi tận tình lắm. Để đáp lễ tôi làm một bữa cơm đàng hoàng - sit down dinner - nha bà. Nhờ Trời tôi cũng là người biết ăn biết nấu cho nên tôi tính toán bữa ăn rất kỹ lưỡng, từ món ăn cho tới rượu, món nào đi với loại rượu đó. Tôi mời 3 cặp vơ chồng ờ hai bên nhà và một cặp vợ chồng trẻ ở đối diện với tôi. Ai cũng mang quà lại cho tôi, tôi đều cất di không dùng đến vì không hạp với thực đơn của tôi. Cặp vợ chồng trẻ ở đối diện mang cho tôi một chai rượu vang, thuộc loại cũng khá. Sơ dĩ tôi không dùng đến là vì tôi đã có sẵn rượu của tôi rồi. Tôi để chai rượu của họ trên mặt tủ, cùng với các món quà của những người khác. Bữa cơm xảy ra trong một bầu không khí vui vẻ và lịch sự. Ăn xong mọi người ra về, ai cũng khen tôi nấu ăn ngon và tiếp khách lịch sự. Chỉ riêng vợ chồng anh trẻ thì khi đi về anh ta mang chai rượu của anh ấy về luôn! Tôi thật sửng sốt. Tôi nghĩ anh ấy mang biếu tôi thì chai rượu ấy thuộc về tôi. Tôi muốn uống lúc nào thì uống chứ đâu có bắt buộc phải uống trong bữa ăn ấy. Vì không uống cho nên anh ấy mang về? Mấy người kia, người thì cho hoa, người thì cho trái cây, người thì cho bánh, tôi có dọn mấy món ăn ấy ra đâu mà lúc về họ cũng vẫn để lại cho tôi, đâu có mang về. Bà có thể giải thích cho tôi cái thủ tục lịch sự nó như thế nào không? Cám ơn bà.

Bà Ba Phải trả lời:

Tôi thấy rằng trong chuyện này, cả ông và những khách mời của ông đều biết phép xã giao trong việc xử thế. Chỉ riêng hai vợ chồng trẻ kia là hơi có điều không được chỉnh cho lắm. Khi đã đem đồ tới biếu ai thì đồ ấy là của người ta. Người ta muốn uống chai rượu đó lúc nào là tùy ý không bắt buộc phải dùng ngay trong bữa cơm ấy. Tôi nghĩ rằng có hai giả thuyết. Một là họ còn trẻ chưa giao thiệp nhiều cho nên họ hơi bị cảm thấy xúc phạm khi ông không dùng chai rượu ấy trong bữa ăn vì ông chê chai rượu không đủ sang để đáng được uống trong bữa cơm thịnh soạn này. Vì thế họ lấy lại. Hoặc là họ nghĩ là họ mang rượu tới để uống, mà nay ông không cần đến thì họ mang về. Thôi, chẳng nên phiền hà họ, cứ cho rằng họ thiếu kinh nghiệm đi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT