Thế Giới

Chuyến đi Hiroshima của Obama gợi nhắc quyết định thả bom của Truman

Thursday, 19/05/2016 - 11:06:18

Cho đến lúc đó, ông Truman không biết gì về Dự Án Manhattan nhằm chế tạo trái bom nguyên tử đầu tiên của thế giới, mặc dù ông là phó tổng thống của Roosevelt và là một cựu nghị sĩ nổi tiếng nhờ việc điều tra về các hợp đồng quốc phòng trong thời chiến.

Hình chụp một trong hai trái bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản năm 1945. Sau nhiều năm được lưu trữ tại Hoa Thịnh Đốn, và được thương lượng về cách thức trưng bày, bức hình này sẽ được tặng lại cho Bảo Tàng Viện Hòa Bình Hiroshima trong mấy tuần sắp tới. (Nicholas Kamm/ Getty Images)

 

Chuyến viếng thăm Hiroshima của Tổng Thống Barack Obama trong tuần sau đã khơi lên một cuộc tranh cãi đầy cảm tính về việc lựa chọn tạo nên thời đại của cố tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman, khi ông quyết định thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima.

Vào ngày 25 tháng 4, 1945, cách 13 ngày sau khi cái chết của tổng thống Franklin Roosevelt đưa đến việc Truman vào Tòa Bạch Ốc, vị tổng tư lệnh mới này nhận được một thông báo tối mật gây sửng sốt.
Trong một bản ghi nhớ được trao tận tay, bộ trưởng quốc phòng Henry Stimson nói, “Trong vòng bốn tháng nữa, hầu chắc chúng ta sẽ hoàn thành một vũ khí khủng khiếp nhất từng được biết đến trong lịch sử nhân loại. Đó là một trái bom có thể phá hủy nguyên cả một thành phố.”

Cho đến lúc đó, ông Truman không biết gì về Dự Án Manhattan nhằm chế tạo trái bom nguyên tử đầu tiên của thế giới, mặc dù ông là phó tổng thống của Roosevelt và là một cựu nghị sĩ nổi tiếng nhờ việc điều tra về các hợp đồng quốc phòng trong thời chiến.

Trong vòng bốn tháng, trái bom nguyên tử đã được thử nghiệm một cách thành công, các mục tiêu đã được lựa chọn, hai trái bom “Little Boy” và “Fat Man” được thả xuống Hiroshima và Nagasaki, giết chết khoảng 214,000 người, và Hoàng Đế Hirohito của Nhật Bản phải đầu hàng.

Tốc độ, hoàn cảnh, và hậu quả của quyết định của ông Truman vẫn còn gây ra tranh cãi.
Điều đó cũng đúng tại Nhật Bản, nơi mà đa số những người đón tiếp ông Obama vẫn tin rằng việc thả bom hàng loạt xuống các thường dân là không cần thiết và thậm chí là một tội ác.

Trong khi đó các bình luận gia lo lắng rằng chuyến đi của ông Obama chẳng khác nào là một sự nhìn nhận tội lỗi, nên họ kêu gọi ông đừng xin lỗi.

Wilson Miscamble, một giáo sư sử học tại đại học Notre Dame University, viết, “Khi ông Obama đến thăm Hiroshima vào ngày 27 tháng 5, ông không nên đặt khoảng cách giữa ông và Harry Truman. Thay vì vậy, ông nên vinh danh vị tổng thống này đã làm những hành động để kết thúc một cuộc chiến tranh khủng khiếp.”

Vào cuối mùa xuân năm 1945, các lực lượng của Mỹ và Nga gặp nhau tại sông Elbe, Adolf Hitler bị bao vây, và cuộc chiến ở Âu Châu đã kết thúc.

Nhưng Thái Bình Dương còn gây ra tổn thất nhân mạng còn nhiều hơn nữa.
Nhật Bản không tỏ dấu hiệu đầu hàng, mặc dù chịu tổn thất nặng nề, và thất bại dường như là không thể nào tránh khỏi.

Theo sử gia và tác giả tiểu sử David McCullough cho biết, vào thời điểm đó không có một đơn vị nào của Nhật Bản đầu hàng trong cuộc chiến.

Đối với ông Truman, một cựu chiến binh của cuộc Đại Chiến Thế Giới Thứ Nhất, trái bom ấy trước hết dường như cung cấp một cách thức giúp Hoa Kỳ tránh khỏi một cuộc xâm lăng vào lãnh thổ Nhật Bản.
“Chiến Dịch Downfall,” như cuộc xâm lăng trên đất liền ấy được mệnh danh, có thể huy động ít nhất một triệu lính Mỹ và 2.5 triệu lính Nhật.

Với những trận đánh vừa mới xảy ra ở Okinawa và Iwo Jima còn nguyên trong tâm trí, các nhà hoạch định quân sự Mỹ cho rằng chiến dịch ấy sẽ làm chết một triệu người và mở rộng chiến tranh thêm một năm hoặc nhiều hơn nữa.

Vào cuối tháng Bảy, khi trái bom đã được thử nghiệm thành công, ông Truman đã cho Nhật Bản một cơ hội cuối cùng.

Ông gặp Joseph Stalin và Winston Churchill ở Potsdam. Cả ba nhà lãnh đạo kêu gọi Tokyo “đầu hàng vô điều kiện,” nếu không thì phải đối diện “với sự hủy diệt nhanh chóng và hoàn toàn.”
Các đồng minh háo hức chờ đợi một lời hồi đáp, do thủ tướng Nhật Bản Kantaro Suzuki đưa ra.
“Mokusatsu,” ông Suzuki nói như vậy, khi được các phóng viên hỏi, dùng một từ ngữ mà sau này trở thành tiếng xấu.

Từ ngữ này có nghĩa là “không bình luận,” nhưng trong trường hợp này lại được dịch là “không đáng được bình luận.”

“Các giới chức Hoa Kỳ Mỹ bị chọc tức bởi giọng điệu của lời ông Suzuki nói, và rõ ràng họ coi đó là một ví dụ điển hình của tinh thần Banzai và Kamikaze cuồng tín. Vì vậy họ quyết định chọn các biện pháp nghiêm khắc.” Một bản báo cáo của Cơ Quan An Ninh Quốc gia, về mối nguy hiểm của việc dịch sai, sau đó đã lưu ý như vậy.

Trong nhóm nội bộ của ông Truman, đã có những người lên tiếng chống lại việc sử dụng bom, trong số đó có ông Dwight Eisenhower, vị tổng thống tương lai của Mỹ, lúc đó là một vị tướng thời chiến tranh.
Sau này ông Eisenhower có viết, “Tôi là một trong những người cảm thấy rằng có một số lý do đủ sức thuyết phục để đặt câu hỏi về tính cách khôn ngoan của một hành động như vậy.”

Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy rằng ông Truman đã nghiêm túc xem xét việc bỏ đi những thành quả của một chương trình tốn $2 tỷ, mà ông Roosevelt đã nuôi dưỡng trong bí mật trong nhiều năm.
Hầu chắc ông coi thứ vũ khí như là một một sự mở rộng khủng khiếp, nhưng hữu ích, của các loại vũ khí quy ước vốn đã là khủng khiếp rồi.

Dường như cũng không có một sự công nhận rằng việc thả trái bom ấy sẽ là chất xúc tác cho một cuộc chạy đua vũ khí với Nga Sô sẽ định hình nửa thế kỷ kế tiếp.

Khi trái bom được thả xuống, ông Truman ít đề cập lập tức đến số lượng thường dân thương vong. Cách mấy ngày sau đó, thậm chí ông còn mô tả Hiroshima là một “căn cứ quân sự,” gây ra những câu hỏi về chuyện ông có nhận ra được tầm mức của sự hủy diệt hay không.

Nhưng Tòa Bạch Ốc nhanh chóng ngăn chặn những lời gợi ý rằng ông Obama sẽ xem xét lại một vấn đề rộng lớn hơn, đó là có nên thả trái bom ấy hay không.

Khi được hỏi rằng ông Obama sẽ đưa ra quyết định tương tự như Truman hay không, phụ tá và phát ngôn viên Josh Earnest nói, “Tôi nghĩ rằng điều mà tổng thống sẽ nói là thật khó mà đặt mình vào vị trí đó từ phía bên ngoài.” Ông Earnest nói, “Tôi nghĩ rằng điều mà tổng thống đánh giá cao là Tổng Thống Truman đã đưa ra quyết định này vì những lý do đúng. Tổng Thống Truman đã được tập trung vào các lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ ... vào việc làm chấm dứt một cuộc chiến tranh khủng khiếp. Và khi Tổng Thống Truman làm quyết định này, ông hoàn toàn ý thức được những tổn thất về nhân mạng có lẽ sẽ xảy ra.”

“Tôi nghĩ rằng khó mà nhìn lại và phỏng đoán quá nhiều về chuyện đó.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT