Thế Giới

Chuyện đóng thuế, giảm thuế, và ma túy đối với nền kinh tế Mỹ

Vanessa White/Viễn Đông Friday, 23/12/2011 - 09:15:53

Các nhà lập pháp có đến ngày 31-12-2011, để triển hạn giảm thuế, nếu không những mức thuế tiền lương sẽ tăng lên 2 phần trăm vào ngày 1-1-2012.

Vanessa White/Viễn Đông


Ông Derek Beaton ở Redding, California, đứng biểu tình trước tòa nhà chính quyền Quận Shasta hôm 13-12-2011; trong một cuộc họp cùng ngày, hội đồng giám sát quận hạt này đã cấm những địa điểm phân phối cần sa trị liệu. Biểu ngữ của ông Beaton: “Một Cựu Chiến Binh Hãnh Diện - Tôi đã chiến đấu cho đất nước tôi, nay tôi phải chiến đấu cho thuốc men của tôi!”. Cuộc tranh luận về hợp thức hóa cần sa trị liệu đã trở nên rất sôi nổi trên chính trường ở nhiều địa phương tại Hoa Kỳ, nhất là California - ảnh: Andreas Fuhrmann/The Record Searchlight.

WASHINGTON – Hạ Viện Hoa Kỳ đã đạt tới một thỏa thuận về chuyện có triển hạn hay không việc cắt giảm thuế, đem lại lợi ích cho 160 triệu người lao động Mỹ. Đã được Thượng Viện thông qua, biện pháp này sẽ gia hạn việc giảm thuế lương bổng thêm ít nhất hai tháng nữa. Các nhà lập pháp có đến ngày 31-12-2011, để triển hạn giảm thuế, nếu không những mức thuế tiền lương sẽ tăng lên 2 phần trăm vào ngày 1-1-2012. Điều này khiến cho một gia đình trung bình của Hoa Kỳ có thể mất đi 1.000 Mỹ kim trong năm tới.
Mặc dù tin tức do các phương tiện truyền thông chính lưu đưa ra đều tập trung vào những trở ngại Quốc Hội gặp phải khi tìm cách thỏa hiệp về những khoản cắt giảm thuế, nhưng giới truyền thông lại ít đưa tin về chuyện một số trong những đồng Mỹ kim tiền đóng thuế đang đi về đâu, hoặc số tiền ấy được sử dụng như thế nào để tài trợ cho các chương trình.
Chẳng hạn, trong tuần qua, nhật báo Viễn Đông có đưa tin về chuyện Cơ Quan Thực Thi Công Lực Ma Túy (DEA) giúp đỡ cho những băng đảng buôn bán ma túy rửa tiền lên tới hàng triệu Mỹ kim. Các viên chức Mỹ chuyển lén tiền xuyên qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico, hy vọng tìm hiểu được cách thức các băng đảng ma túy sử dụng tiền bạc, cất giữ tiền, và ai là những kẻ đầu sỏ. Để đạt được mục tiêu này, DEA có thể cho phép các hoạt động ma túy tiếp tục diễn ra trong nhiều tháng hoặc mấy năm, trước khi ra tay bắt một tội phạm.
Vì DEA được tài trợ bằng những đồng Mỹ kim tiền đóng thuế, nên dân Mỹ đang gián tiếp hỗ trợ cho việc buôn bán ma túy, trong khi các giới chức DEA hy vọng tóm cổ được những nghi can mà họ đang tài trợ cho công tác ấy.
Được tài trợ bởi DEA, những hoạt động ma túy cho phép ma túy lọt vào đất Mỹ, và những người bán ma túy ngoài đường phố lại không bị đóng thuế, vì việc bán và sở hữu ma túy bị chính phủ liên bang Hoa Kỳ coi là bất hợp pháp. Đồng thời chính phủ Mỹ cũng tài trợ cho “Cuộc Chiến Chống Ma Túy”, trong đó có việc hình sự hóa ma túy và tống giam những người nào sở hữu và buôn bán ma túy.

Tài trợ cho nhà tù, “Cuộc Chiến Chống Ma Túy”

Theo Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cho biết, trong số hơn 2 triệu người bị giam tù ở Mỹ, có khoảng 500.000 người bị giam vì những vi phạm liên quan tới ma túy. Việc tài trợ cho các nhà tù tiểu bang – trong đó có các tại giam bên trong hệ thống Nha Cải Huấn và Phục Hồi của California (CDRC) – phát xuất từ những người đóng thuế.
Từ khi cựu Tổng Thống Richard Nixon tuyên bố một “Cuộc Chiến Chống Ma Túy” trong năm 1971, thì gánh nặng càng ngày càng chồng chất thêm trên giới thọ thuế toàn quốc, vì số lượng tù nhân tăng lên trong khi tình trạng nghiện ngập không giảm xuống, theo ông Kyle Kazan, cựu chuyên viên nhận diện ma túy và cựu cảnh sát viên thuộc Sở Cảnh Sát Torrance, cho biết. Trong một cuốn phim tài liệu năm 2011, mang tựa đề “Dự Án Quốc Gia Lưu Vong: Một lịch sử truyền khẩu của Cuộc Chiến Chống Ma Túy”, ông Kazan nói rằng cần sa (marijuana) là nguồn thu hoạch tiền bạc số một của California, và tiểu bang này đang kiếm được rất ít tiền trong chuyện này.
Luật pháp Califoria cho phép những người mắc những bệnh, như ung thư, đau nhức kinh niên và chứng lo âu, được quyền sở hữu cần sa y tế để xoa dịu những hội chứng của họ. Tại một số thành phố, trong đó có Garden Grove, có những cơ sở phân phối marijuana trị liệu, ở đó những người mắc những chứng bệnh ấy có thể mua ma túy từ những người bán.
Tuy nhiên, một đạo luật liên bang làm cho việc bán hoặc sở hữu bất cứ loại ma túy nào cũng trở thành bất hợp pháp. Vì vậy những cơ sở phân phối cần sa trị liệu ấy gặp phải nguy cơ bị đóng cửa. Ông Kazan nói: “[Cần sa] gây tốn kém tiền bạc của chúng ta, vì chúng ta vẫn còn chiến đấu chống lại nó”. Ông nói thêm rằng nguồn kiếm tiền đứng hàng thứ nhì của California là nho. “California hốt bạc là nhờ nho”.
Trước khi Dự Luật 19 thất bại, tức là trong cuộc biểu quyết hồi tháng 11 năm 2010, mà lẽ ra sẽ hợp pháp hóa cần sa ở California, Hội Đồng Thuế Vụ California ước tính rằng mỗi năm xảy ra ở California những cuộc giao dịch mua bán cần sa trị giá 14 tỉ Mỹ kim. Nếu bị đánh thuế, tiểu bang lẽ ra đã có thể kiếm được thu nhập lên tới 1,4 tỉ Mỹ kim, góp phần vào những chi phí gia tăng của chăm sóc y tế, giáo dục và vận chuyển. Ông Kazan nói rằng tiểu bang cần tiền, thế mà những chính sách về ma túy lại thất bại. “Đối với tôi, [việc hợp pháp hóa cần sa] trông như một giải pháp khá rõ ràng”. - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT