Tiêu Thụ

Chuyện gì xảy ra khi vay công mượn nợ

Eric Trần/Viễn Đông Saturday, 28/04/2012 - 03:39:52

Sau nữa, bài viết cũng chỉ đề cập đến những gì phải làm với lương tri và hiểu biết bình thường của một người dân, một người tiêu thụ sống trong một xã hội trọng pháp.

Eric Trần/Viễn Đông

Nợ nần thời nào cũng có. Ở Việt Nam trước đây, những người phải đi vay công mượn nợ thường mang nhiều mặc cảm và bị xã hội chê trách. Họ được ví như “Chúa Chổm”, một bậc vương hầu ăn trên ngồi trốc, mà chẳng có ai hãnh diện với cái danh xưng ấy cả. Nhưng ở các quốc gia phát triển, điển hình như Hoa Kỳ bây giờ, nợ nần lại là một thước đo uy tín. Xã hội càng phát triển thì sinh hoạt vay mượn càng được qui tắc hóa, trở thành một kỹ nghệ nền tảng của kinh tế quốc gia.. Ở đây, người ta không gọi là vay công mượn nợ mà gọi là tín dụng, tức là nhấn mạnh đến cái uy tín của người đi vay tiền: Uy tín lớn có thể vay tiền lớn, uy tín nhỏ vay tiền nhỏ; từ từ xây dựng thì nhỏ cũng có lúc thành lớn; lạm dụng uy tín - như vay tiền mà không trả đúng hạn – thì lớn sẽ biến thành nhỏ; Quịt luôn không trả thì hết sạch uy tín... Và chẳng mong mở miệng ra vay mượn ai được nữa.
Nói chữ quịt nợ là nói với cái ý chê trách người vay không chịu trả. Nhưng xét về một phương diện khác, nhiều con nợ là nạn nhân của hoàn cảnh, không trả được tiền đã mượn là một điều bất khả kháng. Nhưng ở đây chúng ta không có ý phân tích ý nghĩa đạo lý của tình trạng “quịt nợ”. Bởi vì, đáng thương hay đáng trách chỉ có lương tâm người trong cuộc mới phán đoán được mà thôi. Bài này chỉ nói đến những sự kiện khách quan: Vay tiền không trả được thì chuyện gì sẽ xảy ra? Sau nữa, bài viết cũng chỉ đề cập đến những gì phải làm với lương tri và hiểu biết bình thường của một người dân, một người tiêu thụ sống trong một xã hội trọng pháp.
Trong những xứ sở chậm phát triển thì câu trả lời mọi người ắt sẽ nghĩ đến khi vay mượn không trả, đó là bị xử theo luật giang hồ, sẽ được thấy “xã hội đen” đến đe dọa và thanh toán. Nhưng ở một xã hội trọng pháp thì chúng ta có thể tiên đoán sự việc sẽ diễn tiến như sau:
1. Nếu trả tiền không đúng hạn thì chủ nợ sẽ phạt vì trả trễ, cộng với tiền lời tích lũy theo số ngày trễ. Để xảy ra như vậy thật là một điều không hay, nhưng nếu không trễ quá 30 ngày thì sự sơ sót này không ảnh hưởng gì đến uy tín của bạn, vì sự việc vẫn còn được giữ trong nội bộ giữa chủ nợ và con nợ mà thôi.
2. Tuy nhiên, nếu không được giải quyết kịp trong thời hạn 30 ngày, mà chậm trễ tới trên 2 tháng thì chủ nợ sẽ báo cáo sự việc cho Credit Bureau, tức là những cơ quan theo dõi lý lịch trên thị trường tín dụng: Tới mức này uy tín bạn sẽ bị giảm sút đáng kể, thể hiện qua việc điểm tín dụng có thể bị trừ tới hàng trăm điểm. Tình trạng này khiến bạn “mất mặt” một cách công khai, làm cho việc giao dịch về tài chánh trở nên khó khăn hơn nhiều phần. Bây giờ mỗi khi tự giới thiệu danh tính và lai lịch của mình (xuyên qua việc tiết lộ số An Sinh Xã Hội) thì mọi chủ nợ đều biết về cái điểm không hay đó, và sẽ cọi bạn là “một sự rủi ro” (a potential risk). Nói một cách khác, chơi với bạn, người ta không yên trí. Hậu quả là, ít chủ nợ nào dám xuất tiền cho mình vay, hoặc chỉ cho vay với lãi suất thật cao để đề phòng trường hợp bị... quịt
3. Quịt nợ là mức độ tồi tệ nhất, khi con nợ tỏ dấu hiệu rõ ràng là vĩnh viễn không trả nợ. Khi đó chủ nợ sẽ có 1 trong 2 phản ứng:
- Phản ứng tiêu cực: Chủ nợ coi như mất trắng số tiền đã cho vay. Họ không còn muốn nhắc nhở đến nó nữa, nên chuyển hồ sơ sang cho các công ty chuyên môn đòi nợ được gọi chung là Collection, rồi để cho các công ty này đòi được đến đâu thì đòi. Đối với con nợ, có hồ sơ bị chuyển sang Collection thì coi như uy tín chỉ hơn zero mấy số lẻ mà thôi.
- Phản ứng tích cực: Chủ nợ vẫn còn cay cú về món tiền bị quịt, nên quyết định ăn thua đủ, và chính thức kiện con nợ trước tòa án dân sự. Khi đó, vận mệnh con nợ sẽ nằm trong phán quyết của tòa án. Nếu tòa phán món nợ không có giá trị thì coi như xù hẳn món nợ, con nợ “come clean”, nghĩa là phục hồi được tư cách trong trắng... trước pháp luật. Chỉ nói trước pháp luật mà thôi, còn trước lương tâm thì sao? Xin để câu trả lời cho lương tâm của từng người! Còn nếu tòa tuyên bố phải trả nợ, tức là có “judgment”, thì quả là rắc rối: Con nợ sẽ phải đối diện với nhiều hậu quả phức tạp khác...
Trên đây là một cái nhìn sơ lược về những gì sẽ xảy ra khi vay mượn, và nhất là khi vay mượn không trả… Vay mượn chẳng những không phải là điều xấu mà trái lại nó còn cần thiết để khẳng định uy tín của chúng ta. Tuy nhiên, cần phải vay mượn trong khả năng hoàn trả, nghĩa là mượn tiền tiêu xài trước rồi trả sau, hay tiêu xài trả ngay tại chỗ… Tất cả vẫn là tiêu tiền của mình. Nghĩ rằng có tấm thẻ tín dụng trong tay tức là mình có quyền tiêu xài tiền của người khác thì rốt cuộc thế nào cũng lâm vào những tình cảnh rắc rối hơn.

Erictran15751@gmail.com


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT