Thể Thao

Chuyện huấn luyện viên từ bên Tây qua bên Tàu

Monday, 20/03/2017 - 10:32:07

Ông Ranieri bị đẩy đi rồi thì Leicester đấu lượt 2 với đương kim vô địch Europa League của mùa bóng 2015-16 và loại được anh đương kim vô địch này. Dư luận chung bên Anh và trong giới huấn luyện viên rất bất mãn về việc đám chủ Leicester cách chức ông Ranieri.

Bài THANH NGUYỄN

Mùa bóng đá bên Âu châu, ngoại trừ nhóm La Liga bên Tây Ban Nha, đến tháng Năm là chấm dứt. La Liga vì khai trương mỗi mùa trễ hơn một tháng cho nên cũng kết thúc trễ hơn một tháng sau khi Premier League, Ligue 1, Bundesliga và Serie A kết thúc. Và ấy là nói về năm nhóm câu lạc bộ bóng đá hàng đầu Âu Châu, nhưng rồi đối với tất cả các nhóm câu lạc bộ khác bên đó, từ cao đến thấp, cũng đều bắt đầu và kết thúc không quá khung thời gian từ tháng Tám năm này qua tháng Năm hoặc chậm hơn một chút của năm sau.


Ngày thứ Bảy, sau khi có chiếc máy bay kéo theo biểu ngữ trên trời yêu cầu cách chức huấn luyện viên Arsene Wenger (hàng chữ trên) thì một chiếc máy bay khác kéo theo biểu ngữ với hàng chữ "Chúng tôi đặt niềm tin nơi ông Arsene” (dưới).

Đến thời điểm này, vì thứ bậc các đội trong mỗi nhóm đều đã bắt đầu định hình cho nên đội nào thành công, đội nào thất bại thì cũng như từ lúc mặt trời ló dạng trong ngày cho đến quá giữa trưa thì mọi vật đều càng lúc càng thêm sáng tỏ. Thành công đối với những đội trên cùng là làm sao đứng cho được từ hạng 6 trở lên khi mùa bóng kết thúc, mà lý tưởng, ngoài việc đoạt giải vô địch trong nước, là làm sao đứng cho được hạng Tư để được coi như thuộc hàng "vô địch" và được tham dự giải cao nhất của Âu châu là UEFA Champions League cho mùa bóng năm sau. Còn thất bại là khi đến cuối mùa chẳng may lọt vào nhóm ba đội cuối cùng để bị đẩy ra khỏi nhóm câu lạc bộ bóng đá hàng đầu.

Từ giai đoạn này do đó mà mỗi đội đều ráo riết bàn tính kế hoạch thay đổi nhân sự, từ cầu thủ cho đến huấn luyện viên. Cụ thể nhất như trường hợp đương kim vô địch của Premier League là Leicester từ mùa bóng 2015-16, qua mùa 2016-17 vừa mới đây tụt xuống hạng 17, mấp mé bên bờ vực, thì đám chủ đã sa thải ông huấn luyện viên người Ý Ranieri cho dù lúc đó Leicester đang có hy vọng lọt vòng 16 Europa League ở lượt 1.

Ông Ranieri bị đẩy đi rồi thì Leicester đấu lượt 2 với đương kim vô địch Europa League của mùa bóng 2015-16 và loại được anh đương kim vô địch này. Dư luận chung bên Anh và trong giới huấn luyện viên rất bất mãn về việc đám chủ Leicester cách chức ông Ranieri.

Vừa mới đây, một hệ thống truyền hình bên Pháp phỏng vấn ông Prandelli là cựu huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Ý xem có đúng là đám chủ Leicester đã mon men dò hỏi ông ta xem có muốn làm huấn luyện viên cho Leicester hay không thì ông ta nói, “Có, và tôi đã lập tức trả lời ngay là không muốn vì cứ xem cái cách người ta đối xử với ông Ranieri.”

Leicester tạm để cho phụ tá của ông Ranieri là Shakespeare giữ chức huấn viên viên cho đến hết mùa vì sau khi ông kia ra đi thì Leicester đã từ hạng 17 mon men lên được hạng 15. Vấn đề là đội ngũ thì cũng vẫn đội ngũ đó, và kế hoạch tác chiến thì ông Shakespeare vẫn duy trì đường lối của ông thầy cũ của mình! Trớ trêu là vậy!

Hậu vận của Bacelona mùa này ra sao đối với giải Copa Del Rey trong nước sẽ vào chung kết  chức vô địch La Liga trong nước chờ kết thúc mùa bóng, và giải Champions League của Âu châu ở vòng tứ kết sắp tới thì còn hạ hồi phân giải, thế nhưng ông huấn luyện viên Luis Enrique đã tuyên bố từ cả tháng nay là dút mùa bóng này ông ta sẽ rũ áo! Rũ áo trong khi Barcelona chẳng có vẻ gì như con tàu đang gặp phong ba bão táp. Có khi ông Enrique này nắm bắt được thứ chân lý đã có tự muôn đời, ai nấy đều tự cho rằng mình "biết mà" nhưng chẳng mấy ai theo là "khi thành công thì nên liệu biết đường mà ngừng lại trước khi rơi vào cái thế phải ngừng lại"!

Và tin mới nhất từ bên Ý cho biết là nghe đâu đám chủ của Barcelona đã qua bên Ý "dạm ngõ" Signor -tiếng Ý để chỉ chữ "Ngài" hoặc "Ông" theo nghĩa kính trọng - Signor Massimilliano Allegri, hiện là huấn luyện viên đội hàng đầu Juventus, và ướm hỏi đương sự xem có muốn bỏ Juventus qua làm huấn luyện viên cho Barcelona với cái hợp đồng ba năm theo mức lương tương đương sơ sơ $8.6 triệu Mỹ kim hay chăng! Chưa có tin gì về việc Signor Allegri trả lời trả vốn gì, tuy con số $8.6 triệu kia nghe ra cứ như thể một thứ "tin vịt" vì Allegri về với Juventus năm 2014 với hợp đồng đầu tiên cho hai năm theo mức lương tương đương $2.15 triệu Mỹ kim một năm!

Còn theo như tin tức bên Barcelona sau ngày Luis Enrique tuyên bố rũ áo thì người ta đã có ý đề bạt phụ tá Juan Carlos Unzue của Enrique lên thay thế một khi ông kia ra đi! Mà cũng lại còn một chuyện lớn nữa là tới đây sẽ có vòng tứ kết Champions League giữa Barcelona với Juventus chứ chẳng ai khác! Juventus thắng thì Signor Allegri còn có giá, chứ còn nếu nó bị Barcelona loại khỏi giải thì chắc chắn giá Signor Allegri sẽ tụt như hàng Tết sau Tết!

Bên Anh thì áp lực của đám fans đội Arsenal đang muốn nhóm chủ Arsenal không tái tục hợp đồng với huấn luyện viên người Pháp Arsene Wenger khi kết thúc mùa bóng, cho dù ông ta đã lèo lái đội này từ trên 20 năm nay, và cho dù người ta đã lập sẵn cái hợp đồng gia hạn thêm hai năm, chỉ còn chờ ông Wenger ký vào đấy.

Hôm Chủ Nhật ông Wenger đã tuyên bố, "Tôi sẽ không quyết định đi hay ở chỉ vì kết quả một đôi trận cuối cùng (hôm thứ Bảy Arsenal thua West Brom 1-3 và tuần trước đó đã bị Bayern Munich loại khỏi giải Champions League với tỷ số rùng rợn cho cả 2 lượt đấu là 2-10), vì nếu xét về mặt thành quả thì ở đây 20 năm tôi đã không để cho Arsenal tụt xuống dưới hạng Tư cả 20 lần.”

Thiên hạ đồn đại là đám chủ Arsenal có ý muốn vời ông Tuchel của đội Borussia Dortmund bên Đức qua thay ông Wenger nhưng cũng có tin là ông người Đức Tuchel, cựu phụ tá của ông Klopp hiện cầm đầu Liverpool, đánh tiếng từ bên Đức là ông ta thích ở bên Đức để uống bia Đức hơn! Mà các fans của Arsenal thì cũng chưa hẳn đã đồng tâm nhất trí! Hôm thứ Bảy Arsenal đụng trận với West Brom, có một lúc có chiếc máy bay nhỏ bay trên cao kéo theo cái biểu ngữ phất phới sau đuôi với hàng chữ "Cho ông Wenger về vườn" thì lát sau lại một chiếc máy bay khác kéo theo cái biểu ngữ "Nên giữ ông Wenger"!
Trong khi đó, thời gian gần đây việc "thay quan đổi quan" trong hàng ngũ huấn luyện viên bên Tây Ban Nha xem ra là rôm rả nhất, tuy cũng như những nơi khác bên Âu châu là chỉ liên quan đến những đội không thuộc nhóm đầu bảng. Chẳng hạn như trong Premier League bên Anh thì địa vị mấy ông Conte đội Chelsea, ông Guardiola đội Manchester City, ông Mou đội Man U, ông Klopp đội Liverpool, ông Pochettino đội Tottenham đều tương đối yên ổn. Đặc biệt hai ông Klopp với Guardiola thì chả biết có phải vì "hạp tuổi" hay không nhưng mối giao hảo với nhau thì bấy nay lại hết sức mặn nồng, êm thắm tuy cả hai đội đều khi trồi khi sụt như nhau!

Trong trận hôm Chủ Nhật, cầu thủ đôi bên thay phiên mà đốn nhau kịch liệt khiến hai ông đứng bên bìa sân cứ thế vung tay vung chân, mồm la hét phản đối; nhưng có một pha đặc biệt hấp dẫn là khi cầu thủ Liverpool chơi bạo với cầu thủ Manchester City thì ông Guardiola nhảy nhổm, vung hai cánh tay lên trời, chạy bay đến chỗ ông Klopp, mồm la bài bải mà ở xa ta chỉ có thể đoán ông hét: “Cậu coi cái thằng của cậu nó tính đốn què cẳng thằng của tôi kìa,” nhưng rồi hai ông ôm chầm lấy nhau, cùng nhe răng cười vui vẻ! Sở dĩ có phản ứng khá "lạ lùng" như vậy là bởi sau trận đấu huề nhau 1-1 thì ông Guardiola tuyên bố "Hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đối với tôi từ xưa đến giờ"!

Cái gì mà lạ vậy? Và rồi mọi việc đều sáng tỏ khi ông ta gỉai thích, “Vừa bị Monaco nó loại ra khỏi giải Champions league thì cả đội chúng tôi buồn lắm. Bởi vậy mà nếu thua trận này nữa thì tức là cứ thế thua liên tục mấy trận liền. Hòa với nhau được như vậy (M.C. gỡ hòa 1-1 được vào phút thứ 65) là tôi mãn nguyện lắm rồi"! Đúng là ý nghĩa tương đối của hai chữ "hạnh phúc" nơi con người!

Phần ông Klopp thì ông này nói, "Lẽ ra thì chúng tôi có nhiều cơ hội thắng! Nhưng nói cho đúng ra thì bên nào cũng đã có thể thắng. Nhưng bây giờ đây mà báo chí các anh hỏi tôi thì tôi chưa cảm thấy vui cho lắm, nhưng cứ để thêm cho tôi vài tiếng đồng hồ nữa thì chừng đó tôi nghĩ là sẽ cảm thấy mãn nguyện." Hay thiệt!

Sau khi ông Ranieri bị cách chức rồi thì có tin bên Trung Quốc người ta rủ rê ông qua đấy. Thời bây giờ, cứ có cầu thủ hay huấn luyện viên nào có tí gì rắc rối ở đâu đấy bên Âu châu, Nam Mỹ hay Phi Châu là lập tức có tin các vị ấy sắm sửa hành trang để đi Trung Quốc! Vậy thì ta nói chuyện bên Trung Quốc!
Ở cái nước lớn "Cộng Hòa Nhân Dân" do trên 1.3 tỷ dân làm chủ dưới quyền ông chủ chính thức là Tập Cận Bình với chủ trương đưa bóng đá Trung Quốc lên hàng đầu thế giới "trong tương lai" thì người ta thường chỉ được tin là nơi đó người ta không tiếc tiền để mua sắm cầu thủ và huấn luyện viên quốc tế. Nhưng rồi mấy tháng trước đây thì lãnh đạo nước người ta thấy cái kiểu vung tiền ra như vậy là không xong về mặt "tai tiếng" với thế giới cho nên đã có lệnh định mức cho những số tiền được vung ra để mua cầu thủ ngoại nhân.

Kế đó có lệnh hạn chế cho mỗi đội trong 16 đội của Siêu Hội Túc Cầu Trung Quốc chỉ được tuyển tối đa ba cầu thủ ngoại quốc. Vậy chứ xưa giờ, tạm lấy thời điểm từ giữa thập niên 2000, đã có bao nhiêu cầu thủ ngoại quốc lai vãng trên đất Trung Quốc? Không dưới 800 - tám trăm- từ khắp năm châu! Con số hiện nay, sau khi có chủ trương các cặp vợ chồng bên đó được phép có đến hai con và 16 đội bóng đá trong Siêu Hội chỉ được tuyển tối đa ba ngoại nhân thì số cầu thủ ngoại quốc của 16 đội là 78, là con số có lẽ 16 đội đang trong quá trình tìm cách điều chỉnh lại chăng, vì 78 chia cho 16 là gần 5?
Nhưng ta xoay qua con số các huấn luyện viên người nước ngoài của cả 16 đội trong Siêu Hội:

Đội Beijing Sinobo Gouan : HLV José Gonzalez người Tây Ban Nha.
Đội Chanchun Yatai : HLV Lee Jang Soo (Nam Hàn)
Đội Chongking DangdaiLifan : HLV Chang Woe Ryong (Nam Hàn)
Đội Guangzhou Evergrande Taobao : HLV Luis Felipe Scolari (TBN)
Đội Guandzhou : HLV Dragan Stojkovic (Yugoslavia)
Đôi Guizhou Henfeng Zhisheng : Li Bing (Trung Quốc)
Đội Hebei : HLV Manuel Pellegrini (Chile - cựu HLV Manchester City)
Đội Henan Jianye : HLV Jia Xiuquan (TQ)
Đội Jiangsu Suning : HLV Choi Yong Soo (Nam Hàn)
Đội Laioning Whowin : HLV Ma Lin (TQ)
Đội Sahndong Lunen Taishan : HLV Felix Magath (Đức)
Đội Shanghai Greenland Shenghua :HLV Gus Poyet (Uruguay)
Đội Shanghai SIPG : HLV Andre Villas Boas (Bồ Đào Nha)
Đội Tianjin Quanjian : HLV Fabio Canavaro (Ý)
Đội Tianjin Teda : HLV Jaime Pacheco (Bồ)
Đội Yanbian Funde : HLV Park Tae Ha (Nam Hàn)

Ta chỉ cần nhìn vào con số 13 huấn luyện viên ngoại quốc trong số 16 huấn luyện viên của 16 đội thuộc Siêu Hội Túc Cầu TQ thì dễ có ngay ý niệm là chừng nào thì bóng đá "nước lớn" này sẽ có thể chen vai thích cánh với những đội banh hàng đầu thế giới. Trong khi chờ đợi thì đội bóng quốc gia TQ hẵng cứ đứng hạng thứ 86 trên thế giới theo bảng xếp hạng của FIFA cái đã. Và huấn luyện viên của đội tuyển chóp bu đó hẵng vẫn cứ là ông Marcello Lippi 68 tuổi người Ý cái đã!

Câu hỏi tất yếu là một "nước lớn " với trên 1.3 tỷ dân mà sao không tìm đâu ra được cho đủ 16 đội x 24 cầu thủ chính thức lẫn dự bị trung bình cho mỗi đội trong cái Siêu Hội nọ, cộng thêm 16 huấn luyện viên người gốc Hán "cho ra thể thống một nước lớn"?

Câu trả lời hết sức giản dị: Đá banh loại nhà nghề, cấp thế giới, coi vậy chứ đâu có phải như chuyện đám trẻ kéo nhau ra đường phố hay một sân đất trống nào đấy để mà đấu rồi tự mình xưng hùng xưng bá? Bởi thế mà trong giới bình luận bóng đá Âu Tây đã có người có phen phát biểu: "Bóng đá Trung Quốc sao cho được hiện đại hả? Vui lòng chờ đấy chừng nửa thế kỷ nữa.”

Nhưng e chừng nó cục diện của cả cái "nước lớn" kia cũng đã thay đổi chứ đừng nói gì đến bóng đá!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT