Đời Sống Việt

Chuyện kể bên bàn cơm: Tái thiết quá khứ với Khoa Đỗ, đạo diễn phim ‘Footy Legend’

Thursday, 10/04/2014 - 10:50:24

Tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này theo phương pháp lịch sử truyền khẩu, và đặt cuộc phỏng vấn này - cũng như những cái nhìn mà đạo diễn Khoa đã diễn đạt - song song với những tư tưởng học thuật về phương diện sắc tộc có giới tính hóa, và những thành phần xã hội bị/được sắc tộc hóa. Cuộc đối thoại này

Trangđài Glassey-Trầnguyễn phỏng vấn (tiếng Anh), hiệu đính, và chuyển ngữ
Olivier Glassey-Trầnguyễn thu hình và phiên âm



Đỗ trong cuộc phỏng vấn
 
Ghi Chú Của Tác Giả: Tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này theo phương pháp lịch sử truyền khẩu, và đặt cuộc phỏng vấn này - cũng như những cái nhìn mà đạo diễn Khoa đã diễn đạt - song song với những tư tưởng học thuật về phương diện sắc tộc có giới tính hóa, và những thành phần xã hội bị/được sắc tộc hóa. Cuộc đối thoại này là một phần của những cố gắng liên lỉ và xu hướng chiêm niệm của cá nhân tôi, nhằm nối kết học thuật và cộng đồng. Tuy sinh hoạt kiến thức xem chừng xảy ra ở các khuôn viên đại học và các giảng đường, tất cả kiến thức đều thực sự khởi đi từ đời sống con người – những đời sống ngay trong chính cộng đồng của chúng ta. Và tôi chỉ có thể nói rằng nhà đạo diễn trẻ này còn có nhiều điều để gửi đến quý bạn hơn là trích đoạn bạn sắp đọc bên dưới. Chắc chắn bạn sẽ mỉm cười vài lần. Tôi cảm ơn đạo diễn Khoa Đỗ đã không nề hà để chia sẻ những suy nghĩ riêng tư và trực tiếp nhất của mình. Tôi cảm ơn Nhiếp ảnh gia Olivier Glassey-Trầnguyễn đã hỗ trợ, tận lực giúp đỡ, và cộng tác với tôi trong cuộc phỏng vấn và bài viết này. Tôi đã không hoàn tất bài viết này được nếu Olivier đã không tận tụy quay hình và phiên âm cuộc phỏng vấn suốt mấy ngày trời. Tôi cảm ơn Anh cho cuộc phỏng vấn này, và nhiều nữa.

Tóm Tắt Nội Dung Phim (Trangđài soạn): “Tình Như Thủ Túc” (do TGT dịch từ tên tiếng Anh “Footy Legend”) là cuốn phim dài đầu tay của đạo diễn Khoa Đỗ, từng chiếm nhiều giải thưởng điện ảnh. Đây là câu chuyện của Lực Vũ, một thanh niên Úc gốc Việt có niềm đam mê bóng đá và sống tại vùng ngoại ô phía Tây của Sydney. Thất nghiệp và đang đối diện với nguy cơ không được chăm sóc cho em gái mình nữa, Lực tụ họp các bạn cũ từ đội banh ở Trường Trung Học Yagoona - những người cũng đối diện với những vấn đề xã hội như thất nghiệp dài hạn, nghiệp ngập, những hậu quả của việc có con ở tuổi teen - và thắng giải Holden Ute và được hợp đồng quảng cáo cho hãng Lowes Menswear. Phim hài hước được lồng vào những vấn nạn xã hội nghiêm túc đang ảnh hưởng miền Tây Sydney.

Trangdai Glassey-Tranguyen (TGT): Đây là cuộc phỏng vấn lịch sử truyền khẩu với Đạo diễn Khoa Đỗ từ Úc Châu, dành cho Dự án Vietnamese Diasporas Projects về người Việt hải ngoại trên thế giới. Xin chào Khoa. Cám ơn Anh đã mang âm hưởng của xứ Kangaroo đến với Little Saigon.

KD: Cám ơn Trangđài. Khoa rất vui được trao đổi với Trangđài. Khoa nhẹ mình khi mọi người ở đây có thể hiểu được giọng Úc của mình.

TG: Ở đây có lẽ nhiều người thích nghe giọng Úc lắm. Những phản hồi của khán giả về phim “Tình Như Thủ Túc” thật là mỹ mãn. Nói một cách đơn giản là tuyệt vời. Nhưng trước khi nói về bộ phim, Trangđài muốn mời Khoa kể một chút về kinh nghiệm bản thân, đặc biệt là thời gian sinh sống ở Việt Nam, vì Trangđài thấy nếp sống Việt phản ánh rất rõ trong bộ phim.

KD: Khoa rời Việt Nam khi còn là một cậu bé, chỉ mới hơn một tuổi. Khoa không được biết nhiều về đời sống ở Việt Nam.

TG: Vậy mà tiếng Việt của Khoa sỏi quá, lại không có bị lai giọng nữa (cả hai cùng cười).

KD: Khoa đoán là tại vì Khoa nói tiếng Việt với Mẹ và trong gia đình, cho nên cũng được tập nhiều ở nhà. Nhưng dĩ nhiên là Khoa không có ký ức về Việt Nam, mà chỉ có kỷ niệm của một cậu bé lớn lên tại Úc thôi.

TG: Trong một gia đình Việt Nam.

KD: Vâng, trong một gia đình Việt Nam.

TG: Và một cộng đồng Việt Nam?

KD: Cộng đồng... và môi trường ở đó. Có một số hình ảnh của thời thơ ấu.

TG: Nếu Khoa không ngại, xin cho biết Khoa đã sinh ra năm nào và ở đâu?

KD: Khoa sinh ra tại Sàigòn, tháng Giêng năm 1979.

TG: Vậy thì Khoa phải gọi Trangđài bằng chị rồi (cả hai cùng cười). Gia đình Khoa đã vượt biển đến Úc như thế nào?

KD: Gia đình Khoa đi vượt biên năm 1980. Chiếc ghe chỉ dài có 9 mét, và có 40 người trong chuyến đó. Đi năm ngày thì được vớt và đưa qua Mã Lai, trại Pulau Bidong.

TG: Vậy tất cả chuyến đi này, mặc dù Khoa không còn nhớ, nhưng Khoa hiểu được và biết đến chi tiết như vậy, là nhờ Ba Mẹ kể lại cho nghe, có phải không?

KD: Đúng như vậy, và đây là một trong những câu chuyện thường được nhắc đi nhắc lại khi gia đình gặp nhau ăn tối, và trò chuyện. Đến cuối bữa ăn, thì luôn luôn những câu chuyện này cứ tiếp tục tuôn ra. “Nhớ hôn, lần đó mình đi trên ghe, mà bị chết máy. Rồi mình mất một cái chân vịt, và Cậu Sáu phải nhảy xuống để thay. May mà tôi mang theo một cái chân vịt nữa, thấy hôn! Mẹ nói tôi đừng có mang thêm chân vịt, nhưng tôi cứ mang, nếu không thì bây giờ hổng chừng mình vẫn còn trôi dạt lênh đênh đó.” (Khoa độc diễn những câu chuyện đó, Trangđài cười.) Tất cả những câu chuyện này cứ tuôn ra. “Nhớ hôn, lần đó mình bị hải tặc tấn công, tưởng đâu là nó thảy Khoa xuống biển rồi, may mà nó không thảy.” Và đủ thứ chuyện... Khoa nghĩ, từ những câu chuyện này mà mình tái thiết lại lịch sử.

TG: Bởi vì hình như cái gì cũng đều là những mảnh vụn. Cuộc sống là như vậy. Trong một đời sống bình thường, thì mình đã thấy có nhiều điều rất rời rạc với nhau, nói chi là phải tản cư và tái định cư như thế này.

KD: Đúng rồi, và kết quả là từ những câu chuyện này, Khoa tưởng tượng ra được chiếc ghe. Thú thật với Trangđài, Khoa không biết đây là những hình ảnh thật, hay chỉ là những tái thiết từ những câu chuyện Khoa được nghe.

TG: Tối qua, Trangđài thấy thật lý thú khi nghe Khoa kể về thời thơ ấu, được lớn lên giữa biết bao là những câu chuyện. Khoa có nhận ra đó là một sự đãi ngộ không? Bởi vì trong rất nhiều gia đình, ông bà cha mẹ không kể lại cho con cháu nghe về kinh nghiệm chiến tranh, hay kinh nghiệm vượt biên. Đó là bởi vì họ nghĩ những câu chuyện đó thuộc về quá khứ, và nó vốn dĩ quá đau đớn để phải lập đi lập lại. Họ cảm thấy nếu kể lại cho con cháu nghe thì chỉ tạo nên một gánh nặng cho thế hệ sau. Họ không muốn con cái phải mang lấy những kinh nghiệm đau thương đó, nhưng Trangđài nghĩ, các thế hệ trẻ như chúng ta cần phải có cơ hội và điều kiện để gắn bó với các thế hệ đi trước.

KD: Khoa cũng nghĩ vậy. Khoa nghĩ một điều quan trọng là những câu chuyện này được kể lại, được truyền lại, bởi vì chúng ta cần giữ lại lịch sử của mình và ghi nhận lịch sử đó cho thế hệ mai sau. Khoa sẽ kể lại những câu chuyện này cho con cái nghe. Những câu chuyện này giúp chúng ta định nghĩa chính mình. Chúng chính là một thiết kế của cả một lịch sử. Khoa rất vinh dự, và cũng rất may mắn, được Ba Mẹ kể cho nghe những câu chuyện này. Có lẽ cũng hơi khó khăn để kể những chuyện này trong mười năm đầu. Nhưng sau đó, đến thời điểm mà mình đã làm hòa với cả chuyến đi ấy, thì việc kể lại cho nhau nghe những câu chuyện vượt biên trở nên một hình thức chữa lành, một cách để vươn tới một tương lai sáng sủa hơn.

(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT