Sức Khỏe

Chuyện không lạ: Trẻ em ở Mỹ xem màn hình quá nhiều, ngủ ít. Không tốt

Friday, 26/07/2019 - 04:26:24

Trong 20 trẻ em ở Hoa Kỳ thì chỉ có một em đáp ứng được những điều hướng dẫn về giấc ngủ, tập thể dục, và thời gian sử dụng màn hình.


Trẻ em từ 8 đến 11 tuổi đã xem màn ảnh mỗi ngày với thời lượng gần gấp đôi so với 2 giờ được đề nghị. (Getty Images)


Trong 20 trẻ em ở Hoa Kỳ thì chỉ có một em đáp ứng được những điều hướng dẫn về giấc ngủ, tập thể dục, và thời gian sử dụng màn hình. Gần một phần ba không đáp ứng được những hướng dẫn về cả ba lãnh vực trên, theo một cuộc nghiên cứu mới cho thấy.
Tính trung bình, các em từ 8 đến 11 tuổi bỏ ra 3.6 giờ một ngày dán mắt vào TV, điện thoại di động, màn hình của máy tablet hoặc máy điện toán, tức nhiều gần gấp đôi mức giới hạn được đề nghị là hai tiếng đồng hồ, theo các nhà nghiên cứu tìm thấy.

Việc ngủ quá ít và ngồi quá lâu trước màn hình đã được nối kết rõ ràng với một mức sụt giảm trong các năng khiếu nhận thức, chẳng hạn như khả năng ngôn ngữ, trí nhớ, và việc hoàn thành nhiệm vụ, theo nhóm nghiên cứu cho biết trong tạp chí Lancet Child & Adolescent Health.
Tác giả chính của cuộc nghiên cứu là ông Jeremy Walsh, một chuyên gia tại Bệnh Viện Nhi Đồng của viện Eastern Ontario Research Institute. Ông cho biết, “Chúng tôi tìm thấy rằng với thời gian trẻ em xem màn hình hơn hai giờ đã có liên quan đến sự phát triển nhận thức kém hơn.
“Dựa trên những điều chúng tôi khám phá, các bác sĩ nhi khoa, phụ huynh, giáo chức, và những người hoạch định chính sách, nên thúc đẩy việc giới hạn thời gian ngồi trước màn hình giải trí, và nên ưu tiên tiên thói quen ngủ nghỉ lành mạnh trong thời thơ ấu và ở tuổi vị thành niên."
Ông Walsh và nhóm của ông đã xem xét các dữ liệu - dựa trên những bảng câu hỏi chi tiết - từ 4,520 trẻ em ở 20 địa điểm trên khắp Hoa Kỳ.

Họ cũng trắc nghiệm các em về sáu loại năng khiếu nhận thức, điều chỉnh các kết quả về mức thu nhập gia đình, việc phát triển ở tuổi dậy thì, và những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến hiệu năng.
Những kết quả đó được đo lường theo bản hướng dẫn Canadian 24-hour Movement Guidelines. Đối với giấc ngủ và tập thể dục, những điều khuyến nghị đó phù hợp với các khuyến nghị của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Tuy vậy, Canada là nước đầu tiên đề nghị những giới hạn về thời gian dành cho màn hình.
Gần 30 phần trăm trẻ em không đáp ứng được bất cứu hướng dẫn nào trong ba lãnh vực gồm xem màn hình, ngủ, và thể dục. Hơn 40 phần trăm chỉ đáp ứng được một phần tư. Một phần tư đáo ứng được về hai mục, và chỉ có 5 phần trăm đáp ứng được đề nghị về cả ba mục.

Một nửa trong tổng số trẻ em có được giấc ngủ đầy đủ, 37 phần trăm vẫn ở trong những giới hạn thời gian sử dụng màn hình, và chỉ có 18 phần trăm đáp ứng những khuyến nghị về hoạt động thể chất.
“Đứa trẻ đáp ứng được càng nhiều đề nghị cá nhân, thì nhận thức của em càng tốt hơn.“ Cuộc nhiên cứu kết luận như vậy, lưu ý rằng thời gian ngồi trước màn hình là yếu tố quan trọng nhất.
Ngược lại với những cuộc nghiên cứu trước đó, việc thiếu tập thể dục không tương quan với hiệu suất kém hơn trong các bài trắc nghiệm về nhận thức.

Mối liên kết chặt chẽ giữa thời lượng màn hình và chức năng của não “có thể phản ảnh sự gián đoạn của chu kỳ phục hồi căng thẳng cần thiết cho việc phát triển nơi trẻ em,” theo Esteban Bustamante nói. Ông là giáo sư phụ khảo tại Trường Khoa Học Y Tế Ứng Dụng, thuộc viện đại học University of Illinois, và không tham gia cuộc nghiên cứu này.
“Mỗi phút dành cho màn hình nhất thiết phải lấy mất một phút để ngủ.”
Các khoa học gia và các nhà giáo dục càng ngày càng lo ngại rằng việc liên tục sử dụng điện thoại di động từ khi còn nhỏ có thể dẫn đến những vấn đề khác nhau, từ thói nghiện ngập cho tới chứng rối loạn thiếu sức tập trung chú ý.

Trong một cuộc khảo sát mới đây, phần lớn các giáo chức đều nói rằng điện thoại thông minh đã trở thành một mối gây ra phân tâm chia trí trong lớp học, ảnh hưởng đến khả năng tập trung của các em học sinh.
Hiện nay nước Pháp kêu gọi các bậc cha mẹ đừng cho phép trẻ em dưới ba tuổi xem truyền hình. Các bác sĩ nhi khoa người Mỹ cũng ủng hộ một lệnh cấm hoàn hoàn thời gian ngồi trước màn hình, cho trẻ em nhỏ ít nhất 18 tháng đầu đời.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT