Đời Sống Việt

Phóng Sự: Tại sao con gái Việt không thích lấy chồng Việt, và tại sao người ngoại quốc ngại lấy vợ Việt?

Thursday, 17/02/2022 - 08:51:20

Chuyện lấy vợ, lấy chồng là chuyện vốn đã có từ sau khi con người xuất hiện trên mặt đất,...


(Getty Images)


Bài THANH PHONG

LITTLE SAIGON - Chuyện lấy vợ, lấy chồng là chuyện vốn đã có từ sau khi con người xuất hiện trên mặt đất, nhưng mỗi quốc gia, mỗi bộ lạc có những quan niệm và phong tục lấy vợ gả chồng khác nhau.

Đối với người Việt Nam, quan niệm “lấy vợ xem Tông, lấy chồng xem Giống” được rất nhiều người coi trọng trong nhiều thế kỷ trước; các bậc làm cha mẹ luôn mong có con trai để “nối dõi tông đường,” vì thế mới phát sinh chủ trương “trọng nam khinh nữ.” Tuy nhiên, ở vào giai đoạn này, dù người Việt ở trong nước hay người Việt sống tại hải ngoại, các quan niệm trên đều hầu như ngược hẳn lại, nhất là những gia đình đang sống ở ngoài quê hương mình.

Để tìm hiểu vấn đề này, người viết đã phỏng vấn một số người Việt, cả nam lẫn nữ đang sống tại Hoa Kỳ, các người được phỏng vấn đều trả lời một cách thành thật với lòng mình nhưng chỉ xin đừng nêu đích danh, vì thế tên tuổi đề cập trong bài đều được thay đổi:

Michelle Phạm: Năm nay cháu 19 tuổi, cháu đã quen biết một số bạn trai, người Việt có, người ngoại quốc có. Bố mẹ cháu luôn khuyến khích cháu lấy người Việt để dễ hòa đồng với mọi người trong gia đình. Cháu cũng vâng lời bố mẹ, nhưng qua tìm hiểu ba người mà cháu quen biết, cháu chưa thấy người con trai Việt nào phù hợp với cháu nên khi gặp anh Michael, người thanh niên Mỹ trắng này, cháu cũng đang tìm hiểu xem như thế nào, vì thế cháu chưa thể trả lời rõ ràng câu hỏi của chú được.

Nguyễn Mỹ Hạnh: Nói thật, tôi không thích lấy chồng người Việt, tôi đã quen biết và tìm hiểu mấy chàng thanh niên Việt, tất cả đều giống nhau, bủn xỉn, tính toán và chẳng biết ga lăng. Rủ đi shopping họ đều viện cớ này cớ nọ từ chối để khỏi phải trả tiền. Tôi thích tánh người Mỹ, rất ga lăng nhưng sòng phẳng, không tính toán thiệt hơn sống thực không giả dối kiểu đóng phim.

Trần Hoàng Anh: Tôi quen một thanh niên người Mễ trong sở làm, chúng tôi quen nhau một thời gian rồi yêu nhau. Bố mẹ tôi thấy tôi cũng đã trên 20 tuổi, rất muốn tôi có chồng nhưng khi tôi dẫn người yêu về ra mắt thì bố tôi dẫy nẩy lên, xua đuổi “Get out, I dont like you” làm tôi xấu hổ với người yêu. Được cái anh chàng này vì quá yêu tôi nên không giận ông già vợ tương lai. Không biết người Việt nào chỉ cho anh câu “Đẹp trai không bằng chai mặt.” Hernandez, người yêu của tôi, khá đẹp trai, dù ông bố tôi xua đuổi, anh vẫn đến và đứng ngoài cửa chờ tôi. Bố tôi giận lắm nhưng không làm gì được. Ba năm trôi qua, tôi đã thuyết phục bố tôi nhưng ông nhất định không chấp nhận cho tôi lấy chồng ngoại quốc. Ông nói, “Nếu mày lấy nó thì đừng nhìn mặt tao.” Tôi nghĩ mình lấy chồng là lấy cho mình, mình sống với người mình yêu chứ đâu sống mãi với cha mẹ nên hai chúng tôi bàn nhau, quyết định bỏ nhà đi xây tổ ấm, và chúng tôi đang sống với nhau rất hạnh phúc.

Katherine Nguyễn: Cháu không quan niệm lấy chồng người nước nào, Việt cũng được, Mỹ, Mễ gì cũng được miễn là họ thực sự yêu mình, thương mình, nhưng nếu so sánh thì cháu thấy đa số người ngoại quốc họ biết chiều chuộng người yêu và họ sống chân thật hơn.

Trần Thanh Thủy: Tôi cũng quen một vài người bạn trai, Việt có, Mỹ có nhưng tôi chọn bạn trai người Việt vì cùng ngôn ngữ, cùng sở thích những món ăn Việt như tôi, nhất là sầu riêng hay các món mắm mà người Mỹ ngửi thấy là chạy dài nhưng tôi lại thích, nhất là bố mẹ tôi già rồi, lấy chồng ngoại quốc, ông bà không nói chuyện với con rể hay với cháu ngoại được vì không rành tiếng Anh thì tội nghiệp cho các cụ lắm.

Phan Mỹ Hạnh: Tôi có chồng người Mỹ, có lần tôi hỏi anh, “Sao anh chọn lấy tôi?” Anh ta trả lời, “Anh quen một số cô gái Việt Nam trước em, cô nào cũng chỉ đòi hỏi anh đủ thứ, nào là mua sắm quần áo thì phải mua hàng hiệu, ăn thì phải dẫn vào nhà hàng sang trọng. Không những thế còn đòi thường xuyên phải đưa tiền cho cô ta gửi về cho người thân bên Việt Nam và quà cáp cho bố mẹ cô ta ở đây nên khi gặp và quen em, em không đòi hỏi gì như mấy người kia nên anh chọn em làm vợ, đơn giản thế thôi. OK chứ?

Anh Trần Vĩnh Thái: Tôi đang quen một bạn gái người Mễ Tây Cơ làm chung sở với tôi, hai chúng tôi đang nẩy nở tình yêu và có thể sẽ tiến đến hôn nhân không xa. Có lần cô ta hỏi tôi, “Anh thích em ở điểm nào? Tôi cười và trả lời, “Em đẹp, hiền và rất dễ thương.” Cô ta lại cắc cớ hỏi tiếp, “Lỡ bố mẹ anh không chịu cho anh lấy em thì sao?” Tôi nói, “Bố mẹ anh bảo, con gái Mễ lúc chưa có gia đình thì khá đẹp, nhưng khi có một đứa con thôi là xồ xuề, bụng thì bự như lúc nào cũng có chửa, sợ lúc đó con chán nó thì sao?” Bố anh nói vậy. Cô ta nói, “Em thấy con gái người Việt Nam có thân hình thon thả thật đẹp em rất muốn được như thế, nên nếu lấy anh về em sẽ tập nấu ăn kiểu Việt Nam, sẽ ít ăn bánh ngọt, uống Coca và dĩ nhiên sẽ bớt ăn đồ ăn Mễ, anh vừa lòng không?” Tôi đáp, “OK,” và nàng cười khoái chí.

Lê Bích Lun: Cháu quen anh người Phi (Philippines) đã ba năm nay và chúng cháu hứa sẽ kết hôn với nhau khoảng một năm nữa thôi. Cháu thấy anh chàng này vừa hiền lành, vừa rất có hiếu với bố mẹ lại ngoan đạo nữa, và rất lo cho cháu, cả gia đình anh ta cũng thương cháu như con ruột của họ nên cháu thấy lấy chồng không nhất thiết phải lấy người Việt mà lấy người nước nào cũng được, miễn là họ thực lòng yêu thương mình là cháu OK.

Anh Phạm Hồng Đài: Bố mẹ tôi năm nay đã trên 70 tuổi và tôi là con trai duy nhất nên ông bà mong sớm có cháu nội, nhưng bố tôi nói rõ, “Bố chỉ có mình con, con phải lấy gái người Việt, vì họ cùng giòng giống, cùng tổ tiên để sau này con có con trai nối dõi tông đường. Gia tộc nhà mình đều trông vào con đấy.” Tôi thật khó nghĩ quá, vì tôi đang giấu bố mẹ khi quen biết và yêu một cô Mỹ trắng, mà theo bố tôi thì người ngoại quốc không cùng giòng giống, không cùng tổ tiên làm sao nối dõi tông đường, tôi đứng giữa ngã ba đường, chẳng biết làm sao bây giờ?

Anh Robert H. (qua thông dịch của bạn gái Tiffany Trần), “Muốn lấy vợ Việt Nam phải có nhiều tiền để cung phụng đòi hỏi của họ, nếu không đừng nghĩ tới chuyện lấy gái Việt Nam.”

Nancy Trần Hoàng: Cháu đã quen anh bạn người Việt được ba năm, anh sanh đẻ tại Mỹ nên nói tiếng Việt tương đối chứ chưa rành lắm, tánh tình hiền lành, lễ phép, biết ga lăng và lo cho cháu, anh cũng rất mến bố mẹ và chị em cháu, đôi khi hai đứa đi ăn, bao giờ anh cũng nhắc cháu mua đồ về cho bố mẹ và chị em cháu. Bố mẹ cháu tỏ ý rất ưng anh này, và cháu nghĩ chúng cháu sẽ tiến dần đến hôn nhân. Vậy ai bảo thanh niên Việt không biết ga lăng?

Lê Thúy Vân: Đối với tôi, người con trai nước nào cũng được nhưng phải có các tiêu chuẩn: To con, đẹp trai, khỏe mạnh, biết ga lăng, trong khi con trai Việt Nam nhỏ quá mà lại không biết ga lăng, không thích đi chơi như sở thích của tôi.

Trên đây là ý kiến của một số người cho thấy quan niệm về lối sống ngày xưa nay đã thay đổi, Trong thời buổi xưa, người ta nói “Cha me đặt đâu con ngồi đấy.” Hiện nay trái ngược hẳn, nhiều khi cha mẹ phải nghe lời con cái, nếu không chúng bỏ nhà đi thì mất con, vì thế có nhiều gia đình chấp nhận cho con gái hay con trai “Sống thử một thời gian để chúng tìm hiểu trước khi quyết định, biết làm sao bây giờ?” Vì thế, các vị cao niên, các bậc làm cha mẹ người Việt cũng nên tìm hiểu và khoan dung cho con cháu nếu nó không làm theo đúng ý mình mong muốn.

Sống trong thời buổi này, câu nói “Gặp thời thế, Thế thời phải thế” là câu đáng cho chúng ta suy gẫm.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT