Người Việt Khắp Nơi

Chuyện một người Việt tị nạn tạ ơn một người Mỹ đã cứu mạng mình

Wednesday, 27/11/2019 - 07:36:58

Câu chuyện dưới đây được bà Diane Bell viết cho nhật báo San Diego Union-Tribune số ra ngày 25 tháng 11, 2019.


Ông Jeff Koch và ông Phạm Sang gặp nhau lần đầu kể từ khi ông Koch cứu mạng ông Sang 43 năm trước, tại hang đá nằm bên dưới chân của họ ở La Jolla Cove. (Corey Levitan / La Jolla Light)

 


Câu chuyện dưới đây được bà Diane Bell viết cho nhật báo San Diego Union-Tribune số ra ngày 25 tháng 11, 2019. Bài viết đã dựa theo một bài báo khác của ký giả Corey Levitan viết cho nhật báo La Jolla Light. Xin lược thuật bài viết của cả hai tác giả nói trên, để cống hiến độc giả của Viễn Đông nhân ngày Thanksgiving năm nay.

*
Gần 43 năm trước, ông Jeff Koch, lúc bấy giờ là một bảo vệ viên (lifeguard) làm việc ở một bãi biển gần La Jolla Cove, nơi có một thạch động chạy dài từ trên bãi cát xuống nước. Và cũng lúc đó, ngày 16 tháng Giêng, 1977, ông Phạm Sang là một người tị nạn mới từ Việt Nam đến sống trong vùng San Diego, Nam California. Ông Sang đã xuống biển để câu cá, cạy những con sò, hay con hào, bám trên những tảng đá. Không may cho ông Sang, một đợt sóng khá mạnh đã cuốn trôi ông vào bên trong thạch động mà lúc bấy giờ không ai biết hiện hữu.

Ông Koch (khác với những người cùng họ Koch, tên của ông phát âm giống chữ “Cook,” tức là đầu bếp, hay người nấu ăn) đã chứng kiến ông Sang bị nước biển kéo vào bên trong hang đá bên dưới vực đá chạy sát bờ biển.

Ông Koch đã nhanh chân chạy đến, nhưng vì nạn nhân đã biến mất bên dưới vực đá, bảo vệ viên của phố biển La Jolla này đã phỏng đoán chuyện tệ hại nhất đã xảy ra, cho đến khi ông nghe có tiếng kêu rất nhỏ từ bên trong hang đá ngập nước biển, “Help meeee” (Cứu tôi với).

Lời kêu cứu xuất phát từ bên dưới một khe hở trên mặt đá. Thì ra là vài thước sâu ở bên trong vực đá này có một khoảng trống như một hang đá mà các bảo vệ viên không hề biết trước đây. Nạn nhân đã bám tay vào vách đá ở bên trong khoảng trống tối om này và đang cầu cứu.

Ông Koch đã chờ xem nhịp sóng, đợi đến khi nào một đợt sóng đang rút ra đủ an toàn để lội vào bên dưới vực đá tìm người kêu cứu. Ông thấy khe đá trong khoảng trống chỉ vừa đủ lớn cho thân hình nhỏ con của nạn nhân. Lúc đó ông Sang đang bắt đầu bất tỉnh hôn mê. Ông Koch đã nắm đầu dây thừng do các bảo vệ viên khác thả xuống từ bên trên khe đá, buộc vào thân thể của nạn nhân để kéo ông ra ngoài.

Vì thân của ông Koch quá lớn cho khe đá, nên ông phải chờ đến khi nào sóng rút ra xa thì mới dám tìm đường thoát. Các bảo vệ viên bạn của ông đã đếm nhịp sóng và báo cho ông biết khi nào ông có thể lội thoát ra ngoài.

Đó cũng là lần cuối cùng ông Koch thấy ông câu cá người Việt Nam, mặc dù ông có tìm đến bệnh viện để thăm nhưng không gặp nạn nhân. Lúc ấy ông Sang không nói rành tiếng Anh. Tuy vậy, ông đã viết một lá thư tạ ơn gởi đến ông Koch và có giải thích rằng ông đã nhiều lần trở lại bãi biển để tìm nhưng không gặp ông Koch. Ông Sang cũng nói rằng ông sẽ không bao giờ quên ơn cứu mạng này.

Ông Jeff Koch nói với nhật báo La Jolla Light mới đây, “Tôi vẫn còn giữ lá thư của ông ấy.” Ông Koch sau này trở thành một luật sư và làm việc cho Bộ Tư Pháp California chi nhánh San Diego cho đến ngày về hưu.

Câu chuyện cứu mạng rất ly kỳ này đã được nhắc lại khoảng sáu tháng trước đây, khi chính quyền Thành Phố San Diego quyết định đóng một đoạn đường trên đại lộ Coast Boulevard để sửa chữa, chấn chỉnh mặt đường vì có khe đá ngầm sâu ở bên dưới. Từ lâu khe đá đó đã được đặt tên là “Kochs Crack” để vinh danh hành động can đảm của một bảo vệ viên tên Koch.

Đến thời gian gần đây, anh Corey Levitan, một ký giả của nhật báo La Jolla Light, đã tìm lại câu chuyện cứu mạng năm xưa và muốn gặp hai nhân vật chính của câu chuyện đó. Levitan đã liên lạc được với ông Jeff Koch, nay đã 68 tuổi, và truy ra ông Phạm Sang, nay đã 71 tuổi, đang sống với gia đình tại Imperial Beach, cũng trong vùng San Diego. Ông Sang từng là một luật sư tại Việt Nam trước khi tị nạn cộng sản và đến Hoa Kỳ. Ông đã làm việc một thời gian cho Nha Bưu Điện Hoa Kỳ và sau thành lập một văn phòng mua bán địa ốc.

Ký giả Levitan đã dàn xếp một buổi hội ngộ giữa hai ông lão niên trong tháng Chín vừa qua, tại địa điểm từng xảy ra vụ cứu mạng.

Ông Koch kể với nhà báo về ông Sang, “Ông ấy đã có một câu chuyện thoát khỏi Việt Nam rất ly kỳ (với vợ đang mang thai và một người em trai) trước khi Cộng Sản Miền Bắc chiếm được miền Nam.”

Câu chuyện đến đây chưa kết thúc. Gia đình họ Phạm đã tạ ơn bằng một sự trợ giúp tuy khiêm tốn nhưng cho thấy tấm lòng biết ơn đối với gia đình ông Koch.

Sau buổi hội ngộ, con gái của ông Koch và vợ là bà Karen Dalton đã lên đường đến Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu về tình trạng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á. Cô Emi Koch đã được trao học bổng Fulbright-National Geographic để thu thập những câu chuyện ở Việt Nam liên quan đến môi trường.


Ông Jeff Koch (tên ông đọc là “Cook”) trở lại nơi ông từng thực hiện vụ cứu mạng vào năm 1977 và từ đó khe đá được đặt tên “Kochs Crack” tại La Jolla Cove. (Corey Levitan / La Jolla Light)

 

Cô con gái này đã tốt nghiệp trường Scripps Institution of Oceanography với bằng cử nhân ngành sinh học đa dạng và bảo tồn đại dương. Cô đến Việt Nam để thực hiện một cuộc nghiên cứu về sự nguy hiểm do sự biến đổi khí hậu, hâm nóng toàn cầu và nước biển dâng cao gây ra đối với các cộng đồng ngư dân.
Biết được công tác của Emil Koch, gia đình họ Phạm đã cung cấp tất cả những thông tin mà họ có thể có được về đời sống ở Việt Nam, từ phong tục, món ăn, địa điểm mà Emil có thể đến để nghiên cứu, cho đến luật lệ ở nước cộng sản này.

Ông Koch nói với báo Light về sự trợ giúp dành cho con gái ông, “Thật là một sự trùng hợp khá bất ngờ. Tôi rất biết ơn về điều này.”

Hai gia đình cũng đã có kế hoạch dự một bữa ăn chung.

Câu chuyện hội ngộ giữa ông Sang và ông Koch có thể đã không bao giờ xảy ra nếu không có vụ đại lộ Coast Boulevard suýt bị sập. Khi sửa chữa đoạn đường này thì người ta mới nhắc lại một vụ cứu mạng từng xảy ra tại khe đá Kochs Crack. Và cũng nhân câu chuyện này, anh ký giả Corey Levitan muốn nhắc nhở mọi người rằng khe đá được đặt tên là Koch vì thật sự đã có một người tên Koch ra tay cứu mạng một người khác, chứ không phải khe đá được gọi như vậy vì có một ông đầu bếp nấu ăn ở một nhà hàng gần đó.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT