Đạo và Đời

Chuyến taxi cuối cùng của một bà cụ

Wednesday, 20/05/2020 - 04:16:22

Vì đây là chuyến đón khách cuối cùng trong ca làm khuya, nên nếu khách không xuất hiện thì mình về thôi, hết giờ làm việc rồi. Thế nhưng...


Bức hình này do Sư Bhikkhu Samahita (thế danh Jan Erik Hansen) sưu tầm cho câu chuyện của anh tài xế và bà cụ đăng trên báo Buddhist Psychology năm 2013.

 

 

Bài KENT NERBURN

Tôi lái xe đến một địa chỉ đã được nhắn gởi cho hãng taxi và nhấn kèn. Đợi thêm vài phút, tôi lại nhấn kèn lần nữa. Vì đây là chuyến đón khách cuối cùng trong ca làm khuya, nên tôi có thoáng nghĩ rằng nếu khách không xuất hiện thì mình về thôi, hết giờ làm việc rồi. Thế nhưng thay vì bỏ đi, tôi đậu xe lại và bước tới cánh cửa, gõ vài tiếng vào tấm ván gỗ.

“Đợi tôi chút,” có tiếng nói khe khẽ của một phụ nữ lớn tuổi.

Tôi nghe có tiếng chân lê bước trên sàn nhà.

Sau một thời gian khá lâu, cánh cửa được hé mở. Trước mắt tôi là một bà cụ nhỏ bé, trên 90 tuổi. Bà mặc một chiếc váy in màu và đội một chiếc nón tròn như hộp đựng thuốc có kẹp một tấm vải che mỏng, nhìn rất điệu. Trông bà giống như một phụ nữ trong những phim thời xưa của thập niên 1940.

Cạnh bà là một chiếc vali nhỏ bằng nhựa. Bên trong nhà trông như không có ai ở trong nhiều năm. Tất cả bàn, ghế, tủ đều đã được che phủ bởi những tấm vải trắng.

Trên tường không có treo đồng hồ, mặt bàn ở bếp không có thức ăn hay muỗng nĩa ở bên trên.

Trong một góc phòng là một thùng giấy đựng đầy những cuốn album hình và các ly chén.

“Xin anh cầm giùm tôi chiếc vali này ra xe,” bà nói.

Tôi xách chiếc vali ra xe, rồi trở lại để giúp bà cụ. Bà nắm lấy cánh tay tôi, người tài xế của chiếc taxi. Tôi dìu bà đi chầm chậm đến lề đường.

Suốt quãng đường đi bộ từ cửa nhà đến lề đường, bà liên tục cảm ơn sự tử tế của tôi, khiến tôi phải nói, “Không có gì hết bà ơi. Cháu đối xử với tất cả hành khách của cháu như cháu muốn người khác đối xử như vậy với mẹ cháu.”

“Ồ, anh thật là một người con rất tốt,” bà nói.

Khi chúng tôi vào trong xe, bà trao cho tôi một địa chỉ và bảo, “Anh làm ơn lái xe băng qua thành phố được không?”

Tôi vội đáp, “Đi như vậy thì hơi xa, bà ơi, không phải là đường nhanh nhất đâu.”

“Không sao đâu anh,” bà nói. “Không có gì phải vội vàng. Tôi đang trên đường đến nhà an dưỡng.”

Nghe đến đó thì tôi liền ngước mắt lên kiếng chiếu hậu, quan sát bà lão đang ngồi ở ghế sau. Đôi mắt bà ươn ướt.

“Tôi không còn người thân nào hết,” bà nói với giọng khe khẽ. “Bác sĩ nói rằng tôi không còn sống được bao lâu nữa.”

Tôi lặng lẽ đưa tay ra và tắt máy tính tiền, rồi hỏi cụ, “Bà muốn cháu đưa bà đi đường nào?”

Trong hai tiếng đồng hồ sau đó, chúng tôi đã đi vòng quanh thành phố. Chỉ tay vào một tòa nhà, bà nói đó là nơi bà từng giữ công việc điều khiển thang máy cho người ta lên xuống giữa những tầng lầu.

Băng qua một khu phố, bà nói đó là nơi vợ chồng bà đã từng sống khi họ mới thành hôn. Dừng lại bên ngoài một tiệm bán bàn ghế, bà nói khi xưa, xưa lắm, tiệm đó chính là một vũ trường mà thời còn con gái bà hay tụ tập với các bạn để nhảy nhót.

Có những lúc bà nhắc tôi hãy chạy chậm lại bên ngoài một ngôi nhà hay một góc phố. Vào những lúc đó bà chỉ lặng yên nhìn vào khoảng không gian tối đen, không nói một lời nào.

Đến khi có dấu hiệu của bình minh đang bắt đầu ló dạng ở chân trời, bà cụ chợt nói, “Tôi mệt rồi. Hãy đến đó thôi.”

Tôi lái chiếc taxi đến địa chỉ mà bà cụ đã trao cho tôi. Nơi ấy là một tòa nhà thấp, giống như một viện dưỡng lão, có lối xe chạy vào bên dưới cổng.

Hai nhân viên đã bước tới ngay sau khi chiếc taxi dừng lại. Họ nói và hành động rất ân cần, chăm chú theo dõi từng cử chỉ của bà cụ. Họ đã chắc chắn chờ đợi bà cụ từ lâu.

Tôi mở cốp xe lấy chiếc vali nhỏ cho bà. Lúc đó thì bà đã ngồi trong xe lăn.

“Tôi thiếu anh bao nhiêu vậy?” bà hỏi, tay mở bóp như để lấy tiền.

“Không đồng nào hết, thưa bà,” tôi đáp.

“Nhưng mà anh cần kiếm tiền để sống,” bà đáp lại.

“Cháu có những người khách khác, bà đừng lo,” tôi trả lời.

Rồi không một chút suy nghĩ nào cả, tôi bỗng cúi người xuống để ôm lấy bà cụ. Bà ghì chặt lấy tôi.

“Anh đã cho bà lão già cả này một niềm vui,” bà nói. “Cám ơn anh.”

Tôi bóp nhẹ bàn tay của bà, xong tôi bước vào vùng ánh sáng ban mai. Đằng sau tôi, một cánh cửa đã khép lại. Đó là âm thanh của một cuộc đời vừa đóng lại.

Tôi không đón thêm khách nào nữa trong ca làm việc hôm ấy. Tôi đã lái xe loanh quanh, đầu óc miên man chìm vào những ý tưởng. Trong suốt phần còn lại của ngày hôm đó, tôi hầu như không nói với ai một câu nào. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bà lão ấy gặp phải một anh tài xế đang nóng giận, hay đang thiếu kiên nhẫn vì ca làm việc sắp hết? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi không nhận đón khách đêm hôm ấy, hoặc là tôi nhấn kèn một lần, không thấy ai ra thì lái xe bỏ đi?

Nhìn lại, tôi không thấy mình từng làm một việc gì khác quan trọng hơn so với buổi đón khách ấy trong cuộc đời. Chúng ta đã được huân tập rằng cuộc đời mình được đánh dấu xoay quanh những khoảng khoắc vĩ đại. Thế nhưng những khoảng khắc vĩ đại ấy lại thường đến rất bất chợt, được bao bọc trong những gì ta tưởng là tầm thường mà hóa ra lại tuyệt vời.

*

Thêm về bài viết:

Câu chuyện này được cư sĩ Đồng Phúc viết lại tựa và phóng tác tiếng Việt từ một câu chuyện viết bằng tiếng Anh đã luân lưu trên Internet kể từ năm 1999 dưới nhiều tựa đề khác nhau mà không ghi tên tác giả. Nhờ sự điều tra của trang mạng Snopes.com và sự tìm hiểu của Ni Sư Thích Nữ Tịnh Quang, một người Canada xuất gia tại Việt Nam, độc giả được biết đây là một câu chuyện có thật mà tác giả là ông Kent Nerburn. Ông từng viết bài này với tựa đề ‘And where there is sadness, joy’ (tạm dịch ‘Ở đâu có nỗi buồn thì nơi đó có niềm vui’) và đăng trong tuyển tập ‘Make Me an Instrument of Your Peace’ phát hành năm 1999.

Hầu như những chuyện luân lưu đều cho rằng tài xế đã đón bà cụ tại New York. Thật ra là tại một thành phố khác. Ông Kent Nerburn từng giải thích vào năm 2008 trên một trang blog, khi biết câu chuyện của ông đã được nhiều người chia sẻ trên các trang mạng:

“Tôi rất phấn khởi khi biết một khoảng khắc đặc biệt trong cuộc đời tầm thường của tôi đã mang lại niềm an ủi hoặc niềm vui đến cho người khác. Câu chuyện xảy ra vào cuối thập niên 1980, khi tôi sống bằng nghề lái xe taxi ca khuya mà người ta gọi là ‘ca chó’ ở Minneapolis, Minnesota. Điều đáng ghi nhận ở đây là tôi đã không tạo ra khoảng khắc đó; tôi chỉ trải nghiệm và để cho nó tự mở ra và đến với tôi.”

Vào thời buổi đại dịch Covid-19 hiện nay, câu chuyện của bà cụ cô đơn và anh tài xế giàu lòng nhân ái càng làm cho chúng ta thương yêu hơn những vị cao niên đang sống trong lo âu trước nỗi sợ bị nhiễm dịch trong các viện dưỡng lão, và nỗi buồn của sự ra đi vĩnh viễn mà không có người thân ở bên cạnh.

Xin cầu nguyện cho những ai phải ra đi sẽ được đi trong sự bình an với Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về Tây Phương Tịnh Độ.

(Nguồn Tinh Tấn Magazine)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT