Phóng Sự

Chuyện về người mẹ mất con vì ung thư và thông điệp về tình yêu thương (kỳ cuối)

Sunday, 22/11/2015 - 10:52:23

Bà kể hồi đầu vào năm 2000, lúc đó con bà đã mất, bà có mua những miếng CPU máy điện toán gửi về Việt Nam tặng một số bạn trẻ nhà nghèo sống ở những vùng quê miền Trung để có phương tiện học computer, trong đó có ba chị em gái sống ở Phú Yên.

Bài BĂNG HUYỀN

Làm theo di nguyện của con, giúp học trò nghèo hiếu học tiếp tục đến trường

Ý tưởng giúp tiền đóng học phí cho học sinh nghèo hiếu học sống tại những vùng quê ở Việt Nam không phải bỏ dở cơ hội học hành vì gánh nặng cơm áo đã được bà V thực hiện suốt hơn 10 năm qua. Chuyện không ít em học sinh đã tốt nghiệp cấp 3 với số điểm rất cao nhưng vẫn quyết định dừng con đường học vấn lên tiếp đại học, hoặc đang học cấp 2 chuẩn bị lên cấp 3, nhưng không đủ tiền đóng học phí (dù là trường công) cũng đành phải nghỉ học để bươn chải phụ giúp gia đình là điều rất phổ biến từ bao lâu nay tại Việt Nam. Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 (trung học phổ thông) luôn là bước ngoặt đầy khó khăn với nhiều học sinh nghèo. Được thi đại học và tiếp tục ước mơ trên giảng đường là điều những em hiếu học nào cũng muốn. Nhưng với nhiều em khó khăn, đến chi phí lên thành phố dự thi còn không có thì lấy giờ dám ước mơ đeo đuổi việc học bốn, năm năm đại học xa nhà, nào là tiền học phí của trường, tiền trọ, tiền ăn, tiền mua sách vở…

Những thiện nguyện viên và thành viên ban quản trị của hội SAP- VN trong chương trình Mobile Health Care. (SAP-VN)


Nên bà muốn giúp đỡ các em học sinh nghèo có thêm quyết tâm tiếp tục học hành, vì bà nghĩ, chính cái nghèo là nguyên nhân kềm hãm sự phát triển và đà tiến của người trẻ. Có nhiều em quyết tâm học thì luôn tìm mọi cách nào đó xoay sở để học nhưng sẽ rất khó khăn, phải đi làm thêm, bị hạn chế thời gian, thiếu phương tiện nên sức học của các em không phát huy hết mức tối đa. Nếu có một sự giúp đỡ về tài chánh thì các em đỡ khó khăn hơn và chắc chắn học tập hiểu quả hơn. Các em cần có cơ hội học xong trung học, thi lên đại học, học hết đại học, thì các em sẽ có động lực và hy vọng vào tương lai phía trước.
Còn nếu các em quyết định bỏ học và bước chân vào đời sớm thì cánh cửa tương lai cũng hạn hẹp đi rất nhiều. Bà giúp những bạn trẻ có tiền đóng học phí để hoàn tất việc học đại học cũng là theo di nguyện mà con trai duy nhất của bà, em Nguyễn Xuân Thanh trước khi mất đã ước mong bà hãy giúp những người bạn trẻ gặp khó khăn trong đời sống, giúp họ bằng con đường học vấn để họ tạo dựng được tương lai, sống làm người có ích, có thể giúp đỡ mọi người quanh mình. Bởi đây cũng là điều mà em sẽ làm, nếu em hết bệnh, nhưng định mệnh đã buột em phải rời xa “cõi tạm” này khi em chỉ mới 19 tuổi.

Bà nói, “Thật ra mình giúp người nghèo thì không bao giờ cho đủ, vì khả năng tài chính của tôi cũng có hạn, nên không biết bao giờ mới giúp hết nghèo được. Ở Việt Nam người nghèo nhiều lắm, đi đâu cũng thấy người nghèo. Trong lúc đó thì không phải em nào trong gia đình nghèo cũng học giỏi và đậu đại học, có tinh thần hiếu học. Thành ra tôi cũng chỉ lựa chọn trong khả năng của tôi. Vì tôi chẳng phải thần thánh để làm được những thay đổi lớn lao, nhưng chuyện nho nhỏ mình làm có thay đổi tốt hơn thì mình mới cảm thấy là việc mình làm thật sự có ích.”

Bà kể hồi đầu vào năm 2000, lúc đó con bà đã mất, bà có mua những miếng CPU máy điện toán gửi về Việt Nam tặng một số bạn trẻ nhà nghèo sống ở những vùng quê miền Trung để có phương tiện học computer, trong đó có ba chị em gái sống ở Phú Yên.

Sau này cả ba chị em đã học xong đại học về Tin Học, từng đi làm ở công ty Hòang Long (tại Sài Gòn) là công ty lớn nhất nhì chuyên về máy điện toán, hiện nay ba chị em đã tự mở cửa hàng kinh doanh về computer, đời sống không còn nghèo túng như ba mẹ mình.

“Có những em tôi giúp đã học ra bác sĩ, ra kỹ sư rồi có hỏi cách nào để đền ơn tôi, tôi chỉ nói, Các con hãy lo cho bản thân, lo cho gia đình con, còn nếu có khả năng thì hãy giúp cho một vài đứa trẻ có tiền đóng học phí theo học đại học như cô đã từng giúp con vậy, đó là cách đền ơn cho cô.”

Với bà, gửi tiền về đều đặn cho các em ăn học không chỉ đơn giản là gửi tiền xong và mặc kệ mọi chuyện ra sao thì ra, vì hành động đó có thể kéo theo nhiều vấn đề phức tạp, nhiều khi có hại cho người nhận tiền. Vì vậy, khi đã tìm được đối tượng để giúp rồi, năm nào bà cũng về Việt Nam để gặp gỡ những em học trò để xem sự tiến bộ của các em ra sao, có cần thêm trợ giúp nào nữa không. Những chuyến về Việt Nam này bà luôn kết hợp với việc thăm hỏi các em từng được Sap- VN giúp phẫu thuật chỉnh hình. Vì bà là thiện nguyện viên của hội SAP-VN (Social Assistance Program for Vietnam) nhiều năm qua.

“SAP-VN có nhiều chương trình giúp cho người nghèo tại Việt Nam, đặc biệt là trẻ mồ côi và khuyết tật, chủ yếu trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục và phúc lợi xã hội. Chương trình có nhiều thiện nguyên viên từ Mỹ tham gia đông nhất là chương trình Mobile Health Care, có bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ bên này về bên đó, sẽ tập trung ở một địa điểm nào đó để chữa bệnh cho người nghèo tại Việt Nam.

“Trọng tâm của chương trình này là phẫu thuật chỉnh hình những em bị khuyết tật về chân tay, có thể do bẩm sinh, do tai nạn hay chứng bại não gây ra. Tất cả chi phí cho việc giải phẫu, phương tiện di chuyển, thuốc men, ăn uống... đều được SAP-VN bảo trợ trọn vẹn. Mà kinh phí cho các chương trình của SAP-VN có được từ sự đóng góp của các mạnh thường quân và tiền gây quỹ. Một số các thiết bị y tế khác được tài trợ bởi bệnh viện, các công ty dược phẩm địa phương.

“Những hoạt động này được phổ biến rộng rãi đến từng khu vực để các bệnh nhân nghèo tại Việt Nam có thêm thông tin và ghi danh sách. Tại từng địa phương, các đại diện của SAP-VN sẽ đảm nhiệm công việc liên lạc với bệnh viện, chuẩn bị phương tiện và bác sĩ đến tận nơi giải phẫu. Ngoài ra thiện nguyện viên của hội còn đi thăm những đứa trẻ hội đã bảo trợ việc phẫu thuật để có thể vận động được, thăm các cháu sau khi giải phẫu sức khỏe ra sao. Hành trình đi thăm này rất vất vả. Vì các thiện nguyện viên phải đi đến những vùng sâu, vùng xa, phải leo núi. Nhiều khi trên mỗi cái đồi chỉ có một ngôi nhà. Sáng mình leo lên, chiều mình leo xuống coi như bở hơi tai.

“Đi thăm các em mất nhiều thời gian, đi phải ít nhất là 2 -3 tuần, thứ nhì là điều kiện vật chất những nơi đấy rất vất vả. Những người sống quen ở Mỹ về khó có mà thích nghi được. Ví dụ như môi trường dơ bẩn, ăn uống mất vệ sinh, phòng ngủ khách sạn làm sao có những nơi tiện nghi như ở những tỉnh lớn được. Thành ra đó cũng là hạn chế, nên ít người đi. Mà những chuyến đi về Việt Nam để thực hiện các công tác của hội do các thiện nguyện viên và thành viên ban quản trị của hội SAP-VN đều hoàn toàn bỏ tiền túi để đi.

“Nhiều người bận đi làm, sẽ khó mà đi chương trình này. Riêng tôi có nhiều thời gian hơn những người khác, thêm nữa tôi rất dễ dàng chấp nhận những khó khăn về tiện nghi vật chất. Nhờ vậy qua những lần đi thăm các cháu từ Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Nha Trang, Cần Thơ, Sóc Trăng,Vĩnh Long… cơ duyên cho tôi gặp được nhiều em có hoàn cảnh nghèo khổ nhưng hiếu học, thành ra tôi trực tiếp giúp riêng những em này có điều kiện tiếp tục học hành.”

Câu chuyện về những người kém may mắn

Có những câu chuyện về hoàn cảnh của những trò nghèo hiếu học mà bà giúp đỡ, mỗi khi nhắc đến là bà không khỏi thương xót. Bà kể, “Tôi có giúp một cháu trai tên Đại, cháu sống ở ngoài Phú Yên vô Sài Gòn học đại học Bách Khoa. Nhà cháu ở miền Trung nghèo lắm. Bố em đến mùa nông nhàn không có việc gì làm thì vào Sài Gòn bán vé số. Ông lấy vé số của đại lý, bán xong buổi chiều, gửi lại cả lời cả vốn cho chủ. Vì ông ngủ ngoài vỉa hè, nếu mướn phòng trọ thì đâu có tiền giúp con, và không dám giữ tiền trong người sợ bị cướp mất. Năm tôi giúp cháu Đại đóng tiền học năm đầu, năm sau về tôi có gặp bố của cháu. Tôi hỏi ông cứ ngủ vỉa hè, hôm nào mưa thì sao? Ông cho biết mưa thì đứng, khỏi ngủ. Ông chỉ muốn kiếm thêm được tiền giúp con ăn học. Bây giờ cháu đã học xong Bách Khoa rồi!

“Có một cháu trai tên là Trương Phúc Hưng, gia đình là người gốc Huế, tôi đã giúp từ cho cháu từ lúc cháu học lớp 9, đến nay là 7 năm rồi. Cháu rất ngoan, học giỏi, năm nào cũng được phần thưởng, từ lớp 10 cháu đã biết ngồi thiền, tập kungfu và chỉ ăn chay thôi. Nhà cháu nghèo lắm, hai phía nội ngoại đều nghèo. Khi cháu lên học 12, tôi có hỏi con muốn theo học ngành gì. Cháu nói cháu muốn học trở thành công an. Tôi ngạc nhiên lắm, hỏi tại sao vậy? Cháu nói chỉ có học công an thì mới không phải đóng học phí, không phải đóng tiền ăn, tiền ở.

“Nghe điều này tôi rất đau lòng. Những người giỏi mà vào trong môi trường công an, là môi trường không đạo đức, sẽ rất thiệt thòi. Vì vậy tôi mới hỏi nếu con có đầy đủ điều kiện để học, thì con chọn ngành gì. Cháu bảo cháu không dám nghĩ đến, tôi khuyến khích cháu cứ nói. Cháu cho biết muốn học Y khoa. Vậy là tôi hứa cho cháu thêm tiền để cháu học. Nếu cháu đậu y khoa thì sẽ giúp cháu đặc biệt, tiền sẽ giúp nhiều hơn. Không là 300 mỗi năm như trước. Mà là hơn $1,000 mỹ kim một năm. Chưa kể tôi thường mua cho quần áo, giày dép gửi về cho cháu.

“Năm nay cháu đã học xong năm thứ ba Y khoa ngay tại Sài Gòn. Hè năm nay, tôi về có đưa cháu đi thực tập chung với những bác sĩ gốc Việt bên Mỹ về theo chương trình Mobile Health Care. Cùng đi năm nay có mấy chị em bác sĩ gia đình Hoàng Quý Minh, có gặp cháu Hưng, thấy cháu dễ thương, hiền hậu, điềm đạm, làm việc rất chăm, ngoan, nên bác sĩ Qúy Minh đã xin phép tôi sẽ thay tôi giúp em Hưng mỗi năm đến khi em ra trường, còn tôi sẽ tìm em khác giúp. Tôi đồng ý liền.”

Bà nói những năm gần đây ngoài cá nhân bà giúp những học trò nghèo tại Việt Nam mà bà có duyên gặp gỡ, bà còn giới thiệu cho bạn bè quen biết với bà tại Mỹ có điểm chung yêu thích công việc từ thiện, nhận bảo trợ cho vài em giống như bà. “Tôi đưa cho mấy bạn của tôi địa chỉ của các em, email, để các em trực tiếp trao đổi email với bạn tôi bên này, báo cáo tình hình học tập, trường lớp cụ thể. Gia đình bên này có về bên đó muốn gặp các em thì là người thật, việc thật.”

Có những lúc những bạn trẻ nhà nghèo rất cần được tặng một giấc mơ đẹp, một tia hy vọng, một lòng tin để đi vào tương lai, chứ không chỉ là những đồng tiền có thể khiến các em có thói quen ỷ lại và quên mất mục tiêu sau này. Đây là điều bà luôn nằm lòng mỗi khi chọn đối tượng để giúp.

Bà kể, “Tôi về Việt Nam tôi thường chỉ đi xe bus thôi, cách nay ba năm tôi gặp cháu trai tên Phạm Bạch Anh Kiệt ở bến xe bus, khi đó em đang học lớp 11. Bàn chân của em vặn xoay vô trong, đi lại rất khó khăn, nhà em cũng rất nghèo, tôi đã giúp em học. Hiện nay cháu đang học năm thứ hai cao đẳng tin học. Năm nay khi tôi đến thăm em tại nhà, mới biết là mẹ em cũng bị khèo chân, sức khỏe kém. Còn ba cháu từng làm bốc vác ở cảng Khánh Hội, sau này thì làm công nhân ở Tân Thuận. Cháu là con trai duy nhất của gia đình và cháu trai duy nhất của dòng học bên nội.

“Ra đường cháu này là một đứa trẻ tật nguyền, xấu xí, nhưng trong gia đình, cháu là niềm hãnh diện vô biên. Bố cháu tâm sự với tôi rằng dòng họ nhà ông không có ai học hết lớp 9 hết, mà con ông học hết lớp 12 giờ học tiếp lên Cao Đẳng. Đây là niềm hãnh diện. Nhờ vậy mà tôi mới hiểu được vì sao cháu rất tự tin, không hề mặc cảm vì tật nguyền của mình. Dầu vậy, năm nay gặp cháu tôi có phê bình cháu. Tôi nói, Con phải cố gắng học gấp ba lần so với người khác. Vì con bị tật nguyền, thiếu sức khỏe, con cần làm công việc dùng đầu óc để kiếm tiền chứ không thể dùng sức. Bố mẹ chỉ có một mình con, nên phải nghĩ năm, mười năm nữa con phải lo cho bố mẹ.

“Cháu hứa cháu sẽ cố gắng và cho biết muốn có laptop, để vừa đi học vừa đi dạy kèm. Tôi đồng ý mua cho cháu laptop và mới vừa gửi cho người quen cầm về cho cháu, và nói sẽ cắt tiền học của cháu, vì khi cháu đi dạy cháu sẽ có tiền.

“Thật ra tôi bớt tiền của cháu Kiệt vì muốn xem cháu cố gắng đến đâu. Tuy nhiên khi cháu gặp khó khăn quá tôi vẫn tiếp tục gửi tiền về, chứ không cắt hẳn. Nhưng tôi muốn cháu Kiệt phải cố gắng hơn nữa, chứ không sống ỷ lại.”

Làm từ thiện sao cho đúng

Vì bà quan niệm rằng nghèo khổ, tật nguyền không phải là cái tội, nhưng nếu bạn trẻ ấy nhận được sự giúp đỡ của bà một cách quá dễ dàng, rất có thể cậu thanh niên sẽ hình thành lối nghĩ: dùng sự nghèo đói của mình để mưu sinh, chứ không cố gắng phấn đấu để vươn lên. Lúc ấy, người bạn trẻ này sẽ càng nghèo khổ hơn.

Bà cũng luôn tâm niệm làm từ thiện là giúp người ta đứng vững rồi đi trên hai chân của mình, hơn là biến họ thành kẻ ăn mày chuyên nghiệp, sống bằng tiền của mình trong suốt phần đời còn lại. Mà chắc gì mình có thể giúp được họ suốt đời. Vì vậy theo bà nếu có giúp cho người nghèo, mình không chỉ cho họ cá, vì sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề, mà tặng cho họ cần câu để họ tự mình đi câu kiếm sống.

Bà kể, “Năm ngoái khi tôi về Việt Nam, lần đầu tiên tôi gặp chị Nguyễn Thị Như Hoa lúc đó chị đang giúp việc cho mẹ của cô bạn thân của tôi ngay tại Sài Gòn. Chị tới giúp ban đêm ngủ lại nhà để trông chừng bà cụ 90 tuổi, dù cụ còn khỏe mạnh, minh mẫn, tự mình đi chợ nấu ăn, thích cuộc sống độc lập, ở một mình không muốn phiền hà và bị phiền hà bởi các con. Nhưng con gái của cụ là bạn tôi không yên tâm vào ban đêm, sợ cụ bị té ngã, nên thuê chị Hoa đến ngủ lại nhà trông chừng bà cụ luôn. Còn ban ngày thì chị Hoa đi làm ở nhà một người bạn khác của tôi, nhà đấy thì có một bà cụ bị tiểu đường lâu năm, rất yếu, nên chị phải tắm giặt, dọn vệ sinh cho bà, công việc rất vất vả.

“Trước 1975, chị vốn là giáo viên dạy Anh Văn, con nhà rất giàu có, có chồng là thiếu tá không quân Nguyễn Duy Hậu, quê tại Huế, đơn vị cuối cùng ông tham gia trước khi mất nước thuộc liên đoàn 4 phi trường Trà Nóc, Cần Thơ. Sau 1975, ông bị bắt đi tù cải tạo 7 năm, khi họ cho về lại nhà, chỉ bốn ngày sau là ông mất. Chị đã không may bị mất chồng rồi, chỉ còn chị và đứa con trai. Sau đó anh em giành giật đất đai, để rồi chị không có miếng đất cấm dùi. Hai mẹ con phải ở nhà thuê. Đến khi con trai có vợ, phải sống bên nhà vợ.

“Mấy chục năm nay chị Hoa phải đi làm thuê làm mướn để sống. Biết về chị, tôi có giúp chị một số tiền và đem giấy tờ của chồng chị về lại bên này chuyển đến cho cựu trung tá Nguyễn Hạnh Nhơn là giám đốc hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Cô Nhi Quả Phụ VNCH. Bên hội đã xác minh giấy tờ và sau đó có người của hội H.O đến gặp chị Hoa gửi tặng 300 mỹ kim. Chị Hoa kể lại với tôi chị mang tiền của hội về cho chị Hoa còn tặng thêm tiền túi của mình 300 nữa là tổng cộng 600 mỹ kim.

Nhưng công việc không dừng lại đó

“Bạn bè tôi ở Việt Nam rất đông, mà nhiều người rất tốt, luôn trông theo việc từ thiện tôi làm để làm theo. Họ có đề nghị chị Hoa có biết làm bánh tét không? Thì hãy làm rồi họ sẽ tìm người đặt mua dài lâu.
“Chị đã về quê nơi chị sống trước đây ở Đồng Tháp và đặt những người quen ở quê làm bánh và chuyển lên Sài Gòn cho chị giao cho khách. Bánh do người trong làng ở quê chị Hoa làm rất ngon, giá rẻ lại vệ sinh thực phẩm an toàn. Bây giờ mỗi tháng chị Hoa có thể kiếm được 5- 7 triệu. Còn những tháng dịp tết hoặc tháng 7 là tháng xá tôi vong nhân thì bán gấp đôi. Không chỉ bản thân chị có tiền, mà còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người ở quê chị sống trước đây tại Đồng Tháp.

“Mỗi ngày ở Sài Gòn chị nhận đặt bánh, biết số lượng, chị điện về quê, người làng gói và nấu bánh, sáng sớm hôm sau chở bánh lên để chị giao cho khách, bánh vẫn còn nóng hổi. Họ chở bánh từ Đồng Tháp lên Sài Gòn, bánh vẫn còn nóng hổi. Những người đặt bánh sẽ đến tận nơi để lấy. Khách hàng mua bánh của chị Hoa do bạn bè tôi giới thiệu là những khách hàng đều đặn, là những người tham gia sinh hoạt trong các hội tâm linh, những người cùng tập luyện kungfu với nhau. Hội mua bánh của chị Hoa nhiều nhất là hội Pháp Luân Công.”

Bà ước mong những việc làm nhỏ bé của mình sẽ góp phần gieo trồng mầm thiện, xóa bớt cái ác, đây cũng là cách bà dưỡng nuôi tinh thần mình, giúp bà thấy cuộc sống mình có ý nghĩa hơn kể từ sau khi con mất. Theo bà, khi sanh ra trong con người ta có cả thiện cả ác. Từ bi hay độc ác, tùy theo mình nuôi cái gì nhiều thì cái đó nổi lên.

Bà chia sẻ, “Tôi thấy bây giờ mình chẳng còn nhiều thời gian để yêu thương nữa. Chẳng có việc gì phải bon chen, giành giật. Thôi thì cứ làm chắc chắn một điều sẽ làm mình hạnh phúc là hãy yêu thương mọi người, giúp mọi người trong khả năng của mình. Thì mình sẽ đỡ buồn, và những người khác cũng như mình, mọi người sống với nhau hạnh phúc hơn.

“Khi giúp những người kém may mắn, tôi thấy thật ra không phải mình đi giúp người ta mà chính là giúp mình, giúp mình tìm được niềm vui khi đem lại hạnh phúc cho người khác. Tôi không làm những việc thiện để được hưởng phước mà tôi làm vì tôi thấy vui. Tôi nghĩ, mỗi người hãy tích cực đóng góp những điều tốt đẹp để góp phần thay đổi xã hội, dù biết rằng những gì bản thân mình đóng góp được là rất nhỏ. Nhưng chính từ những việc nhỏ sẽ tạo nên những việc lớn, giúp cuộc sống này tốt đẹp hơn.”
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT