Đạo và Đời

CN Lễ Hiện Xuống

Wednesday, 04/06/2014 - 09:04:11

Ở Gò Lê Khưu, thuộc huyện Ngu Thành, tỉnh Hà Nam, có một con quỉ lạ. Nó thường giả dạng con cháu, anh em người ta thật là giống. Có một người lớn tuổi có học thức, có địa vị xã hội, giàu có, một hôm ở chợ về say khướt. Lúc đi qua gò Lê Khưu, con quỉ hiện hình lên làm con của ông ta

LM. Trịnh Ngọc Danh

Ai tỉnh ai say

Ở Gò Lê Khưu, thuộc huyện Ngu Thành, tỉnh Hà Nam, có một con quỉ lạ. Nó thường giả dạng con cháu, anh em người ta thật là giống. Có một người lớn tuổi có học thức, có địa vị xã hội, giàu có, một hôm ở chợ về say khướt. Lúc đi qua gò Lê Khưu, con quỉ hiện hình lên làm con của ông ta, tay ôm ông và dìu ông đi, nhưng miệng cứ lẩm bẩm nhiếc móc say sưa là xấu.

Về nhà, khi tỉnh rượu, ông trưởng giả kia gọi con ra mà mắng: “Tao là cha mày. Tao có làm gì ác nghiệt đâu mà khi tao say, mày lại mỉa mai tao như vậy!”

Người con khóc và van lạy kêu oan: “Oan cho con quá! Thật con đâu dám làm như thế bao giờ. Con nghe đâu ở gò Lê Khưu có giống quỉ khéo bắt chước hiện lên làm người, có lẽ là nó chăng!”

Ông trưởng giả đi dò hỏi. Quả nhiên ai cũng bảo có như thế thật. Ông nghĩ bụng lần sau hễ gặp nó sẽ đâm cho chết. Hôm sau, ông lại đi chợ, chén say khướt mới về. Người con sợ cha lại gặp quỉ quấy nhiễu, nên vội vàng đi đón. Ông trưởng giả trông rõ con mình, nhưng cho là quỉ, liền rút gươm ra đâm chết.

Vì men rượu, lão ông đã không biệt được thật giả, lấy giả làm thật, lấy thực làm giả, nhận quỉ là con, giết con tưởng quỉ! Nhưng có những người say, không phải vì rượu mà say vì dục vọng, say vì ý riêng, say vì lương tâm bất chính.Họ là những người tỉnh nhưng say. Họ say mà không biết mình say.Phân biệt thật hư qủa là một việc khó!

Sách Công Vụ thuật lại: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đẩy cả căn nhà, nơi họ đang tụ tập. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.”

Dân chúng thì kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt bảo nhau: “Những người đang nói đó không phải là người Galilê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” Nhưng cũng có những người khác lại chế nhạo: “Mấy ông này say khướt rồi!”

Thánh Phêrô khẳng định: “Thưa anh em miền Juđê và tất cả những người đang cư ngụ tại Jerusalem, xin biết cho điều này và lắng nghe những lời tôi nói đây: Không, những người này không say rượu như anh em nghĩ, vì bây giờ mới là giờ thứ ba. Nhưng đó là điều đã được ngôn sứ Giôen nói đến: Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng.”

Tất cả đều nghe được các môn nói tiếng mẹ đẻ, tiếng bản xứ của mình. Tại sao cũng chỉ một tiếng mẹ đẻ, một tiếng bản xứ, mà có người ngạc nhiên thánh phục, nhưng lại có người bảo các môn đệ là những người say? Vậy thì ai tỉnh ai say?

Những người cho rằng các môn đệ là những người say, vì họ nghe mà không hiểu. Họ không hiểu vì không có ngôn ngữ của Thần Khí soi sáng. Ngôn ngữ của con cái Thiên Chúa khác với ngôn ngữ của Satan cám dỗ. Họ là những người tỉnh theo con người xác thịt tội lỗi, nhưng lại say vì thiếu Thần Khí. Thần khí là lương tâm luân lý, là lý trí, là tự do của con người trước khi sa ngã. Chúa Giêsu cũng đã khẳng định: Các chiên Ta thì nghe tiếng Ta. Vì chưa thuộc đàn chiên của Chúa, nên họ chưa nghe được tiếng của Ngài, chưa hiểu được ngôn ngữ của Thần Khí.
Như lão ông kia, vì men say, đã không phân biệt được quỉ và con của mình, đã giết con mình mà tưởng đã giết quỉ, con người thiếu ngôn ngữ của Thần Khí thì cũng nhìn cò ra quạ. Chính họ lại là những người say. Họ say vì uống phải rượu độc ác, rượu gian tà, nên không nhận biết, không chấp nhận Đấng đã xuống thế gian để chuộc lại số phận hư mất của con người.

Họ đã lên án và giết chết Đấng đã vì yêu thương con người mà gánh chịu nhục hình thập giá. Họ đã không nhận Đức Kitô là Cứu Chúa của con người mà lại nhìn Ngài như đồ khốn kiếp như thánh Phaolô đã nói: “Chẳng có ai ở trong Thần Khí mà lại nói: “Giêsu là đồ khốn kiếp!”, cũng không ai nói: “Đức Giêsu là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí”; và vì họ không chấp nhận những gì Thiên Chúa truyền dạy, nên họ cho những người làm chứng về Đức Kitô là những người say. Họ say mà cứ tưởng mình tỉnh!

Ngôn ngữ của Thần Khí là luân lý và lương tâm. Ngôn ngữ ấy, tiếng nói ấy là tiếng nói của lương tâm biết lành biết dữ, biết phân biệt đâu là thiện đâu là ác, là lòng yêu thương khác với ghen ghét, là hòa bình chứ không phải chiến tranh, là hòa hợp chứ không phải chia cách, là khoan dung chứ không phải cố chấp, là tha thứ chứ không phải hận thù.

Tiếng nói ấy âm vang trong lương tâm con người. Đó là tiếng mẹ đẻ, là tiếng bản xứ của những người con của Thiên Chúa trên quả đất này, là thứ ngôn ngữ của con tim, lòng tin và sự thật, một thứ ngôn ngữ mà ai cũng có thể hiểu nhau được, nói lên được những khát vọng của con người.

Tuy khác nhau về ngôn ngữ của địa phương, của các dân tộc, nhưng tất cả đều có một thứ ngôn ngữ chung, đó là ngôn ngữ của con cái Thiên Chúa được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà mọi người đều hiểu được ngôn ngữ ấy. Đó là thứ ngôn ngữ mà tất cả chúng ta đều biết, đều được in dấu trong lương tâm, nhưng chúng ta bỏ quên hay không nghe tiếng nói ấy.

Ai thuận theo tiếng nói của lương tâm là những người nghe được ngôn ngữ của mình qua miệng các tông đồ, ngược lại những người không nghe theo tiếng lương tâm, không nghe tiếng của chân, thiện, mỹ thì lại cho ngôn ngữ của các môn đệ của Chúa là ngôn ngữ của những người say.

Ngày lễ Ngũ Tuần, ngày khai sinh một cộng đoàn mới, trong cộng đoàn ấy. “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí... Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi mỗi cách tùy theo ý của Người”. Gió và lửa của ngày lễ Ngũ Tuần đã biến các môn đệ của Chúa thành những người có trái tim rực lửa để đi rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới.

Thảm họa của tháp Babel đã làm phân rẽ và gây xáo trộn sự hiệp nhất bằng những thứ tiếng khác nhau, thì trong Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần làm cho mọi người, mọi dân tộc hiểu được và nhận biết Thiên Chúa duy nhất bằng một ngôn ngữ chung mà ai cũng có thể hiểu được, đó là ngôn ngữ của đức tin, của tình thương, là ngôn ngữ của lương tri, ngôn ngữ của Thần Khí.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT