Tiêu Thụ

Có cần người đại diện khi mua nhà? (bài 2)

Saturday, 19/10/2013 - 09:06:34

3.5% trên giá bán căn nhà, nếu bên mua CÓ đại diện. Tại sao khi bên mua có đai diện thì chủ nhà lại phải trả huê hồng nhiều hơn? Là vì, agent bên mua cũng phải được ăn huê hồng, và huê hồng đương nhiên đến từ túi người bán.

Eric Trần

Chúng ta đang nói về tiến trình mua một căn nhà để ở. Bài lần trước đã đề cập đến những dư luận về mối quan hệ giữa người mua và người đại diện. Hôm nay, xin nói sang vấn đề làm thế nào để tiến hành mua nhà suôn sẻ an toàn mà không cần có đại diện địa ốc, gọi chung là Agent
.
Xác định rõ mục đích

Dĩ nhiên, bạn không muốn dùng Agent, bởi vì bạn hy vọng sẽ tiết kiệm được chi phí mua nhà, là phần tiền lẽ ra sẽ vào túi agent nếu mình thuê họ. Kết quả có thể không được như vậy nếu người mua nhà không cẩn thận. Trước khi trả lời câu hỏi phải làm gì để tỏ ra “cẩn thận,” xin kể lại câu chuyện của một người mua nhà không cẩn thận:
Xin trích: “Tôi tự mình đứng mua nhà. Không nhờ Agent, nhưng tôi có nhờ một luật sư rà soát lại các giấy tờ. Người bán bằng lòng cho tôi coi nhà, và rốt cục tôi đã mua được căn nhà. Nhưng sau đó mới khám phá ra rằng, agent của người bán đã đòi làm đại diện cho tôi luôn. Nghĩa là, anh ta đại diện cho cả 2 bên – người bán và người mua. Với tư cách đó, anh ta nắm trọn vẹn số tiền huê hồng. Riêng về phần đại diện người mua, anh được thêm $23,000. Dĩ nhiên, anh rất vui vẻ và tử tế với tôi. Ngày tôi dọn vào nhà, anh đã mua tặng tôi một bó hồng 12 cánh đỏ tươi…”
Chắc không bó hồng nào có giá cao đến thế: $23,000! Thật vậy, nếu không có tư cách đại diện người mua, thì làm gì agent thêm được bằng ấy tiền? Không có tiền thì làm gì có hoa hồng?
Vậy, có một bài học cần rút ra ngay ở đây: Đó là trước khi ký bất cứ giấy tờ gì trong tiến trình mua bán, chúng ta cần phải xem lại cho kỹ càng để biết chắc rằng trong đó có ghi rõ câu: Agent của người bán KHÔNG đồng thời đại diện cho người mua.
Để có thể hiểu rõ giá trị của chữ KHÔNG nói trên, xin nhắc lại về tiền huê hồng cho Agent bằng một thí dụ đã đưa ra trong bài trước. Chủ nhà và người đại diện (sellers agent, cũng còn được gọi là listing agent) đã thỏa thuận về mức tiền huê hồng như sau:
1% trên giá bán căn nhà, nếu bên mua KHÔNG có đại diện (buyers agent).
3.5% trên giá bán căn nhà, nếu bên mua CÓ đại diện. Tại sao khi bên mua có đai diện thì chủ nhà lại phải trả huê hồng nhiều hơn? Là vì, agent bên mua cũng phải được ăn huê hồng, và huê hồng đương nhiên đến từ túi người bán.
Vậy nếu được phép đại diện cả 2 bên thì đương nhiên Agent sẽ đút túi số tiền huê hồng lớn hơn, tương đương 3.5% giá bán căn nhà. Đó là một viễn tượng mà Agent nào cũng ước ao. Nay, có một người tự đến tìm mình để… nạp mạng, rồi lại dễ dàng ký vào tấm giấy thừa nhận rằng mình cũng là đại diện cho đương sự nữa thì khác nào bắt được vàng? Vàng lúc đắt nhất cũng mới lên tới $2,000 một cây, trúng được cái deal $23,000 như trên còn hơn bắt được vàng nhiều!
Mà các bạn có biết cái người đi mua nhà trong câu chuyện kể trên - không dùng agent với hy vọng tiết kiệm tiền, nhưng rồi lại thoải mái đặt bút ký cho Agent của người bán cũng đại diện cho mình luôn – là ai không? Chúng tôi không tưởng tượng hoặc đặt điều, mà đó chính là ông Clen Kelman, hiện là tổng giám đốc công ty Redfin, chuyên về các dịch vụ... địa ốc! Dĩ nhiên, ông chỉ ngờ nghệch như vậy từ trước khi ông vào làm việc trong ngành mà thôi.
Tóm lại, nếu mong người bán sẽ “mềm” hơn với mình, thì người mua phải nói rõ chữ KHÔNG đó trong những giấy tờ ký kết với đại diện bên bán. Chuyện dễ hiểu, bởi vì chỉ khi người bán bỏ ra 1%, chứ không phải bỏ ra tới 3.5%, trên giá bán, thì mới mong đương sự “mềm lòng” ra với người mua được. Chúng tôi dùng chữ “mềm” hơn, mà không nói tới việc xuống thang giá bán, bởi vì đó là điều không thực tế trên thị trường địa ốc ngày nay.
Và sau cùng, nếu có điều gì thắc mắc về văn bản, chúng ta nên tham khảo với người chuyên môn – có thể là một người bạn trong ngành địa ốc, hoặc một luật sư về địa ốc – và cho người đó biết rõ ý của mình, để bảo đảm rằng chúng ta không ký điều gì ngược lại nguyện vọng của mình.
Trong bài lần sau, bài thứ 3 về đề tài mua nhà không dùng tới người đại diện, chúng ta sẽ thảo luận những điều cụ thể mà người mua nhà “cẩn thận” cần làm.
Erictran15751@gmail.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT