Đời Sống Việt

Cô gái gốc Việt kể chuyện bị kỳ thị tại Ái Nhĩ Lan

Wednesday, 01/03/2017 - 08:09:28

“Nếu bạn là người da trắng và Ái Nhĩ Lan, bạn là người may mắn, rất may mắn. Là một người vừa Ái Nhĩ Lan vừa chink là một cuộc chiến rất vất vả như đánh ngược lên đồi.”



Úna-Minh Caomhánach và bà mẹ nuôi trong một dịp về thăm cố quốc của cô trước đây.


Một số người ở nước Mỹ và tại một số quốc gia Âu Châu đang có khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc, bài ngoại, kỳ thị những người không có nguồn gốc da trắng như họ. Khuynh hướng này đã được công khai hơn từ lúc có phong trào Brexit tại Anh Quốc và sự đắc cử của Tổng Thống Donald Trump tại Hoa Kỳ.


Qua một bài viết đăng trên báo Irish Post ngày thứ Hai, 27 tháng 2, 2017, người ta được nghe câu chuyện của một cô gái gốc Việt kể rõ hơn về kinh nghiệm cô bị kỳ thị tại Ái Nhĩ Lan, một quốc gia mà cô đã hầu như lớn lên từ thuở bé, hấp thụ gần như hoàn toàn nền văn hóa ở đây. Nhưng cho dù cô có trái tim Ái Nhĩ Lan nhiều cách mấy chăng nữa, sự khác biệt bề ngoài, tức là hình dạng Á Đông của Úna-Minh Caomhánach, vẫn luôn đưa đến những lời kỳ thị, miệt thị từ người địa phương.

Úna-Minh Caomhánach là tên của cô gái 25 tuổi ấy, và bài viết trên báo Irish Post mang tựa đề “Một phụ nữ gốc Việt Nam chia sẻ những lời miệt thị chủng tộc gây sửng sốt mà cô đã bị nghe tại Ái Nhĩ Lan.”
Cô gái này chào đời tại Việt Nam, được muôi khôn lớn tại Ái Nhĩ Lan, và đã chia sẻ một hình vẽ để minh họa cho sự dè bĩu, miệt thị mà cô đã nhận ở quê hương thứ hai.


Úna-Minh Caomhánach và hình vẽ minh họa những lời miệt thị mà cô đã bị ném từ người địa phương.

Bài báo cho biết Úna-Minh đã được nuôi khôn lớn tại thị xã Kerry, sau khi một phụ nữ ở đây đã nhận cô làm con nuôi.

Cô sống trong vùng Gaeltacht và thông thạo tiếng Ái Nhĩ Lan từ ngày mới có ba tuổi. Tuy nhiên, theo lời của Úna-Minh, từ khi khôn lớn và trở thành một phụ nữ người Ái Nhĩ Lan gốc Á Đông, cô vẫn thường xuyên bị kẻ lạ buông lời miệt thị.

Qua phương tiện Twitter, cô gái này đã đăng một hình vẽ để cho thấy những lời nói xấu mà cô thường nghe nhất.

Úna-Minh nói trên trang blog, “Tôi vẽ hình này là vì tôi đã bị miệt thị như vậy ngày này qua ngày nọ. Đây là những lời có thật, những câu kỳ thị chủng tộc từ những con người có thật.”

Mục đăng trên Twitter của cô đã nhận được sự chú ý khá rộng trên mạng. Nhiều người đã đề cao sự can đảm của Úna-Minh Caomhánach trước những lời dè bĩu rất cay độc mà cô luôn phải nghe như “đồ ching chong” (ý tương tự “đồ ba tàu” mà người Việt dùng để nói người Hoa) hoặc “thứ mắt xếch quái đản.”

Hình minh họa cho thấy những lời kỳ thị mà Úna-Minh thường nghe trong nhiều năm như “mày sẽ không bao giờ là người Ái Nhĩ Lan,” “hãy trở về nước của mày đi,” hoặc “ồ, mày nói tiếng Anh hay quá ta,” (người Ái Nhĩ Lan nói tiếng... Irish Gaelic).

Một trong những người cảm thông với nỗi buồn phiền của Úna-Minh là ông Graham Linehan, người viết chương trình hài sitcom truyền hình Father Ted (Cha Ted). Ông nói rằng những lời miệt thị như vậy thật đáng “xấu hổ.” Nhà văn này nói câu chuyện của Úna-Minh làm ông nhớ đến lý do tại sao ông và người bạn viết văn Arthur Matthews đã viết một kịch bản mang tựa đề “Are You Right There Father Ted?” (Cha Ted, Ông Có Ngay Ở Đó Không?).

Ông Graham cho biết kịch bản ấy kể lại những lời nói và hành động kỳ thị nhắm vào người gốc Hoa mà ông đã từng chứng kiến ở New York.

Một điều đáng kinh ngạc, là hình vẽ của cô Úna-Minh Caomhánach cũng thu hút thêm những lời kỳ thị, và rồi cô chuyển lại những lời này đến cho hàng ngàn người theo dõi trang Twitter của cô để mọi người cùng biết.
Một người dùng Twitter nói rằng Úna-Minh “không phải là người Irish” vì lý do chủng tộc.

Cô viết trên Twitter, “Thế rồi hình vẽ đó lại đưa đến thêm những lời tấn công nhắm vào tôi. Đây là những lời họ viết.

“Tôi cũng muốn nhắc lại và nhấn mạnh là tôi không nề hà chi hết. Những chuyện như thế này cần được đưa lên cho mọi người cùng biết, thay vì giấu giếm và nhét nó dưới thảm lót chân.

“Tôi chỉ muốn bạn làm một điều, là đừng khuyên tôi hãy làm ngơ những lời miệt thị, vì làm như vậy rất dễ đối với những ai không bị kỳ thị trên mạng cũng như ở ngoài đời.”

Úna-Minh cho biết vào năm 2013, cô từng bị kỳ thị qua một hành động rất ghê tởm. Đó là có người đã khạc nhổ vào người cô và nói cô là một tên “chink” (một lần nữa, đây là một chữ mạ lỵ với ý tương tự như người Việt gọi người Hoa là “đồ ba tàu”).

Vào thời điểm xảy ra sự việc đó, cô có viết trên mạng: “Tôi vừa bị khạc nhổ bởi một đám trẻ con mất dạy, chúng nói gọi tôi là chink. Mong cho tụi nó lớn lên trở thành những người không là gì cả. Đôi lúc tôi rất thù ghét Ái Nhĩ Lan.

“Tôi rất sửng sốt. Tôi thường bị người ta nói xấu, ném những lời miệt thị, nhưng chưa bao giờ bị khạc nhổ hoặc bị đụng đến thân.

“Nếu bạn là người da trắng và Ái Nhĩ Lan, bạn là người may mắn, rất may mắn. Là một người vừa Ái Nhĩ Lan vừa chink là một cuộc chiến rất vất vả như đánh ngược lên đồi.”

Hiện nay cô Úna-Minh Caomhánach đang chăm sóc một trang blog du lịch khá nổi tiếng, có tên là “Before My Mam Dies,” (Trước Khi Mẹ Tôi Chết). Đây là trang du ký ghi lại những sự kiện diễn ra trong cuộc du ngoạn của Úna-Minh và người mẹ nuôi mà nay là một giáo viên đã về hưu. Theo ngôn ngữ riêng, cô gọi người mẹ này là “Mam.”

Cô cho biết mục đích của việc viết trang du ký là để giúp cô “được xem thế giới nhiều hơn với Mam của tôi, trong thời gian còn lại của chúng tôi.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT