Người Việt Khắp Nơi

Cô giáo Mai Đinh Keisling được giải EVE Award 2017

Sunday, 18/06/2017 - 06:04:36

Thử thách nối tiếp thử thách, khi thiếu nữ Mai Đinh, 17 tuổi, cảm thấy lạc lõng tại một thành phố xa lạ, không người thân, không biết tiếng Anh và không biết khi nào mới gặp lại cha mẹ.


Cô giáo Mai Đinh Keisling cùng các em học sinh trong lớp mỹ thuật cao cấp của cô. (The Florida Times-Union)


JACKSONVILLE, Florida - Muốn hiểu rõ Mai Đinh Keisling, mọi người phải tưởng tượng ra được cuộc hành trình thoát khỏi nước cộng sản Việt Nam của cô. Dưới đây là bài viết về người phụ nữ họ Đinh đăng trên nhật báo The Florida Times-Union vào đầu tháng Sáu vừa qua.

Hàng chục người bị nhét như cá hộp trong chiếc thuyền đánh cá dài 15 feet. Thuyền lênh đênh vô hướng trên Biển Đông, với khẩu phần ăn mỗi ngày cho một người là ba muỗng nước và một muỗng bột gạo trộn đường.

Thử thách nối tiếp thử thách, khi thiếu nữ Mai Đinh, 17 tuổi, cảm thấy lạc lõng tại một thành phố xa lạ, không người thân, không biết tiếng Anh và không biết khi nào mới gặp lại cha mẹ.

Chính những kinh nghiệm này hình thành nên Mai Đinh Keisling, 52 tuổi, của ngày hôm nay, giúp cô trở thành một giáo viên dạy môn nghệ thuật họa tại Paxon School for Advanced Studies. Sự ham muốn giúp đỡ người khác mạnh mẽ tới mức đó là nguyên nhân của sự thành công, của danh hiệu "người đoạt giải EVE Award."

Cư dân East Arlington chính thức công nhận ảnh hưởng của cô đối với con cái họ, học sinh, người tị nạn, và đối với công việc tình nguyện của cô tại Quỹ Giáo dục Công cộng Jacksonville. Cách đây 4 năm, cô bắt đầu làm tình nguyện viên cho Quỹ Giáo dục Công cộng, là một cơ quan cố vấn và quản lý quỹ giáo dục từ thiện. Cô cũng là thành viên Ban Đặc nhiệm Bàn tròn Giáo viên để tìm hiểu các vấn đề trong ngành giáo dục công cộng.

Ngoài ra, Mai Đinh Keisling còn làm việc với Dự Án Tiếng Nói Sinh Viên trong chín tháng qua. Đây là dự án giúp sinh viên thảo luận về cuộc sống ở trường, về những thách thức, về điều gì hiệu quả và không hiệu quả, về sự thành công và quan điểm ​​về bài kiểm tra.

Mai Đinh Keisling thực sự là chỗ dựa của người tị nạn và sinh viên tị nạn. Năm 2016, cô thành lập một liên minh để giải quyết các vấn đề của họ, ví dụ bị quấy rối hoặc sợ bị trục xuất. Sự nhiệt tình của cô khiến đồng nghiệp khác chủng tộc cũng nảy sinh mối đồng cảm.

Maira Martelo là giám đốc huy động cộng đồng cho quỹ giáo dục công cộng, thẳng thắn nói Mai Đinh Keisling luôn tìm mọi cách giúp đỡ di dân châu Á, đặc biệt là di dân Việt Nam. Nhưng cô không giới hạn lòng yêu thương mà sẵn sàng mở rộng vòng tay cho những người đang cần sự giúp đỡ. Cô cũng rất quan tâm tới trẻ em cộng đồng Hispanic trong khu vực.

Theo nhận xét của Maira Martelo, Mai Đinh Keisling là một tình nguyện viên luôn trung thành với cam kết của mình. Cô dạy bọn trẻ bằng một trình độ chuyên nghiệp, giúp chúng tổ chức các sự kiện có đẳng cấp thành phố. Đó là điều không phải giáo viên dạy họa nào cũng làm được.

Lớp học của cô Mai Đinh Keisling thực hiện nhiều dự án dịch vụ, gồm vẽ ba bức tranh tường cho Hammond Senior Center, tạo tác phẩm điêu khắc bằng đất sét nhà thiết kế đóng giày Joseph LaRose, hoàn thành tác phẩm với cung và hoa để gây quỹ cho Museum of Contemporary Art Jacksonville, sử dụng pin gỗ trong môn bowling để khắc chân dung Marie Antoinette, Steve Irwin, Hatter Mad Hatter và Lion King, gây quỹ cho tổ chức Big Sisters Big Brother của vùng Đông Bắc Florida.

Ngoài thời gian dành cho lớp vẽ và học sinh, Mai Đinh Keisling là một người sùng đạo, dồn những giờ rảnh cho cộng đồng Công giáo Việt Nam. Cô cũng giữ chức giám đốc tài chính tại Christ the King Catholic Church suốt 16 năm qua. Hiện nay, cô thường đi lễ ở nhà thờ Holy Spirit thuộc thành phố Fort Caroline.
Cô lập gia đình với Charles Keisling lúc mới chớm 20 tuổi, giờ đây cuộc hôn nhân của họ ngày càng bền vững sau 32 năm chung sống. Họ có một con trai là Nick, 20 tuổi, và một con gái là Sheridan, sắp 16 tuổi.

Mai Đinh Keisling về thăm Việt Nam nhiều lần. Sau mỗi chuyến thăm này, cô cảm thấy mình may mắn hơn và nên sống khiêm tốn hơn. Cách đây 16 năm, cô bảo lãnh và đưa mẹ sang Hoa Kỳ sống với cô. Từ đó, cô vẫn thường xuyên tài trợ cho sáu anh chị em vẫn còn ở Biên Hòa.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT